Saturday, January 11, 2025

Duyên kì ngộ..

HẢI LÊ

Hải Lê
Nhiều năm trước khi còn là một thanh niên, đi chơi rông ở trong nước, đọc được một đoạn thơ viết bằng phấn trên cửa ngõ gỗ của một nhà, thơ rằng: 

"Từ độ về đây sống rất nghèo

Bạn bè chỉ có gió trăng theo

Những thằng bất nghĩa xin đừng đến

Hãy để thềm ta xanh sắc rêu"

Đọc xong rất khoái chí vì sự kiêu bạc của gia chủ, mới đứng đó chờ coi có ai ra thì chào. Con chó nhỏ sủa ăng ẳng, một bác ốm nhom bước ra, tóc tai rất dài, râu cũng không ít. Ông bác mặc quần tây, áo thun xám rộng như cái mùng, gương mặt móm xọm nhưng tươi vui, bất giác tôi có cảm tưởng ông như thầy Tế Điên vậy. Bác bước ra cửa, la con chó cho nó nín, rồi hỏi tôi: 

- Chú em kiếm ai?

- Dạ con đọc mấy câu này thấy thích, chỉ muốn chào vị gia chủ đã viết ra, xin lỗi bác hai vì sự đường đột! - Tôi thưa.

- Dị hả? - ông cười khoái chí - Dô nhà uống trà đi em!

 - Dạ!

Ngoài sân có cái giàn đậu rồng tốt như mây, dưới giàn đậu là cái bàn đá mài và mấy cái đôn cũng bằng đá mài theo lối xưa. Tôi được mời ngồi ở đó, bác chủ nhà đem bình thủy ra châm bình trà Bảo Tín, cười khà khà: 

-  Mấy câu này thiệt ra của ông Nguyễn Bính, ban đầu nó là "Những người phú quý xin đừng đến", câu số 3 là ai đó sửa lại trôi nổi trên mạng, anh thấy hay hay nên viết lại trước cửa.

-  Đọc nghe hay quá bác, ai nhột chắc hổng dám léo hánh.

Ông bác cười sảng khoái, tiếng cười "ha ha" tan vào bầu trời xanh bao la lộng gió của miền Tây, tiếng cười như phát ra từ sâu trong tâm can.

-   Em nói phải, khi sống tới một từng tuổi như anh, tự nhiên muốn thúc liễm mọi mối quan hệ, ai ham bạn bè đông đúc kỳ thực là không có bạn tâm giao, với cuộc đời gặp một hai thằng bất nghĩa rồi là thấy đủ đô rồi, không muốn thêm nữa...

-  Dạ con mạn phép hỏi, nghe bác nói chuyện biết bác là người có chữ nghĩa, sao hồi trước tới giờ con hông biết tiếng bác ở xứ này?

-  Chú em khách sáo, kêu anh bằng anh được rồi, tứ hải giai huynh đệ mà! Anh chị lớn lên hồi trào trước, đi nước ngoài sống một đời rồi, con cháu bây giờ như trái chuối ngoài vàng trong trắng, cũng đã tư riêng đề huề, bây giờ anh chị chọn dìa quê dưỡng già. Xứ Tây Kỳ này là quê chị, anh dân gốc Sài Gòn. 

-  Dạ anh, em xin thất lễ. Nghe anh kêu Nam Kỳ bằng "Tây Kỳ" nghe hay hay giống trong truyện Phong Thần...

-  Haha, được, biết Phong Thần là khá lắm. Anh khoái chú em rồi đó! Miền Tây phong cảnh tới con người đều có nét riêng, nên từ ngày xưa anh hay kêu vui bằng tên này theo kiểu truyện Phong Thần như chú em nói.

Uống được mấy tuần trà, nói đủ thứ chuyện đông tây kim cổ, tôi xin kiếu để về, bác đọc:

-  Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách! Tiếc là không có mưa chứ anh còn muốn nói chuyện với chú em tới tối.

Tôi cũng cười, thấy ông bác dùng tích Thượng thư Ðàm Thận Huy ra vế đối này để đố học trò về trước lúc trời mưa và dò xét tâm tính của học trò, ý là "mưa không có then khóa mà giữ được khách", bèn đáp: 

-  Tây bất Phong Thần khả kiến nhân! Nơi miền Tây này chẳng có Phong Thần mà vẫn có thể gặp được kì nhân như anh thiệt rất đáng quý. Hẹn ngày tái ngộ!

Tôi đứng dậy đi về, ông bác vẫn đứng nhìn đăm chiêu, chắc suy nghĩ nhiều lắm. Sau này không còn dịp gặp lại, cũng không có liên lạc chi, nhưng duyên kì ngộ này thì thiệt khó quên. Đâu đó trong trời cao đất rộng này vẫn có những người tiêu dao và hiểu biết nhiều nhưng vẫn sống bình phàm như vậy...

HL

https://www.facebook.com/share/p/1DfgNfgKzV/?mibextid=wwXIfr

_____________________________

No comments:

Post a Comment