Nghĩa Dũng Không Thủ
minh hoạ |
Mỗi buổi sáng nhâm nhi cốc trà, tôi thầm nghĩ đây có thể là buổi sáng cuối cùng. Thế là như cuốn phim trước mặt, quá khứ hiện ra, mọi thứ hiện ra, sinh động, đủ đầy - tôi yêu chúng vô cùng. Thời trẻ sao không ai nói cho tôi, hãy yêu thương những gì mình có bởi ta sẽ mất chúng bất cứ lúc nào. Tệ thật.
Mùa thu năm 2019, tôi cùng nhà tôi đi một vòng thăm gia đình người thân, bạn bè, những vùng di sản chúng tôi từng đi qua,… như là một lời chia tay. Điểm đầu tiên là Đức, nơi gia đình cô con gái út sinh sống. Vẫn gia đình ấy, vẫn các thành viên ấy nhưng giờ thì khác, không phải vì ba cháu ngoại lớn lên nhiều mà vì tôi nhìn sâu hơn, ghi nhận kỹ hơn và chan chứa hơn.
Tiếp đến là Paris - kinh đô ánh sáng, nơi tôi từng đến nhiều lần. Thăm tháp Eiffel, tôi có cảm giác rất rõ nó đã vẫy chào khi tôi nói lời chia tay. Tôi thích ngẩn ngơ trên cầu Mirabeau , bởi ở quãng này sông Seine mênh mông bát ngát, cũng còn bởi hơn 100 năm trước, G. Apollinaire đã nói hộ giùm tôi bao nỗi niềm: “Dưới cầu Mirabeau, sông Seine thầm lặng chảy. Tình chúng ta đi mãi, vui với buồn theo nhau”. Tôi cũng trở lại thăm bảo tàng Louvre, đắm mình cùng kho di vật của hàng vạn năm lịch sử văn minh nhân loại. Đặc biệt thăm vườn Luxembourg, mong gặp lại hình ảnh cậu bé Anatole France, lưng mang cặp sách, bước chân sáo, ngẩn ngơ nhìn lá vàng rơi trên những pho tượng trắng; đó cũng là hình ảnh của tuổi thơ tôi, chỉ khác thuở ấy cậu bé là tôi quần đùi, chân đất, đói, bước bước nhỏ trên đường làng lung linh những hàng dừa… Đi đâu, đến đâu, hình như nơi đâu cũng thấu được tấm lòng của tôi và đã dành cho tôi lời chia tay thắm thiết.
Tôi đã ghé thăm gia đình Cương - Phú, bạn thân của con gái tôi; thăm gia đình Jean - Michele, đôi bạn tôi quen gần 20 năm trước trong chuyến du lịch Ai Cập, thăm gia đình Elvire, cô học trò nhỏ 10 năm lăn lộn với trẻ em Việt Nam. Đã bao giờ bạn chia tay một người với tâm cảm sẽ không bao giờ gặp lại? Nó da diết lắm, nó nồng nàn lắm!
Tôi còn đi thăm một số nơi từng đi qua để chia tay như Thụy Sĩ, Ý, Áo, và một số nơi mới đến để mang theo, như đỉnh Pyrenees, đỉnh Alpes thuộc Pháp, và đầu nguồn con sông Danube huyền thoại…
Những ngày lang thang đó đây tôi thường bắt gặp mình thì thầm hát, khi thì Tình xa, khi thì Bốn mùa thay lá, nhiều nhất là Như một lời chia tay. Cái ông Sơn ấy thiệt là tài, chỉ ngồi nhà thôi mà thấu hết tâm hồn nhân loại ngàn đời.
Sau châu Âu chúng tôi bay sang Toronto - Canada thăm gia đình cô con gái đầu. Mùa này Canada lạnh ngắt, tuyết trắng xóa bốn bề. Không đi đâu được nhiều nhưng bạn bè nghe chúng tôi sang nên đến thăm cũng nhiều. Nói không đi đâu nhưng không thể không đi thăm thác Niagara, người ta nói Niagara là một trong những kỳ quan thiên nhiên của nhân loại, bao giờ sang Canada tôi cũng đến thăm, nếu không thế chắc nó buồn. Cũng như mây, nước luôn nói với ta thật nhiều điều. Tôi tranh thủ một mình thơ thẩn dọc bờ thác. Chiếc cầu vồng phía đầu thác như soi tỏ tấm lòng tôi. Ôi con thác Niagara hùng vĩ và đẹp, ta sẽ mang theo người trong trái tim ta. Đó là lời tự tình của tôi với Niagara lúc chia tay.
Những ngày loanh quanh trong nhà, anh con rể thấy tôi ngêu ngao hát rất chi tâm sự, sau bữa cơm chiều, anh ngồi vào cây đàn và động viên “Ba hát đi!”. Thế là tôi hát, bắt đầu với Như một lời chia tay, rồi Tình xa, rồi Bốn mùa thay lá. Tuổi 80 mà hát hỏng nỗi gì, thế nhưng bằng đôi tai sành sỏi, anh con rể hiểu rằng bên sau thứ âm thanh ồ ề thô mộc ấy là cả tấm lòng thiết tha yêu đời, yêu người trước lúc chia xa. Tôi thầm cám ơn anh đã đồng cảm.
Hôm rời Toronto, suốt quãng đường từ nhà ra phi trường tôi lại hát: “Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây. Chút nắng vàng giờ đây cũng vội. Khép lại từng đêm vui… Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời. Như một lời chia tay”. Trong xe ai cũng lặng im bởi nhận ra đó không chỉ là tiếng lòng của tôi chia tay Toronto, chia tay cuộc đời mà còn là chia tay đứa con thương yêu của mình.
Mẹ tôi qua đời ở tuổi 106. Khi viết mấy dòng này tôi bước sang tuổi 84. Ai mà biết được. Từ hơn 10 năm nay, mỗi buổi sáng nhâm nhi cốc trà tôi đều nghĩ có thể đây là buổi sáng cuối cùng. Giờ đã trở thành thói quen, còn hơn cả thói quen, là bí kíp sống của tôi - nhờ ngộ ra lẽ thường hằng ấy mà tôi thấy tâm hồn mình rộng lớn hơn, bao dung hơn, yêu đời hơn, yêu người hơn, yêu từng khoảnh khắc cuộc sống hơn, muốn làm việc nhiều hơn, muốn cống hiến nhiều hơn, v.v… Một vị tôn sư trong làng Karate từng nói: “Mỗi lần ra khỏi nhà hãy nghĩ mình đang đối diện với cái chết”. Thời trẻ tôi hiểu, đó là lời dạy dành cho người võ sĩ đạo, rằng nếu phải chết thì chết cho thật hiên ngang, trong tư thế ngẩng cao đầu. Giờ mới ngộ ra, lời dạy ấy chỉ đơn giản là: Hãy thường nghĩ đến cái chết để sống sao cho thật đẹp.
Nghĩa Dũng Không Thủ (face book)
No comments:
Post a Comment