Thursday, April 13, 2023

Cây xương xông quê ngoại.

Hiếu Bùi Berlin




Đầu tiên thứ lỗi vì tôi không biết viết chính xác là xương xông hay xương sông. Tôi tra google hầu hết là xương sông. Nhưng tôi vẫn cố viết là xương xông vì trong ký ức tuổi thơ mà tôi viết dưới đây, từ ngữ ấy đã ăn sâu trong tiềm thức. Tôi e ngại nếu như viết như Google sẽ ảnh hưởng đến mạch viết mỗi khi viết đến từ này.

Quê ngoại tôi ở làng Phụng Công, Thường Tín, Hà Tây cũ. Đi từ Hà Nội qua Văn Điển, Ngọc Hồi đến Quán Gánh thì rẽ phải, đi qua làng Nhị Khê rẽ trái men theo sông là đến làng bà ngoại tôi.

Những năm 1980 theo mẹ về quê, đầu tiên mẹ con tôi đi xích lô đến bến xe Kim Liên, nó ở ngã ba đường Lê Duẩn và Trần Nhân Tông bây giờ, sau đó đi xe khách đến Thường Tín. Quãng được chắc chỉ 13 km trên xe khách nhưng mà đi cũng mất cả tiếng đồng hồ. Đến Quán Gánh thì mẹ con tôi đi bộ tầm 4 km đến nhà bà.

Bé mà theo mẹ về quê thì chỉ có là vào  dịp nghỉ hè. Hai mẹ con tôi đi bộ trên con đường nắng như đổ lửa , may có hàng cây thưa đi một tí lại có bóng mát, đến gần đầu làng Nhị Khê có một cái giếng làng to, mẹ tôi dùng nón vục nước để hai mẹ con uống. Chúng tôi ngồi nghỉ rồi đi tiếp.

Đến đầu lối rẽ vào nhà bà, có một mảnh ruộng rau muống, mẹ tôi gọi.

- U ơi, u hái rau à?

Bà ngoại tôi đang còng lưng dưới ruộng, đứng thẳng người cười nói.

- Mẹ con nhà mày về à? Cứ về nhà trước đi, tao hái nắm rau rồi về sau.

Mẹ dẫn tôi về nhà bà, có rặng duối làm hàng rào, có cả bụi tre to. Lối đi quanh co  lát gạch đỏ đến cái cổng xưa củ phủ rêu mờ là một cái sân lát gạch và một ngôi nhà cũ kỹ bằng gạch chỉ còn những bờ tường, mái ngói và cửa không có, giữa nhà là những cây chuối và cây nhỏ mọc giữa những khoảng đất, lác đác trên nền là những viên gạch còn sót lại.

Sau tôi mới biết ngày xưa có ngôi nhà như thế là rất khá giả, ông ngoại tôi có nhiều ruộng, có nhà mái ngói, sân gạch, lối đi vào nhà từ đường vào cũng lát gạch đỏ nghiêng. Nhưng năm cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi ở nhà ngoài Hà Nội, người ta đã dỡ hết ngói và kèo, cửa bằng gỗ lim, cậy gạch nền nhà mới lộ đất cây chuối mọc.

Bà ngoại tôi ở cái nhà mái gianh bên cạnh cái nhà đổ, nhà gianh nền đất nện, được cái vách nhà bằng gỗ do ông ngoại tôi làm nghề mộc. Các cậu tôi cũng đều làm nghề mộc ở Hà Nội. Chắc nghề đó phải truyền từ khi cụ đến ông ngoại, nên ông đặt tên mẹ tôi là Mộc.

Thưở ấy ở quê không có điện,  tối trời vẫn còn oi nồng, mẹ tôi nói tí nữa gió đồng sẽ mát. Bà và mẹ với tôi ngồi ăn cơm ở hiên nhà, cơm với rau muống luộc với chút tép vụn kho bà tôi vợt ngoài ao. Con chó vàng của bà ngồi chầu, nó gầy guộc như bà ngoại tôi. Nó còn chẳng có tên, bà tôi gọi êu êu , hay bà đặt tên nó là vậy?

Sáng dậy sớm bà tôi đã đi làm đồng, mẹ tôi đi chợ làng dẫn tôi theo, mẹ mua ít thịt lợn về. Rồi mẹ đi quanh nhà hái những lá cây xương xông to nhưng còn non, chúng mọc ở chân tường ngôi nhà đổ, mẹ còn hái rau đay, mồng tơi, rau dền ở sát bụi duối hàng rào. Trưa hôm ấy mẹ băm thịt cuốn cuốn trong lá xương xông, dè sẻn lấy một thìa mỡ ở cái âu sứ cho vào chảo, mẹ nhóm bếp củi làm món chả xương xông.

Trưa hôm ấy chúng tôi ăn cơm với canh rau đay, mồng tơi với chả xương xông.

Cây xương xông như loài cây dại, bà tôi chẳng trồng, chúng cứ mọc quanh tường nhà chẳng cần chăm sóc, tưới tắm gì. Chúng vẫn hiên ngang vươn mình sống và mang đến một hương vị rất đặc biệt trong bữa ăn nghèo.

Ở nhà mẹ tôi cũng hay làm món chả xương xông.

Hai ngày trước khi tôi đi Đức, tôi đi bằng xe máy chở Tí Hớn về quê ngoại. Bà Ngoại tôi đã mất cách đó vài năm, cậu tôi từ Hà Nội về quê ở, năm đó cậu tôi cũng đã 65 tuổi. Tôi dẫn Tí Hớn ra cái chợ mà mẹ tôi đã dẫn tôi đi, mua ít thịt nạc vai. Về đến nhà bà, tôi dẫn Tí Hớn đi hái lá xương xông, rau đay, mồng tơi và cả mấy ngọn rau muống mọc ven mương.

Tôi không ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp cậu tôi. Cậu mất đầu năm vừa rồi, sau đó thì anh trai tôi cũng mất.

Mẹ tôi có 6 người con, bà ngoại tôi có 13 đứa cháu.

Có lẽ trong số đó, tôi là người có số phận đặc biệt nhất. Từ một thằng bé hiền lành, nhút nhát hay khóc, hay tủi đến một đứa chăm chỉ nấu ăn, quét nhà, học khá rồi trở thành một tên du thủ du thực đến nỗi vào tù, trở về làm ăn mở công ty làm biển quảng cáo và cuối cùng thì đi sang Đức theo học bổng được mời.

Nhưng có trải qua như thế nào đi nữa, dù ở đâu đi chăng nữa. Tôi vẫn nhớ món chả xương xông, canh rau đay, rền, muống mà mẹ tôi đã nấu hôm nào ở quê bà ngoại. 

Hồi ấy ở quê, được ăn thịt là hiếm lắm.

Bây giờ chả có cái gì sợ phải hiếm cả. Chỉ sợ rằng ngày nào đó trong lòng mình nỗi nhớ sẽ hiếm đi.
Hôm nay làm món chả xương xông, nhớ những ngày thơ ấu. Cảm giác mình cũng như loài cây dại ấy, mọc quanh chân tường nhà bà ngoại.

Hiếu Bùi Berlin

______________________________

No comments:

Post a Comment