Xuân sơn Võ
Một anh bạn, là bác sĩ, hành nghề tại Việt nam, sau đó qua Canada, trở thành bác sĩ ở Canada, và hành nghề bác sĩ ở Canada, nói với tôi, rằng nếu nói chuyện y đức thông qua tiền, thì bác sĩ Việt nam y đức hơn bác sĩ Canada nhiều.
Cả tôi và bác sĩ đó đều hiểu, ở Việt nam, bác sĩ làm gì và việc trả tiền là những khái niệm hoàn toàn không liên quan đến nhau. Bạn vừa ra trực, một bác sĩ đàn em gặp ca mổ khó, gọi điện hỏi ý kiến bạn. Bạn chỉ cho người đàn em cách gỡ rối. Việc đó chẳng ai trả tiền cho bạn. Thậm chí, ngay cả khi bạn phải chạy vô phòng mổ để hỗ trợ, cũng chẳng ai trả tiền cho bạn. Đấy là chưa kể, bạn có mặt trong khoa phòng, bất cứ bệnh nhân nào, dù không phải bệnh nhân thuộc trách nhiệm điều trị của bạn, cũng có thể hỏi bạn, yêu cầu bạn giúp việc này việc khác.
Các bác sĩ Việt nam làm những việc ấy đều không được trả bất cứ phí nào. Người bệnh Việt nam coi đó là đương nhiên. Chưa kể việc nhiều người nhắn tin qua messenger, yêu cầu bác sĩ cho toa điều trị. Gặp trường hợp không có đủ dữ liệu, bác sĩ yêu cầu khám bệnh, vậy là bác sĩ ấy bị coi là vô lương tâm, là vì tiền.
Vấn đề theo anh bạn tôi nói, thì tất cả những việc mà người bệnh Việt nam đang nghĩ là bác sĩ có tâm, có đức bắt buộc phải làm không có thù lao, thì đối với các bác sĩ Canada, họ đều được trả tiền. Ở Canada, bác sĩ làm bất cứ việc gì đều phải trả tiền cho họ. Và nếu không trả tiền, thì họ không bị bắt buộc phải làm. Nếu họ không làm vì không được trả tiền (trừ một vài trường hợp cấp cứu), thì chẳng ai có quyền lên án họ về y đức cả.
Nhiều người, nhất là Việt kiều ở các nước như Úc, Canada, các nước khu vực Bắc Âu… nơi nhà nước trả mọi chi phí khám chữa bệnh cho người dân, bị nhầm lẫn khái niệm miễn phí. Người bệnh không trả tiền không có nghĩa là miễn phí. Bác sĩ ở những nơi đó không làm việc miễn phí. Họ được trả tiền, và trả rất cao so với ở Việt nam, dù làm cùng một loại công việc, với chất lượng ngang nhau. Anh bạn bác sĩ gốc Việt ở Canada còn lấy một ví dụ, rằng ở đâu đó gọi cho anh ấy hỏi, trường hợp bệnh nhân ABC nào đó như vậy thì nên chuyển đi đâu. Câu trả lời của anh ấy cũng được trả tiền.
Có thể rất nhiều người Việt nam, nơi mà tri thức không được coi trọng, không đồng ý, rằng bác sĩ là nghề phải đào tạo rất lâu, rất tốn kém, thì việc họ có thu nhập cao là đúng đắn. Trong khi mọi người dễ dàng chấp nhận những đại gia giàu lên nhờ câu kết, móc nối với đám quan lại trộm cướp của dân, cả tiền bạc và tài nguyên của đất nước, để làm giàu, thì nhiều người trong số họ lại qui cho tất cả các bác sĩ có thu nhập cao là không có y đức.
Trong xã hội chúng ta, các giá trị xã hội đang bị đảo lộn. Trong khi ai cũng có thể nhìn thấy sự khác nhau giữa 2 sao và 5 sao, thì lại có nhiều người không phân biệt được, sự khác nhau giữa nằm giường 2, 3 người, với nằm một mình một giường, trong một phòng chỉ có 2, 3 giường. Thậm chí, họ còn không phân biệt được sự khác nhau giữa những cái giường mà họ nằm lên đó.
Tất cả những gì liên quan đến y khoa đều không miễn phí, và đều có giá rất cao so với các ngành khác. Hồi xưa, để thực hiện một số kĩ thuật mổ, tôi bắt buộc phải dùng máy khoan mài. Bệnh viện không có. Tôi ra chợ Kim Biên mua cái máy khoan mỹ nghệ công nghiệp, về hấp vô trùng rồi xài. Mỗi cái máy giá khoảng 2 đến 3 triệu đồng, xài một lần rồi bỏ. Trong khi đó, một cái máy khoan mài y khoa giá có thể từ 12.000 đến 20.000 USD. Nếu tính đầy đủ chi phí cho máy, cho mũi khoan, thì chi phí về máy khoan mài cho mỗi ca mổ có thể lên tới 15 triệu đồng hoặc hơn nếu là ca mổ phức tạp, dùng nhiều loại mũi khoan.
Ngoài những dụng cụ bắt buộc phải có mới mổ được, còn có những thứ không bắt buộc, nhưng nếu có nó thì sẽ hạn chế nhiều biến chứng, và kết quả sẽ tốt hơn. Rất nhiều nơi mổ u tuyến giáp được bóc bằng tay. Trong khi đó thì có những nơi khi mổ u tuyến giáp, họ dùng CUSA, một thiết bị sử dụng siêu âm để lấy u. Hoặc khi cắt xương trong mổ, bác sĩ cắt bằng kềm sẽ rất khác với việc cắt xương bằng dao cắt siêu âm. Hiệu quả, độ an toàn… khác nhau rất xa. Chi phí đương nhiên cũng phải khác nhau.
Đó là những điều còn rất khó chấp nhận với phần lớn người Việt nam. Chúng ta đã quá quen với thứ y khoa rẻ tiền, đã quá quen với việc miễn phí, nên rất dễ qui kết những gì đắt giá hơn là không có lương tâm, không có y đức.
Vấn đề là không chỉ chúng ta, những người dân, mà cả những nhà làm luật, những nhà quản lí đất nước, đều có suy nghĩ như vậy. Và họ đề ra những chính sách. Những chính sách đó bắt buộc bệnh viện, bác sĩ, nhân viên y tế phải luồn lách để vượt qua, để có thể chữa được bệnh, để có thu nhập, dù thu nhập chưa xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Lẽ ra, một đất nước lúc nào cũng ra rả do dân vì dân, thì phải có chính sách an sinh tốt hơn nước Úc, nước Canada, hay các nước tư bản khác. Nhưng không, người dân phải tự bơi. Và quay ra cắn xé nhau khi ai cũng phải lo tự bơi để sống sót.
Còn họ, sau khi vơ vét tiền của của dân, thì chạy sang các nước đó để được hưởng những đặc ân mà dân ta không có được do bị họ ăn cắp, cướp hết.
Xuân sơn Võ ( fb)
________________________________
No comments:
Post a Comment