Hải Lê
Hôm nay hưu lễ một ngày, sáng đi ra chỗ cửa hàng tiện lợi mua ly cà phê đá.
Chỗ này quầy pha cà phê có bày mấy loại đường vanilla, hạt dẻ, quế… để khách có thể tuỳ ý bỏ vô ly của mình. Bên ngoài có thiết trí mấy cái ghế inox có thể ngồi nhìn thấy dãy núi xa bốn mùa mây đậu huyền ảo. Trời lạnh lắm, mặc áo ấm dày thì có thể ngồi chơi một chút. Tôi thích chỗ này vì những lẽ đó.Đứng chờ cà phê trước tôi là một cặp vợ chồng trung niên. Khi họ lấy cà phê ra xong rồi, quay lại mỉm cười nhìn tôi và nói “Đô zồ” nghĩa là: xin mời! Tôi cũng mỉm cười chào lại và để ly của mình vào máy. Để ý thấy ông chồng khi khuấy cà phê làm đổ xuống sàn nhà hai ba giọt, ông bèn hỏi vợ có đem khăn giấy không đưa ông mấy miếng, rồi ông ngồi xuống lau chỗ sàn nhà mà ông vừa làm rớt mấy giọt cà phê.
Tôi thấy vui vui trong lòng, dù thỉnh thoảng ở xứ này tôi cũng đã chứng kiến vài người kỳ cục, nhưng đại đa số là những người lịch sự và ý thức xã hội rất tốt. Sự ý thức này không phải ngày một ngày hai mà có, nhưng phải được trui rèn từ nhỏ, để nó hình thành nên nhân cách vậy.
Nhớ mấy lần công ty tổ chức ăn buffet, chung với đồng nghiệp tới từ đất nước con một, thấy họ lấy đồ ăn cho ú ụ dù không ăn hết, làm nhễu nhão nước nôi tùm lum chỗ lấy thức ăn, tôi nhìn thấy mà bực trong bụng, muốn kí đầu cho một cái, nhưng họ thì không thấy bản thân kỳ chỗ nào, nói là trả tiền rồi thì chuyện dọn dẹp có nhân viên nhà hàng lo. Có lẽ họ đúng trong nhãn quan riêng họ, trong nền giáo dục gia đình của họ, vì tất cả người xung quanh đều vậy và họ thấy bình thường, nhưng khi ra thế giới văn minh bên ngoài thì không còn phù hợp nữa.
Lướt facebook một chút, thấy một status của một anh bị hất hủi vì ngồi xe lăn đi vào quán ăn. Tôi không thể hiểu được, vì sao có những người có thể cư xử kinh khủng như vậy. May mắn có đủ tay chân để đi đứng là một niềm hạnh phúc, nhưng lỡ đau ốm hay tai nạn, cơ thể mất đi một chút tự do, đâu có phải lỗi lầm gì mà mạt sát người ta. Những chủ hàng ăn mắng nhiếc tỏ thái độ bĩ bôi người ngồi xe lăn, họ có chắc thân thể mình sẽ được bảo toàn khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền hay tuổi già tay chân không còn sức lực hay không? Chắc chắn là không, chỉ là họ chưa từng nghĩ tới, chưa từng thấy cảm thông cho những nỗi khổ niềm đau ở ngoài thân họ.
Tôi nhớ lúc còn nhỏ, chơi chung cả đám con nít, thấy một người hành khất đi ngang, cả đám cười rồi la lên “ông cùi! ông cùi!” như thể phát hiện ra một điều gì trọng đại lắm. Tôi nhớ thằng NB la lớn tiếng nhất và cười nhiệt tình nhất, thì bà ngoại nó từ đâu xuất hiện, xáng nó một bợp tai như trời giáng, kèm theo lời dằn từng tiếng: “‘ông cùi’ hông? tới số mầy dới tao!”
Xong bà kêu nó đi vô nhà xúc ra một lon gạo để giúp người hành khất, và bà kêu người hành khất bằng “chú”, nói lần sau đi ngang nhớ ghé lấy gạo.
Tôi về cũng bị mẹ rầy, nói người ta tật nguyền mà tụi bây cười giỡn vậy là không có được, lần sau là ăn đòn nát đít.
Nhà ga hay xe cộ công cộng, cơ quan nhà nước, siêu thị… ở Nhật luôn luôn tạo sự tiện lợi tối đa nhất cho những người không tiện đi đứng, để mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ công một cách bình đẳng nhất không phân biệt tình trạng đi đứng của họ. Sách giáo khoa, báo chí, bảng hiệu, tài liệu… đều đồng nhất sử dụng uyển ngữ “người không tự do cơ thể” để tránh đề cập đến thể trạng hay các từ ngữ mang nghĩa tiêu cực và gây mặc cảm, kiểu như: người khuyết tật, cơ thể khiếm khuyết…
Buổi sáng chợt chùn xuống vì thấy vẫn còn người man rợ tại nước mình, và sự trong sáng lạc quan của anh kia trước những kẻ vô lễ vì “quen rồi”, lại thấy nhói lòng thêm một chút. Mong sao những kẻ lớn lên với một nền giáo dục hư nát có thể thay đổi, hoặc là thế hệ đó sớm qua hết để không nối dài sự hổ thẹn này cho lớp trẻ.
Hải Lê / https://www.facebook.com/share/p/KLSGbFfYVjamPYUP/?mibextid=WC7FNe
____________________________
No comments:
Post a Comment