Tuesday, November 12, 2024

Chuyện Quê.

 Hovan Nguyen


Tôi về thăm lại chốn xưa
Sáng ra vẫn nắng chiều mưa, mưa rào
Tình quê thì vẫn ngọt ngào
Các sinh hoạt khác ồn ào khác xưa.
Việc làm ruộng, 50 năm trước đã canh tác lúa thần nông tăng vụ, nhưng chưa được cơ giới hoá, người nông dân Knh 5 quê tôi rất vất vả, thật sự là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Từ việc cày bừa, gieo sạ, dặm chỗ lúa mất...đến làm cỏ, bón phân, xịt thuốc, gặt hái ...Tất cả đều làm bằng chân tay. Ngày hôm nay khoa học tiến bộ, mọi hoạt động đã được cơ giới hóa: Cày trục, bơm nước vào, rút nước ra, xịt thuốc, bón phân bằng máy bay drone. Đến mùa các máy gặt làm chừng tuần lễ là xong cả khu. Sau đó là bán hết ngay cho thương lái. Và đa số nông dân sẽ mua gạo cao cấp hơn về ăn.
Người nông dân nhàn tênh, dù làm một năm tới ba vụ. Tôi hỏi vài người:
- Mình mướn hết như vậy rồi thu nhập có khá không?
- Khoảng từ 120-200 triệu/ năm chú ạ. Nói vậy vì thông thường lượng sản phẩm không thay đổi bao nhiêu, nhưng giá cả thu mua là một vấn đề. Có khi giá cao thì lời nhiều, gặp năm giá thấp thì kiếm được ít.
Tôi đoán rằng: Đây là hậu qủa của việc "định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa" của nhà nước VN. Không thực sự cho tự do mua bán nông sản, các công ty dù của nhà nước hay tư nhân đã cấu kết với nhau để ép giá, khiến nông dân chịu thiệt thòi.
Tôi hay bị méo mó nghề nghiệp nên có hỏi:
- Tại sao bà con mình không tìm cách mua tận gốc bán tận ngọn? Thí dụ như hùn hạp cả vốn lẫn kiến thức, xin thành lập công ty thu mua, chế biến, thậm chí xuất cảng luôn...Bởi khi có sự cạnh tranh dù nhỏ thì thương lái cũng không thể độc quyền mà ép giá được.
- Khó lắm chú ạ.
Trớt quớt.
***********
Gia đình tác giả 

Dù cho có thu nhập thấp nhất (120t/năm) cũng là dồi dào so với ngày xưa. Vì vậy đa số dân mình đời sống vật chất bây giờ đã khá lắm:
- Nhà xây vừa đẹp vừa chắc chắn, rộng rãi, có hàng rào bao chung quanh khiến kẻ gian khó xâm nhập được. Vì có điện nên nhà nào ít hay nhiều đều có trang bị máy điều hoà, có tủ lạnh, nấu bếp gas. Tivi hai ba cái.
- Đường bê tông ngang từ 2-3m. Chiếc đò ngang chèo gắp ở đầu kinh ngày xưa, nay đã là chiếc phà lớn bằng sắt, mỗi lần đưa được vài chục chiếc xe "Honda", cả xe hơi 7 chỗ cũng vẫn đi qua lại, lái vào trong kinh đưa đón bà con đến tận cửa.
.....
Ngày xưa chúng tôi từ 7-8 tuổi vẫn lội bộ đi học một buổi, còn một buổi về phụ giúp gia đình mọi việc: Đồng áng, vườn tược, cơm nước...rất ít khi rảnh rỗi. Còn bây giờ:
- Tuổi mầm non được phụ huynh đưa đón ngày hai buổi.
- Lớn hơn xíu là dùng xe điện tự lái đi về.
- Lên đến cấp III là dùng xe máy 50 phân khối trở xuống mà không cần bằng lái xe. Đi học về đến nhà có sẵn cơm ăn, ngủ trưa, rồi I Phone lướt mạng.
Tất nhiên chúng tôi không trông đợi các cháu thích chơi đánh chuyền, thả ô quan, bổ cù, đánh khăng...hay giăng câu, thả lưới bắt cá... như ngày xưa. Nhưng nếu không được rèn luyện, làm sao các cháu có được các kỹ năng sống, đương đầu với mọi sinh hoạt trong gia đình và ngoài xã hội sau này?
Phát sinh những tiêu cực:
- Nạn phóng xe nhanh: Đường quê nhỏ, xe máy hai bánh mỗi nhà 3-4 chiếc nên lượng lưu thông rất lớn. Ngay cả các xe hơi, thậm chí xe vận tải loại nhỏ chuyên chở vật liệu...tôi không chắc có được phép giao thông trên con đường làng này? Vậy mà họ vẫn lái đi, tốc độ rất nhanh. Lại có loại xe lôi được chế biến để kéo những tấm tôn, thanh sắt dài...Dù bị cấm ngoài lộ lớn, họ vẫn lái bạt mạng trên đường làng. Không hiểu sao lãnh đạo xã- ấp...không có biện pháp chế tài cụ thể? Với tốc độ 20-30km/g dù thắng gấp, những tấm tôn hay thanh sắt này vẫn gây tai nạn chết người dễ dàng.
- Năm ngoái khi về thăm quê, tôi có bài viết về môi trường, rác thải...làm ô nhiễm dòng nước dưới kinh. Sau đó nhờ Kinh5 Foundation hỗ trợ cùng với bà con làm được 42 hầm Biogas, nạn phân heo chảy ra sông đã bớt đi nhiều, mà những người hợp tác lại có thêm gas xài.
Tuy vậy, từ dòng kinh kinh 5 đến kinh Cái Sắn...vẫn còn xác súc vật, các bịch rác, hộp sốp đựng đồ ăn, bao nhựa...nổi lềnh bềnh. Những thứ này sẽ theo dòng nước chảy thẳng ra biển. Hôm chúng tôi ra hòn Sơn Rái, cách bờ biển Rạch Giá khoảng 30 km. Những thứ rác thải này vẫn trôi ra tới và tấp vào bờ, mỗi ngày nhân viên khách sạn phải ra dọn dẹp.
Trong một bài Thánh Kinh lễ Chúa Nhật: Khi được vị kinh sư hỏi điều luật nào quan trọng nhất trong giáo hội Thiên Chúa. Đức Giêsu trả lời: Hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng. Và điều thứ hai quan trọng không kém: Hãy thương yêu người khác như bản thân mình. Sau đó trong bài giảng về ý nghĩa lời Chúa, cha xứ có điển hình:
- Anh chị em sẽ không sống bác ái yêu thương khi lén vứt rác xuống sông, làm ô nhiễm môi trường sống...
...
Kinh5 Foundation mới hoàn tất việc tài trợ cho trường Trung Tiểu Học A5 sửa lại mái cho nhà để xe, đó là một phần trong số dự án: Hoàn thiện nhà đa năng, sửa lại nhà vệ sinh, sân banh... đang được tiến hành, giúp ngôi trường khang trang hơn, mang lại lợi ích cho con em chúng ta.
Trước đó, dù diện tích cũng vậy, nhưng khi đến trường các em mạnh ai nấy để xe lộn xộn, mất trật tự...Chúng tôi cùng với ban giám hiệu trường, qúi thầy cô, hội Gia Trưởng của xứ đạo tổ chức vẽ lại khu nhà để xe, nhắc nhở và hướng dẫn cụ thể...Sau đó các em đã thực hành: Đậu xe ngay hàng đúng sự hướng dẫn. Bây giờ nhà để xe vừa ngăn nắp, đậu được nhiều xe hơn, mà các em về sớm có thể lấy xe ra dễ dàng.
Việc vệ sinh ở khu trường học cũng đáng được quan tâm.
- Trước hết là các nhà vệ sinh. Hiện trường có 3 cái, nhưng không có cái nào hoạt động đầy đủ như chức năng. Lý do có nhiều: Cũ qúa, cũng có cái mới xây hơn một năm, nhưng do thiết kế yếu kém, vật liệu không tốt...Nhưng quan trọng nhất là việc bảo trì. Các em học sinh không ý thức khi dùng, nhà trường do thiếu kinh phí hoặc không theo dõi và sữa chữa kịp thời nên cứ vá víu, có tính cách tạm thời. Thiếu cả nguồn nước sạch lẫn việc hỏng, hóc các thiết bị bên trong.
- Việc xả rác. Tôi thấy thầy hiệu trưởng có nhắc nhở dưới sân cờ về ý thức vệ sinh chung. Từ việc dùng nhà vệ sinh, xả rác và dọn dẹp, bỏ rác vào thùng, đốt rác...Nhưng có lẽ do các em thiếu ý thức và chính nhà trường cũng không tích cực trong việc theo dõi và có các biện pháp chế tài thích ứng. Nên việc vệ sinh vẫn còn tồn tại trong và chung quanh ngôi trường, vừa thiếu mỹ quan vưà ảnh hưởng tới sức khoẻ mọi người.
Hôm họp mặt với ban giám hiệu, cùng với khoảng hơn 40 qúy thầy cô tại hội trường trường học, thêm đại diện Kinh5 Foundation bên nhà, đại diện hội phụ huynh học sinh. Có nhiều điều chúng tôi chia sẻ, nhưng chúng tôi chỉ nhắc lại ở đây hai điều:
- Việc giáo dục rất cần sự hợp tác giữa các thầy cô và phụ huynh. Ngoài việc bạo hành mà ở đâu cũng bị cấm, còn lại khi nhà trường có các quy chế như: Dọn dẹp khu vực học tập, làm sạch nhà vệ sinh mỗi ngày...Xin qúy phụ huynh đừng phản đối. Bởi đây là ý thức trách nhiệm. Nếu các em không để xe đúng hàng lối như quy định, thì vừa bất lợi cho chín các em vừa thiếu chỗ đậu, lại trông thiếu thẩm mỹ. Nếu các em không dọn dẹp sơ nhà cầu, quét sân ,dọn rác...các em sẽ không thấy những giá trị của người dọn rác và sẽ tiếp tục sống bừa bãi, vô trách nhiệm mãi. Muốn đạt được kết qủa, phụ huynh không chỉ hợp tác bằng cách nhắc nhở con em mình, mà còn chấp nhận những biện pháp chế tài (hình phạt) thích ứng khi các em vi phạm.
- Sống gương mẫu. Qúy thầy cô không thể giáo dục hoc sinh sống ngăn nắp, để xe đúng vị trí khí chính mình không làm như vậy. Qúy phụ huynh không thể dạy con sống có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, khi phóng quá nhanh xe trên đường kinh, hoặc ban đêm xách bịch rác lén quăng xuống sông....
Có người nói. Việc để xe có trật tự như vậy cũng chỉ được mấy ngày, rồi mèo lại hoàn mèo. Hay nếu tôi không vứt rác ra sông thì người khác cũng làm. Tại sao chúng ta không suy nghĩ một cách tích cực: Hãy hướng dẫn các em để xe có lớp lang thứ tự trước, bởi ai cũng thấy cái hay-đẹp-tiện ích của nó. Hoặc giả: Nếu chúng ta KHÔNG vứt rác ra sông, thì người khác cũng làm như vậy. Thế giới này sẽ tốt đẹp hơn khi nhiều người, mọi người cùng suy nghĩ và hành động tích cực.
Việc riêng.
Hôm ăn đám giỗ ở nhà anh chị Chiến. Chúng tôi bốn đứa: Sơn, Lượng, Minh, Hồ gần 50 năm mới gặp lại nhau sau khi rời ghế nhà trường. Vui uống nhiều đến không ngờ, nên cả bọn bọn đều say khướt. Với bất cứ lý do gì thì uống say cũng không được khích lệ, làm gương xấu cho con, em...Xin cáo lỗi đến gia tộc cụ Trùm Liễn. Đặc biệt anh chị Hải, anh chị Chiến về lầm lỗi này.
Hovan Nguyen
https://www.facebook.com/share/p/1AfHzxZj6o/

_________________________________

No comments:

Post a Comment