Saturday, July 15, 2023

Sống đơn giản cho đời thanh thản !

 Mạc Văn Trang

Nền kinh tế thị trường tạo ra sự phát triển hàng hóa và kích thích tiêu dùng vô hạn độ; đồng thời mặt khác nó cũng biến mỗi người thành chủ thể tự làm khổ chính mình: bắt mình phải lao động cật lực, xoay sở mọi cách sao cho có nhiều tiền để thỏa mãn mọi khao khát tiêu dùng cho “bằng thiên hạ”... Nói như S. Freud sự ham muốn khoái lạc của Cái NÓ làm khổ Cái TÔI… Nhưng nếu Cái TÔI tự ý thức của mình vững vàng sẽ có thể kiên định chọn lựa một lối sống không quá bị tác động bởi “phong trào"...

Trong những ngày dịch Coronavirus Vũ Hán hoành hành, vợ chồng mình chủ yếu sống trong căn hộ khép kín, thuê của người bạn, chỉ xuống siêu thị ở ngay trong khu chung cư mua những thứ thật cần thiết. Đôi khi con, cháu, bạn bè gửi cho ít thực phẩm…  Lúc này mới càng thấy, nếu sống một mình cô đơn trong hoàn cảnh cách ly thì buồn lắm.

Thực tế đời sống và suy ngẫm trong những ngày đại dịch, thấy hai vợ chồng sống bằng tiền lương hưu khiêm tốn nhưng cảm thấy thật thanh thản, an vui. Rồi bảo nhau trung thành với triết lý: “Sống đơn giản cho đời thanh thản"! Thành thử có đôi điều muốn chia sẻ với các bạn "cổ lai hy" (Còn các bạn trẻ xem cho vui thôi nhé).

1. Về chỗ ở.

Nếu bạn có nhà riêng ưng ý thì khỏi nói. Nhưng nếu ở trong môi trường tự nhiên và xã hội làm mình khó chịu, không an vui thì nên tìm cách chuyển đến ở một căn hộ khép kín, khu chung cư nào đó, môi trường thoải mái. Chỉ cần căn hộ nho nhỏ vừa với sinh hoạt là đủ. Căn hộ vừa phải, tiện nghi vừa đủ, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, hợp lý, nhà cửa thoáng đãng, sạch sẽ, làm bạn yêu thích nơi ở của mình hơn.

Tôi không hiểu hai vợ chồng già sống trong những lâu đài, biệt phủ mênh mông với bao nhiêu đồ đạc bày biện, liệu có ấm cúng, thanh thản hơn không?

2. Bỏ hết những thứ không cần thiết đi!

Hôm trước chúng tôi đến thăm nhà anh bạn. Vào thăm Má anh, thấy phòng của Cụ đầy các thứ đồ đạc linh tinh. Anh giải thích, cái gì Cụ cũng không cho vứt đi. Từ cái vỏ hộp bánh, giỏ đựng trái cây, túi nilon… đẹp đẹp là Cụ giữ lại, bảo có lúc dùng đến…
Đây là tâm lý chung của người sống trong thời bao cấp. Trước đây ai cũng vậy, giữ từ mẩu dây thép, thanh gỗ, chiếc lốp xe đạp, cuộn dây điện, cái va li cũ rách… để dự phòng.

Nay nên rà soát loại bỏ hết những gì không cần thiết đi. Quần áo cũ còn tốt, nồi xoong, bát đĩa, ấm, chén, bàn ghế… nói chung mọi đồ dùng không cần đến nên đem cho đi hết, bỏ đi hết. Nhà tôi có mấy thứ máy xay sinh tố phức tạp được người ta tặng, mình quen dùng cái đơn giản, cũng đem cho đi. Như vậy tự nhiên như trút bớt được những thứ thừa thãi, cảm thấy nhẹ nhõm thanh thoát và nhà cửa thoáng đãng hơn…

Người có mấy trăm bộ áo dài, hàng trăm đôi giày thì không chỉ mất công bảo quản mà mỗi lần chọn lựa dùng cái nào cũng đủ mệt rồi… Hơn nữa, thật lãng phí.

3. Ăn uống đơn giản.

Bọn tôi ăn ít món, nhưng ăn “tạp” và thay đổi luôn. Mỗi bữa sáng thường thay đổi: Bánh mì và sữa, xôi, mì ăn liền, bánh giò, bánh cuốn, khoai luộc và trứng, cơm nguội rang … Ăn như vậy thấy ngon miệng, không nhàm chán. Ăn cơm trưa và tối thường chỉ có một món “mặn" (cá, thịt, tôm, tép kho) và món canh/riêu, rau luộc, rau xào. Đôi khi bữa trưa, tối thay cơm bằng bánh mỹ, cháo dinh dưỡng, bún cá, mì xào … Nói chung mỗi bữa không bày ra 4-5 món lích kích.

Bữa phụ thường ăn trái cây, sữa chua tự làm. Đất nước mình trái cây rất ngon và phong phú, nên ăn nhiều trái cây tươi. Tóm lại, ăn đa dạng những thứ sẵn có, không cầu kỳ tìm kiếm “sơn hào, hải vị"; ăn thay đổi cho ngon miệng, mỗi bữa ít món, nhưng tổng hợp lại đủ chất là được.

Có con cháu, bạn bè đến chơi, cũng ăn đơn giản, có một món “chủ lực", không bày vẽ cầu kỳ, quan trọng là sự chân thành, tình cảm thân thương, chuyện trò vui vẻ…

4. Tự phục vụ

Nhớ hôm hai vợ chồng tôi đi chợ Bờ Băng, cô bán hàng hỏi mình bao nhiêu tuổi, rồi nói, ba chồng con bằng tuổi ông mà sướng lắm, có hai người phục vụ đấy… Vậy mà ông tội quá, ngoài 80 tuổi vẫn còn phải kéo xe đi chợ, con cháu đâu?

Mình bảo, còn tự phục vụ được không phải phiền con cháu là hạnh phúc chứ!

Quan niệm như vậy nên trước đây có cô cháu ở cùng, vợ chồng mình cũng vẫn tham gia việc nhà. Sau này cô cháu về quê, hai vợ chồng tự phục vụ hoàn toàn: chợ búa, cơm nước, lau dọn nhà cửa, giặt giũ, chăm sóc cây cảnh…

Coi tự phục vụ được là hạnh phúc sẽ giúp ta vui vẻ làm mọi việc có thể; làm việc như vậy cũng là  “kết hợp làm việc trí óc với chân tay", giúp mình năng động, khỏe mạnh hơn; đặc biệt đỡ lẩm cẩm lú lẫn không biết cái gì để ở đâu trong nhà mình… Hoạt động tay chân hợp lý, linh hoạt thì thần kinh, trí nhớ và tư duy cũng sẽ vận hành tương ứng, chậm lão hoá hơn.

5. Quan hệ xã hội.

Sống đến 70- 80 tuổi thì có rất nhiều mối quan hệ gia đình, họ hàng, bạn bè cũ, mới…

Đến tuổi này chả giúp gì được cho con cháu, anh em nữa, cũng đừng nghĩ ngợi, áy náy, bởi vì làm được gì thì đã làm hết rồi; nhưng cũng đừng đòi hỏi con cháu, anh em phải “đền ơn, đáp nghĩa"! Mọi người đối xử thế nào là tùy tâm của họ, đừng giận hờn, oán trách…

Với bạn bè cũ, mới, không gặp được nhau thì thăm hỏi nhau qua điện thoại, mạng internet cũng vui rồi. Có những người bạn từng thân thiết, nay vì lý do gì đó, xa lánh mình, cũng đừng bận tâm; mỗi người có lý do của họ. Thậm chí ngoài xã hội, có người nói xấu, chửi rủa mình cũng coi như họ không hiểu mình, chẳng chấp làm gì. Mình tự hiểu mình, tin mình sống ngay thẳng, chân thật, lương thiện là được.

6. Sống đơn giản sẽ có nhiều thời gian hữu ích.

Nhà tâm lý học Pháp Lucien Sève nghiên cứu việc sử dụng thời gian của cá nhân đã phát hiện ra các kiểu nhân cách khác nhau. Có thể nói anh cho biết sử dụng thời gian ra sao, tôi sẽ nói anh là người thế nào.

Sống đơn giản sẽ dành được nhiều thời gian cho những hoạt động hữu ích. Nhờ có nhiều thời gian “nhàn rỗi” nên đọc được nhiều sách, bù cho những ngày xưa không có thời gian và thiếu sách để đọc; Có thời gian để suy ngẫm sự đời và viết; bà xã mình còn có hứng thú làm phim, làm các clip vui vui tặng bạn bè; có nhiều thời gian để tập tành, đi bộ, ngồi thiền, thăm hỏi bà con, bạn bè và đi picnic, thăm những nơi mới lại mà mình chưa biết, để tận hưởng những trải nghiệm thú vị...

7. Sống đơn giản, chết thanh thản

Tôi vừa đọc quyển sách anh Ng. Quang A mới dịch, gửi cho qua email: “Bệnh dịch Covid - 19 làm lung lay thế giới”, của tác giả Slavoj ZIZEK, trong đó có nói đến các giai đoạn con người chấp nhận bệnh tật.

Đây là nói về những người không chuẩn bị, nên tiếp nhận bệnh tật và cái chết thường qua năm giai đoạn:

-  Từ chối: Không tin, không chấp nhận sự thật này xảy ra với tôi.

-  Tức giận: Tại sao nó xảy ra với tôi?

-  Bi quan: Buồn bực, lo lắng, sợ hãi ...

-  Mặc cả: Làm sao để tôi sống, tôi còn nhiều việc...

-  Chấp nhận: Tôi không thể chống lại nó, tôi sẵn sàng chấp nhận ...

Đó là quá trình vật vã, không chỉ tự làm mình đau khổ mà còn gây lo hãi cho người thân.

Chứng kiến cái chết của bác Trần Khuê thấy thật nhẹ nhàng, đơn giản. Bác phát biểu rất sôi nổi, vui vẻ với bạn bè. Nói xong, ngồi xuống, ngả người ra ghế, đầu gối lên tập tài liệu. Tắt thở! Mở tập tài liệu ra, có giấy xin tự nguyện hiến xác cho Y học, bác đã viết từ 10 năm trước. Con cháu cứ theo ý nguyện của bác Khuê, đưa tiễn Bác cho các bác sĩ. Thế là chết giữa bạn bè, người thân một cách thật thanh thản chẳng tốn 1 viên thuốc, 1 mét đất nào! Chết rồi vẫn còn có ích cho khoa học. Cái chết thật giản dị, đẹp đẽ!

Con người chỉ có một điều chắc chắn là … sẽ chết! Vậy thì một mặt hãy dọn dẹp, chuẩn bị trước đi, mặt khác lại sống an nhiên, tự tại, bao giờ nó đến thì đến, đừng lo nghĩ nhiều.

Chết là chấm dứt cuộc đời ở thế giới này để sang một thế giới khác, vậy thì xây mộ to, mả lớn làm gì? Chả lẽ cứ làm con Ma ẩn nấp, cố thủ mãi trong cái mộ to ấy hay sao?

Nhiều người bây giờ chọn hỏa táng, rồi rải tro xuống sông hay rắc trong rừng; có người đem tro cốt về đặt trong bia mộ chừng 1m2 đất thôi. Qua nhiều đời thì những nấm mộ ấy cũng thành hoang phế…

Tốt nhất là con cháu giữ lấy mấy tấm hình ông, bà, cha mẹ, đi đâu thì đem theo để  lưu niệm.

Chết thì không đem theo được gì cả. Nhưng ai cũng muốn để lại cho đời một chút gì đó: “Cáo chết để DA, Người chết để TIẾNG”. “Tiếng” thế nào thì để người đời quyết định: “Trăm năm BIA ĐÁ thì mòn, nghìn năm BIA MIỆNG vẫn còn trơ trơ"...  Chết rồi, không đội mồ lên mà cãi được nữa!

Vậy thì hãy sống tử tế, đơn giản, cho đời thanh thản!

Mạc Văn Trang

(9/7/2021)

_______________________________

No comments:

Post a Comment