Saturday, October 12, 2024

Cuộc chiến đậu nành

Thiên An

Đậu hủ, nước tương, bột dinh dưỡng và các món chay… đều là sản phẩm quen thuộc với người Việt làm từ đậu nành. Ở ngoại quốc, đậu nành phần lớn dùng trong công nghiệp, sản xuất dầu ăn, sữa đậu nành – dạng như sữa tươi – và thức ăn gia súc trong chăn nuôi công nghiệp bò, heo, gà, cá… Ở Mỹ, đậu nành là một lãnh địa kinh tế khổng lồ, thu nhập từ ngành công nghiệp đậu nành khoảng 124 tỉ đô la, cần đến hơn nửa triệu nhân công…

Vị trí kinh tế
Hoa Kỳ là nước sản xuất đậu nành thuộc hàng đầu thế giới, chiếm 29% sản lượng đậu nành toàn cầu.  Trong đó Trung Quốc đặt mua 50%, được xem là khách hàng lớn nhất của Mỹ.
Ở Mỹ, chỉ có một số tiểu bang vùng Trung Tây là thích hợp nhất cho việc trồng đậu nành,  nhiều nhất Illinois, Iowa, Minnesota và Indiana. Mùa gieo trồng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 và thu hoạch vào tháng 9. Diện tích canh tác khoảng 90 triệu mẫu. Ngoài xuất cảng, số đậu còn lại, khoảng 97% người Mỹ dùng để ép dầu và làm  thức ăn cho gia súc.

Thời vàng son
Năm 2000, đậu nành ở Mỹ cất cánh. Dầu ăn từ đậu nành  xuất cảng đạt khoảng 9 tỉ đô la và lần đầu Mỹ bán sang Trung Quốc lượng đậu nành trị giá 1 tỉ đô la. Con số này tăng đều đều, năm 2021, vọt lên 26.4 tỉ đô la.
Trung Quốc không chỉ mua đậu nành ở Mỹ mà tất cả quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là Brazil. Khoảng 60% lượng đậu nành trên thế giới được Trung Quốc tiêu thụ. Kể từ 2018 số lượng nhập cảng đậu nành từ Mỹ tăng đến 61% khiến nông dân Mỹ khoái tít. Nhưng niềm vui qua mau khi TT Mỹ Donal Trump áp đặt chính sách thuế quan hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc với mức 200 tỉ đô la với chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First). Ông Trump cho rằng Trung Quốc đang lấy việc làm của dân Mỹ bằng xuất cảng hàng hóa rẻ tiền, giết chết hàng triệu công xưởng,  chưa kể thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rộng lớn.

Tranh chấp
Trung Quốc phản pháo bằng cách đánh thuế và ngưng nhập cảng một số mặt hàng của Mỹ, trong đó có đậu nành. Cú phản công này có hiệu quả ngay lập tức, xuất cảng đậu nành sang Trung Quốc rớt thảm hại, chỉ còn 3.1 tỉ đô la, đậu tồn kho lủ khủ và giá rớt thê lương. Cú đánh này còn thêm cú bồi hiểm hóc là những chủ trang trại phần lớn ủng hộ đảng Cộng hòa, hay cụ thể là TT Trump choáng váng.  Nhưng chính phủ Mỹ lập tức đỡ đòn bằng chính sách hỗ trợ nông dân, mua lại sản phẩm thặng dư và bù lại thu nhập bằng “lợi tức” từ tiền đánh thuế hàng Trung Quốc.

TQ chuyển hướng
Bỏ Mỹ, Trung Quốc xoay sang mua đậu  của Brazil, nhu cầu tăng vọt khiến  diện tích trồng đậu ở quốc gia này tăng tốc một cách điên cuồng. 

Thực ra, từ hơn 40 năm nay, Brazil luôn dẫn đầu thế giới về sản lượng đậu nành, nhiều hơn Mỹ vài trăm triệu tấn/năm. Nhờ thủy nhưỡng thích hợp, nhân công rẻ và đất đai mênh mông. Đi xa hơn, Trung Quốc dùng thương vụ “đậu nành” để chèo kéo Brazil ngả về phía mình. Đồng thời “cắm dùi” một lãnh thổ Trung Quốc trên đất Nam Mỹ bằng cách mua 200,000 mẫu đất và đưa khoảng 200,000 dân Trung Quốc sang định cư và canh tác.

Tương lai đậu nành
Nông dân Mỹ cùng lúc đối phó với Trung Quốc và 2 đối thủ cạnh tranh là Brazil và Argentina, có lợi thế nhân công rẻ, thị trường thay thế Trung Quốc mà Mỹ nhắm tới là Ấn Độ, đông đúc dân số và có nhu cầu cao. Tuy nhiên, Ấn Độ là một đồng minh chàng hảng, Ấn sẵn sàng bỏ bên này chộp bên kia miễn có giá hời.

Meagan Kaiser chủ một đại nông trại đậu nành, thuộc đời thứ 5 trong nghề cho biết, nông nghiệp vốn là một nghề bấp bênh, khi phụ thuộc vào tính thất thường của thời tiết và khách hàng tiêu thụ. Cách an toàn hơn là tiêu thụ đậu nành nội địa. Với gần cả tỉ pound đậu nành tồn kho, Mỹ chuyển hóa thành nhựa sinh học (bioplastic) sản xuất vải vóc, giày vớ, thậm chí vỏ xe hơi. Bên cạnh đó, tinh lọc thành dầu sinh học (biofuel), dầu sinh học tương tự dầu diesel sản xuất từ  dầu mỏ. Dầu bio-diesel sẽ làm giảm bớt khai thác từ dầu mỏ, và có lợi cho môi trường.

Khoảng 40% dầu đậu nành đã chuyển thành bio-diesel. Từ năm 2007 Mỹ đã có chính sách giảm lệ thuộc vào dầu mỏ thì nay dầu biodiesel từ đậu nành chiếm phân nửa các loại dầu sinh học để pha với dầu mỏ trong thị trường xăng dầu. 

Ngoài ra, một đặc tính đáng giá khác của đậu nành được dùng như một dung môi sinh học (biosolvent) để “tẩy” sạch môi trường biển, hồ, sông, nhất là khi bị rò rỉ dầu.

Tại sao phải mua?
Khi được hỏi tại sao Trung Quốc không thể tự sản xuất đậu nành mà phải chạy mua khắp thế giới. Ông Ke Bingsheng, hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Trung Quốc (CAU), cho rằng đất canh tác của Trung Quốc phần lớn đã chuyển sang công nghiệp và nhà ở, còn lại là ưu tiên cho lúa, bắp và các loại cây lương thực khác. Chưa kể, sản lượng đậu nành ở Trung Quốc rất thấp, tính ra mỗi ký đậu nành sản xuất nội địa đắt hơn so với nhập cảng. Quan trọng hơn cả là Trung Quốc không có những loại giống đậu nành biến đổi gen, cho sản lượng và phẩm chất cao và chống được sâu bệnh.

Một vấn nạn khác là Trung Quốc thiếu nước trầm trọng, tuy đắp đập khắp nơi nhưng nước dùng vẫn thiếu hụt, chưa nói đến nước làm nông nghiệp. Lý do đập nước tích lũy trên nguồn, ở bình địa khô héo, dân chúng khoan giếng ngầm vét sạch nguồn nước dự trữ gây nên khô hạn. Do chạy theo lợi nhuận và thiếu việc kiểm tra chất thải, hiện nay tổng tỷ lệ đất bị ô nhiễm kim loại nặng  Trung Quốc trên 10% và không thể canh tác.

Kết luận
Trung Quốc đã tận tụy khai thác các giao dịch thương mại, đặc biệt là nhập cảng để dùng làm áp lực các quốc gia khác. Năm 2020, khi Úc yêu cầu quốc tế điều tra gốc tích Covid-19. Trung Quốc xỉa xói trả đũa bằng cách như cấm nhập thịt bò, rượu vang và than đá của quốc gia này khiến công nhân Úc điêu đứng.
Mỹ khá rủng rỉnh tài chính, nên khi bị phản pháo, chính phủ Mỹ bù lỗ cho nông dân hay thương chủ, nhờ vậy vừa làm dân chúng yên lòng và tránh được chiêu thức gây chia rẽ nội bộ.

Dầu cho Trung Quốc có bày lắm chiêu trò, nông dân Mỹ vẫn ung dung cày bừa và không hề lay chuyển tình yêu của họ với đất nước.

TA

_____________________________

No comments:

Post a Comment