Hạ Anh
Anh và chị tôi cùng trong một nhóm bạn từ thời trung học, tôi con bé cũng được chị rủ đi theo chơi. Lúc đó tuy thời cuộc chẳng yên ổn gì nhưng tâm hồn vui vẻ biết bao! Cho đến ba mươi tháng tư năm ấy thì nhóm bạn tan tác, mỗi người một nơi.Nhờ năm ngoái mở FB, hai anh em mới gặp lại nhau và cũng qua tin nhắn tôi đã kể cho anh nghe câu chuyện trở thành “kẻ lưu vong” của mình sau cuộc đổi đời năm ấy.
Mấy hôm trước ông xã nhắc “xoá bớt tin nhắn trong điện thoại cho nhẹ bớt”. Suýt nữa thì xoá mất rồi, may mà tôi đọc và giữ lại. Hôm nay xin chia sẻ cùng các bạn…
Lúc đó đổi đời mà anh! Vừa đúng năm các anh chị thi cử và chọn nghành nghề, ai cũng lo âu hoảng hốt, tan tác là phải rồi.
Khoảng đầu tháng ba năm 1975 trên đường di tản nhà em đã bị kẹt lại ở Phan Rang, phải trú ngụ nhà ông bác. Buổi chiều cuối tháng ba hôm ấy máy bay miền nam đã thả một trái bom cuối cùng trong ngày để đánh sập cây cầu, nhằm ngăn chận Bắc quân tiến vào…Không ngờ bị lạc rớt gần đó, ông bác đứng kề em chết ngay tại chỗ, và nhiều người trong nhà đã bị thương, trong đó có Nhân và em. N thì bị nhẹ ở chân, còn em thì bị khá nặng ở tay. Cánh tay phải cho tới bây giờ chỗ mảnh bom găm vào vẫn còn nhức nhối vô cùng, may mà không cụt mất. Vết thương chỉ được bó tạm bằng vải áo … Đêm hôm ấy Ba em đã chở hai đứa chạy ngược ra Ba Ngòi ở
Sau khi gia đình về lại QN, em chuyển lên Quang Trung ( Cường Đễ cũ) học tiếp hai năm… Chán lắm! Nhưng cũng ráng cho xong trung học. Anh thử nghĩ xem gia đình mười mấy người không làm gì ra tiền cả, cứ bán dần đồ trong nhà ăn. Kinh tế thì ngặt nghèo, tinh thần thì càng bị khủng bố thê thảm hơn. Chính quyền địa phương rình tập, hăm he kiếm chuyện đủ thứ, đòi đưa đi KTM, kiểm kê tài sản, bắt gđ phải có người đi lao động …Kỳ đó em đã phải đi mười ngày gần nhà thờ Lòng Sông. Mỗi ngày đám thanh niên thì sắn đất từ bờ sông bỏ vào rổ cho đám con gái gánh đi đổ lên bờ đắp con đê Đông Định. Mình có quen “dầm mưa dãi nắng” thế đâu, kết quả sau mười ngày mặt mày thì đen nhẻm, còn cái vai và đôi chân sưng phù đau nhứt không chịu nổi.
Ở trường thì đi hai đợt vào mùa hè năm 11 ( đắp đê ở Cát Chánh) và năm 12 ( đốn củi ở Tân Vinh). Hậu quả là sau khi thi tốt nghiệp xong em bị sốt rét rất nặng, một mình vào ra bệnh viện Quy Nhơn mấy lần (lúc đó nhà em đã đi vào Sóc Trăng cả rồi). Cũng may còn sống sót và rồi từ đó đời mình cứ như một kẻ “lang bạt kỳ hồ”Lên nương xuống ruộng , sông cạn biển sâu đủ hết …
Thi đậu tốt nghiệp xong, bạn bè chung quanh đứa thì hớn hở chờ ngày vào đại học, đứa thì đi vượt biên, nhìn quanh chẳng có ai giống hoàn cảnh như mình cả.
Chính quyền ở phường họ “ngâm tôm” lý lịch không ký, con bạn chờ đi nộp đơn cùng đã phải tới khu phố năn nỉ với em. Rốt cuộc chờ không được nó đành phải đi trước. Mấy ngày sau đó em mới lấy được lý lịch về, thấy họ phê là biết mình xong rồi, học bạ em cũng bị ông thầy chủ nhiệm miền Bắc ghi rất xấu. Năm 12 sinh vật là môn chính của lớp mà ông dạy chẳng ai hiểu cả, suốt ngày cứ ra rả nói chính trị …Thật ngán ngẩm vô cùng, một vài đứa đòi đổi giáo viên, nhưng rồi ông ta vẫn tiếp tục dạy, bắt bọn em làm bảng kiểm điểm, cuối năm cả đám bị trả thù, ông ghi trong học bạ em là “không có kỷ luật nghiêm chỉnh, tinh thần phê và tự phê chưa cao”… Lấy được tờ lý lịch trong tay thì chỉ còn hai ngày là hết hạn tuyển sinh, nhưng em vẫn cứ đi với hy vọng mình sẽ đến kịp…Lần đó là lần đầu tiên em đi xa nhà một mình-rất lo- nhưng giấc mơ đại học quá lớn nên mới đi liều vậy- Đi xe lửa tới được Phan Rang là hết một ngày, phải ở lại chờ hôm sau mới đón xe đò đi lên Đà Lạt. Nhưng sáng ra thì không có xe, hành khách lại chờ đầy, năm giờ chiều là hết hạn nộp đơn, mà em vẫn còn quanh quẩn ở bến xe …Đành phải quay về! Thế là xong một giấc mơ, nhưng em vẫn cố chấp nộp vào CĐSP ( thi sau ĐH )với hy vọng ngây thơ rằng làm bài được điểm tối đa họ có thể cho học mà không xét lý lịch. Lúc thi em là đứa đã ra sớm nhất phòng. Bài chẳng có gì khó nhưng vẫn cứ rớt thôi. Em vô xin rút hồ sơ để kiện vì tức quá. Nhưng họ chỉ trả lại tờ lý lịch, học bạ, và bằng tốt nghiệp thôi, bên ngoài là cái bìa kẹp hồ sơ bị gạch chéo. Em đòi trả lại bài thi, họ bảo rằng bài thi trường giữ.
Từ ngày bị cưỡng bức đi kinh tế mới ( 1977) cho đến ngày em rời VN năm 1984, gia đình chưa bao giờ có hộ khẩu chính thức cả. Không biết sau này nhà có hộ khẩu là năm nào? Lúc ở dưới miền Tây có lần theo chị Hai đi buôn hàng chuyến chẳng mướn được phòng trọ vì mình không có thẻ chứng minh nhân dân. Chỉ mướn một chiếc chiếu nằm qua đêm ngoài bến xe, té ra trước giờ chị đều nằm bờ ngủ bụi như vậy…Thương chị quá! chị mệt ngủ như chết, còn em ngồi thức canh chừng đồ… Lúc đó cái cảm giác bất lực, đau lòng và tủi thân cứ trào ra và em đã ngồi khóc suốt đêm …Những giọt nước mắt của một kẻ “ở lậu” ngay trong quê hương mình đau rát lắm anh ơi!
Ba em may mà trốn đi chứ không chắc cũng rũ tù. Mười mấy chị em, chẳng quen rẫy ruộng, cũng phải đi nhổ cỏ cấy lúa, cuốc đất trồng khoai, làm đủ thứ chuyện trên rừng dưới biển … Làm bánh hỏi, nấu rượu,nuôi heo, làm tầu hũ , trồng mì, đốn củi , kéo lưới, quấn thuốc lá mướn. Rồi đến buôn bán cà phê, thuốc lá, tôm cá cua ghẹ gì đều có cả.
Năm 1981 kinh tế gia đình cũng đắp đổi qua ngày, em nộp đơn vào CĐSP Cần Thơ được nhận đi học (mình tạm trú, họ chỉ ký xác nhận lời khai làm ruộng nên lý lịch không sao) em muốn đi nhưng nghĩ lại đi học hai năm đã không làm ra tiền phụ gia đình mà còn tốn tiền chu cấp cho nội trú nữa… Cuối cùng cũng không học mặc dù có ông thầy hiệu trưởng từ Cẩn Thơ đến tận nhà em ở Sóc Trăng nói chuyện (lúc đó nghành giáo dục trong miền nầy họ thiếu rất nhiều giáo viên)
Cuộc sống cũng tạm ổn, nhưng bỗng vào đêm giao thừa năm đó ( 1982) ba em bị công an huyện bắt đi tù với tội danh không hề có là “ hoạt động chính trị chống đối nhà nước ”. Ôi ! Mẹ và một đám con gái lo chạy chọt kêu nài …Ba em ra tù là liền dọn nhà ra Bà Rịa vì sợ họ buồn buồn bắt lại…
Ra đó lúc đầu chưa tìm được nhà, nên phải sang đỡ một cái chòi lá đủ bỏ hai cái chõng tre cho mười ba người chui ra chui vào đỡ nắng, tối ngủ nằm sắp lớp như cá mòi .Cực nhất là khi trời mưa nước dột, phải lấy thau nhôm thau nhựa đội lên đầu, ban đêm mền chiếu ướt hết ngủ không được. Khổ lắm! Kêu trời, trời không thấu mà trách đất, đất chẳng hay! Nhưng đâu còn nước mắt để khóc nữa…
Mãi đến năm sau mới mua được cái nhà cũng bốn bề lợp lá, nhưng tương đối rộng rãi, có sân sau sân trước. Rồi cũng làm rẫy nuôi heo, hai chị em có dạo cũng đi mua cá tươi ở Bà Rịa chở lên Thủ Đức ngồi bán …Không ngờ có ngày mình cũng trở thành bà bán cá …ha…ha…
Sau chị hai P không đi buôn hàng chuyến nữa, vì đã cực mà lâu lâu thuế vụ dọc đường họ bắt được, đóng thuế hay tịch thu là cụt vốn. Hai chị em bèn bàn nhau làm thuốc lá cho ba đi bỏ mối, mấy đứa gái nhỏ thì phụ cắt thuốc, còn con trai thì kéo lưới ban đêm ngoài giờ đi học. Cuối tuần thì mấy cậu nhỏ theo Ba đi rừng đốn củi, bẻ măng. Hôm nào “trúng lưới“ thì mâm cơm cũng được có thêm con tôm, con cá …Còn không thì rau muống và măng là hai món quanh năm…
Cái nhà đã được sửa sang lại khang trang có sân trước, vườn sau, gió lộng bốn bề chim về làm tổ hót líu la líu lít trên những nhánh của cây trâm bầu thật to phía sân sau. Lúc đó em bắt đầu cảm thấy yêu mến mảnh đất ấy và hy vọng rằng gia đình mình tương lai rồi sẽ ổn. Nhưng một hôm công an xã họ kéo đến và giựt sập gần hết cả cái xóm nhà lá của dân “không hộ khẩu”. Nhà em bị xử cuối cùng, họ dỡ hết một phía. Nhờ có ông xã đội trưởng ( ông này thường mang súng kè kè tới nhà chơi với ba) ở trong xóm thương tình xuống can thiệp, họ mới ngừng tay…Nhà trống toang hoác, phải lấy lều bạt che lại.
Trong những năm nầy em đau bịnh liên miên, bệnh sốt rét cứ dây dưa hoài từ miền trung vô đến miền tây.Thuốc chú em ở Mỹ gửi về uống lúc đầu bớt, nhưng sau đó hết thuốc thì càng nặng hơn, da xanh mướt, răng long tóc rụng. Cơn bệnh chấm dứt là lúc ở Sóc Trăng có ông thầy thuốc nam chữa từ thiện, em mới khỏi hẳn. Rồi đến đau bao tử cũng ra vô bệnh viện Bà Rịa, trở đi trở lại nhiều lần cho đến khi qua Mỹ. Bác sĩ họ bảo bịnh bao tử nếu lo nghĩ là nó trở lại…Sao mà không lo, một mình em mới hăm mấy tuổi đi qua một chuyến vượt biển kinh hồn, sự sống mỏng như tơ…Xứ lạ quê người nhìn chung quanh ai cũng có người thân, chỉ có mình là trơ trọi.
Vâng! Năm 1984 em vượt biển một mình đến Indonesia, năm sau được nhận vào Mỹ, lại có thêm ba đứa em trai tiếp tục qua. Thời gian đầu ở Mỹ rất khó khăn khổ cực, cả ba chị em vừa đi học vừa đi làm, mà chỉ có một cái xe em lái đi muôn ngả. Nhân lớn có thể tự lo, nhưng hai đứa nhỏ còn đi học ở High school, cũng làm đủ thứ chuyện … nào bỏ báo, bán chợ trời… .Lúc đó phần thì lo cuộc sống mấy chị em ở bên này, phần thì lo bên nhà …Sau khi mấy chị em đi, công an điạ phương cứ đến kiếm chuyện và bắt Ba em tới đồn viết kiểm điểm hoài, công việc làm ăn vì thế cũng bị ảnh hưởng khó khăn. Em lúc đó như một bà mẹ đơn thân cho nên ốm nhom ốm nhách.
Sau em xin vô làm hảng điện tử full time và đi học part time, hai cậu nhỏ cũng đã vào College. Em lập gia đình là sáu năm sau (1991), năm chín tư thì bảo lãnh ba mẹ qua, năm 2005 chị hai và mấy nhỏ còn lại qua nốt.
Lúc T gặp em khen em giỏi, “qua đây một mình lại có hai đứa em nhỏ nữa mà tới sáu năm sau mới lấy chồng, những người khác như em là đã kiếm một ông về lo cho đỡ cực thân”. Nhưng phải vậy thôi, chị lớn mà. Thời đó con gái VN ở Mỹ cỡ tuổi em “có giá” lắm nhé…Một số du học trước 75, số qua năm 75 và sau 75… Tuy vậy nhưng có tới năm chục tiểu bang,đâu dễ gì gặp nhau và nhất là ”nam thừa nữ thiếu”. Ông xã em hay nói giỡn rằng chỉ có anh ấy là gan dạ nhất mới dám rước “một cô nàng” có đông em như thế. Anh ấy nói đúng chứ không sai đâu, đó là nguyên nhân tại sao chị Hai không lấy chồng. Lập gia đình rồi ai nuôi đàn em, mà hồi ấy nhà em như vậy ông nào tới thấy rồi cũng bỏ chạy thôi.
Nếu mà kể lại chuyện đời mình thì chắc sẽ là câu chuyện dài nhiều tập. Em không biết hôm nay sao mà em kể lể lê thê thế chứ. Có lẽ tự xưa giờ sâu trong em luôn quý mến và trân trọng các anh chị của nhóm bạn ngày xưa- nhất là anh- một người hiền hoà ít nói luôn quan tâm và thân thiện với các con bé “lí nhí “ như tụi em.
Lâu ngày anh em gặp lại mà cứ nói chuyện không vui miết… Chuyện của em từ năm 75 thì buồn nhiều hơn vui. Mới có một tập thôi mà, hôm nào rảnh kể tiếp chuyện “cánh tay bị thương “. Không biết anh có thích nghe nữa hay không, hôm nay chấm dứt tại đây.
Chúc anh và gia đình an lành và hạnh phúc.
Hạ Anh.tháng tư. 2022
___________________
Cám ơn Hạnh về những bài thơ, bài văn mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc.
ReplyDeleteThương / QN
Nhắc đến cây cầu bị bỏ bom đánh sập vào cuối tháng ba 1975. Nhờ đó những hình ảnh của 49 năm trước đã chôn kín trong ký ức từ rất lâu lại vụt hiện về, giúp cho tôi hoàn tất bài viết "Những ngày tháng Tư một chín bảy lăm"
ReplyDeleteCám ơn Hạ Anh rất nhiều!