QN!! |
Già là như thế nào nhỉ? Bao giờ ta sẽ già? Già rồi ta làm gì nhỉ? Già? Cái già với tuổi trẻ sao mà nghe chênh vênh thế! Có chút mơ hồ xa xôi, có chút sợ hãi, có chút bâng khuâng cho những điều vô định.
Tôi không rõ lý do vì đâu mà trong một khoảng thời gian rất dài, tôi luôn đọc nhầm tên tản văn “Ai qua là bao chốn xa” trích trong tập Nếu biết trăm năm là hữu hạn của Phạm Lữ Ân thành “Ai qua là chốn bao xa”. Nếu chỉ đọc qua thì không có mấy khác biệt, thậm chí tôi ngờ rằng bạn còn đang chưa phân biệt được tôi đọc sai như thế nào nếu không đọc lại một lần nữa, bởi chỉ là tôi đã đọc lộn trật tự từ một chút thôi. Nhưng nếu đọc kĩ, bạn sẽ thấy, ý nghĩa của nó đã hoàn toàn thay đổi. Có lẽ đó là một điều không nên có ở một người đọc, tôi cũng biết, nhưng cảm quan là vậy chứ quả tình tôi không muốn thế. Nhưng với cách đọc sai này, nó lại ám ảnh tôi một cách kì lạ.Trong bài tản văn này, tác giả đã viết về nhà. Tôi chắc vậy dù sự thực tôi chỉ đọc nó một lần trong khi những bài khác tôi lại đọc đi đọc lại nhiều hơn bốn lượt. Tại sao ư? Là bởi mỗi lần đọc tựa bài viết thôi, lòng tôi đã tràn đầy những suy tư, một nỗi suy tư chính tôi không hiểu rõ, về “chốn bao xa”, về nhịp chảy thời gian cuốn chúng ta về những miền xa xôi nào chính ta không biết, chính ta không rõ nó là “bao xa”...
Những cô bạn của tôi thường ngồi thơ thẩn mà kể nhau nghe về những hoạch định tương lai, về những câu chuyện bắt đầu bằng “sau này tao sẽ...”, “có tiền tao sẽ...”,... Còn tôi, tôi chỉ lặng im lắng nghe câu chuyện của họ và giấu riêng mình những suy nghĩ về “Khi già mình sẽ...”. Đó chính là “chốn bao xa” vô định nhất trong cuộc đời chúng ta mà thường thì những đứa trẻ, những người trẻ chẳng bao giờ nghĩ đến, còn tôi, tôi như một kẻ lạc dòng, nghĩ vẩn vơ về những điều xa vời vợi.
Bao xa để đến tuổi già?
Bà ngoại tôi qua bảy lần vượt cạn, hai lần tiễn chồng đi chinh chiến, một bận đưa người về nơi an nghỉ cùng hai lần tiễn kẻ đầu xanh, và... và tỉ tỉ những hạt nắng, sợi mưa với bao nhiêu gió bụi cuộc đời. Trong câu chuyện của bà có ông bụt cô tiên, có đạn nổ bom rơi, có cua ốc ruộng vườn nhưng chẳng bao giờ có một lời than thở. Phải chăng tuổi già đã nuốt trọn những đau thương?
Cha tôi trải gần mười năm nơi đất khách, bao tủi cực, bao phong ba bão táp, bao cực nhọc vì một chữ tương lai cho chúng tôi – những đứa trẻ ham rong chơi non dại, lại qua thêm phân nửa đời người lo lắng, ưu tư với những đêm dài mình. Người không an giấc, những tháng ngày đằng đẵng ngóng trông, là chúng tôi có lớn chưa khôn để một đời người phiền muộn.
Người đàn bà kế cận nhà tôi đi rong ruổi gần hai mươi năm tìm lại gia đình, ngày gặp lại tóc đã điểm hơi sương mà vẫn vỡ òa như con trẻ, vẫn nũng nịu đòi yêu thương như đứa trẻ mới lên ba, sà vào lòng mẹ cho vơi đi bao gian khó, đôi mắt nhăn nhúm rãnh thời gian tỏa ánh cười như thiếu nữ đôi mươi, tôi cũng chẳng rõ đây đã là chạm tuổi già chưa?
Chàng trai làng bên đã mãi dừng lại ở tuổi đôi mươi, giữa thanh xuân với bao mộng ước, dừng lại mãi mãi. Ngày gặp tôi anh còn tươi lắm, nụ cười xanh như mái tóc trên đầu, anh vẫn kể về bao nhiêu là khát vọng, bao nhiêu là đam mê, ánh mắt vẫn còn ánh lên bao tia ngời rạng. Vậy mà anh dừng lại ở đó, đã già hay chưa?
Bao xa để đến tuổi già? Bảy mươi năm sương gió? Bốn mươi năm bụi đời? Hai mươi năm rong ruổi? Hay xuân xanh cũng chạm tới cội cằn? Tôi không biết và chắc cũng chẳng ai biết nữa, câu chuyện “khi già...” vẫn luôn còn bỏ ngỏ trong tôi. Nay sống mai chết, nay khỏe mai đau, nay còn đây liệu mai đã ở đâu? Đi bao xa cho tới đích tuổi già?
Nhưng rồi một ngày tôi dừng lại việc băn khoăn, trăn trở về những câu hỏi miên man không hồi đáp đó. Đích tuổi già không phải là khi ta chạm tay vào nó rồi tan biến thành cát bụi. Đến với tuổi già với đôi tay chai sạn, bàn chân bao trầy xước, tâm hồn đã dạn dĩ với vạn sự đời. Như cách bà tôi kể về cuộc đời nhẹ tênh như không vương chút đớn đau, khổ cực; như cha tôi sau bao phong ba bão tãp vẫn chỉ một nỗi niềm lo lắng bầy con thơ dại.
Như người đàn bà sau tất cả những giọt nước mắt âm thầm rơi trong những đêm trường cuối cùng cũng có thể khóc òa nức nở. Và còn như bao con người khác nữa, chạm tay tuổi già không phải trong sạn chai, bẽ bàng mà là nhẹ nhõm, bình tâm. Họ đã qua đủ những dông gió cuộc đời, đã nếm đủ đắng cay bùi ngọt, đã có thể thản nhiên nhìn con sóng xô mà không sợ bị ướt chân, nghe mùa đến mà không sợ lạnh,... Những thứ đã qua không quên mà chỉ đơn giản là cất vào một góc để thấy cuộc đời nhẹ nhàng hơn.
Đích đến đời ta không phải tuổi già, mà chỉ giản đơn là tâm thế của một người đã đi qua đủ những bấp bênh, trắc trở, đủ vững vàng để thản nhiên đón nhận những điều xảy đến với mình. À và hẳn sẽ có những nuối tiếc, nhưng hãy chỉ tiếc rẻ thôi đừng tiếc đắt đời mình.
Bao xa? Tôi không biết! Nhưng hãy cứ đi đi chớ ngại ngần gì, đường dưới chân là để bước, cuộc đời là để đi qua, và tuổi già nhất định rồi sẽ đến. Tôi gác lại những con chữ của mình tại đây, tự xem là đủ và tiếp bước trên cuộc hành trình cuộc đời của mình với niềm tin một ngày xa đọc lại sẽ đủ bình tâm để hiểu những nông nổi đã trải qua trong những tháng năm tuổi trẻ này.
Bước tiếp nào, cả tôi và bạn...
Theo Chaymoc.com
___________________
No comments:
Post a Comment