Tôi gặp bà trong 1 dịp theo đoàn thiện nguyện vào thăm các cụ già neo đơn trong viện dưỡng lão. Tuy là 1 viện dưỡng lão tư nhân dành cho những người có điều kiện về vật chất nhưng có rất nhiều cụ ông, cụ bà tiền bạc đếm không xuể nhưng chẳng có người thân thăm viếng vấn an cho những ngày cuối đời; thậm chí có thể nhắm mắt xuôi tay mà chẳng có 1 người thân bên cạnh. Do vậy thỉnh thoảng 1 vài tháng nhóm chúng tôi vào thăm, trò chuyện và tổ chức những trò giải trí cho các cụ.
Đó là 1 phụ lão đẹp toát ra dáng vẻ quí phái ít người sánh kịp, bà luôn giữ 1 nụ cười vừa phải trên môi, không quá vồn vã khi chúng tôi đến thăm hỏi. Mỗi lần chúng tôi ghé lại phòng, bà luôn chào đón với 1 âm điệu êm dịu, xã giao vài ba câu chừng mực. Bà luôn từ chối khi chúng tôi hỏi có cần giúp gì không hoặc có việc gì chúng tôi có thể làm cho bà vui trong ngày ấy. Lại có những hôm chúng tôi đến thì bà không ở trong phòng mà ra cái hồ nhân tạo nhỏ nhỏ ngoài sân ngồi vẽ tranh. Tôi là đứa mù tịt về âm nhạc và hội hoạ nên nhiều lúc nhìn những tác phẩm của bà được treo khắp viện và trong phòng riêng, tôi chẳng hiểu nghệ thuật của bà theo trường phái nào, trong đôi mắt vụng về của tôi chỉ thấy đâu đó hình ảnh các ngôi nhà và những đứa trẻ.
Nghe nói đã nhiều năm bà không có người thân thăm viếng, có chăng thỉnh thoảng vài người bạn cũng trạc tuổi bà ghé vào ngồi bên nhau, thì thầm nhiều giờ rồi ra về.
Và cứ như vậy, chúng tôi làm thiện nguyện khắp các viện dưỡng lão tại thành phố này vài năm, từ những chỗ cưu mang các cụ già neo đơn khốn khổ đến các viện cho người có điều kiện. Tôi vẫn gặp bà cụ mỗi tháng 1 lần, vẫn đứng nhìn bà vẽ tranh bên hồ, vẫn cảm nhận nét đẹp quý phái của thế hệ xưa, vẫn không hiểu tại sao các ngôi nhà và những đứa trẻ, và nhất là muốn biết bà ấy là ai.
Buổi chiều hôm ấy, khi đang im lặng ngồi nhìn bà vẽ dưới ánh nắng lung linh yếu ớt của chiều tà vào 1 ngày chủ nhật. Bỗng dưng bà dừng tay, ánh mắt vẫn nhìn về trước và buông câu hỏi: Cháu có biết tôi đã và đang vẽ gì không?
Khi nghe tôi trả lời, hình như ẩn chứa khắp các tác phẩm của bà là ngôi nhà và những đứa trẻ.
Bà quay mặt lại nhìn tôi, trong đôi mắt nâu mờ tôi bỗng giật mình nhìn thấy 1 hố đen sâu thẳm, vẻ bi thương tôi chưa từng cảm nhận như con thú vừa trúng tên của người thợ săn, lại cô độc như tản đá ven đường không người chú ý.
Bà cụ từ tốn nói: cháu có biết vì sao tôi làm ra những bức tranh như vậy không? Chúng mô phỏng cuộc đời tôi.
Bà nói tiếp: cháu là 1 trong những người trẻ tuổi hiếm hoi luôn kiên nhẫn với mấy ông bà già chúng tôi. Cháu luôn hỏi tôi có cần giúp gì không? Vậy 1 ngày nào cháu thật rảnh hãy trở lại đây, ngồi bên tôi để nghe tôi kể câu chuyện đời mình. Như vậy cháu giúp tôi giải toả nỗi niềm riêng của những ngày cuối đời.
Và đây là câu chuyện tôi đã nghe suốt nhiều giờ của ngày thứ bảy tuần sau ấy…
Tôi lớn lên trong 1 gia đình quyền quí của Bắc Trung bộ, không gọi là sinh ra vì tôi là con ngoại hôn của mẹ tôi trước khi bà về làm bà Ba của người tôi gọi là Cha nhưng không chung dòng máu. Lý do duy nhất để trở thành bà Ba trong cái gia đình cay nghiệt đó đều nhờ váo sắc đẹp thiên phú của mẹ tôi và đôi tay nghề tuyệt xảo của bà. Mẹ tôi là 1 trong những nghệ nhân nổi tiếng về nghề thuê hoa trên lụa.
Gần như hầu hết các gia đình quyền quí trong vùng đều có 1 bộ áo được mẹ tôi thêu may, mà cũng vì vậy tôi mới được hình thành không mong không đợi bởi 1 trong những chủ nhân của các chiếc áo gấm ấy.
Tuy là con ngoại hôn, sống vào đầu thế kỷ 20, bị kỳ thị đủ điều nhưng nhờ vào sự thông minh lanh lẹ nên tôi cũng được ăn học gần như đầy đủ so với các anh chị em cùng mẹ khác cha và các con của bà Cả bà Hai.
Vừa bước qua tuổi 20, chuẩn bị xuất giá với 1 trong những người được cha mẹ tôi lựa chọn thì phong trào Việt Minh tiêu thổ kháng chiến bùng nổ khắp đất nước. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi từ bỏ nệm ấm chăn êm, bỏ các cuộn chỉ thêu trên khung vải gấm, mà vào rừng theo kháng chiến chống Pháp.
Vài năm sau khi trên đường tham gia đội văn nghệ cho liên khu thì cả đoàn bị quân Pháp phục kích. Tiếng súng vang khắp nơi, tôi ngã xuống, trong đầu loé lên suy nghĩ “Ôi mình đã được hy sinh vì tổ quốc “. Tuy nhiên tôi không chết mà cũng chẳng bị thương, quân Pháp mang tôi về trại tù ở Huế. Cuối cùng cha mẹ tôi cũng nghe tin nhưng vì quyền lợi của gia đình nên không vào thăm viếng hay can thiệp.
Nữ tù thời ấy sợ nhất là bị cai tù làm nhục nên nhiều người quyên sinh để giữ tròn danh tiết. Tôi đang như con cá trên thớt thì anh xuất hiện . Là con trai duy nhất của 1 đại quan triều Nguyễn, anh vô tình ghé qua thăm 1 người bà con đang làm việc tại đó, gặp lúc tôi bị đưa ra lao động ngoài sân cỏ. Chẳng hiểu vì duyên số, hay do định mệnh, hoặc sắc đẹp di truyền từ mẹ tôi; anh thuyết phục gia đình anh ra Bắc gặp ba mẹ tôi, 2 bên thoả thuận nếu anh mang tôi ra khỏi nhà lao thì tôi sẽ thành vợ anh. Mẹ tôi yêu cầu 1 điều duy nhất: tôi phải danh chính ngôn thuận trở thành chính thất, dâu trưởng của nhà anh. Vậy là tôi lấy chồng, không yêu đương, không hẹn hò, bỏ quên món nợ với tổ quốc mà lo trả nợ phận má hồng.
Muốn bỏ quên quá khứ phản bội “mẫu quốc” lại phía sau, chúng tôi vào Nam. Anh tiếp tục học, tôi lo việc nội trợ. Những lúc rảnh rỗi tôi bắt đầu học vẽ. Chẳng hiểu vì say mê hội hoạ hay có tố chất nghệ nhân của mẹ tôi mà những tác phẩm của tôi rất có “hồn”.
Tuy nhiên đời không là mơ, tôi xẩy thai liên tục 3 lần trong 4 năm. Là con trai duy nhất, là cháu đích tôn của 1 đại tộc, gia đình anh không chấp nhận. Cha mẹ anh họp gia tộc , bao nhiêu cái miệng yêu cầu tôi đồng ý ly dị để anh có vợ khác vì tội vô sinh. Tôi cay đắng cảm nhận thân phận người phụ nữ trong hôn nhân không hơn không kém 1 máy đẻ. Mãi nhiều năm sau tôi không bao giờ tha thứ cho những người tham gia cuộc đấu tố ngày đó. Anh cương quyết bênh vực tôi.
Như 1 phép lạ, 2 tháng sau tôi có bầu, 9 tháng sau 1 bé trai ra đời. Việc đầu tiên mẹ anh làm là mang con trai tôi cho 1 bà cô không chồng không con nuôi để cho các “vong” trước không theo phá. Bị tước đoạt thiên chức làm mẹ, bị chiếm đoạt cái sứ mệnh cao quí nhất của người đàn bà… dù đau khổ tôi cũng đành thuận theo. Vài lần mỗi năm tôi được phép ghé qua thăm con , chồng tôi gần như hoàn toàn xa cách, do vậy tình mẫu tử, tình phụ tử mong manh như giọt sương buổi sáng chốc đậu, chốc tan.
Sau đó tôi sinh tiếp 2 nam và 1 nữ.
Cuộc đời cứ thế mà thay đổi vận người. Chồng tôi thành danh trong công việc chuyên môn , cực kỳ thành đạt.
Và tôi trong chừng ấy năm đã trở thành 1 hoạ sỹ nổi tiếng khắp Saigon. Nếu hôm nay cháu gặp lại những người lớn tuổi của “Saigon xưa” thì hầu như ai cũng biết tên tuổi của tôi.
Khi Vũ con trai lớn được 14 tuổi thì cha mẹ chồng tôi đều qua đời, bấy giờ tôi mới đón được cháu về nhà cùng chung sống. Đó là 1 đứa bé cao to đẹp trai hơn các bạn cùng trang lứa. Vũ thừa hưởng sự thông minh của nhà nội, tuy nhiên do vì được nuông chiều quá độ từ bà cô nuôi nên Vũ là 1 bài toán khó trong các phương trình đúng theo thứ tự của các toạ độ, ẩn số, và lý giải…
Chồng tôi tuy đồng ý cho tôi theo đuổi ước mơ hội hoạ nhưng cực kỳ gia trưởng với những vấn đề khác trong gia đình. Anh ấy đưa Vũ vào khuôn khổ như những thành viên khác trong nhà ngay tuần đầu tiên: ăn uống ngủ nghỉ đúng giờ, đến trường, về nhà, học thêm, các môn thể thao… đều có 1 thời khóa biểu rõ ràng, và mỗi đứa con đều phải là 1 trong 5 học sinh xuất sắc nhất trong lớp. Nhất là đối với Vũ, chồng tôi có hoài bão cháu kế thừa sự nghiệp và sẽ là 1 trong những gương mặt trẻ nổi tiếng của Saigon. Ngột ngạt trong cuộc sống mới, mãi đến năm 17, 18 tuổi Vũ vẫn không thoả hiệp được với chồng tôi về những nguyên tắc và sự giáo dục khắc khe. Những lời mắng chửi la hét, đánh đập chẳng giúp được gì mà còn làm cho thằng bé nổi loạn.
Vũ thường xuyên trốn về nhà bà cô nuôi, trong 1 lần chúng tôi đến đón Vũ về, nó khóc và nói: đây mới thật là nhà và mẹ của con, ba mẹ là 2 người xa lạ.
Khi nghe như vậy, trái tim người mẹ của tôi co thắt lại, đó là định mệnh, là số phận hay do sự nghiệt ngã của con người gây ra?
Tuổi trẻ Saigon bắt đầu sa vào các cuộc ăn chơi thác loạn, với sự bao che của bạn và mấy đứa em, Vũ bí mật tham gia các hội nhóm do các thiếu gia Saigon tổ chức. Và 1 ngày Vũ không trở về nhà sau giờ học. Tìm kiếm khắp nơi chúng tôi mới biết Vũ bỏ nhà ra đi với 1 bé gái 17 tuổi của 1 gia đình thương nhân khác. Không tưởng tượng được sự giận dữ của chồng tôi, tất cả đều vô ích.
2 đứa trẻ 17-18 tuổi xuất thân tạm gọi là hào môn làm thế nào sinh tồn giữa Saigon với 2 bàn tay trắng? Gia đình bé gái kia đến gặp chúng tôi, 4 cặp mắt nhìn nhau ngỡ ngàng, không hiểu đã làm sai chỗ nào khiến xảy ra cớ sự.
Tóc tôi bạc trắng qua đêm, suy xét lại xem đã làm tròn bổn phận của người mẹ những năm Vũ trở về nhà, hay tôi say mê sự nghiệp và danh vọng mà quên vun bồi, bù đắp cho Vũ 14 năm xa cách? Mở trắng mắt nhìn trần nhà mỗi đêm, tôi trăn trở không biết 2 đứa bé lưu lạc phương nào.
Có đêm tôi thức giấc giữa khuya nghe tiếng nước chảy trong phòng tắm, tôi nằm bất động vì đó là tiếng nước chảy mỗi khi Vũ thích tắm khuya, phải chăng Vũ lén lút trở về sau bao ngày? Định thần lại, tôi nhìn xung quanh phòng ngủ, thì ra âm thanh vọng ra từ cái TV đã hết khung giờ phát sóng. Không thể nào diễn tả tâm tư của tôi đêm hôm ấy, hụt hẫng, thất vọng, đau thương, tan nát…
Lịch sử sang trang, 30 tháng 4, 1975, bụi mù tung bay khắp chốn, cuộc sống thay đổi đến mức không ngờ được. Như mọi gia đình khác của miền Nam, chúng tôi phải tập thích nghi dần dần với những ngày tháng mới. Bà cô nuôi Vũ giờ đã rất già, mỗi khi ghé thăm bà chúng tôi đều nói dối rằng Vũ ham học lo cho tương lai nên 3-4 năm nay không về thăm. Có vẻ không tin chúng tôi nên nhiều khi bà hỏi đi hỏi lại, đôi khi giận dỗi và yêu cầu Vũ viết cho bà vài chữ.
4 năm sau ngày Vũ bỏ nhà ra đi, 1 buổi chiều bà cô nuôi nhờ người đưa đến nhà chúng tôi. Vừa bước vô nhà, bà cụ trừng mắt nhìn 2 vợ chồng tôi và la lớn: tại sao 2 đứa bây không cho tau biết là thằng Vũ đã chết? Nó về báo mộng cho tau khi tối!!!
Nói vừa dứt câu bà cụ ngã ngửa giữa nhà, tôi cũng ngất đi.
Ngày hôm sau tôi tỉnh dậy trong bệnh viện buổi sáng thì buổi chiều người ta báo tin đã tìm ra Vũ và bạn gái.
Tôi 1 mình lên xe đi Đà Lạt, chồng tôi từ chối đi cùng. Cung đường từ Saigon lên Đà Lạt có nhiều thắng cảnh đẹp say lòng các đôi tình nhân.
Tôi cùng chồng đã tự lái xe lên xuống SG-ĐL, ĐL-SG rất nhiều lần, đã dừng chân bên những ngọn thác, rừng thông chụp những tấm hình cực kỳ đẹp. Cũng tại nơi này tôi đã cho ra đời những tác phẩm xuất sắc. Vậy mà ngày hôm ấy, trên chuyến xe kia là 1 hành trình đi về địa ngục, tôi ước chi bánh xe trượt lái rơi xuống vực sâu để tôi không phải đối diện với sự thật kinh hoàng.
Những lời nói chậm rãi của người đưa tin như âm điệu ma quái, như tiếng chuông gọi hồn, như dành cho ai chứ chẳng phải cho tôi.
1 người vô gia cư tìm được những mảnh xương khô trong rừng thông, lần theo dấu vết công an tìm thấy 2 bộ hài cốt lộ thiên. Bên cạnh là 1 bọc giấy dầu chống thấm có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân kèm theo 1 bức di thư Vũ viết cho tôi. Người ta tin rằng cả 2 đã tự sát không bao lâu sau ngày giải phóng vì không có hộ khẩu và nơi cư trú hợp pháp. Vậy mà lâu nay cả 2 gia đình đều thầm mong và hy vọng chúng nó đã vượt biên thành công.
Theo nguyện vọng trong di thư của Phương, bạn gái Vũ, chúng tôi hạ táng cả 2 tại nghĩa trang Đà Lạt. Ngày đưa ma, nhìn 2 quan tài hạ huyệt, 1 bên đông đủ cha mẹ nội ngoại, bên này 1 mình tôi đơn độc giữa cái lạnh xé da của xứ sương mù. Ngước nhìn bầu trời trong suốt tôi tự nghỉ mình đã sai tự bao giờ và từ đâu mà khiến con trai mình đi vào tuyệt lộ? Trước khi đóng nắp quan tài chứa đựng những mảnh xương rời rạt còn sốt lại của Vũ, tôi bỏ vào quan tài cuốn nhật ký và di thư Vũ viết cho tôi. Tôi thì thầm như cho chính mình: mẹ xin lỗi con ngàn lần, mẹ không đủ can đảm đọc nó, mẹ gởi lại cho con tất cả.
Ngày hôm sau tôi bước vào nhà, người đầu tiên tôi gặp là gương mặt vô cảm của chồng tôi, tôi nói rất nhỏ như tiếng gió rít qua kẽ răng: Ông và gia đình ông đã giết chết con tôi.
*********
Có dịp tôi sẽ kể cho cháu nghe câu chuyện của những năm về sau và tại sao tôi lưu lạc tới đây, cám ơn cháu đã chịu khó nghe tôi tâm sự.
28 tháng 3, 2025
Phan Hồng Duy- https://www.facebook.com/gva999
_____________________
No comments:
Post a Comment