Trương Hữu Hiền
https://youtu.be/wvHvDE3ynjQ
.......
Nhành hoa tưởng tiếc…
Khi cánh tay thời tiết níu qua tận tháng Sáu, Boston đã sang hẳn mùa hè nắng chói chớ không còn ẩm ờ ngày nóng ngày lạnh như dạo tháng năm. Thành phố tươi vui hẳn lên. Người đi bộ ngoài đường nay có thể mặc phong phanh chỉ với quần cộc, áo ngắn tay. Thoải mái, bù lại những ngày lạnh co ro áo mủ nặng nề.
Những trò chơi thể thao mùa hè đã bắt đầu thu hút người tham gia. Lái xe trên đại lộ Storrow Drive dọc theo con sông Charles đã thấy những cánh buồm Sailing lướt trong gió. Những ngày có trận tranh dã cầu (baseball) của đội bóng nhà Red Sox thường xuyên xảy ra nạn kẹt xe. Đi làm về, xe vừa ra khỏi đoạn hầm Big Dig trên xa lộ I-93 đã phải nối đuôi nhau xếp thành hàng dài. Chiếc này nối đuôi chiếc kia, nhích từng vòng bánh lăn. Xe như dừng hẳn lại.
Trên cao xa lộ nhìn xuống, một bên là trung tâm thành phố với những tòa nhà cao tầng, bên kia là đại học cộng đồng Bunker Hill. Khuôn viên trường gồm vài dãy nhà kiến trúc vuông vát hình khối, cách nhau bởi những bãi cỏ xanh ngát. Cách ngôi trường một khoảng không xa là ngọn tháp Bunker Hill Monument cao sừng sững. Đây là đài tưởng niệm sự kiện lịch sử quan trọng của nước Mỹ. Trong Cách mạng Hoa Kỳ (American revolution war), nơi đây đã diễn ra một trong những trận chiến đầu tiên giữa dân quân địa phương (Minutemen) và lính đế quốc Anh. Trận Bunker Hill (The Battle of Bunker Hill). Một trận chiến đẫm máu với nhiều thương vong cho cả hai bên. Mặc dù quân Mỹ thua phải rút đi, nhưng trận Bunker Hill đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần và ý chí quyết thắng, làm tiền đề thành công cho Cách mạng Hoa kỳ sau này.
Cách ngọn tháp một khoảng không xa là nghĩa trang Bunker Hill Cemetery hay còn gọi là Bunker Hill Burying Ground. Nghĩa trang nằm trên con đường tôi lái xe đi-về sở làm mỗi ngày, rộng thoáng mát một cách bình yên. Một phần nghĩa trang làm nơi yên nghỉ cho những người lính tử thương trong trận Bunker Hill, cả lính Mỹ lẫn lính Anh.
Thứ hai tuần rồi là ngày Lễ Chiến sĩ trận vong (Memorial Day), phần lớn trước những ngôi mộ nay vẫn còn vài nhành hoa tươi và lá cờ nhỏ Hiệp chúng quốc Hoa kỳ. Hoa và cờ thì tôi không rõ có chia đều cho cả mộ những người lính viễn chinh Anh hay không? Nhưng tất cả phần mộ đều được dọn dẹp sạch sẽ, chung quanh cỏ phẳng xanh rì. Điều đó nói lên sự tôn trọng mà người dân Mỹ dành cho cả kẻ thù của mình một khi đã nằm xuống. Có lẽ sự tôn trọng đó xuất phát từ quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, và những người lính Anh ngã xuống trong Cách mạng Hoa kỳ dù gì cũng là một phần của lịch sử.
Cách nhìn vào lịch sử của người Mỹ vẫn còn đâu đó tinh thần anh hùng mã thượng của những chàng cao bồi miền viễn tây thời lập quốc. Rút súng là bắn, bắn chậm thì chết. Và kẻ nằm xuống sẽ được đặt lên mộ phần một nhành hoa tưởng tiếc.
Nghĩa trang Bunker Hill và những nhành hoa trước mộ làm tôi liên tưởng đến câu chuyện bên nhà. Nghe đâu khu Nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất hơn 18 nghìn lính Việt Nam Cộng Hòa trước 30/04/1975, bây giờ chỉ là vùng đất bề bộn với những ngôi mộ sạt lở rêu phong. Nghĩ mà thương cảm. Cái chết nào trong chiến tranh mà không để lại nỗi đau xót cho gia đình, cho người thân. Chiến tranh đồng nghĩa với mất mác không ai mong muốn cả, nhưng chiến tranh vẫn xảy ra như một quy luật tất yếu để tìm kiếm hòa bình!…
Tháng sáu nhạt mưa…
Tháng Sáu, những buổi chiều ngồi tà tà trong quán cà phê. Trời mưa. Mưa tháng Sáu làm tôi liên tưởng đến một bài hát mà mỗi lần nghe cứ phải ngẫm nghĩ hoài tìm lại cái tựa. Rồi chịu thua phải nhờ đến ông Google nhắc. À thì ra nó tên “Tình khúc tháng sáu”, sáng tác của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Bài hát có câu mở đầu thật mềm mại dễ thương. “Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em”. Có những nhạc phẩm như một thói quen in sâu trong trí, người nghe cứ tự động đặt tên cho nó bằng một câu đặc trưng nào đó, có thể là câu mở đầu. Cho dù nhạc phẩm đó được đặt tên đàng hoàng từ tác giả.
Cho đến bây giờ tôi vẫn thích “Tình khúc tháng Sáu” qua giọng hát cô ca sĩ Thanh Lan. Và phải là bản trước năm 1975. Trẻ trung, dễ thương và đầy cảm tính. Sau này ra khỏi nước tôi có nghe vài ca sĩ hát nữa, kể cả Thanh Lan với cover mới. Nhưng thật sự không thích bằng. Có lẽ cảm xúc dành cho “Tình khúc tháng Sáu” mình đã để lại bên kia bờ.
Có một câu chuyện vui, bán tín bán nghi mà người anh ở kế bên nhà thời Đà nẵng hay kể cho tôi nghe. Anh nguyên là sinh viên đại học sư phạm Huế. Anh kể, có lần ca sĩ Thanh Lan từ Sài Gòn ra Huế hát cho sinh viên nghe. Sau buổi nhạc, anh và mấy người bạn đưa cô ngồi trên một chiếc xe mui trần để đẩy đi khắp phố. Không biết chuyện anh kể là thật hay “bịa” cho thằng em nó nể mình, nhưng câu chuyện nói lên sự ngưỡng mộ của giới sinh viên, học sinh hồi đó dành cho “tiếng hát học trò” Thanh Lan.
Nhạc Ngô Thụy Miên làm tôi nhớ Sài gòn, nhớ đến những người bạn thân một thời đại học. Nhớ đến Hồ Xuân Cảnh, đến Định và nhất là nhớ H. Ngày ấy mỗi cuối tuần tôi với H hay đến thăm cặp Cảnh-Định. Hai người bạn từ Quy nhơn vào Sài gòn trọ học và thuê chung một căn hộ nhỏ trong khu Cư xá đô thành. Bao giờ cũng vậy, Cảnh mở nho nhỏ cho chúng tôi nghe những bài ca được Ngô Thụy Miên phổ từ thơ Nguyễn Sa. “Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em” hình như là tình khúc thứ ba trong album Tình ca Ngô Thụy Miên ra đời năm 1974. Một bài hát làm người nghe rung động ngay từ câu đầu được cất lên. Ngày ấy tôi hay đùa rằng, “ướt mềm vai em” phải chi là “ướt mèm vai em” thì hay hơn, vì nó diễn tả thật hình tượng một thiếu nữ co ro đi dưới mưa. Những cô nữ sinh với chiếc áo dài trắng ướt mèm dưới mưa đẹp theo một lối nhìn khác, tuy không thanh nhưng rất thật. Tôi thích vẽ đẹp dễ làm mình tưởng tượng ấy.
Bao giờ cũng vậy, Cảnh ngả theo về phe tôi mặc cho H và Định nhao nhao lên tiếng phản đối. Hai nàng cho rằng ý lời nhạc “chế” của tôi, dù chỉ một chữ thôi cũng đủ bôi bẩn nét đẹp trong sáng của nhạc Ngô Thụy Miên. Và rồi cuộc tranh cãi nào kéo dài thì phần thua cũng thuộc về hai đứa tôi cho êm ấm. Thôi thì vai em ướt mềm dưới mưa vậy.
Nhớ những lần trời mưa, rủ nhau đạp xe ra tận Nguyễn Du để ngồi cà phê lá me. Chỉ có ly cà phê và vài điếu thuốc mà ngồi cả buổi chiều. Phải nói hiếm nơi đâu có khung cảnh ngồi cà phê cóc hay ho như hàng quán Sài gòn thời đó. Vài người bạn ngồi sát nhau dưới mái dù che, vừa nói chuyện vừa ngắm những chiếc lá me bay trong gió, giữa những hạt bụi mưa. Những chiếc lá me như mang theo thông điệp tình yêu một thời tuổi trẻ nguyên sơ xanh ngát.
Vậy mà đột nhiên Cảnh, anh bạn tôi bỏ đi thật xa. Mùa hè năm 78, khi tôi đang về Đà nẵng thì Cảnh mất trong một chuyến vượt biển ở Rạch giá. Bạn tôi bị bắn chết trong lúc cố chạy ra tàu đang cập dưới bãi. Cảnh hơn tôi 3 tuổi dù học chung lớp. Bạn tôi năm đó mới 23 tuổi. Nghe những người bạn cùng quê Quy nhơn với Cánh kể lại: Trong chuyến vượt biên cùng Cảnh có vài người bị bắt, và họ đã xác nhận là thấy xác bạn trôi dạt gần bờ biển. Nghe tin dữ, gia đình Cảnh lặn lội từ quê vào Rạch giá dò hỏi tin tức. Có người địa phương thương cảm nên đã dẫn ba mẹ anh đến ngôi nhà nơi cả nhóm ẩn núp trước khi xuống bải. Tất cả chỉ còn lại những đôi dép, trong đó có đôi dép của Cảnh, đôi dép bằng da màu nâu chẳng lẫn vào đâu được. Mẹ bạn tôi ôm đôi dép của đứa con trai duy nhất mà khóc ngất. Hai ông bà về lại Quy nhơn mà không tìm thêm được tin gì. Chẳng biết xác bạn tôi chôn vùi nơi nào? Làm sao biết được khi chuyện vượt biên hồi đó là một trọng tội mà ai cũng muốn giữ kín!…
Quán cà phê vắng khách. Trời vẫn mưa. Bản Spring Waltz (Mariage d’Amour) Chopin vang nhè nhẹ rộn ràng. Tôi nghe như trong đó có cả âm thanh của bồi hồi một thời “Tình khúc tháng Sáu” Ngô Thụy Miên. Chiếc dù vẫn không đủ che một cánh áo dài mềm ướt. Và tháng sáu vẫn còn đẹp nhạt mưa. Nhưng bây giờ bạn tôi, Cảnh đã đi quá xa. Định bặt tin từ dạo ấy. Và H, tôi biết đang ở một thành phố mà chỉ cần vài giờ bay thôi sẽ tới. Nhưng làm sao gặp được!
Những hạt mưa rơi bám lên mặt kính bên ngoài cánh cửa. Chúng từ từ chảy xuống theo những đường cong ngoằn ngoèo vô định. Chúng hình thành rồi tự tan biến. Đều đặn đến và đi không báo trước, không giã từ.
Boston, tháng sáu năm 2023
Trương Hữu Hiền / https://www.facebook.com/hien.yuken
___________________________________
No comments:
Post a Comment