Đinh Tấn Khương
Nhớ lại câu chuyện xảy ra cách nay đã hai mươi lăm năm. Một người phụ nữ tuổi độ tứ tuần bước vào phòng khám cùng với một cô gái rất trẻ, có vẻ hai người họ là mẹ con. Chưa kịp nói gì thì người phụ nữ nhìn tôi với một nụ cười và hỏi:
- Bác sĩ có nhận ra con bé nầy không?
Cô gái trẻ độ tuổi mười tám, đôi mươi với vẻ mặt bẻn lẻn không dám nhìn thẳng vào mắt tôi sau khi nghe câu hỏi đó của người mẹ.
Câu hỏi khá bất ngờ khiến cho bộ não của tôi tăng tốc để cố tìm ra một câu trả lời. Trong đầu chợt thoáng qua những câu hỏi:
- Người phụ nữ nầy là ai, gặp lần nào chưa và có quen nhau hay không, nếu có thì mối quan hệ là gì?- Cô bé nầy là ai? Tôi chắc chắn rằng chưa một lần gặp mặt.
Vội ôn lại thời trai trẻ mình cũng có một vài mối tình, sâu đậm cũng có mà nhạt như nước lã cũng có. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng tôi không bao giờ có một đứa “con rơi”nào cả.
Có lẽ nhận thấy vẻ mặt căng thẳng của tôi, người phụ nữ vội nở một nụ cười thân thiện rồi nói:
- Bác sĩ có còn nhớ đêm Noel 1981 không?
Lẩm nhẩm trong đầu, Noel 1981, nhớ lại thời gian đó tôi đang ở trại tỵ nạn Palawan, Philippines. Chuyện gì đã xảy ra trong đêm Noel năm đó?
Người phụ nữ liếc nhìn cô gái trẻ rồi nói:
- Chắc là bây giờ bác sĩ không nhận ra nó đâu. Nó chào đời vào đêm Noel 1981 và bác sĩ là người lôi nó ra một cách khó khăn và rất kiên nhẫn. Vi nó mà bác sĩ đã bỏ lỡ bữa ăn reveillon Giáng Sinh hôm ấy, bác sĩ nhớ chưa?
Thở phào nhẹ nhỏm, trút hết nỗi lo lắng trong lòng vì tưởng rằng người phụ nữ nầy tìm gặp để đòi tôi phải thừa nhận đứa con lưu lạc mặc dù chắc chắn rằng mình không có một mối quan hệ nào trong quá khứ khiến dẫn đến hậu quả tệ hại như vậy!
Thì ra hai mẹ con người phụ nữ nầy đến từ tiểu bang khác, viếng Sydney trong dịp nghỉ hè, chợt phát hiện phòng mạch của tôi trong lúc đi mua sắm và muốn tạo cho tôi một bất ngờ như câu chuyện đã xảy ra. Nhìn cô gái trẻ, nhắc cho tôi nhận ra thời gian qua đi quá nhanh và biết rằng mình cũng đã dần tới tuổi già từ khi nào mà mình không để ý tới (ở xứ mình người ta gọi “ông già năm mươi” rồi đó còn gì).
Noel 1981 là Giáng Sinh đầu tiên ở xứ người. Rời Việt Nam vào tháng Bảy, trực chỉ đến Philippines sau một cơn bão “thập tử nhất sinh” và lênh đênh trên biển cả suốt bảy ngày đêm chứa đầy niềm hy vọng xen lẫn nỗi sợ hãi, mơ hồ cho số mệnh sắp dẫn tới. May mắn cũng đến được đất Phi và Palawan là nơi dừng chân cuối cùng sau khi rời khỏi trại chuyển tiếp, cận vùng ngoại ô Mania thủ đô của Philippines.
Có lẽ một ai đó sẽ nghĩ rằng, Giáng Sinh xa quê sẽ khiến cho mọi người mang nặng một nỗi buồn viễn xứ vì phải rời xa những kỷ niệm, những buồn vui mà mình đã trải nghiệm suốt quãng đời tại quê nhà?
Ai sao thì không biết chứ bản thân tôi thì nỗi buồn xa xứ không hề tồn tại, bởi vì tôi đã đánh cược cho một chuyến đi đầy nguy hiểm như vậy thì không có lý do gì để tôi phải quay lưng nhìn lại rồi ôm trong lòng những nỗi nhung nhớ, ưu tư vô bổ. Với tôi, kỷ niệm dù vui hay buồn đều được mang mãi theo mình không rời xa, và nơi nào cho mình cuộc sống tốt thì nơi đó cũng được coi là quê hương vậy.
Chính vì thế mà những ngày ở tại trại tỵ nạn Palawan tôi đã có một cuộc sống khá lạc quan mặc dù không định hình được tương lai, nhiều khi lại đoán biết rằng mình sẽ trải qua những khó khăn một khi phải rời xa cái nghề mà mình đã bỏ hết tuổi xuân để theo đuổi!
Trại Palawan không lớn lắm, nằm sát một phi đạo và cạnh bờ biển vởi những hàng dừa dọc theo những bãi cát trắng làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên. Bãi cát và những hàng dừa là nơi hẹn hò vào buổi tối của những cặp tình nhân hầu hết mới gặp nhau tại đây. Phía bên kia phi đạo là một quân trại, ở đó có một bệnh viện dành chữa trị cho những gia đình quân nhân trực thuộc đơn vị. Tuy nhiên, những người Việt tỵ nạn ở trại Palawan cũng được cho phép điều trị trong những trường hợp bệnh nặng cũng như những ca sinh đẻ, phải cần đến phương tiện chăm sóc.
Tại Palawan tôi đảm nhiệm công tác thiện nguyện tai phòng khám sản phụ phoa. Những sản phụ chuyển dạ sẽ được đưa qua bệnh viện quân đội và tôi phải theo qua đó để giúp sanh và theo dõi hậu sản.
Cái trại không lớn, đi qua đi lại là đụng mặt nhau và công việc tại phòng y tế cũng tạo cho tôi có nhiều quen biết. Tuần nào cũng có tiệc mời, những buổi tiệc sau khi có tin được các phái đoàn chấp nhận định cư, tiệc trước ngày lên đường định cư, tiệc khi nhận được tiền hổ trợ từ thân nhân ở nước ngoài, tiệc mừng “mẹ tròn con vuông”, cúng giỗ… đủ thứ tiệc.
Và đêm Noel đầu tiên tại xứ người năm đó, sau những tiếng chuông vang vọng từ ngôi thánh đường trong trại và thánh lễ kết thúc, sắp nhập tiệc ăn reveillon tại nhà một người quen có đạo thì trên loa gọi tôi đến gấp phòng khám sản phụ vì có một sản phụ đang chuyển sanh.
Chạy nhanh đến phòng khám và khám biết màng ối đã vỡ và có dấu hiệu chuyển dạ. Tôi liền sắp xếp để đưa sản phụ trẻ sang bệnh viện kịp thời. Đến nơi, mong cho sanh sớm để may ra còn kịp trở về nhập tiệc, nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Gần hơn hai tiếng đồng hồ, cháu gái mới chịu lọt lòng và cất tiếng khóc. Lại mất thêm hơn nửa tiếng đồng hồ nữa đề may lại tầng sinh môn bị cắt do sinh lần đầu, coi như bữa tiệc Giáng Sinh không còn kịp nữa.
Người mẹ trẻ vội lau hai dòng lê trộn lẫn mồ hôi dọc đôi gò má (dòng lệ của niềm vui “mẹ tròn con vuông” và dòng lệ do những cơn đau trong lúc lâm bồn) và nói:
- Em xin lỗi bác sĩ, vì mẹ con em mà đã làm lỡ bữa tiệc Giáng Sinh của bác sĩ.
Tôi trả lời trong niềm vui chia sẻ, khi nhìn thấy hình ảnh một em bé đang nằm gọn trong vòng tay người mẹ trẻ ngập tràn niềm hạnh phúc:
- Đừng bận lòng, tôi thật sự đang có một đêm Noel tuyệt vời đây mà!
Sydney, Noel 2024
đinh tấn khương
___________________
Cám ơn Anh Khương về bài viết. Mến chúc Anh và gia đình có những ngày tháng phía trước nhiều an vui và phúc lộc / QN
ReplyDelete