Ai từng đi qua một thuở chân đất đầu trần, dù ít dù nhiều, cũng sẽ lưu giữ cho mình những kỷ niệm trong miền ký ức về thời thơ dại ấy. Với tôi, in dấu mãi trong miền diết da, đong đầy ấy, chính là món canh cua đồng nấu lá cỏ bợ.
Cỏ bợ còn được gọi với tên khác là cỏ tần, tứ diệp thảo, điền tự thảo, dạ hợp thảo,... Nó vốn là loại cỏ bán thủy sinh, trông giống như cây me đất. Thân rễ mảnh nằm bò ngang mặt bùn. Ở mỗi đốt mọc một nhóm gồm hai lá có cuống dài từ 5 - 20cm, từ gốc mỗi lá mọc ra chùm rễ phụ. Cỏ bợ thường mọc ở bờ mương, bờ ao, bờ ruộng có nước ngọt. Chúng không sinh sản bằng hạt mà sinh sản bằng bào tử.
Với sức sống mãnh liệt, cỏ bợ thường mọc thành đám rồi từ đó lan dần ra khắp ruộng. Theo Đông y, cỏ bợ có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn vào kinh tâm, tỳ; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu sưng, giải độc... Nhưng với người nông dân thì cỏ bợ chỉ đem đến những phiền toái vì sự tồn tại của chúng sẽ lấn át sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Bởi vậy cỏ bợ cũng như những loại cỏ khác, bị xem là kẻ thù của nhà nông. Thế nhưng, khi được sử dụng và chế biến đúng cách, nó được gọi với cái tên thân thiện hơn là “rau bợ”.
Không chỉ là vị thuốc nam hữu hiệu, cỏ bợ còn được kết hợp để tạo nên các món ăn ngon. Bên cạnh món cá rô đồng nấu rau bợ, phải kể đến món canh cua nấu rau bợ. Cuộc sống cơ cực nơi quê nghèo mà có bát canh cua đồng nấu rau bợ trong mỗi bữa cơm, thì chẳng khác nào được thưởng thức món “đặc sản” đồng quê vậy.
"Cỏ bợ mà nấu canh cua,
Người chết nửa mùa sống lại mà ăn".
Câu ca lưu truyền từ xa xưa đủ nói lên vị đặc biệt của món canh này...
Hồi bé, tôi vẫn lon ton theo mẹ ra đồng. Mùa mưa đến, cua đồng sinh sôi, béo ngậy. Rau bợ cũng trở nên xanh tốt sau tháng ngày nắng hạn giả chết. Tôi nhìn đám cỏ bợ lại thèm món canh cua mẹ nấu. Thấy tôi lém lỉnh khơi gợi, mẹ mỉm cười đồng ý. Và thế là sau buổi làm đồng, trong khi tôi đi khắp các bờ ruộng để thu phục những chú cua béo khỏe có chiếc mai màu xám đục vẫn đang nằm lì trong hang, thì mẹ tỉ mẫn đi tìm bứt rau bợ để có một lượng lá cỏ bợ ngon, đủ nấu một nồi canh cho cả nhà thưởng thức.
Trước khi chế biến, mẹ ngâm rau bợ trong nước muối một khoảng thời gian để cho nhạt bớt mùi tanh của bùn. Còn cua thì được làm sạch, bóc mai và yếm, sau đó cho vào cối giã nhuyễn lọc lấy nước. Chuẩn bị xong, mẹ bắc nồi nước cua lên bếp đợi sôi, rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn, sau đó mới bỏ rau bợ vào. Chỉ một phút sau, mẹ nhấc nồi xuống ngay. Mẹ giải thích, làm như thế thì lá rau sẽ không bị mềm nhũn, giữ được màu xanh tự nhiên, ăn sẽ ngọt và ngon hơn.
Bữa cơm hôm ấy, tôi ăn đến no căng cả bụng. Rau bợ ăn bùi, ngọt như rau ngót, có vị hơi chua của me, mùi tanh của diếp cá…Tất cả mùi vị đó quyện hòa vào vị thơm béo của cua đồng, thật không dễ gì quên được. Mùi quê hương trong bát canh cua cỏ bợ, thêm vào dăm ba quả cà pháo muối mỗi bữa cơm nhà nghèo, vậy mà vấn vít, neo đậu trong tôi đến tận bây giờ.
Mùa mưa lại về. Mẹ tôi vẫn ra đồng tiếp tục những mùa vụ. Mẹ gọi điện bảo: “Ruộng lúa nhà mình năm nay cỏ bợ nhiều lắm”! Mới nghe thế thôi, trong tôi bỗng hiện về dáng mẹ lom khom giữa ruộng hái lá rau bợ, cạnh đó là cô bé lên mười loay hoay tìm hang bắt cua... và cuối cùng là một nồi canh cua ngọt lành trong bữa cơm gia đình. Nhớ và thương mẹ biết nhường nào!
Lê Thị Xuyên - nongthonviet
____________________
No comments:
Post a Comment