Tuesday, July 16, 2024

Bàn Tay Báo Bệnh

  Triệu Minh

Một trong những tài năng tiềm ẩn của bàn tay là tiết lộ những vấn đề sức khỏe cần được bác sĩ quan tâm. Dưới đây là những điều mà bàn tay và ngón tay của bạn có thể đang muốn nói với bạn.

BỆNH TRẠNG: 

Yếu đuối dần

Độ chặt hay lỏng của bàn tay nắm lại phản ảnh sức mạnh và sức khỏe tổng quát của cơ thể, đồng thời có liên quan đến chứng mất trí nhớ, bệnh tim mạch và ngay cả tử vong, vì sức mạnh của khả năng cầm nắm tương quan với những thay đổi trong DNA của một người biểu lộ cho thấy họ già đi nhanh chóng ra sao.

CẦN LÀM GÌ: Tập luyện cho có sức mạnh. Bảo toàn sức mạnh là điều quan trọng nhất mà một người có thể làm khi bước qua sinh nhật thứ 50 của mình.

BỆNH TRẠNG:

Viêm khớp

Hai loại phổ biến nhất là osteoarthritis (OA – viêm xương khớp), và rheumatoid arthritis (RA – viêm khớp dạng tê thấp).

RA thường đối xứng – ảnh hưởng đến cả hai tay – và thường liên quan đến khớp nơi các ngón tay nối vào bàn tay. Với RA, các khớp bị sưng và xốp (spongy). Ngược lại, OA có thể ảnh hưởng đến một bàn tay (hoặc một ngón tay) và thường dẫn đến sự phát triển quá mức của xương ở khớp giữa hoặc khớp cuối cùng của ngón tay.

CẦN LÀM GÌ: Hiện có các loại thuốc tốt dành cho bệnh RA, được gọi là biologics (thuốc sinh học), có thể thay đổi diễn biến của bệnh và ngăn chặn bệnh phát triển. Điều quan trọng là phải phát hiện bệnh và chữa trị sớm, trước khi thiệt hại xảy ra. Đối với OA, thuốc chống viêm không steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs – NSAIDs) và kem chống viêm xức tại chỗ có thể giúp giảm bớt sự khó chịu.

BỆNH TRẠNG:

 Rối loạn thần kinh

Hai nguyên nhân phổ biến nhất và đáng lo ngại nhất là bệnh Parkinson và essential tremor (run vô căn). Sự khác biệt? Với chứng run vô căn, bàn tay vẫn bình thường khi ở trạng thái nghỉ ngơi.  Sự rung chuyển chỉ nhận thấy khi họ đang làm một việc gì đó như viết, cầm ly hoặc cầm nĩa. Tuy nhiên, với bệnh Parkinson, tình trạng run xảy ra khi tay nghỉ ngơi và dừng lại khi chuyển động, mặc dù điều đó có thể thay đổi khi bệnh tiến triển.

CẦN LÀM GÌ: Hãy đến gặp bác sĩ thần kinh để tìm hiểu tận gốc các triệu chứng. Run tay đôi khi còn là dấu hiệu của các tình trạng thần kinh hiếm gặp khác hoặc hyperthyroidism (bệnh cường giáp).

BỆNH TRẠNG:

 Mất cân bằng sắt

Nếu móng tay của bạn nhô lên ở hai bên, tạo thành vết lõm ở giữa, bạn có thể mắc một tình trạng gọi là koilonychia (móng tay hình muỗng). Để kiểm tra, bạn có thể nhỏ một giọt nước lên móng tay. Nếu nước vẫn đọng lại trên đó là bạn đã chẩn đoán được bệnh.

Tình trạng này từ lâu đã được cho là có liên quan đến việc thiếu sắt, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của sự dư thừa khoáng chất, cũng như cả bệnh cường giáp (hyperthyroidism) và suy giáp (hypothyroidism). Bác sĩ của bạn có thể cần phải thực hiện một số thử nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác của vấn đề.

PHẢI LÀM GÌ: Bắt đầu bằng cách tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ của bạn, đặc biệt nếu bạn cũng đang cảm thấy mệt mỏi và lo lắng; đây có thể là triệu chứng của sự mất cân bằng sắt và các vấn đề về tuyến giáp. Nếu bạn điều trị được nguyên nhân cơ bản thì hiện tượng móng hình muỗng thường sẽ khỏi.

BỆNH TRẠNG:

Ngón tay cò súng (trigger finger)

Các khớp ngón tay bị dính cứng, kèm theo tiếng lốp bốp hoặc tiếng lách cách, là dấu hiệu của bệnh trạng phổ biến này, xảy ra khi gân giúp ngón tay uốn cong bị kẹt và không thể trượt trơn tru trong bao của nó.

 Tình trạng này thường xảy ra ở ngón giữa và ngón đeo nhẫn, có thể khá đau đớn.

Ngón tay cò súng thường xảy ra ở những người bị viêm xương khớp tiềm ẩn (underlying osteoarthritis) do xương phát triển quá mức gây kích ứng lên gân.

PHẢI LÀM GÌ: Nghỉ ngơi, dùng nẹp, giãn cơ nhẹ nhàng và dùng thuốc NSAID, đều rất hữu ích trong việc xoa dịu cơn đau. Nếu những cách đó không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid. Phẫu thuật để thả lỏng gân là biện pháp cuối cùng.

BỆNH TRẠNG:

Bệnh Vảy Nến Hoặc Ung Thư Da

Thông thường, tình trạng móng tay thế này có liên quan đến bệnh vẩy nến (psoriasis) cũng như bệnh viêm khớp vẩy nến (psoriasis).

Rỗ móng tay, có đường màu
 nâu đỏ dưới móng
Chúng có thể đi kèm với xuất huyết dằm (splinter hemorrhages – những đường thẳng đứng màu nâu đỏ dưới móng trông giống như những mảnh dằm) và móng có thể bị tróc ra. Trong một số trường hợp hiếm hoi, những vệt sẫm màu dưới móng tay có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư da.

PHẢI LÀM GÌ: Tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ da (dermatologist) về dấu hiệu mắc bệnh vẩy nến hoặc ung thư da (bệnh này có thể gây tử vong nếu không được điều trị).

Triệu Minh / https://baotreonline.com/

______________________

No comments:

Post a Comment