Friday, June 30, 2023

Mùa hè, hoa phượng và gỏi gà

 Trần Hoàng Vy 


Mùa hè, nói chuyện hoa phượng có vẻ… “xưa rồi Diễm”, bởi lứa tuổi học trò của quê mình, từ hồi nẳm đã thuộc nằm lòng những câu hát: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” rồi “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng… Màu hoa phượng thắm như máu con tim…” trong bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” của cố nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác từ những năm 1963 của thế kỷ trước.

Thursday, June 29, 2023

Tiết lộ toàn cầu về mẫu xe đầu tiên với công nghệ pin đột phá,

Tầm nhìn của Nyobolt về tương lai của xe điện (EV), do Julian thiết kế.

Xe điện Nyobolt. (ảnh: Nyobolt)

Nyobolt, nhà phát triển tiên phong về pin sạc siêu nhanh mang tính đột phá có trụ sở tại Vương quốc Anh, vừa tiết lộ cách mà công nghệ pin tiên tiến của họ có thể biến đổi EV như thế nào. Nyobolt đang giới thiệu một phương tiện có thể sạc liên tục trong vòng chưa đầy sáu phút – một kỷ lục mới về điện khí hóa xe hơi.

Tầm nhìn của Nyobolt là giải quyết các vấn đề cốt lõi của ngành công nghiệp EV đang cản trở việc áp dụng rộng rãi xe hơi điện trên toàn cầu.

Hiện tại, việc tiếp nhiên liệu tiện lợi phù hợp là điều không thể đạt được trên xe điện. Yêu cầu đối với các gói pin EV nặng gây áp lực lớn cho việc cung cấp nguyên liệu thô cho pin. Nyobolt đang chứng minh điều này không còn đúng nữa khi tiết lộ công nghệ pin mới, nhỏ hơn, nhẹ hơn và cũng có thể được sạc đầy chỉ trong sáu phút, với phạm vi hoạt động lên tới hơn 155 dặm.

Bước đột phá này dẫn đến một loại xe điện nhanh hơn, hiệu quả hơn với chi phí trả trước thấp hơn, chi phí vận hành thấp hơn và sử dụng ít nguyên liệu thô khan hiếm hơn, nhưng không ảnh hưởng đến thời lượng pin: Nyobolt đã thử nghiệm pin của mình trong hơn 2,000 chu kỳ sạc nhanh mà không làm giảm hiệu suất đáng kể – mở đường cho việc phát triển xe điện siêu nhẹ và hiệu quả.

Hơn nữa, công nghệ Nyobolt không giới hạn ở pin nhỏ. Các gói lớn hơn, chẳng hạn như pin lớn như pin được sử dụng trong bất kỳ EV, xe tải hoặc xe buýt sang trọng nào được sử dụng ngày nay, cũng có thể được sản xuất và có thể được sạc trong vài phút, sau khi có bộ sạc 1MW.

Khi xem xét một chiếc xe hơi minh họa lợi ích của việc sạc nhanh và thời gian hoạt động cao hơn, Nyobolt quyết định hợp tác với nhà thiết kế nổi tiếng Julian Thomson, người đã lấy cảm hứng từ thiết kế của ông về Lotus Elise, có lẽ là mẫu mực của những chiếc xe thể thao nhẹ, linh hoạt.

Là một người bạn của thương hiệu, Thomson đã mời doanh nghiệp thiết kế và kỹ thuật CALLUM cộng tác trong việc phát triển thiết kế. Với sự hợp tác của CALLUM và Nyobolt, một cách tiếp cận cấp hệ thống đã giải quyết từng yếu tố.

Xe điện Nyobolt sẽ được đưa vào sản xuất từ đầu năm 2024. Sai Shivareddy, Giám đốc điều hành của Nyobolt, cho biết: “Giải quyết những thách thức mà các nhà thiết kế xe điện phải đối mặt là chìa khóa cho sự phát triển của pin sạc nhanh mang tính đột phá của chúng tôi. Trước đây, không thể tạo ra một phương tiện sạc nhanh trọng lượng nhẹ mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ của nó và vì vậy mọi người đã dựa vào các bộ pin lớn và tốn kém trong xe. Với công nghệ độc đáo của mình, chúng tôi đã tạo ra một chiếc EV sạc trong sáu phút và phát triển các bộ pin nhỏ hơn có thể cung cấp nhiều năng lượng hơn và sạc trong thời gian ngắn hơn.

“Sự hợp tác của chúng tôi với CALLUM cho thấy việc áp dụng các cải tiến công nghệ cấp hệ thống có thể thay đổi tương lai của EV và tăng khả năng tiếp cận xe điện như thế nào, bao gồm cả 40% hộ gia đình ở Vương quốc Anh không thể sạc xe tại nhà qua đêm.”

Theo David Fairbairn, Giám đốc điều hành CALLUM, công nghệ pin tiên phong của Nyobolt đã mang đến cho họ cơ hội độc đáo và đầy cảm hứng để hỗ trợ thiết kế và thực hiện một phương tiện đánh dấu chặng đường phía trước của công nghệ EV.

“Sự hợp tác sáng tạo, khả năng kỹ thuật và những nỗ lực bền bỉ của Nyobolt, Julian Thomson và CALLUM đã tạo ra một chiếc EV không chỉ thú vị về mặt kỹ thuật cho ngành mà còn là một sản phẩm tuyệt vời,” Fairbairn nói.

William Nguyễn/ https://saigonnhonews.com/

___________________________________

Wednesday, June 28, 2023

BỘT NGỌT CÓ Ở ĐÂU?

Vũ Thế Thành 


Bột ngọt là acid glutamic (một loại acid amin). Nhưng bột ngọt mua ngoài thị trường ở dạng muối, monosodium glutamate (MSG). 
Vì sao phải ở dạng muối?

Bột ngọt là acid hay muối?
Vì acid glutamic ít tan trong nước, làm sao nêm nếm, thả vào nồi canh được. Vì vậy, mới chuyển sang dạng muối (MSG), có độ hòa tan tốt hơn, nêm nếm dễ hơn.

Khi vào tới dạ dày, dạng muối (MSG) này sẽ chuyển trở lại thành acid glutamic. Do đó, gọi bột ngọt là acid glutamic cũng được, mà gọi là muối MSG cũng ổn.

Bột ngọt tự nhiên có đầy trong thực phẩm
Bột ngọt (acid glutamic) là một loại acid amin. Nhiều loại acid amin nối loại với nhau thành protein (đạm). Do đó, thực phẩm nào có protein là thực phẩm đó có bột ngọt. Nhưng chỉ có “acid glutamic tự do” trong thực phẩm mới tạo ra vị “ngọt” của bột ngọt (vị umami) mà thôi, còn acid glutamic “mắc kẹt” trong phân tử protein thì không.

Thực phẩm nào lại chẳng có protein, chỉ có ít hay nhiều mà thôi. Tính trên 100 gr, thì “bột ngọt tự do” có trong thịt bò là 10 mg, thịt gà (20), tôm (20), bắp cải (50), hành củ (51), bắp (106), cà chua (246),..

Cà chua, bắp cải,… có “bột ngọt tự do” nhiều gấp nhiều lần so với thịt cá. Vậy chẳng lẽ mấy thứ rau củ quả này đậm đà vị thịt như…quảng cáo? Nhắc lại, chỉ có bột ngọt tự do mới tạo ra vị “ngọt” của bột ngọt.

Vì sao lại cho cà rốt củ cải vào nước hầm?

Khi nấu nướng, một phần protein của thực phẩm bị phân giải để phóng thích ra bột ngọt tự do để làm “ngọt”, nhưng số lượng được phóng thích này rất ít. Nếu chỉ cần “hơi ít” thôi là mấy hãng bột ngọt sập tiệm từ lâu rồi.

Củ cải, cà rốt (tươi) vốn có sẵn nhiều “bột ngọt tự do” rồi, khi nấu lại rất dễ bung thêm ra nữa. Đó là lý do vì sao mấy bà bếp thường dùng củ cải, cà rốt để làm “ngọt”, dù nồi nước lèo hầm giò heo, xương thịt.

Còn hầm từ xương thịt thì hơi lâu. Khi hầm, một phần protein của thịt bị phân giải, phóng thích ra bột ngọt tự do để tạo vị. Nước hầm từ xương/thịt có vị ngon hơn vì có thêm chất béo, và mùi cũng thơm hơn do một số chất bay hơi từ xương thịt trong quá trình hầm.

Vị “ngọt” của bột ngọt

Bột ngọt được cho là có vị umami, 1 trong 5 vị cơ bản cùng với ngọt, chua, mặn, đắng. Vị cơ bản đại khái hiểu là, không thể trộn với mấy vị khác để thành vị của chính nó được, chẳng hạn, không trộn chua với mặn, để biến mặn thành chua được. Vị umami cũng thế. Nhưng giới khoa học vẫn chưa thống nhất ý kiến, xem umami là vị cơ bản.

Bột ngọt chắc chắn là không ngọt rồi, vị ngai ngái và hơi bị…lợm. Không tin? Thử thì biết!

Nhưng khi thả bột ngọt vào nồi lẩu hay cá kho tộ thì hoàn toàn khác. Bột ngọt có tính cộng lực (synergic) với vài loại siêu bột ngọt. Tính cộng lực hiểu đại khái là, 1 + 1 = 3. Bột ngọt cũng cộng lực được với muối. Một tỉ lệ bột ngọt và muối thích hợp sẽ đẩy hương vị của nồi súp lên tới…bến, so với chỉ dùng riêng bột ngọt.

Bột ngọt có hại cho cho sức khỏa hoặc gây dị ứng hay không sẽ được đề cập trong bài viết khác.

Vũ Thế Thành 
(trích bộ attp “Ăn để sướng hay ăn để sợ?” tập III, Chuyện nhà bếp. – xuất bản 2023)
_____________________________

Tuesday, June 27, 2023

Một góc miền quê Texas với nghề tay trái

  Đặng Hiếu Sinh

Nhà và trại gà với đàn bò  (Ảnh SĐ)

Khi định cư ở Hoa Kỳ, rất ít ai nghĩ đến chuyện sẽ sống ở miền quê, cho dù đã là nông dân nhiều đời lúc ở quê nhà. Nhưng vẫn có một số người, vì hoàn cảnh ban đầu khi mới đến, hay họ có tầm nhìn xa, nên đã chọn nghề làm vườn hay trang trại chăn nuôi. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, đa số họ thành công.

Tùy thuộc vào khí hậu của mỗi tiểu bang, cuộc sống miền quê của người Việt có nhiều ngành nghề khác nhau. Chẳng hạn, tiểu bang Floria có nhiều vườn trồng các loại cây ăn trái của người Việt. Còn ở Texas, đa số người Việt ở miền quê, sống bằng nghề nuôi gà công nghiệp và nuôi bò. Vào hai thập niên gần đây, rất nhiều trang trại gà của Người Việt phát triển mạnh, nhất là vùng Texas và vài tiểu bang lân cận, tạo uy tín với 3 hãng gà lớn là Tyson, Pilgrim và Sanderson. Do đó, khi người Việt mua trang trại gà cũ hoặc xây trại mới, rất dễ được hợp đồng từ hãng gà. Chúng tôi có vài lần đến thăm các vùng nông thôn Texas, tìm hiểu về cuộc sống để thử lập kế hoạch về sống nơi đây trong tuổi hưu dưỡng, hợp với mức tiền hưu khiêm nhường và khám phá rất nhiều điều thú vị.

Cách thành phố Dallas khoảng 2 tiếng lái xe, có những “làng Việt Nam”, nơi đó người dân sinh sống bằng nghề nuôi gà. Tuy không đông đúc nhưng họ sống rất vui vẻ, gần gũi, thân thiện với nhau. Giá nhà và sinh hoạt rất rẻ. Vấn đề an ninh cũng rất tốt, có nhà không bao giờ khóa cửa và xe đậu ở trước nhà cũng không khóa, trong khi chìa khóa vẫn để trong xe. Trước đại dịch Covid, chúng tôi đến thăm anh bạn ở thành phố Winnsboro, TX, nghe kể có người quen bán căn “mobile home” tính luôn cả khu đất rộng, ngay bờ hồ, chỉ có 50,000 USD. Nếu ra khỏi khu thị trấn không xa lắm, có thể tìm mua căn nhà trên khu đất chừng một mẫu, với số tiền khoảng 100,000 USD không khó lắm. Ở đó, có đất trồng rau, cây ăn trái, nuôi gà đi bộ, câu cá, đi săn hoặc bẫy heo rừng. Nếu ai nghỉ hưu non hoặc đúng tuổi, sức khỏe còn khá tốt, con cái đã trưởng thành, muốn chọn một cuộc sống gần thiên nhiên và an nhàn, thì về những thị trấn nhỏ, không xa thành phố lớn, là một chọn lựa không tệ. Nhờ mọi chi phí thấp, người ta có thể để dành tiền cho những cuộc du lịch mình yêu thích.

Chỗ nhử heo đến  (Ảnh Thuận Ng.)

Nhân tiện nhắc việc săn heo rừng, chúng tôi cũng tò mò muốn biết việc săn bẫy và làm heo ra sao, nên căn dặn người bạn ở Marquez City, Texas, khi nào có ai bắt được heo rừng về xẻ thịt, xin báo tin để chúng tôi đến tận nơi quan sát và cũng giải đáp thắc mắc cho đám bạn nhậu, rất mê món heo rừng xào lăn, heo rừng nấu rựa mận, đang thập thò muốn làm thợ săn và chính tay mình làm thợ mổ.

Theo chuyên mục Kiến Thức Trẻ của Ðinh Yên Thảo thì “Số lượng heo rừng tại Texas có đến 2.6 triệu con. Các cánh đồng bắp, lúa mì, đậu, khoai tây, cà chua bắp cải …là thức ăn khoái khẩu của chúng. Do đó, chúng gây thiệt hại mùa màng lên đến 500 triệu hằng năm và còn cao hơn nữa”. Vì thế, việc bắt heo rừng bằng cách săn bắn, đặt bẫy, được khuyến khích để diệt bớt chúng. Thợ săn thường bày một khu có đặt nước và thức ăn để dụ heo đến và họ ẩn núp trên một chòi cây cao, dùng súng bắn. Người ở “farm” thì đặt bẫy để bắt sống.

Bẫy heo rừng là một lồng vuông bằng sắt rất chắc, được đặt ở bìa rừng, cánh cửa mở rộng, bên trong, để thức ăn heo thích như bắp.
Khi heo lao vào ăn thì cửa đóng lại. (Ảnh SĐ)

Một ngày giữa tuần, người bạn báo cho biết có heo mắc bẫy và vợ chồng anh chị bạn ở gần đó sẽ xẻ thịt trong ngày. Thế là chúng tôi vội phóng xe đi ngay. Ðến nơi, lần đầu tiên mới thấy tận mắt cái bẫy và con heo khoảng 50 “pounds” đang bị nhốt trong đó. Anh chị T, người đã làm heo rừng nhiều năm chia sẻ:

Chị T: Tôi qua Mỹ được 12 năm. Mới đầu sống ở Houston. Hồi ở Việt Nam nhà làm biển, nên giúp con làm biển một thời gian, sau đó lên đây mua trại gà. Vừa chăm lo trại gà, vừa làm heo rừng. Thật ra, tôi chỉ mới bắt đầu làm heo khoảng 3, 4 năm thôi, chứ trước đó, con gái săn được heo, đem về cứ để đó, không biết làm gì.

SĐ: Chị có học nghề làm thịt heo không? Tôi thấy làm một con heo, cạo lông, xẻ thịt, không phải dễ nếu không có tay nghề. Trước đây, tôi có theo bạn bè đi săn, đem được một con heo về nhà, bốn người đàn ông ráp lại, loay hoay bốn tiếng đồng hồ mới xong. Nhưng nhìn những miếng thị đã xẻ ra lổn ngổn, lụn vụn, chẳng ngon lành gì cả.

Anh T: Chúng tôi chẳng học nghề với ai, nhưng nhà tôi được cái vừa khỏe, vừa nhanh nhẹn, mỗi lần làm cải tiến một chút, làm mãi rồi quen. Có khi nửa ngày làm 20 con heo. Chủ yếu là bà nhà tôi, còn tôi chỉ phụ khiêng, cạo và khò lửa thôi.

SĐ: Chị cạo lông heo vừa nhanh, vừa trắng trơn, sạch sẽ. Thấy rất dễ dàng. Lần trước tôi làm, cũng nhúng nước sôi, không phải một lần mà đến hai lần, vẫn cạo không sạch là tại sao?

Chị T: Lúc nhúng nước để cạo lông, thì chỉ cần nước nóng 117 độ F. Mới đầu chỉ nhúng sơ con heo trong thùng nước cho ấm da, sau đó từ từ xối nước thêm. Làm heo mà nhúng nước đúng độ còn nhanh hơn gà, vì gà có lông tơ, nhổ rất lâu.

Cạo lông heo với nước ấm khoảng 170 độ F. (Ảnh SĐ)

SĐ: Nguồn heo là do anh chị  bẫy được hay có ai cung cấp thêm và giá cả ra sao?

Chị T: Có một người Mỹ tại vùng nầy chuyên nghề săn heo cung cấp. Giá tiền tính theo con tùy lớn hay bé. Mới đầu giá rất rẻ, chỉ $5 hay $10 một con. Nhưng sau này có nhiều chỗ khác đặt hàng, nên ông ta tăng giá.

SĐ: Anh chị có làm heo to cỡ 100 lbs không?

Anh T: Không, chúng tôi chỉ lấy heo khoảng 50lbs trở lại. Heo từ 80 lbs trở lên, thì ông ta bán cho chỗ làm “sausage”, cả heo cái lẫn heo đực.

SĐ: Anh chị làm nhiều heo như vậy rồi tiêu thụ ở đâu?

Anh T: Chúng tôi có hệ thống “Freeze” để giữ cho heo tươi, rồi báo cho mối quen ở California sang lấy. Mỗi tháng hai lần, mỗi lần khoảng 2,500 lbs. Ở Houston, họ mua về bán lẻ, chỉ khoảng 500, 600 lbs. Năm nay, không có heo nhiều.

Khò lửa cho da vàng căng  (Ảnh SĐ)

: Heo rừng có dữ dằn lắm không?

Anh T: Heo này phá lắm. Cái chuồng phải chắc chắn, không thì nó ủi sập, có khi nó leo lên cả mái nhà để thoát ra. Heo rất khỏe và rất khôn, nó biết lùi lại, lấy thế để ủi. Nếu để tự nhiên, khi nó rượt, mình chạy không kịp. Báo, sư tử,  nếu có một mình thì cũng chỉ bắt được heo con, chứ không bắt được heo lớn. Anh thấy cái chuồng tôi nhốt đó, có lần con heo tông phá muốn sập song sắt và leo lên rồi kẹt ở trên, phải dùng súng bắn chết.

SĐ: Với cuộc sống ở đây, nếu làm heo như vậy, lợi tức có đủ sống không?

Chị T: Nếu có heo đều đều mỗi ngày thì cũng sống được. Nhu cầu sinh hoạt ở đây cũng thấp, chỗ ở rẻ, có gà, có heo rừng, thịt nai, có cá câu, có rau trồng để ăn. Còn chúng tôi thì chỉ là nghề tay trái, vừa làm trại gà, vừa làm thêm heo rừng.

Lột da con nai tơ chỉ trong 10 phút (Ảnh SĐ)

0o0

Cuộc trò chuyện chấm dứt khi nắng chiều sắp tắt và ngay lúc chúng tôi sửa soạn ra về thì có một thanh niên mang đến con nai vừa săn được, nhờ chị T. làm thịt. Chị vui vẻ nhận lời. Chúng tôi lại có dịp xem chị xẻ thịt nai. Không thể ngờ, chưa đầy một tiếng, con nai đã được ra thịt thật nhanh, thật gọn. Người thanh niên trở lại chỉ lấy một cái đùi nhỏ, phần còn lại anh tặng chị để làm khô nai.

Một ngày ở miền quê thật êm ả, không vội vàng, thật đơn sơ, giản dị. Người ta có thể cho nhau một con nai tơ, một con heo rừng, một thùng cá ngon vừa câu được một cách thoải mái, thân tình, rồi khi chiều về, dăm ba cặp vợ chồng ngồi lại nhâm nhi vài lon bia, với cá nướng, khô nai, cùng nhau ôn lại chuyện đời buồn vui. Bình an và thanh thản biết dường nào.

Đặng Hiếu Sinh
____________________________

Monday, June 26, 2023

Thảm Kịch: Khi Cha Mẹ Là ác Quỷ

 Cặp vợ chồng triệu phú nhẫn tâm sát hại 3 con gái khi đi du lịch

4 nạn nhân chìm dưới kênh - gồm Rona Amir Mohammad (52 tuổi),
Zainab (19 tuổi), Sahar (17 tuổi) và Geeti (13 tuổi)
(Ảnh: CBC).

Một sự kiện bi thương xảy ra ở thành phố Kingston, tỉnh Ontario, Canada vào ngày 30/6/2009. Hôm ấy, cảnh sát trục vớt một ô tô Nissan dưới một dòng kênh và phát hiện 4 thi thể nữ giới trong xe. Dường như một ô tô khác đã tông chiếc xe rơi xuống kênh, vì đèn hậu trái của xe vỡ.

4 nạn nhân là thành viên của gia đình triệu phú

Rà soát các báo cáo người mất tích trong những ngày gần nhất, cảnh sát nhận thấy ông Mohammad Shafia, một triệu phú gốc Afghanistan và cư trú ở thành phố Montreal, từng báo rằng 4 thành viên trong gia đình ông ta mất tích sau khi họ thăm thác Niagara. Do đó, cảnh sát nhanh chóng liên lạc với Mohammad Shafia. Vị triệu phú xác nhận 4 người trong xe đều là thành viên trong gia đình ông ta. Họ gồm Rona Amir Mohammad (52 tuổi), Zainab (19 tuổi), Sahar (17 tuổi) và Geeti (13 tuổi).

Ban đầu cảnh sát nghĩ đây là một vụ tai nạn. Nhưng khi tới trường của Zainab, con cả của Mohammad Shafia, để thu thập thông tin, cảnh sát thấy các bạn học của cô kể rằng mối quan hệ giữa nữ sinh 19 tuổi và cha không bình thường vì Zainab không đeo mạng che mặt theo quy định của đạo Hồi, và mặc trang phục theo phong cách phương Tây. Trong khi đó, triệu phú Mohammad Shafia rất ghét những hành vi như thế.

Ngoài ra, Mohammad Shafia còn giận dữ vì Zainab yêu một thanh niên gốc Pakistan ở trường trung học. Mohammad từng bắt Zainab bỏ học và ở nhà. Nhưng trong thời gian Zainab ở nhà, cô vẫn thường xuyên liên lạc với người yêu qua thư điện tử và phần mềm nhắn tin qua Internet. Sau đó, Zainab và người yêu gặp lại nhau và tổ chức đám cưới trong một thánh đường Hồi giáo. Biết chuyện, Mohammad bắt hai người chia tay. Hồi tháng 4/2009, nữ sinh 19 tuổi từng tới trung tâm bảo trợ phụ nữ trong thành phố Kingston để xin cư trú vì sợ cha sẽ ám hại cô, nhưng trung tâm từ chối.

Sahar và Geeti, hai cô con gái khác của Mohammad, cũng tôn thờ lối sống phương Tây nên thường xuyên chịu những trận bạo hành của cha. Nhiều lần Sahar tới trường với những vết bầm tím trên cơ thể. Geeti cũng từng nhiều lần tới trung tâm bảo trợ trẻ em để xin giúp đỡ nhưng bị khước từ.

Lời dọa giết vợ và con của vị doanh nhân thành đạt

Hamed, em trai của Zainab, học cùng trường trung học với cô. Bạn trai của Zainab nói với cảnh sát rằng Hamed thường xuyên để ý mọi việc của chị gái ở trường theo mệnh lệnh của cha. Zainab từng thú nhận với bạn trai rằng cha coi cô và hai em gái là nỗi nhục và vị triệu phú từng dọa giết cả ba người để bảo vệ danh dự gia đình.

Rona Amir Mohammad là nạn nhân lớn tuổi nhất trong ô tô dưới kênh. Điều tra thân phận của người phụ nữ 52 tuổi, cảnh sát sửng sốt khi biết Rona thực chất là vợ đầu tiên của Mohammad. Vào khoảng năm 1979 hoặc 1980, Mohammad Shafia kết hôn với Rona. Vì Rona vô sinh nên vào năm 1989, Mohammad Shafia kết hôn với người vợ thứ hai là Tooba Yahya. Ở Afghanistan vào thời đó, đàn ông có thể lấy nhiều vợ. Tooba sinh 7 con và Rona nuôi dưỡng những đứa trẻ của vợ hai rất chu đáo. Quan hệ giữa hai bà vợ không hòa thuận vì Tooba luôn coi thường Rona, coi bà như người hầu.

Gia đình Shafia rời Afghanistan vào năm 1992 rồi lần lượt sống ở Australia và Dubai. Trong hơn một thập kỷ ở Dubai, ông Mohammad Shafia kiếm khá nhiều tiền ở bằng việc kinh doanh xe hơi cũ rồi lấn sang ngành bất động sản. Tới năm 2007, Mohammad sở hữu gia tài trị giá hàng triệu USD. Tận dụng chính sách trao quốc tịch cho nhà đầu tư nước ngoài của chính quyền Quebec thuộc Canada, Mohammad Shafia đưa cả nhà tới Canada. Ông ta mua một siêu thị ở vùng ngoại ô thành phố Montreal, rồi đầu tư 200.000 USD cho một biệt thự gần siêu thị.

Vì luật pháp Canada cấm chế độ đa thê, Mohammad chỉ có thể kê khai tên của một bà vợ vào giấy tờ di trú. Ông ta chọn Tooba là "vợ chính thức", và khai với nhà chức trách rằng Rona là em họ của ông ta và sang Canada để giúp việc cho gia đình.

Những người thân của Rona nhận định cô mắc kẹt trong cuộc hôn nhân không tình yêu với Mohammad Shafia và từng nhiều lần muốn ly hôn. Mỗi khi Rona cầu xin Mohammad Shafia chấp thuận chia tay, vị triệu phú đe dọa ông ta sẽ đẩy cô về Afghanistan và thậm chí đoạt mạng cô. Các anh, chị, em của Rona khẳng định cô luôn lo sợ Mohammad sẽ giết cô. Người vợ hai Tooba thường xuyên nói với Rona rằng cô là nô lệ, người hầu chứ không phải vợ của Mohammad. Vì chồng và Tooba giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân của Rona nên cô không thể tự rời khỏi Canada và tới các nước mà người thân của cô sống.

Sự căm ghét của Mohammad đối với Rona càng tăng khi cô ủng hộ sở thích, lối sống phương Tây của những đứa con mà Tooba sinh ra.

Thiết bị nghe lén giúp cảnh sát phá án

Chiếc xe Nissan chìm xuống hồ được Mohammad mua đúng một ngày trước khi 4 nạn nhân đi du lịch và tử vong. Trước đó, gia đình Mohammad Shafari chỉ dùng một xe Lexus. Cảnh sát thấy dấu vết va chạm ở phần trước của xe Lexus, song Hamed, con trai của Mohammad, giải thích rằng một ô tô nào đó đã đâm vào xe trong bãi đậu xe. Xem xét kỹ các vết đâm trên cả hai xe, các chuyên gia của cảnh sát nhận định rất có thể xe Lexus đã tông vào phía sau xe Nissan ở mép kênh khiến xe Nissan cùng 4 nạn nhân rơi xuống nước.

Để có chứng cứ rõ ràng hơn, cảnh sát cài thiết bị nghe lén vào ô tô Lexus của gia đình Shafia khi kiểm tra xe, đồng thời bí mật kiểm tra dữ liệu điện thoại của mọi thành viên trong gia đình. Thiết bị nghe lén mang về kết quả ngay lập tức. Nhóm điều tra đã nghe rõ những cuộc trò chuyện của Mohammad, Tooba và Hamed trên xe. Nội dung các cuộc thảo luận cho thấy triệu phú Mohammad muốn giết ba con gái vì cho rằng họ đã hủy hoại danh dự của gia đình. Ông ta cũng muốn trừ khử vợ cả Rona vì bà luôn ủng hộ lối sống của 3 thiếu nữ. Hamed ủng hộ quan điểm và kế hoạch độc ác của cha. Tooba tỏ ra ân hận vì đã đoạt mạng các con, đồng thời bà ta hy vọng những đứa con còn lại sẽ không hành xử như 3 con gái đã chết.

Xâu chuỗi các câu chuyện của nhóm nghi phạm, cảnh sát biết rằng Mohammad giả vờ thân thiện với ba con gái rồi tổ chức một chuyến du lịch tới thác Niagara. Ông ta mua xe Nissan Sentra để Rona và 3 cô gái ngồi trong đó, còn ông ta và vợ, con trai Hamed cùng 3 con còn lại (gồm một con trai và hai con gái) ngồi trong xe Lexus.

Khi hai xe trở về, Mohammad chờ xe Nissan di chuyển tới sát mép kênh rồi điều khiển xe Lexus đâm vào phía sau khiến xe Nissan rơi xuống nước. Cửa kính bên phía ghế lái của xe Nissan vẫn mở, và độ sâu của kênh chỉ là 2m, nhưng không dấu hiệu nào cho thấy các nạn nhân cố gắng thoát ra. Cảnh sát nhận định có thể họ đã bất tỉnh, hoặc thậm chí tử vong, trước khi rơi xuống kênh.

Cảnh sát bắt Mohammad Shafia, Tooba và Hamed
(Ảnh: The Globe and Mail).

Phân tích dữ liệu định vị điện thoại của Hamed, cảnh sát phát hiện nam sinh này không ngắm thác Niagara cùng gia đình, mà lái xe Lexus quay trở lại thành phố Kingston (cách thác hơn 300km) và dừng lại đúng vị trí mà xe chở 4 nạn nhân rơi xuống nước. Giả thuyết của nhóm điều tra là Hamed tới đó để chuẩn bị hiện trường cho vụ mưu sát. Sau đó, Hamed quay trở lại thác Niagara khi gia đình trở về.

Với những bằng chứng ấy, cảnh sát bắt Mohammad Shafia cùng Tooba và con trai Hamed. Trong phiên xét xử vào năm 2012, bồi thẩm đoàn kết luận ba bị cáo phạm tội Cố ý giết người. Họ lĩnh án tù chung thân và chỉ có thể hưởng ân xá sau ít nhất 25 năm. Theo giấy tờ tùy thân chính thức, Hamed Shafia chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm gây án, song anh ta vẫn chịu mức án như người trưởng thành. Sau phiên xử, Hamed kháng cáo lên tòa án tối cao, yêu cầu xét xử anh ta với tư cách bị cáo ở độ tuổi vị thành niên, nhưng tòa án bác đơn. Tòa án đồng ý để một trung tâm bảo trợ trẻ em nuôi dưỡng 3 con còn lại của Mohammad Shafia và Tooba.

Vào năm 2019, một phóng viên đã có cơ hội phỏng vấn Tooba. Nữ tù nhân thổ lộ rằng bà ta không hề cảm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với Mohammad và cảm thấy rất tự do khi thoát khỏi sự thao túng của chồng. Tooba tiết lộ bà đã gửi đơn đề nghị ly hôn Mohammad tới tòa án. Tooba nói thêm rằng bà ta rất căm ghét mẹ vì ép bà kết hôn với Mohammad khi bà ta mới 17 tuổi.

Tooba có cơ hội hưởng ân xá vào năm 2034 và nhà chức trách sẽ trục xuất bà ta khỏi Canada ngay sau khi bà ta ra tù.

Theo montrealgazette.com 

___________________________________

Sunday, June 25, 2023

Mẹ tôi chơi Facebook

DieuLe (sưu tầm)

Thấy lâu mẹ không úp ảnh lên FB, một hôm tôi hỏi mẹ :

_ Dạo này con thấy mẹ ít vào fb nhỉ ?

Mẹ cười :

_ Chơi lâu cũng có kinh nghiệm rồi, mẹ không bị "ngáo" như hồi đầu nữa.

_ Con tưởng mẹ chán rồi ?

_ Chán sao được ? Nơi để các cụ giao lưu chia sẻ, thăm hỏi... mà lại chán là chán thế nào ?

_ Tại con thấy mẹ ít úp ảnh lên phây, con tưởng mẹ chán ?!

Mẹ trầm ngâm một lát rồi nói :

_ Thực ra trong ảo cũng có thật, mà nhiều khi thật lại rất ảo. Mẹ nghiệm thấy rằng : Nếu mình úp ảnh lên phây nhiều quá (như kiểu bắn đạn liên thanh ý) thì dẫu mình có là hoa hậu người ta cũng chán. Bởi cứ mở fb ra là lại lù lù cái bản mặt mình. Mọi người vẫn lai (like) đấy, vẫn còm đấy, vẫn khen xinh, khen trẻ đấy... Nhưng mẹ chắc chắn rằng có khi họ chỉ lai dạo và comment chiếu lệ xã giao thôi chứ chắc gì đã trẻ thật, đẹp thật ?

Nhiều bài thơ mẹ đăng, thấy nhiều người toàn bình luận cái hình minh họa, hay cái đầu đề mà thôi. Suy ra là họ chả đọc thơ mà toàn nhìn ảnh minh họa và đọc cái đầu đề rồi bình luận... ặc ặc...

Mẹ nhớ một lần có một tác giả làm một bài thơ thường thường, nhưng được cái hình minh họa lại tuyệt đẹp. Mẹ đọc thơ anh ta và ngạc nhiên sao bài thơ rất thường mà nhiều like và bình luận thế ? Tò mò vào đọc bình luận thì hóa ra toàn khen hình ảnh , có ai đọc thơ đâu ?... kkkkk

Cũng như nhiều người đăng vidéo mình hát lên fb chẳng hạn (mẹ khẳng định 100 bình luận thì chỉ có 10 bình luận là chịu khó nghe hết bài và bnh luận thô , còn 90 bình luận chỉ là xã giao, chỉ nghe qua hoặc chả nghe cũng khen cho phải phép (phây búc là thế, chả chê ai bao giờ).

Mẹ biết, mẹ mà nói thật lòng sẽ có người tự ái và nói mẹ nhận xét hồ đồ... Nhưng trên fb mà khen xinh thì chưa hẳn đã xinh, khen hay, chưa chắc đã hay... Ai mà thấy người ta khen mà cứ lao vào cái câu khen ấy là chết dở, dễ dẫn mình đến sự nhàm chán.

_ Thế mẹ không vào fb nữa à ?

_ Không là không thế nào ? Vẫn vào chứ . Nhưng mẹ sẽ không đi vào con đường nhàm chán. Ví dụ thỉnh thoảng có dịp gì đó thì mới úp ảnh. Có dịp đi chơi xa thì khoe cho bạn bè mình biết là mình vẫn khỏe, vẫn đi chơi xa được. Thỉnh thoảng khoe con, khoe cháu. Thỉnh thoảng khoe ẩm thực mình tự nấu, tự làm. Thỉnh thoảng đăng một bài thơ, thỉnh thoảng viết một câu triết lý. Sưu tầm được bài gì hay thì đăng lên cho mọi người cùng thưởng thức... Nói tóm lại fb cũng như món ăn, mình phải thay đổi thường xuyên. Thịt dẫu ngon đến đâu mà ăn mãi cũng chá , rau dễ ăn đến mấy mà suốt ngày ăn rau thì cũng không nuốt nổi... Vì thế đừng tra tấn bạn bè một cái gì quá nhiều để người ta phát bội thực là không nên.

_ À vì thế mà dạo này mẹ ít lên phây là như vậy ?

_ Bây giờ mẹ cũng dành thời gian để đọc, để lai, để còm cho bạn bè. Muốn bạn bè quan tâm mình thì đầu tiên mình phải quan tâm người ta đã chứ, Đúng không ?

_ Đúng vậy ! Thảo nào mẹ không đăng bài thì thôi, mẹ mà đăng là mọi người vào giao lưu rất đông với mẹ. Cách chơi fb của mẹ thật văn minh. Con cũng phải học theo mẹ.

DieuLe_St

Một Làng Già ở Mỹ - Phần I

 Thúy Messegee

Cuối năm 2021 tôi về hưu sau khi đã làm việc 31 năm ở công ty, nhận được một cái Rolex sau 25 năm, một đồng hồ Apple sau 30 năm, một đồng hồ grandfather clock treo tường, một đồng hồ để bàn bằng gỗ đỏ sang cả quý phái, một đĩa bạc “ghi công” để chưng bày khoe khoang tại phòng khách.

Mọi thứ đồ đoàn có trong kho mình đều thu tóm cả. Bây giờ thì về đi thôi!

Lúc này tôi mới nghĩ đến nơi ăn chốn ở trong giai đoạn mới của cuộc đời. Ngày xưa còn miệt mài cày bừa trả nợ nhà, nợ xe, nợ “con”, mình gồng mình vớt lấy một căn nhà trong khu trường tốt, vượt cả khả năng tài chính, để rồi phải nhịn ăn nhịn mặc, còng lưng trả tiền nhà mút chỉ hụt hơi. Nay con đã lớn, thôi thì nhường khu này lại cho những cặp vợ chồng trẻ đang nhắm nhía trường xịn cho con họ.

Golf Course-Audubon-scaled

Người Việt khi nghe đến hai chữ “nhà già” thường giật mình kinh hãi và ác cảm với từ này. Họ nghĩ đến những nhà assisted living với những căn phòng nhỏ hẹp, chung đụng với một ông hay bà cụ khác màu da khác ngôn ngữ, đôi khi mất trí cứ gào lên: “Help! Help!” giữa đêm khuya. Hay những bữa ăn nhạt nhẽo không hợp khẩu vị, người phục vụ không nói tiếng Việt, tắc trách lơ là, những ngày cuối tuần ra ngồi phòng khách mòn mỏi ngóng trông những đứa con quá bận bịu chẳng thể ghé thăm v.v.

Thật ra thì có nhiều lứa tuổi già và nhiều cách sinh sống tuổi già. “Già mà còn trẻ” là già đủ để về hưu, hưởng bảo hiểm sức khỏe của chính phủ và lãnh tiền an sinh xã hội, nhưng vẫn sống vui sống khỏe. Già lão, già khụ là lứa tuổi không tự sinh sống được nữa, phải vào assisted living hay nursing home. Người tuy già nhưng vẫn trẻ trong tâm vẫn có thể tìm được môi trường thích hợp cho mình.

Tại nhiều tiểu bang từ lâu người ta đã quy hoạch những làng cho người tuy “già nhưng vẫn trẻ” này. Tại Arizona hay Florida nắng ấm quanh năm, có những làng Sun City, The Villages v.v.  Ở Houston, Texas, thì có Làng Tre (Golden Bamboo I, II, III) nhằm phục vụ người Việt cao tuổi.

Leisure World Club House

Leisure World of Maryland Corporation

Riêng tại tiểu bang Maryland của tôi thì có Leisure World. Nơi này đã được bắt đầu xây dựng từ thập niên 1960, thoạt đầu nhắm vào giới công chức liên bang làm việc tại thủ đô W.D.C. Vì ra đời sớm nên nó giành được khu đất rộng 1,000 acres ngay trung tâm phố phường đông đúc ngày nay. Có đủ kiểu nhà cho từng hoàn cảnh: nhà trệt có vườn sau và garage, nhà townhome 2 tầng, nhà condo nằm trong cao ốc 10 tầng v.v. Ngày nay Leisure World có khoảng 6,000 căn cho dân số hơn 9,000 người, từ lứa tuổi 50 đến…tuổi thọ Trời cho không giới hạn! Ðiều kiện để vào ở là ít nhất 55 tuổi, tuy nhiên nếu ông 55 mà bà 50 thì vẫn được phép vào ở cùng nhau. Còn nếu ông 55 mà bà mới 25 chẳng hạn thì chịu khó tìm chỗ khác. Con cái còn trẻ có thể bỏ tiền mua cho bố mẹ ở, nhưng chính chúng thì không được nhập cư.

Leisure World Garden Plot – Flowers

Tiện nghi

Leisure World có đủ các cơ sở sinh hoạt thường có ở những làng già khác như câu lạc bộ, nhà hàng (tôi đánh giá 4 sao), hồ bơi, rạp chiếu phim, thư viện, sân tennis, sân golf (được giải nhất của Audubon) v.v. Tuy nhiên khung cảnh tôi thích nhất là khuôn viên đầy cây cao bóng cả trồng từ nhiều chục năm nay, đủ loại hoa đua sắc thắm mùa xuân,  những tàn lá xanh ngắt mùa hè, muôn mầu cam đỏ vàng nâu mùa thu, và tuyết trắng xóa mùa đông rơi từng mảnh xuống cành cây trơ trụi như cảnh tiên.

Leisure World Garden Plot – Vegetables

Tình chòm xóm

Ngoài ra, điều làm tôi thích thú hơn cả khung cảnh thiên nhiên là tình chòm xóm. Từ ngày vào Leisure World tôi làm quen được với nhiều người bạn hơn cả 15 năm ở bên ngoài. Ðôi khi mình không nhớ được tên hết tất cả mọi người, nhưng ai cũng nhớ tên con cún, con miu của nhau. Thúy là mommy của Babette, Susie là mommy của Dewey, Sarah là mommy của Cricket, Kim có Toby, Joan có Micky v.v. Khi nói chuyện về ai mà người khác không nhận ra, chỉ cần nói thêm “mommy của Daisy đó!” là người kia nhớ ngay “À à, biết rồi!”

Hàng xóm ngày xưa ai cũng bận rộn cơm áo, gặp nhau chỉ quơ tay chào vội vã rồi mỗi người phóng xe đến sở cho kịp giờ. Xóm xưa của tôi là xóm người Do Thái. Phần đông họ đều giàu có khá giả nên tụ tập đông đúc ở vùng Potomac sang cả, chỉ có gia đình tôi “đèo bồng” đến ở để con được học trường top trong khu vực. Ngày Chủ Nhật, ngày lễ họ sinh hoạt trong cộng đồng giáo hội khắng khít với nhau nên chẳng quan tâm mở rộng vòng tay đón chào “kẻ lạ” như gia đình tôi đột nhập vào làng của họ. Mùa lễ Giáng Sinh họ không treo đèn như những gia đình Mỹ, nhà nào nhà nấy im lìm tối tăm vì họ theo đạo Do Thái ăn lễ Hanukkah chứ không mừng lễ Noel. Năm con gái tôi 13 tuổi nó được mời đi dự vô số các lễ bar mitzvah & bat mitzvah của bạn bè, đánh dấu ngày đứa trẻ đủ trưởng thành để chính thức được phép dự lễ tôn giáo của mình. Tôi học được rằng phong tục  tặng quà bar mitzvah/bat mitzvah là cho ngân phiếu với số tiền chia đúng cho 9: $18, $27, $45, $90 v.v. Khi bà hàng xóm đối diện qua đời, tôi đi dự đám tang tại Synagogue mới biết người Do Thái để người chết nằm trong áo quan gỗ mộc không sơn phết gì cả. Ở đấy suốt 15 năm mà tôi chẳng có ai là bạn thân.

Tại làng già Leisure World, phần đông cư dân đều đã về hưu nên có thì giờ chào hỏi nhau thân tình. Mỗi chiều Thứ Tư độ chục người xách ghế đến sân đậu xe của một bà trong xóm ngồi tán dóc với nhau. Sáng thứ 6 hẹn nhau ra Panera uống trà hay cà phê. Mỗi đầu tháng họp Wednesday Wine, BYOD (Bring Your Own Drink). Ông hàng xóm ở đối diện là dân làm đồ mộc tài tử, mỗi tuần ông trông coi xưởng mộc một ngày. Tôi lợi dụng khi nào có món đồ gì sút tay gãy gọng thì cứ vác sang để ngoài cổng nhà ông, dán một sticky note “Please!”. Vài hôm sau ông mang sang để tại garage nhà tôi, viết bên dưới note: “It’s ok now!”.

Hàng năm xóm tôi tổ chức BBQ tại vườn hoa trong xóm, bỏ flyer từng nhà mời đóng $5 tham dự, xúm xít mua beef burger, turkey burgers, Impossible Burgers cho hợp khẩu vị và chế độ ăn uống của từng người. Các ông khiêng bàn ghế, nướng burgers. Các bà bày thức ăn, rau quả, các món tráng miệng. Mùa đông lễ Valentine thì làm potluck trong một phòng họp tại Câu lạc bộ, mỗi nhà mang một món ăn đến chung. Mùa thu làm tiệc tại lanai, ngồi trên cao nhìn xuống hồ bơi, có mái che nhưng vẫn không tường, trống trải mát mẻ.

Ngoài sinh hoạt xóm (Leisure World có 21 “xóm”, mỗi xóm khoảng một đến vài trăm nhà), người ta còn dự sinh hoạt chung của toàn khu: đi xem ciné miễn phí hằng tuần, chơi Scrabble, Poker, mạt chược, sáng tác, đọc sách & điểm sách, khiêu vũ, đan thêu, hội họa, nhiếp ảnh, vũ cầu, bơi lội, tập đàm thoại các thứ tiếng, đi bộ chung từ 1 mile đến 3 miles, đi du lịch bằng xe bus sang tiểu bang khác v.v. Nếu vẫn ở tại chỗ khi về hưu thì vẫn có thể tham dự những sinh hoạt như trên, nhưng mỗi sinh hoạt ở một trung tâm khác nhau và mỗi bận phải đánh xe chạy ba quãng đồng, còn ở đây thì đi bộ thong thả 10-15 phút là đến.


Gữa những nhóm nhỏ cũng có sinh hoạt riêng cho cá nhân. Tuần rồi một bà hàng xóm gửi text bảo “chiều Thứ Ba 3g sang nhà tôi, tôi sẽ dạy mấy bà chơi mạt chược. Từ ngày tôi tập chơi môn này thấy khả năng tập trung của mình tăng vọt đấy!” Sáng nay bà đối diện trước nhà text: “Hôm nay tôi nhồi bột làm bánh mì cho cháu ngoại. Qua đây học làm với tôi!” Bà ở đối diện sau nhà text: “Ðang làm cơm tối đãi con trai mà nhà hết trứng. Bà còn quả nào cho mượn vài quả?” Cái tình hàng xóm tự nhiên đến độ có thể hỏi nhau muỗng đường, muỗng nước mắm thật tình hơn 40 năm sống ở Mỹ bây giờ tôi mới tìm lại được!

Đồng bệnh tương lân

Trong những buổi trà dư tửu hậu mọi người hay chia sẻ hỏi han nhau về các chứng bệnh già: đau lưng, đau chân thì thoa bóp bằng gì, ban đêm làm sao ngủ được, giới thiệu cho nhau những bác sĩ giỏi về tim, thận, bệnh ngoài da v.v. những vấn đề không thi vị hào hứng gì cho lắm nhưng rất hữu ích ở “tuổi vàng” này. Có một buổi trời ấm áp, ngồi nhìn các bà mặc quần shorts ngồi chung quanh, tôi chợt nhận thấy ra rằng trong 8 bà thì đến 7 bà có một vết thẹo dài từ trên đầu gối xuống đến giữa ống chân. Chính hắn: knee cap replacement – mổ đầu gối! Tự nhủ thầm: “Tương lai của mình đây! Chị trước em sau!”

Cũng có thành phần già lão không còn tham dự sinh hoạt bên ngoài được nữa mà chỉ sống khép kín trong nhà, có người đến chăm sóc mỗi ngày. Những ngày nắng ấm mới thấy các cụ già đẩy xe chầm chậm đi ra đường, có một người trẻ đỡ, vịn một bên. Ðến một lúc nào đó sức khỏe suy sụp hẳn  thì con cháu lại chuyển ông hay bà vào assisted living, nhà bán sang người khác. Cũng có người đau bệnh rồi mất ngay tại trong làng. Chứng kiến trước mắt những biến chuyển không tránh được của cuộc đời cũng là một cách để mình tập hướng về “tương lai” một cách tỉnh táo.


** (Ảnh do tác giả cung cấp) - Còn tiếp Phần #2

Nguồn: https://baotreonline.com/

___________________________

Saturday, June 24, 2023

Không ai khác, là ba.

Hồ Diệu My


Những chuyến đi xa đầu đời của tôi bao giờ cũng được ba dẫn dắt.
Đến ngôi trường xinh, bên hàng thông reo cùng gió,
Lớp mẫu giáo ê a, học theo hoạ mi hót…ba vỗ đầu con gái, khen hay!

Là ba. Với bản lưng rộng to ấm áp, ngước mắt tuổi thơ tôi như thấy núi xanh cao, tựa vào vững chãi cho bé xíu tay ôm.

Là ba. Bao vòng xe đón nắng- đưa mưa ngày đi học. Rời mỗi cổng trường đến quãng rộng đường xa, cao hơn thời niên thiếu.
 
Là ba. Sãi tay dạy con bài học bơi và ngắm bình minh giữa biển đời vỗ sóng. Giữ cho yên như cánh buồn trong gió, xa khơi.

Là ba. Khi thinh lặng để nhẫn lòng quên trách phạt. Khi răn đe buông xuống hiểu rồi thương.

Khi sẻ chia với cơ khó họ hàng. Khi an ủi giúp vơi đi phiền muộn.
Theo ba. Biết trong tiếng chuông ngân có mang lời từ ái. Biết làn hương thơm sẽ nhẹ bởi chẳng nặng lòng tham. Biết vừa, biết đủ, biết vô thường có mặt. Biết giản đơn, bình dị. Biết sống yên, biết tĩnh lặng trong sóng đời. 

Theo ba. Biết Huế xưa đồi mộ tổ tiên hướng về. Biết hiếu đễ, thương yêu giòng họ xa, láng giềng  gần. Biết cúi xuống cơ man đời khó khổ. Để mạch nước trong từ nguồn sẽ thơm nhiều ruộng giống.

Là ba. Tựa sách sống giữa đời, từng trang bỏ lại, ba thong dong rời đi còn con vẫn lần từng trang học. 

Nay gọi hoài Thầy ơi, nơi nao!!!                        
Ngày còn lại không Ba.

SG Covid chướng 6/2021.
Hồ Diệu My facebook

________________________________

Thursday, June 22, 2023

CHẢ LỤA KHÔNG PHẢI LÀ XÚC XÍCH


Nhà văn Nguyễn Tuân nói rằng, chẳng có nơi nào trên thế giới làm giò lụa ngoài Việt Nam. Điều này đúng. Ai chẳng biết cái thứ thịt xay nhuyễn, bó lại đem nấu, đem hấp, xông khói hay để lên men, thì nơi đâu chả có, thậm chí có cả bề dày lịch sử ngàn năm như xúc xích Tây, lạp xưởng Tàu. Nhưng chả lụa Việt Nam muôn đời vẫn là… chả lụa. Chả lụa không bao giờ tương cận với xúc xích hay lạp xưởng…

Chả lụa là món ăn truyền thống của người Việt, xuất xứ từ miền Bắc. Cuộc di cư một triệu người từ Bắc vào Nam năm 1954, đã đem văn hóa hai miền xích lại gần nhau, kể cả thứ văn hóa ẩm thực mà chỉ có… dân nhậu mới ‘đủ thẩm quyền’ đưa ra phán quyết sau cùng được. Nào là canh chua cá lóc, rựa mận, thịt heo giả cầy… Giò lụa (tiếng Bắc) hay chả lụa (Nam) cũng ở dưới góc nhìn như thế.

Hương lụa một phần do lá chuối

Hương chả lụa không thể nhầm lẫn với hương bất cứ loại thịt xay, thịt bằm nào khác đem luộc, dù rằng chả lụa cũng chỉ là loại thịt heo xay nhuyễn rồi đem luộc hoặc hấp. Cái hương ấy một phần do lá chuối. Hương dồn xuống đầu dày chả lụa, nơi đó thơm nhất. Chưa hết, lá chuối mỗi nơi mỗi khác: lá chuối ở vùng Đồng Nai, Biên Hòa mỏng lá hơn vùng Mỹ Tho, Tiền Giang, nên các tay làm chả lụa ở hai đầu vùng trên vùng dưới Sài Gòn này cứ kèn cựa nhau về cái hương lụa tự nhiên.

Xúc xích Tây có hàng trăm loại, mỗi vùng mỗi khác, mỗi nước mỗi khác, nhưng đều có điểm chung, đó là xúc xích thiên về vị hơn là hương. Ở thời buổi khoa học kỹ thuật này, biết bao là gia vị, tha hồ mà công nghiệp hóa cái gọi là… ‘xúc xích truyền thống’.

Chả lụa xem ra nhẹ về vị mà nặng về hương. Hương tinh tế hơn vị nhiều, và cho dù thị trường đầy rẫy hương nhân tạo, nào là hương nếp, hương cốm, hương chanh, hương sầu riêng, hương cà cuống… nhưng hương chả lụa thì không. Chả lụa mà xài hương thì ra mùi thịt hộp. Chẳng hiểu hương và vị có nói lên sự khác biệt văn hóa Đông Tây hay không, chứ cứ tưởng tượng mấy cụ già ngày xưa ngồi uống trà rung đùi thưởng thức hương của mấy giò lan hay thủy tiên xem ra thoát tục hơn nhiều.

Cái tính dai giòn của chả lụa mới là chuyện nhức đầu. Dai và giòn là hai đặc tính ngược chiều. Dai nhiều thì hết giòn, giòn nhiều thì hết dai. Xúc xích Tây cũng chuộng dai giòn, nhưng không cuồng nhiệt như chả lụa. Mấy ông Tây chế ra đủ loại phosphate để làm giòn dai xúc xích, nhưng cái cảm giác ‘cắn sựt’ (good-bite) của xúc xích, dù là xúc xích loại nào đi nữa, cũng thua xa cảm giác ‘cắn sựt’ của chả lụa, không những thế, nhai nhè nhẹ, miếng chả lụa vẫn còn cảm giác ‘dai’. Vừa giòn lại vừa dai đâu phải chuyện dễ.

Về mặt khoa học, có thể giải thích đại khái chuyện dai giòn thế này: khi con heo vừa chết, nhiều phản ứng sinh hóa xảy ra làm pH của thịt giảm dần dần đến điểm đẳng điện (isoelectric point). Đồng thời hai loại protein cơ thịt là actin và myosin xoắn lại thành actomyosin, làm mất đi các điểm háo nước trên dây protein. Hậu quả là khả năng giữ nước ở cơ thịt yếu đi, khi xay thịt thành mọc, nhũ tương này trở nên nhão, độ quết dính yếu, nên cấu trúc sản phẩm kém dai giòn. Đó là lý do vì sao làm chả lụa phải làm bằng thịt “nóng” (vừa giết mổ xong), thịt để lên phản còn… giựt giựt. Xúc xích Tây dùng phosphates để nâng pH và phân giải actomyosin trở lại thành actin và myosin. Myosin hút nước, tạo gel và làm dai giòn sản phẩm.

Các cụ ta thuở xưa đâu biết phosphate, phụ gia là gì, cứ thịt nóng mà xài (lúc đó pH của thịt chưa xuống thấp, nên còn khả năng giữ nước, hòa tan protein của thịt và tạo độ quết dính), bỏ vào cối, thêm mắm muối, rồi miệt mài giã, mà phải giã thật đều tay cho đến khi mọc thịt quết dính. Chả lụa sau khi luộc thơm phức và dai giòn hơn cả xúc xích. Khoa học ngày nay thừa nhận rằng, tác động cơ học (giã tay) như vậy cũng làm phân giải actomyosin, nhưng vẫn chưa biết giải thích vì sao. Ông cha ta cũng không cần biết vì sao, chỉ cần biết rằng, hễ giã không đều tay, thì tính dai độ giòn của chả lụa sẽ không cân đối. Bởi thế mới có chuyện, nghe tiếng giã giò là biết đẳng cấp làm giò tới đâu.

Xưa và nay…

Ngày xưa đình đám, giỗ chạp người ta mới dùng đến chả lụa. Ngả heo xong, lựa lấy miếng thịt ngon nhất đem giã giò. Chả lụa là món ăn ‘quý phái’ trong giới bình dân, năm thì mười họa mới có.

Chả lụa thời nay khác xa rồi, bánh cuốn chả lụa, bánh mì chả lụa, bún bò mì Quảng cũng thêm chả lụa, trẻ con chán cơm thời nhai chả lụa cho có… chất. Chả lụa chạy theo nhịp sống công nghiệp, chế biến công nghiệp, cạnh tranh công nghiệp, giá cũng công nghiệp, thị trường quá nhiều loại chả lụa, nhìn hoa cả mắt.

Cái nghề chả lụa thời nay đâu phải ở nghệ thuật giã giò hay nêm nếm, mà là nghệ thuật nhìn… mặt thịt. Phải biết nhìn mặt thịt để biết chọn thịt vai đấu với thịt mông, trộn lẫn với thịt nách, hay lấy thịt heo già, heo nọc đấu với thịt heo non, heo nái, sao cho ra chả lụa với giá thành cạnh tranh nhất. Khách hàng thời công nghiệp mấy ai bàn cãi chả lụa, họ sống hối hả, ăn mau nuốt vội với thực phẩm đông lạnh, xài lò viba và chảo không dính, ai rỗi hơi mà nói chuyện dai giòn.

Cách giết mổ cũng lắm phần ‘hiện đại’, người ta dí điện hoặc nện búa cho heo ‘ngất’ đi, rồi mới thọc tiết. Thịt heo bị choáng bởi điện giật, cơ co, chắc chắn sẽ khác xa thịt heo thọc tiết còn sống.

Chất lượng thịt heo kiểu đó, sản phẩm ra ồ ạt kiểu đó phải gắn liền với ‘tự động hóa’, hơi đâu mà giã tay. Ngoài Bắc dùng loại một cối xay, trong Nam dùng loại hai cối, chạy điện cho khỏe. Máy xay thịt kiểu đó chỉ nghiền cho thịt nhỏ li ti (tạo nhũ tương thịt), chứ đâu làm nhuyễn ‘gân cốt’ như giã giò. Thịt nhuyễn mới tạo độ quết, là khởi đầu để đạt cân đối giữa độ dai và giòn của chả lụa.

Loại hai cối mà dân trong Nam thường dùng để làm chả lụa xem ra cũng lắm chiêu phép. Một cối gọi là ‘máy chém’ để nghiền, một cối gọi là ‘máy thúc’ để làm nhuyễn. Thúc không kỹ thì mọc lột xột. Chém quá tay thì mọc chảy. Heo non thúc ít, heo già thúc nhiều. Muốn mọc giò rỗ xốp thì thúc sơ chém kỹ. Cần mặt giò trơn láng thì thúc kỹ chém sơ… Đủ mọi thủ thuật kĩ xảo. Chẳng hiểu vì sao dân trong nghề chả lụa lại gọi máy nghiền là ‘máy chém’, có điều mười ông làm chả lụa ở Sài Gòn, thì cũng vài ba ông bị ‘chém’ ngón tay. Sanh nghề tử nghiệp!

Để thêm phần cạnh tranh, chả lụa được cho thêm bột gạo, bột nếp, bột mì, bột năng, bột bắp… có khi cả vài thứ bột trộn lại theo ‘bí quyết’ riêng. Có bột mặt giò mới đẹp và mịn. Ít bột gọi là ‘đệm’ bột, nhiều gọi là ‘độn’ bột. Chả lụa giá nào cũng có là vậy.

Thịt đã thế, máy đã vậy, lại thêm bột, muốn làm dai giòn chả lụa phải xài tới… thuốc. Người ta xài hàn the (borax) để giải quyết sự cố này. Thực ra, hàn the tạo độ dai giòn kém, mặc dù nó có thể tạo độ ổn định nhũ tương thịt trước mắt. Người ta dùng hàn the là để ‘cứu’ thịt khi xài phải thịt ‘nguội’ (sau giết mổ hai đến ba giờ), vì lúc xay mọc thịt sẽ nhão chảy (hàn the làm tăng pH của thịt), nhưng hàn the chủ yếu được dùng cho mục đích bảo quản. Bảo quản kiểu nào thì kiểu, chả lụa treo lủng lẳng ở xe bánh mì, ở hàng bánh cuốn cả vài ngày, thì hàn the cũng bó tay.

Hàn the bị cấm, người ta quay sang xài phosphate của xúc xích để làm giòn làm dai chả lụa. Nhưng phosphate cũng năm bảy đường phosphate, nhiều loại phosphate. Bản thân phosphate không thể ‘cứu vãn’ chả lụa ‘công nghiệp’. Nếu phosphate không được phối thêm với những chất khác, nó có thể làm mọc thịt bị khô, chả lụa ‘bể’ mặt, rạn chân chim và nhất là làm mất hương chả lụa.

Hương nhờ lá, nhưng giờ đây người ta bỏ mọc thịt vào bao nylon rồi mới gói lá chuối. Hương lụa vì vậy giảm đi nhiều. Có nơi còn gói bao nylon nhuộm xanh giả lá để ra cái điều công nghiệp hóa… truyền thống. Làm thế có khác nào thiếu nữ Việt bỏ áo bà ba mặc đồ đầm, vén váy chuệch choạc bước xuống thuyền tam bản.

Có nơi còn hào hứng rút chân không. Chả lụa được bỏ vào bao nylon chịu nhiệt, hấp tiệt trùng cao áp, rút chân không để bảo quản được vài ba tháng. Hấp như đồ hộp kiểu đó, thì xương cốt cũng nhừ, còn gì mà dai với giòn. Chả lụa loại này gọi là… bánh thịt.

Chả lụa bị bầm dập bởi nền văn minh và nhịp sống công nghiệp như vậy, lấy gì mà nói tới hương, tới vị, tới cái đầu dày giò lụa, tới giòn, tới dai.

Đầu năm, nhai miếng chả lụa, đôi chút… ngậm ngùi.

Vũ Thế Thành (Sài Gòn 2003)
Theo: Sài Gòn Thập Cẩm

________________________________