Thái Hạo
Tôi đọc được rằng, bão hình thành là do mặt biển bị đốt nóng, một lượng hơi nước khổng lồ bị bốc lên, lạnh đi, ngưng tụ, rồi lại bị hút xuống và mang theo hơi ẩm cùng nhiết độ bay lên.
Những quá trình này tạo thành gió xoáy quanh một cái tâm, hết hợp với sự quay của trái đất, tạo thành các cơn bão. Đây cũng là lý do mà bão chỉ xuất hiện trên biển và sẽ tan đi sau đó khi nó đã đổ bộ vào đất liền không lâu. Nôm na là bị mất nhiên liệu để tiếp tục hoạt động.
Như vậy, bão (sẽ kèm theo mưa lớn) vốn là một quy luật tất yếu và còn là cách thức để tự nhiên (trái đất) tự cân bằng và “sống sót”.
Nếu không có bão, tức là nước biển bị đốt nóng không được bốc hơi, thì theo thời gian chắc nó sẽ sôi ùng ục!? Cũng tức là tình trạng nắng nóng sẽ lên cao mãi mà không hạ xuống được. Tình trạng ấy sẽ đe dọa tất cả, và chắc chắn là nguy hiểm hơn là những cơn bão.
Hình dung rằng, khi cơ thể người nóng bức, nó sẽ đổ mồ hôi để làm mát. Đó là một phản ứng tự nhiên và lành mạnh. Một chiếc nồi khi sôi thì sẽ thoát hơi ra ngoài. Nếu nó không làm hoặc không làm được việc ấy trong khi cứ sôi mãi, thì nguy cơ sẽ là một vụ nổ. Tóm lại, mọi phản ứng vật lý ấy là cơ chế tự điều hòa hợp lý và kỳ diệu của tự nhiên.
Bão giúp “giải nhiệt” cho trái đất, cân bằng lại nhiệt độ và độ ẩm, rửa sạch bụi bẩn và trả lại không khí thanh sạch cho khí quyển mà chúng ta đang hít thở. Và còn nhiều tác dụng to lớn khác nữa. Nói cách khác, nếu trái đất không có bão thì chắc loài người sẽ không thể sống đến bây giờ (?).
Khi hiểu về bão và các hiện tượng thiên nhiên “cực đoan” theo hướng ấy, thì ta sẽ thấy rằng chúng không chỉ là “kẻ phá hoại” mà còn là “người hòa giải”. Giải pháp là con người cần tôn trọng thiên nhiên, nương vào thiên nhiên và chung sống hòa bình với thiên nhiên.
Không can thiệp thô bạo, không phá vỡ quy luật. Chọn nơi để sống, chọn việc để làm, chọn cách để nương, chọn lối để đi, chọn rừng để giữ, chọn đất để trồng..., tất cả những điều ấy cần phải được thực hiện trên tinh thần tôn trọng mẹ thiên nhiên, để tránh những thảm họa tự chuốc lấy.
No comments:
Post a Comment