Monday, October 14, 2024

Một thoáng văn hóa Phú Yên

 Trần Nguyên Thắng

Núi Chóp chài - Phú Yên

Một ngày mùa Hè nắng nóng tôi đến Tuy Hòa, thủ phủ của tỉnh Phú Yên, mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã vẽ ra bằng ngôn ngữ âm nhạc trước năm 1975 “Ôi bước buồn theo với không gian buồn. Nhìn quanh trơ đứng bao đồng nương” (Chiều Qua Tuy Hòa).

Nhưng thời gian của lời nhạc đã vụt trôi qua cả nửa thế kỷ rồi, nên có lẽ “không gian buồn” của Tuy Hòa 50 năm trước và không gian Tuy Hòa bây giờ cũng đã nhiều thay đổi. Ruộng nương vẫn còn đó nhưng một vài khách sạn lớn đã được xây dựng bên bãi biển Tuy Hòa, cạnh đó là một quảng trường lớn, nơi có cả một hệ thống “múa nhạc nước” để làm sống động thành phố về đêm.

Trên đường từ sân bay đi gần vào đến thành phố Tuy Hòa, ngoài những ruộng nương hai bên đường và các dãy núi cao phía chân trời, đứng từ xa lữ khách nhìn thấy hai ngọn núi nhỏ nhô cao lên hẳn không gian thành phố.

Ngọn núi thấp như một ngọn đồi nằm giữa lòng thành phố, và xa hơn một chút có thêm ngọn núi cao khác nằm giữa khu vực đồng bằng, ngọn núi này có dáng hình nón lá tạo cho nơi đây một không gian đẹp lạ lẫm cho người lữ khách lần đầu đến Tuy Hòa.

Tháp Nhạn là toà tháp duy nhất còn tương đối nguyên vẹn trên vùng đất Phú Yên.

“Anh còn nợ em/ Chim về núi Nhạn/ Trời mờ mưa đêm/ Trời mờ mưa đêm/ Anh còn nợ em…” Đó là lời bài hát “Anh Còn Nợ Em” nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng (phổ thơ của nhà thơ Phạm Thành Tài) vào những năm 2007.

Chính câu thơ “chim về núi Nhạn” trong câu thơ lời nhạc “Anh Còn Nợ Em” đã tạo sự tò mò cho nhiều người lữ khách, trong số đó có tôi. Chim còn có núi Nhạn để về, còn tình của hai kẻ yêu nhau không có nơi chốn hẹn về nên chàng/nàng đành phải nợ nhau một cuộc tình đã lỡ. Và từ đó “Anh còn nợ em! Và còn nợ em.”

Ngọn núi cao đứng sừng sững bên hướng Bắc Tuy Hòa, núi chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 4 km. Tôi cho rằng núi có hình dáng tựa như chiếc nón lá được đặt úp lên giữa khu vực đồng bằng phía Bắc, nhưng không phải như vậy! Tên của núi là núi Chóp Chài vì hình dáng của nó giống tựa như chiếc lưới chài được ngư dân quăng lên mặt biển lúc bắt cá. Nghề quăng lưới đánh cá trên biển đã cho người dân Tuy Hòa một cái nhìn về hình dáng “chóp chài” của tấm lưới khi được tung lên rơi chụp xuống mặt biển.

Núi Chóp Chài và núi Nhạn trở thành một biểu tượng cho Tuy Hòa.
Rời thành phố Tuy Hòa, du khách đi xa thêm về hướng Bắc chừng một giờ xe, sẽ có dịp ghé thăm hai điểm rất nổi tiếng của Phú Yên mà du khách không thể nào bỏ qua được, là nhà thờ Mằng Lăng và thắng cảnh thiên nhiên Gành Đá Đĩa.

Nhà thờ Mằng Lăng, 

Ngọn núi thấp giữa thành phố chỉ cao chừng hơn 50 mét, trên đỉnh núi có một tòa tháp Champa cổ. Một giả thuyết cho rằng nơi đây ngày trước có từng đàn chim nhạn đàn tụ về đây vào ngày mùa của chúng (nhưng ngày nay có lẽ chim nhạn cũng đã ít bay về). Dân gian Tuy Hòa gọi núi thấp là núi Nhạn, tháp Champa cổ là tháp Nhạn tạo ra câu thành ngữ “chim về núi Nhạn,” là nơi chim có chỗ về và núi là nơi chốn nương tựa của chim.

Mằng Lăng là tên của một loại hoa mọc chùm, có màu tím hồng tại khu vực nhà thờ xưa kia, có lẽ vì thế mà nhà thờ mang tên của hoa, nhà thờ Mằng Lăng. Đây là một trong những ngôi nhà thờ cổ của Việt Nam được một vị linh mục người Pháp xây vào năm 1892 để tưởng niệm Anrê Phú Yên, một vị thánh tử đạo đầu tiên vào năm 1644 tại Quảng Nam. Thuở trẻ, ông được Linh Mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) rửa tội khi gia nhập họ đạo. Ông đã được Tòa Thánh Vatican phong Chân Phước Á Thánh.

Linh Mục Đắc Lộ là người có công trong việc viết ra sách chữ quốc ngữ Việt Nam đầu tiên, ông đã viết ra sách giáo lý “Phép Giảng Tám Ngày,” được dùng giảng dạy cho giáo dân Đàng Trong vào thời điểm lúc bấy giờ (năm 1651).

Nhưng theo tài liệu, Linh Mục Đắc Lộ không phải là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Đó là công lao của các tu sĩ thuộc giáo sĩ Dòng Tên Jesus Portugal (Bồ Đào Nha), những người đã đến Đàng Trong trong các thập niên trước đó. Tu sĩ Francisco de Pina là một vị tu sĩ biết khá nhiều về tiếng Việt và ông đã dạy lại cho các tu sĩ đi sau.

Hai giáo sĩ Bồ Đào Nha khác là Linh Mục Gaspar d’Amaral và Linh Mục Antonio Barbosa đã biết ghi âm ngôn ngữ tiếng Việt và sáng tạo ra cách dùng chữ La Tinh để diễn tả âm ngữ tiếng Việt. Chữ quốc ngữ Việt Nam sơ khai ra đời từ thuở đó.

Linh Mục Đắc Lộ cũng như Linh Mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine) sau này chỉ là những người Pháp đã có công làm ra những quyển tự điển quốc ngữ Việt Nam giúp cho các thế hệ đi sau cải thiện chữ quốc ngữ càng lúc càng phong phú hơn. Hơn 300 năm trước, người Đại Việt lúc đó vẫn còn dùng tiếng Hán tiếng Nôm để diễn tả ngôn ngữ của Đại Việt.

Cuốn sách “Phép Giảng Tám Ngày” của Linh Mục Đắc Lộ được nhà thờ Mằng Lăng gìn giữ cho đến ngày nay. Sách đã hơn 350 năm tuổi, nét chữ đã có nhiều mờ nhạt phôi phai theo thời gian nhưng cũng đủ làm rung động tâm tư người lữ khách nhớ về một khoảng thời gian cội nguồn văn hóa của mình. Một di tích văn hóa rất quan trọng trong chữ quốc ngữ Việt Nam.

Nhưng Phú Yên không chỉ có nhà thờ Mằng Lăng mà còn có Gành Đá Đĩa một thắng cảnh thiên nhiên cũng rất đáng thưởng ngoạn, còn bãi biển cát trắng Tuy Hòa xanh biếc thẳng tắp cho những ai thích bình yên thơ mộng.

Trần Nguyên Thắng 
 https://saigonnhonews.com/doi-song/di-dong-den-tay/mot-thoang-van-hoa-phu-yen/

_________________________

No comments:

Post a Comment