Saturday, April 1, 2023

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

 LÊ THÚY PHƯỢNG


1.Khái niệm người cao tuổi

Có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi. Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ người già để chỉ những người có tuổi, hiện nay “người cao tuổi” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Hai thuật ngữ này tuy không khác nhau về mặt khoa học song về tâm lý, “người cao tuổi” là thuật ngữ mang tính tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng.

Theo quan điểm y học: Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể.

Về mặt pháp luật: Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 quy định: Người cao tuổi là “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”.

Theo WHO: Người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên.

Một số nước phát triển như Đức, Hoa Kỳ… lại quy định người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định ở mỗi nước có sự khác biệt là do sự khác nhau về lứa tuổi có các biểu hiện về già của người dân ở các nước đó khác nhau. Những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Do đó, các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn, nên việc quy định về tuổi của các nước đó cũng khác nhau.

2. Các giai đoạn của người cao tuổi

2.1. Giai đoạn đầu của người cao tuổi

Những người từ 60 – 69 tuổi. Giai đoạn này kéo theo nó những biến đổi quan trọng trong đời sống con người. Trong thời kỳ giữa những năm 60 và 70 tuổi, phần lớn trong chúng ta tất yếu phải thích ứng với việc phân bổ các chức trách. Nghỉ hưu, việc tự nguyện hay bắt buộc giảm số giờ lao động sẽ dẫn tới thu nhập. Bạn bè và một số đồng nghiệp qua đời. Những nhu cầu của xã hội giảm đi: những người tuổi trên 60 sức khỏe có giảm đi, tính độc lập và tính sáng tạo không như trước đây. Sự phản ứng về mặt xã hội như thế có ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của những người cao tuổi còn khỏe mạnh, sung sức, làm ngã lòng họ. Nhiều người 60 tuổi buộc họ phải tiếp nhận luật chơi làm nhịp độ cuộc sống riêng chậm đi, và do đó gián tiếp họ mong đợi hy vọng vào xã hội.

Sức mạnh thể chất vào thời kỳ này cũng sút giảm và điều đó tạo ra những vấn đề phụ thêm cho những người đang tiếp tục làm việc trong ngành công nghiệp. Trong khi đó, nhiều người ở tuổi 60 sức lực còn sung mãn và còn đi tìm kiếm cho mình những loại hình hoạt động mới. Nhiều nam, nữ mới nghỉ hưu không lâu có sức khỏe tốt và trình độ học vấn cao. Họ còn có thể sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để tự hoàn thiện, củng cố sức khỏe, tham gia hoạt động xã hội hoặc chính trị. Một số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và sinh hoạt tình dục tích cực. Một số người hưu trí có thể trở thành những nhà từ thiện, nhà sản xuất và nhà giáo. Họ là những nhà quản trị tự nguyện của các hãng thương mại nhỏ, những người trợ giúp trong các bệnh viện, những ông nội bà nội.

Trong nhóm tuổi đang xem xét này có những sự khác nhau quan trọng có liên quan đến độ tuổi về hưu. Phần lớn trong số họ còn làm việc ở tuổi 65, cũng có một số người nghỉ việc ở tuổi 55, còn số khác lao động tới tuổi 75. Việc quyết định nghỉ hưu vào một độ tuổi nhất định là phụ thuộc vào sức khỏe của từng người, vào nghị lực và vào loại công việc mà họ làm. Đồng thời, con người có thể tiếp tục (hoặc kết thúc) hoạt động lao động của mình do hàng loạt nguyên nhân có liên quan tới những người xung quanh: Tình trạng sức khỏe của chồng (vợ), bạn bè dọn đi ở nơi khác, các yếu tố “bên ngoài” chẳng hạn như tình hình tài chính của gia đình. Một số người 68 tuổi có số tiền tiết kiệm nhỏ buộc phải làm việc tiếp để bù đắp chi tiêu cho mình, trong khi những người khác có thể nghỉ ngơi với số tiền hưu trí và thu nhập từ tiền tiết kiệm trước đó và bằng những khoản bảo đảm xã hội và ưu đãi khác.

2.2. Giai đoạn giữa của người cao tuổi.

Những người có độ tuổi từ 70 đến 79 tuổi. Ở độ tuổi này con người thường gặp phải những biến cố quan trọng nhiều hơn so với hai thập niên trước. Nhiệm vụ của người 70 tuổi là giữ gìn bản lĩnh cá nhân đã hình thành ở họ trong khoảng thời gian giữa 60 và 69 tuổi. Nhiều người ở tuổi từ 70 đến 79 thường ốm đau và mất người thân. Bạn bè và người quen biết ngày càng ra đi nhiều hơn. Ngoài việc thu hẹp giao tiếp với xung quanh dần dần họ cũng bớt tham gia vào công tác của các tổ chức xã hội. Ở độ tuổi này, người già thường hay cáu giận, mất bình tĩnh. Tình trạng sức khỏe thường làm họ lo lắng. Mặc dù có những mất mát đó nhiều người ở tuổi 70 còn có khả năng chống đỡ những hậu quả gây ra cho độ tuổi này. Nhờ chất lượng hỗ trợ y tế được cải thiện và có lối sống lành mạnh hơn, người đứng tuổi thường vẫn chung sống với các bệnh ung thư và thoát khỏi hiểm nghèo sau những cơn đau tim đột qụy…

2.3.Giai đoạn gần cuối của người cao tuổi

Những người từ 80 đến 90 tuổi. Không nghi ngờ gì độ tuổi là một trong những tiêu chí để chuyển nhóm “những người mới bước tuổi già” sang nhóm “những người rất cao tuổi”, tuy nhiên đó không phải là tiêu chí duy nhất. Sự chuyển sang nhóm “những người rất cao tuổi” – đó là “một quá trình được bắt đầu từ ngày mà con người sống bằng các ký ức của mình”.

Phần lớn những người 80 đến 90 tuổi, rất khó khăn trong việc thích nghi với môi trường xung quanh mình và tác động qua lại với nó. Nhiều người trong số họ cần có lối sinh hoạt được tổ chức tốt, tránh những điều bất tiện bởi lẽ sinh hoạt tốt tạo ra kích thích tốt, sinh hoạt bất tiện tạo ra sự đơn độc. Họ cần được giúp đỡ để duy trì các mối liên hệ xã hội và văn hoá.

2.4. Giai đoạn cuối của người cao tuổi

Những người 90 tuổi trở lên. Số liệu về những người trên 90 tuổi không nhiều, rất ít so với những người 60, 70 hoặc 80 tuổi. Vì vậy, việc thu thập thông tin chính xác về tình hình sức khỏe và những sự tác động qua lại về mặt xã hội của những người thuộc nhóm tuổi này là rất khó khăn. Mặc dù có khó khăn trong việc tìm hiểu các vấn đề sức khỏe ở nhóm tuổi này, song những người rất già có thể thay đổi các hình thức hoạt động khác nhau một cách có kết quả khi họ biết sử dụng những khả năng vốn có của họ hiệu quả nhất.

Tóm lại: Người cao tuổi chiếm tới gần 10% dân số, người cao tuổi là một lực lượng xã hội đông đảo và có vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Với kinh nghiệm được tích lũy trong quá trình lao động, cống hiến; với những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, người cao tuổi được coi là một nguồn lực quan trọng trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước....


BSCKII LÊ THÚY PHƯỢNG

___________________________________

No comments:

Post a Comment