Sunday, April 2, 2023

Tôi Gặp Ma

 Ngọc Lan


Bạn có tin là có ma hay không? Bạn đã bao giờ gặp ma hay chưa? Vậy ma là gì? Tôi thì rất sợ ma, măc dù chưa biết và chưa gặp bao giờ. Tôi nghĩ nếu gặp chắc tôi sẽ “chết chắc” vì tôi rất yếu bóng vía và sợ bóng đêm. Đã sợ mà lại còn hay thích nghe kể chuyện ma nữa chứ. Nhưng tôi tin là người chết có linh hồn và linh hồn ẩn hiện để cho mình biết có sự hiện diện của họ, đó chính là ma. Ma thì cũng có ma hiền ma dữ, “sống làm sao thì chết làm vậy”.
Hồi còn bé, tôi được mẹ kể lại nhiều chuyện mà chính mẹ tôi đã gặp. Mẹ tôi kể khi bà khoảng 10 tuổi, một đêm ông ngoại tôi có bạn đến chơi nhà, ông sai mẹ tôi cầm chai đi mua rượu về cho ông tôi nhắm . Ở ngoài quê, khoảng 8-9 giờ đêm là đã khuya lắm rồi, trên đường về phải đi ngang những bụi tre, mẹ tôi nghe tiếng ru con, nhìn lên thì thấy có người đàn bà ngồi trên cái võng vắt vẻo ở đầu ngọn tre. Lúc đó mẹ tôi không biết là ma nên mới mở miệng nói đùa vì mẹ tôi rất ‘ cứng bóng viá’, bà chả sợ cái gì cả, “Ngồi đưa võng mát quá nhỉ? Cho tôi ngồi với”. Khi về nhà mẹ tôi mới kể lại cho bà ngoại tôi nghe, bà ngoại la, “Thôi chết rồi con gặp phải ‘mẹ ranh’ rồi”. Thế là từ hôm đó mẹ tôi đau đến nỗi mà tóc tai rụng hết chả biết tại sao? (Tôi nghĩ chắc lúc đó mẹ bị bịnh thương hàn). Bà ngọai phải cúng kiếng quá chừng và từ đó không dám sai mẹ tôi đi đâu ban đêm nữa.

Khi gia đình tôi dọn ra Huế, mẹ tôi thuê một căn nhà mà lúc dọn vào ở mẹ cũng không hỏi thăm hàng xóm tại sao căn nhà to đẹp mà bỏ trống như vậy. Mới chân ướt chân ráo đến Huế, thuê đươc căn nhà như thế với giá rẻ là mừng quá rồi. Ai ngờ đâu ở được vài hôm thì anh em tôi đau ốm và hay nói lảm nhảm. Lúc đó anh tôi mới được 5 tuổi, tôi lên 3 tuổi và đang bập bẹ nói. Ban ngày hai anh em chơi đùa, ăn uống bình thường nhưng cứ đến tối là nóng sốt, riêng tôi thì cứ nói giọng Huế, “Dà(nhà) mi dơ lắm, mi đi đi”. Mợ tôi mới khấn thầm, “Nếu ông bà nào có linh thiêng thì cho mẹ tôi biết, đừng làm cho tụi tôi đau ốm”. Thế là tối hôm đó mẹ tôi nằm mơ thấy cả mấy chục người mặc đồ đen, từ nóc nhà trèo xuống đánh nhau với mẹ tôi”, sáng dậy áo quần bà uớt đẫm cả mồ hôi. Lúc đó bà mới qua hàng xóm nói chuyện, thì được biết rằng căn nhà đó ngày xưa Pháp dùng làm chỗ tra tấn những người Việt Minh. Sáng hôm sau mẹ tôi vội vàng tìm căn nhà khác rồi dọn đi ngay, không dám ở thêm một ngày nào nữa.

Lúc gia đình tôi ở Qui Nhơn , mẹ tôi cất nhà cho các anh lính độc thân thuê. Sáu anh lính trẻ xa gia đình ở chung một căn và mẹ tôi nấu cơm tháng cho các anh ấy ăn luôn. Ở cả năm không có chuyện gì xảy ra, bỗng dưng trong khoảng thời gian chừng một tháng, anh nào anh nấy mặt mũi trở nên bơ phờ, hốc hác. Mẹ tôi mới hỏi, “Có chuyện gì mà sao thấy đứa nào cũng xanh xao vàng vọt vậy”. Các anh mới nói, “Tụi con không ngủ được vì sợ ma”. Mà đặc biệt trong sáu anh thì năm anh độc thân đều bị ma đè. Có khi ngủ trưa các anh cũng la ú ớ, còn mỗi anh có vợ ở quê là không việc gì. 

Một tối các anh phải đi trực gác, chỉ còn một anh ở nhà nên anh ta không dám ngủ trong nhà. Trời Qui Nhơn mùa hè rất nóng, anh ta mới ngủ với ông anh tôi, hai người kê ghế bố gần cửa sổ, chỗ mẹ tôi mắc võng. Đến khuya mẹ tôi nghe tiếng anh nọ la ú ớ và đồng thời con chó nhà nuôi cũng cất tiếng tru dài trong đêm vắng nghe đến rợn người. Mẹ tôi vùng đậy, vất cái hũ bùng bình bể ra cửa sổ đánh rầm một cái thì anh kia cũng tỉnh dậy, run như cầy sấy và con chó lúc đó cũng hết tru . Sáng mẹ tôi mới hỏi các anh, “Tụi con có lấy đồ gì ở đâu đem về không?” Lúc đó các anh mới nhớ ra là có khiêng về cái giường sắt của trung tâm Chỉnh hình vì thấy còn tốt. Mẹ tôi mới nấu nồi cháo và mua trái cây cúng rồi bảo các anh phải đem trả cái giường đó. Từ đó các anh mới được ngủ yên mà không bị khuấy phá nữa.

Riêng tôi, khi đi thực tập ở nông trường Lê Minh Xuân, ở trong các lán trại của Thanh Niên Xung Phong, gần con kinh mới đào, nghe mấy anh kể có người chết đuối gần chỗ tụi tôi ở. Tôi vốn rất nhát nên khi ngủ mới đòi nằm giữa hai cô bạn, chân lại co lên vì sợ đêm khuya ngủ quên ma kéo cẳng. Một tối, ba đứa tụi tôi rủ nhau ra ngoài để làm vệ sinh, nhìn qua chỗ đồng trống, thấy có những đám lửa tròn như trái banh đang lập loè bay nhảy. Nghe nói đó là “Ma trơi”, ba đứa sợ quá, vội kéo nhau chạy. Riêng tôi thì quýu chân quýu cẳng, muốn chạy mà hai chân cứ xoắn vào nhau, thế là vừa lết, vừa lăn, vừa bò. Đến đầu lán trại lại thấy một bóng trắng phất phơ, ba đứa sợ run như cầy sấy, còn tôi thì gần như “nghĩa mẹ” vậy đó (Thằng con tôi lúc bé hay đọc “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong quần chảy ra”). Lết vào được trong mùng rồi mà cả ba chưa hoàn hồn. Sáng dậy ra ngoài mới thấy đó là cái áo may-ô của anh nào phơi ban đêm, quên không lấy vào. Nghĩ lại lúc đó tụi tôi sợ quá nên “Trông gà hóa cuốc”, lại cứ tưởng là ma nên đứa nào đứa nấy im re, không dám nói cho ai biết, sợ các bạn cười. Nhưng cũng từ đó tụi tôi không dám ra ngoài ban đêm nữa, có gì cũng ráng gồng mình cho đến sáng.

Riêng tôi vẫn tin là người chết có linh hồn, chả là mẹ tôi có bà bạn ở gần nhà, chẳng may bà đi sinh mà sinh khó lúc đó bác sĩ phụ sản chậm trễ sao đó, làm chết cả mẹ lẫn con. Tối mẹ tôi nằm mơ thấy bác đó bảo với mẹ tôi, “Tôi chẳng có cái áo dài nào cả”. Sáng hôm sau mẹ tôi mới qua hỏi các con của bà ấy, “Mẹ mày có cái áo dài nào không?” Thì y như rằng tụi nó nói, “Mẹ cháu chả có cái áo dài nào cả”. Thế là mẹ tôi vội vàng ra chợ mua vải may cho bác ấy cái áo dài để liệm.

Ngày mẹ mất, tôi và gia đình nhỏ của tôi về chịu tang mẹ. Mặc dù tôi mới về Việt Nam thăm mẹ và mới trở lại Mỹ được có ba tuần, ba tôi sợ tôi về lần nữa tốn kém, nhưng tôi vẫn nhớ lời mẹ dặn, “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Lần cuối trong đời mẹ tôi phải về lo cho bà đến nơi đến chốn, có mồ yên mả đẹp tôi mới yên tâm. Suốt thời gian mẹ đau ốm tôi không có bên cạnh để chăm nom săn sóc, nên đây là lần cuối cùng tôi phải về để trả hiếu. Đêm cuối cùng ngồi cạnh quan tài của mẹ, người ta bảo tôi phải thắp nhang liên tục và không được để nhang tắt . Đến khuya cả nhà đi ngủ hết, cửa kiếng đóng kín, không mở quạt, chỉ một mình tôi ngồi cạnh quan tài mà nhớ đến mẹ như ngày nào còn bé được mẹ chăm nom săn sóc. Tự nhiên thấy bài vị trên bàn thờ mẹ tôi động đậy ba lần, tôi nhìn lên và cất tiếng hỏi, “Mợ phải không mợ?” Lúc đó tôi không sợ gì cả và tin rằng mẹ thấy tôi và biết tôi đã về thăm bà.

Hôm đưa mẹ đi chôn, tối đó tự nhiên có con bướm vào nhà bay quanh vài vòng rồi đậu lên bình bông vạn thọ trên ban thờ. Sáng hôm sau, tôi vào dọn dẹp giường cho ba tôi thì thấy con bướm nằm chết trong chăn của ba tôi. Tôi mới hỏi ba, “Ba ngủ có nằm mơ thấy mợ không?” Ba tôi bảo, “Có, tao thấy mợ mày về nói chuyện như lúc còn sống”. Tôi tin rằng linh hồn mẹ tôi đã nhập vào con bướm đó để về thăm nhà và tôi cũng tin rằng mặc dù mẹ mất đi nhưng linh hồn bà vẫn theo dõi và phù hộ cho cha con tôi.

Tôi luôn cầu nguyện cho linh hồn mẹ được an vui nơi cõi vĩnh hằng. Mình không thấy được những người khuất mày khuất mặt nhưng họ vẫn ở đâu đó quanh ta.

Nguyễn Ngọc Lan (74KNN)


_____________________________

No comments:

Post a Comment