PHAN HỒNG DUY
Biển Qui nhơn |
Như đàn cá bơi ngược dòng nước tìm về nơi nhả trứng, như loài chim thiên di sãi cánh quay lại chốn xưa, tôi trở về Quy Nhơn vào 1 ngày giữa hè khi du khách Bắc phương tấp nập trên đường phố.
Khi nghe nói tôi sẽ ở lại chốn xưa đến 7 ngày, người tình và bạn hữu đều hỏi đúng 1 câu: Làm gì cho hết 7 ngày ở cái thành phố nhỏ xíu đó?
Khi quay lưng ra đi vì bất cứ lý do gì, khi vỗ đôi bàn tay để xoá nhoà dĩ vãng, chẳng có mấy người muốn khơi lại đống tro tàn hôm qua, họ lo sợ bóng thời gian nghiệt ngã còn mãi bám dấu chân đi. Tôi cũng không qua khỏi quy luật đó, nhưng may mắn thay hay là điều bất hạnh, trường đời đã nung trái tim tôi thành khối đá vô cảm, các vết thương lòng đã liền da dính sẹo để chẳng còn chỗ trống để biểu lộ tang thương.
Khi đi du lịch tôi thường chọn các khách sạn tương đối thoải mái để cảm nhận rằng vẫn còn các tiện nghi như khi ở nhà. Lần này tôi chọn 1 khách sạn mới khai trương chưa được bao lâu, cách trường Nữ Trung Học xưa vài trăm mét.
Buổi sáng 5 giờ khi trời vừa hừng sáng, từ balcon của phòng ngủ tôi có thể nhìn thấy các du khách và người dân địa phương đã ra biển tắm. Đó là hình ảnh của tôi gần 60 năm về trước. Thước phim thời gian quay chậm lại còn mới tinh anh như vừa xảy ra ngày hôm kia hay ngày hôm qua.
Năm 1964 gia đình chúng tôi từ Đà Nẵng dọn vào Quy Nhơn vì thân phụ chúng tôi được thăng chức. Mỗi sáng sớm 5 cha con ra biển tắm từ 5 giờ đến khoảng 6:30 rồi cha đi làm, con đi học, thời khoá biểu cứ đều đặn như vậy.
11 năm lưu trú tại nơi này song thân chúng tôi cũng tạo được 1 ít tiếng tăm trong giới doanh nhân. Những dạ tiệc thâu đêm, những tính toán mua bán, những cải vã ghen tuông, những chuyến đi chơi xa, những tiếng khóc và trận cười, tất cả quyện lại như bản nhạc đầy đủ cung điệu mà người nhạc sỹ đã hoà âm phối khí riêng biệt cho mỗi cá nhân để ai bi, thương cảm, hỉ nộ tuỳ nhân vật cảm nhận.
Rồi 1975 hé màn, 1 sân khấu mới được bày ra cho cả triệu vai diễn.
“Càng cao danh vọng càng dày gian nan”, nguyên lý muôn đời. Ngược bắc, xuôi nam, thăm nuôi trong các trại cải tạo quen thuộc như cơm bữa. Tiếng đập cửa rung chuông giữa đêm khuya để kiểm kê, các trát lệnh tịch thu gia sản rình rập mỗi ngày. Phải mất gần 20 năm gia đình chúng tôi mới thoát khỏi cái vòng Kim Cô ác nghiệt kia.
1 trưa hè 1975, khi chồng đang trong tù, 3 con thơ, bụng chửa vượt mặt, chị Lệ Cơ gặp nạn qua đời ngay tại góc đường Phan Bội Châu và Ngô Quyền. Sự dữ là cái chết đã đến sát lưng tôi.
Biến cố lịch sử đã đưa gần như hầu hết gia tộc chúng tôi qua bên kia bờ đại dương, thế hệ đi sau này gọi đó là Giấc Mơ Mỹ nhưng thế hệ chúng tôi gọi là người vong quốc.
Đoàn tụ chẳng bao lâu, trên đường đi họp về Nhân Sự tại Malaysia và Singapore, tôi đưa thân mẫu tôi về theo. Bà cụ ngã bệnh và qua đời tại Quy Nhơn mãn nguyện được gởi nắm xương tàn trên đất mẹ. Ngày thọ tang tôi viết cho 2 thằng con trai của mình đúng 1 câu: Ngày hôm nay Ba mất đi người bạn thân nhất đời mình.
12 năm sau, cũng tử Mỹ về lại Quy Nhơn với vợ chồng chúng tôi, thân phụ tôi qua đời giữa trưa sau khi đã cày nát các vũ trường tại Quy Nhơn để thoả mãn đôi chân vàng trên sàn nhảy, thọ gần 90.
Trong bài ai điếu, tôi viết có đoạn “Thân phụ chúng tôi đa tài và đa tình, đã ôm hết vào tay cả nửa vòng thiên hạ…”
Tôi chính thức trở thành trẻ mồ côi khi vừa qua tuổi 50.
14 năm sau, vừa qua khỏi cái hoa giáp 60 thì Mùi lại vĩnh viễn ra đi, tôi trở thành người Cô phu. Ngày hôm ấy đã cám nhận thế nào là vết thương mãi rỉ máu không thôi. Con trai út, viết lời bi ai: những gì còn sót lại trong tim tôi đã tan vỡ thành trăm ngàn tỷ mãnh khi mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng…
Chưa tròn 1 năm sau, từ Mỹ tôi bay vội vã về lại Quy Nhơn nhìn Phương Giang giá lạnh trong quan tài. Sự kết nối cuối cùng của tôi và Quy Nhơn đã đứt đoạn trên lửa nung nghiệt ngã của cái gọi là mệnh số. 2 ngày sau, trường tử của Phương Giang rải 1 phần tro tàn của mẹ nó trên ranh giới giữa Phú Yên và Bình Định.
Người ta hay nói: nước mất nhà tan, gia môn bất hạnh. Trong chừng ấy năm, tôi trải nghiệm nhiều hơn các cá nhân có cuộc sống bình yên. Những thất bại và thành công, tình thương và sự phản bội trơ trẻn như đôi mông trần trụi của cô gái làng chơi hết thời đều đã đến với tôi và tôi đã sống sót 1 cách kỳ diệu.
Quy Nhơn là khởi đầu và dấu chấm của mất mát đau thương, vậy vì sao tôi vẫn trở về khi đi ngang ngôi nhà xưa cửa khoá chặt không vào được, khi lang thang qua các con đường để cảm nhận ngày dài lê thê? Bởi vì vẫn còn những bạn hữu dễ thương mà phần nào đã góp phần tô vẽ cuộc đời tôi. Chẳng ích gì khi liếm mãi vết thương xưa, chẳng vui gì khi rên rỉ kêu than. Chúng ta phải tiếp tục tiến lên phía trước, niềm đau chỉ là chuyện hôm qua. Tận hưởng sự bình yên, tình bằng hữu của hôm nay. Cám ơn cuộc đời đã giúp tôi mạnh mẽ, cám ơn các bạn tại Quy Nhơn đã giúp tôi vượt qua bão tố để bình an trở lại chốn xưa.
Gần khuya ngày 8 tháng 5, 2022
No comments:
Post a Comment