Chu Minh
Tôi còn nhớ cách đây vài chục năm trước, ngày bà nội tôi còn sống ở quê tôi nhiều người ăn trầu. Mùi trầu không thơm thơm, cay cay, say say có sức hút kỳ lạ đối với những người đàn bà quê tôi lúc bấy giờ. Đàn ông cũng có người ăn nhưng chẳng qua ăn cho vui, chứ không nghiện như đàn bà.
Bây giờ quanh tôi không còn ai ăn trầu nữa, bất giác một thoáng nhớ mỏng mảnh như hạt nắng non chạy xoẹt qua tâm trí, đánh thức vùng ký ức như được tháo khoán ùa về.Bây giờ có nhiều người trẻ ở thành phố còn không phân biệt được đâu là lá trầu và đâu là lá lốt, một loại gia vị. Tuy hình dạng hai loại này khá giống nhau, nhưng nếu quan sát kỹ sẽ dễ dàng nhận ra lá trầu thường nhọn ở phần đuôi lá, sống lá cũng rõ hơn lá lốt. Và hơn nữa, mùi vị của hai loại này cũng hoàn toàn khác nhau. Vì thế, nếu còn nghi ngờ thì hãy đưa lên mũi mà cảm nhận, chắc chắn sẽ không sai.
Bà nội tôi là người nghiện trầu. Bà trồng một giàn trầu ngay bên mé đầu hồi nhà. Dây trầu bám vào tường vẽ ngoằn ngoèo những đường nâu trên tường như mạch máu. Lá trầu xanh mơn mởn như mời gọi.
Bà tôi chăm giàn trầu của mình như chăm một đứa trẻ khó tính lại hay nghịch ranh. Vì thế, lúc nào bà cũng nhắc chúng tôi đừng đụng đến giàn trầu của bà.
Bà bảo, trầu cũng có nhân tính. Vậy nên khi hái lá trầu phải hái khi trời còn sáng mà phải xin trước khi hái. Cũng phải hái nhẹ tay, đừng nghĩ mình trồng ra nó, chăm sóc nó rồi mình muốn làm gì nó thì làm.
Con người và cây cối luôn có mối tương giao. Tôi vẫn nhớ câu “chú” của bà mỗi khi ra hái trầu: trầu ơi trầu ngủ hay trầu thức, cho chủ xin lá trầu. Đọc xong câu đó rồi mới được hái. Mà không phải ai cũng có thể hái trầu. Trầu không ưa người lạ. Tay lạ mà hái vào thì giàn trầu sẽ héo dần và chết.
Kỳ thực cái chuyện này tôi cũng chưa có điều kiện kiểm chứng, bởi bà chưa bao giờ để người lạ đụng tay đến giàn trầu của mình. Hàng xóm có ai xin vài lá trầu thì cũng chính tay bà hái cho họ chứ không để họ tự hái. Sau này, khi bà đau yếu thì chị tôi là người được bà giao cho hái trầu.
Vì nghiện trầu nên ngay đầu giường của bà lúc nào cũng có một cái âu đồng, bên trong nào cối giã trầu bằng đồng, hình thù giống vỏ viên đạn nhưng to hơn, đường kính khoảng 2-3cm, một chiếc chày giã cũng bằng đồng có ba cái răng như chiếc cào cỏ lúa.
Một vài lá trầu xanh, dăm quả cau tươi, một ống nhỏ đựng vôi, một gói thuốc lào, một ít vỏ cây chay (bà tôi gọi là mấu) và không thể thiếu một con dao cau nhỏ cực bén.
Bà bảo, ăn trầu phải đầy đủ như thế mới là chuẩn vị. Có nhiều người ăn trầu không có thuốc lào, bà bảo ăn trầu như thế nó phí miếng trầu ra. Ăn thế khác nào ăn canh không cho muối. Thế mới biết cái sự ăn trầu của các bà xưa cũng cầu kỳ đến vậy.
Tôi hay sang chơi và giã trầu cho bà, vì bà răng yếu, cái còn bám trụ thì lỏng lẽo, cái thì đã “đi chơi” nên không thể cứ như mọi người, bỏ miếng trầu vào miệng mà nhai được. Hầu như tất cả được bỏ hết vào cối, chỉ duy thuốc lào là không. Thuốc lào, chỉ đến khi ăn, bà tôi mới véo một chút, cuộn lại chà chà lên răng rồi nhét vào phía ngoài chân răng làm cái miệng bỗng phồng lên như người ta nhét hạt đậu phộng vào. Lâu lâu bà lại cầm chà chà vào chân răng như để lấy vị. Giã trầu cũng phải biết giã mới giữ được vị của nó. Khi giã, cho miếng cau vào giã trước, chừng vài ba nhát là cau vỡ ra, sau đó mới bỏ trầu, vôi, mấu vào giã cho chúng quện vào nhau. Khi mùi trầu thơm nồng bốc lên là giã xong. Bà đón lấy cối trầu, từ từ và vào miệng, nét mặt mãn nguyện, khoan khoái như đang thưởng thức sơn hào hải vị vậy.
Có nhiều hôm, tôi thấy bà ngồi nhai miếng trầu mãi mà không chịu bỏ ra. Tôi hỏi, bà nhai lâu thế còn chất gì nữa đâu mà nhai mãi vậy. Bà bảo, bà nhai nỗi buồn đấy chứ, mà nỗi buồn này nhai mãi sao nó không vỡ ra vậy.
Tôi hỏi bà buồn vì điều gì thì bà bảo, bà thấy cô đơn. Ơ, con cháu đầy nhà sao bà bảo cô đơn. Bà nói, ông đi lâu quá chẳng về. Thì ra bà đang nhớ ông.
Mà ông nội tôi đi hoạt động cách mạng và mất từ khi Cách mạng tháng Tám chưa thành công, đến cái ảnh để thờ ông cũng được lấy từ hồ sơ tù nhân của Pháp còn lưu lại. Bố tôi bảo ông mất khi bố chưa được mười tuổi. Vậy là bà đã sống một mình đằng đẵng mấy chục năm, bảo sao bà lại hay ăn trầu như vậy. Có lẽ bà muốn ăn trầu để nhai cho vỡ nỗi buồn. Mà nỗi buồn của bà làm sao mà vỡ được.
Bây giờ, mỗi khi nhớ bà, nhớ lúc bà ngồi ăn trầu, nhớ những lúc bà cùng bạn bè của bà ngồi nói chuyện, ăn trầu với nhau tôi lại nghĩ, có phải tất cả họ đều có nỗi buồn đang muốn nhai cho vỡ ra không? Nếu nỗi buồn mà nhai vỡ ra được rồi nuốt cho tan biến đi chắc tôi cũng sẽ nghiện trầu như bà tôi mất.
Bà nội tôi giờ đã hoá mây trắng về trời, quanh nơi tôi sinh sống cũng chẳng có ai ăn trầu nữa. Nhiều khi mua trầu về thắp nhang rồi nhìn những lá trầu héo dần đi tôi thấy mình như vừa đánh mất một thứ gì đó thân thương lắm. Tự hỏi, trầu không ngày ấy bây giờ về đâu…
Chu Minh - nguoi-viet
___________________________
No comments:
Post a Comment