Những ngày bão lũ triền miên xảy ra tại quê nhà, ở Sài Gòn tôi lại nhớ da diết cái mùi vị quen thuộc của món ăn thuở nhỏ. Món ăn ấy gắn liền với tuổi thơ tôi, đó chính là món mắm cái rim đậu phụng vào những ngày bão lũ mà mẹ thường hay nấu cho mấy anh em tôi ăn.
Tôi vẫn còn nhớ như in vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, hồi đó ở quê tôi (Quảng Ngãi) nhà nào cũng muối sẵn cho gia đình mình một hũ mắm cái (miền Nam hay miền Bắc thường quen gọi là mắm cấy) để dành ăn qua những mùa mưa, nhất là qua những ngày bão lũ.
Với những gia đình nghèo khó và đông con như nhà tôi thì hũ mắm cái luôn là thứ cần thiết để "đưa cơm".
Mắm cái là một loại mắm "đặc biệt" được muối với cá cơm biển còn tươi nguyên nên thường có hương vị rất riêng. Nó có vị mặn đậm đà như chính bản chất của những người miền Trung vất vả, một nắng hai sương.
Mắm cái càng để lâu càng có vị thơm ngon đặc biệt hơn, không thể chê vào đâu được. Chén mắm cái giã ớt tỏi thường xuyên "hiện diện" trong mỗi bữa cơm độn khoai sắn của những gia đình đông con, nhà nghèo hồi đó.
Thường thì vào những ngày mưa to, gió lớn, nhất là những ngày bão lũ, nước ngập quanh làng, người ta thường không họp chợ liên tiếp trong nhiều ngày. Không thể đi chợ, lúc này hũ mắm là "vị cứu tinh" của nhiều gia đình nghèo khó hồi đó.
Mắm cái giã ớt tỏi mà chấm với rau muống luộc hay mớ rau tập tàng mẹ hái quanh giếng thì anh em tôi ăn hết cả nồi cơm. Trong những ngày bão lũ mà có món mắm cái thì chẳng cá thịt nào có thể sánh bằng.
Ăn mắm cái với rau luộc riết rồi có lúc cũng "ngán". Để thay đổi khẩu vị, mẹ thường chế biến mắm cái thành nhiều món ăn khác để anh em tôi thưởng thức.
Đặc biệt là món mắm cái rim với đậu phụng (miền Nam hay gọi là đậu phộng), mà anh em tôi rất thích ăn với cơm nóng độn khoai sắn vào những ngày mưa bão hay những ngày mùa đông giá rét.
Hồi nhỏ khi còn ở quê, ngồi trong gian bếp củi ấm áp ngày mưa bão, tôi thường hay để ý cách mẹ chế biến món mắm cái rim với đậu phụng dành cho "con nhà nghèo". Khi chảo nóng mẹ bắt đầu cho một ít mỡ heo (mẹ hay để dành trong chén mỗi ngày) vào. Mẹ cũng không quên cho một ít tỏi giập vào chảo để món ăn có mùi vị thơm ngon hơn.
Khi mùi tỏi bốc thơm ngào ngạt đầy gian bếp cũng là lúc mẹ cho nguyên một chén mắm cái vào chảo. Dùng đũa đảo qua đảo lại chừng vài giây cho mắm khỏi "sít", mẹ bắt đầu cho chén đậu phụng đã rang sẵn vào nồi và trộn đều lên.
Để cho món mắm cái ít mặn hơn, mẹ thường cho thêm muỗng đường đầy rồi gạt lửa nhỏ liu riu chừng hơn phút. Trời lạnh mà có món mắm cái rim đậu phụng do mẹ làm, thì dù chỉ có nồi cơm độn khoai sắn anh em tôi ăn không biết chán...
Anh em tôi giờ đây đã trưởng thành. Có người đi làm ăn xa, lâu lâu có dịp về thăm quê, lại tề tựu về ngôi nhà nhỏ, thân yêu, quen thuộc của mẹ. Rồi chúng tôi lại "bắt" mẹ làm món mắm cái rim đậu phụng thuở trước để thưởng thức.
Bà con quê tôi đang trong những ngày mưa lũ đầy khốn khó. Chắc rằng lại có những người con được ăn chén mắm cái của mẹ để đi qua những ngày bão dông.
Và như chúng tôi, các em chắc rồi sẽ đi xa. Đi xa để thành đạt, để nhớ và trân trọng món mắm cái, mắm cái rim đậu phụng mà mẹ hay làm. Món mắm dân dã đã nuôi chúng ta lớn khôn, nên người.
TẠ TƯ VŨ - NGUYỄN ĐƯỚC
______________________________________
No comments:
Post a Comment