Tuesday, October 3, 2023

Cô Thợ May

 Tuyết Vân

Internet Image

Thật ra cô không phải là một thợ may quần áo như mình thường thấy khi còn ở Việt Nam. Chính ra, cô là người thợ sửa quần áo mà khoảng hai, ba chục năm nay đã nỗi lên rất nhiều ở đây.

Dung là tên của cô. Tiệm sửa quần áo cô Dung nằm vào phần cuối của tiệm tạp hoá của người Đại Hàn. Nói là tiệm cho oai chứ khoảng không gian đó chỉ chừng một nửa căn phòng ngủ trung bình. Vậy cũng đủ lắm rồi.

Thường thì những tiệm sửa quần áo có bán thêm vài món hàng phụ nhưng không tốn chỗ lắm. Có người bán thêm dép đi trong nhà, nữ trang giả, hoặc thuốc nhuộm tóc. Tiệm này chỉ bán thêm áo dài và quần lụa để mặc với áo.

Số lượng áo dài của tiệm cô tương đối không ít. Cô treo áo dài bên ngoài dọc theo bờ tường, nhìn từ đằng xa trông như một bức tranh.

Tôi biết được tiệm cô Dung khi tình cờ đi chợ Việt Nam ở đây. Cái bảng hiệu Sửa Quần Áo treo ngang bắt mắt khách đi đường, phân biệt được tiệm tạp hóa của người Đại Hàn mà cô share mặt bằng.

Khi gia đình tôi qua Mỹ vào đầu thập niên 80 thì chỉ có thợ may quần áo. Má tôi và mấy Dì đều phải mua vải rồi kiếm người may.  

Thời đó, những cái Mall của người Mỹ ít có đồ bán cho người nhỏ con như người Á mình. Thế hệ trước rủ nhau mua vải may đồ cho tiện. 

Dần dà những tiệm quần áo Mỹ cũng có bán nhiều đồ cho người size nhỏ. Kinh doanh tự do. Có demand thì sẽ có supply. Rồi lớp con cháu lớn lên cao to hơn bậc cha mẹ. Chúng không phải tìm mua quần áo khó khăn như họ nữa. Bẵng đi một hôm không thấy ai cần đi mua vải may đồ.

Lúc nầy, thợ may quần áo không còn nhiều nhưng ngược lại tiệm sửa quần áo thì mọc lên như nấm.

Tiệm nhỏ thôi, nằm khiêm tốn trong góc phố, có khi nằm phía sau của một tiệm tạp hóa khác. Họ chỉ cần một góc để máy may, một cái tủ để quần áo và một chổ thử đồ nho nhỏ. Chổ thử đồ nhỏ nhưng gương soi thì tiệm nào cũng để full size.

Cũng như các tiệm nail, đa số các bà, các cô là người giữ vài trò chính trong công việc.  

Trong quận Cam mình, có tiệm Văn Quân trong khu Phước Lộc Thọ và một hai tiệm ở xa hơn là có chủ nhân nam giới.

Nhìn hình ảnh các cô làm việc ở tiệm nail rồi cũng các cô ngồi sau chiếc máy may sửa quần áo làm tôi liên tưởng đến câu ca dao, “con cò lặn lội bờ sông”. Cuộc sống phải vậy thôi. Ai cũng phải làm việc để sinh sống.

Cô Dung này trước khi qua Mỹ theo diện hôn nhân cũng đã biết may quần áo. Sau đó, cô bỏ nghề sang làm công nhân cho hãng giày ba ta. Cuộc sống công nhân ở thành phố nhàn nhã hơn cô thợ may ở vùng quê.

Qua tới Mỹ, nghề cô bỏ đi lại giúp gia đình cô có đồng tiền ra vô bền bĩ.  

Ở đây, lứa tuổi nào cũng có người đem đồ tới sửa. Phụ nữ là nhan sắc. Ai cũng muốn bỏ ra chút tiền để sửa lại cái áo, cái quần cho thật vừa với thân hình mình.

Hôm đó, có một bác đã lớn tuổi, đem áo tới cho cô sửa tay ngắn lại và nới đường eo ra. Nghe cô nói giá tiền bác chần chừ bởi cái áo bác mua cũng bằng giá tiền sửa. Cô thấy thương quá nên bớt lại chút đỉnh cho bác vui.

Cũng như bao nhiêu người khác, cô cũng chới với qua ba năm đại dịch. Nhưng rồi công việc lại bắt đầu bận rộn hơn. Cái gì cũng đắt đỏ, cô đành phải tăng giá tiền sửa quần áo lên, vẫn còn rẻ so với những tiệm khác, nhưng thỉnh thoảng cũng có nghe các bác lớn tuổi chắt lưỡi khi đưa đồ cho cô.

Chị em tôi vẫn đem đồ tới đây sửa. Hôm kia, cô báo tin sẽ về Việt Nam thăm mẹ. Em sẽ đóng cửa một tháng, cô bảo. Qua làm bao năm khổ cực, bây giờ thong thả rồi nên em tạm nghỉ đề về dẫn Mẹ đi chơi. Mẹ em mừng lắm chứ gì, tôi hỏi. Mẹ em nói, vậy mà hồi đó mày cứ chê nghề thợ may.

Tuyết Vân

_____________________________

No comments:

Post a Comment