Huyền Nga
Những ngày
cuối năm, Sài Gòn bắt đầu se lạnh. Buổi chiều, con gái chạy ùa vào phòng khoe :
“Mẹ, mẹ ơi, ba mang về cho con chiếc đèn
này…”. Con gái líu ríu mừng vui khi có được quà của ba sau một ngày làm việc.
Nhìn chiếc đèn trên tay con, tôi thấy kiểu dáng giống như chiếc đèn hột vịt thời
xưa, bỗng dưng bao cảm xúc tràn về.
Chẳng hiểu sao ngày xưa chiếc đèn lại có tên là chiếc đèn hột vịt, có thể vì cái bóng đèn tròn tròn to bằng cái hột vịt. Ngày đó, khi chưa có điện, nhà nào ở nông thôn cũng đều có một chiếc đèn hột vịt như thế. Phần thân dưới để đựng dầu hỏa, phần đế đèn giống đế ly rượu tây, miệng đèn có lỗ thông dầu từ dưới lên bằng tim đèn. Tim đèn thường làm bằng bông gòn hoặc vải dễ thấm hút dầu. Trên cùng là cái bóng đèn tròn, to bằng cái hột vịt.
Đèn hột vịt thắp sáng trên bàn học, trên bàn ăn, bàn làm việc hay bàn thờ... Đèn hột vịt hòa cùng cuộc sống hằng ngày của người dân nông thôn như một vật tri kỷ thường trực, một vật chứng sống phục vụ cho những sinh hoạt hằng ngày…
Tôi nhớ hồi đó mỗi lần học bài, má tôi thường chuẩn bị cho tôi hai cái đèn hột vịt trên bàn học. Má nói để hai cái mới đủ độ sáng cho tôi thấy rõ. Má còn dặn vặn tim đèn vừa phải, vặn to quá ánh lửa dễ táp lên phần đầu của bóng đèn gây ám khói đen, còn vặn nhỏ quá thì đèn sẽ dễ tắt. Có hôm, vừa học bài, tôi vừa hí hoáy lấy viết nghịch cái bóng, thế là chiếc đèn hột vịt bị ngã. May mà má vặn đèn kỹ nên dầu trong đèn không bị loang ra. Từ đó, mỗi lần học, tôi lại để chiếc đèn ra xa một chút, tránh đụng vào tay và cũng không còn nghịch bóng đèn như trước. Rồi cũng có hôm, không hiểu học bài sao mà tôi ngủ gật, cái đầu lẹm vào phần trên bóng đèn, cháy sém một vạt tóc trước trán.
Hồi đó nhà tôi nấu cơm bằng rơm nên hễ hôm nào mưa bão, bếp tro không thể ủ lửa là má kêu bưng chiếc đèn hột vịt sang nhà hàng xóm xin lửa. Có hôm đang đi giữa chừng, một cơn gió nổi lên làm chiếc đèn phụt tắt. Thế là tôi lại phải sang nhà hàng xóm lần nữa. Lần này, tôi lấy thêm cái nón lá của má che cho chiếc đèn hột vịt khỏi bị tắt lửa. Giờ bếp gas, quẹt gas đủ đầy, lắm lúc nhớ lại những lần đi xin lửa để nấu cơm, tôi lại thấy đó là một kỷ niệm vô cùng dễ thương.Nhà nào sang
hơn thì dùng đèn măng-xông chiếu sáng, nhưng đa số là dùng đèn hột vịt hoặc
đèn tạ. Trên cánh đồng đêm, cứ thấy chỗ nào thấp thoáng ánh đèn, là biết đêm
nay khoảnh ruộng nhà đó đang được gặt hoặc gom lúa chất thành đống.
Chiếc đèn hột
vịt làm lụng cả năm nên cuối năm cũng cần phải “tắm rửa“, lau chùi cẩn thận cho
bóng bẩy hơn. Lúc này, chiếc đèn lại được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên
hay bàn thờ ngoài trời đêm giao thừa. Trước đó mấy ngày, tầm 25, 26 tháng Chạp,
má sai tôi tập trung mấy chiếc đèn lại gồm đèn hột vịt, đèn tạ để lau chùi, thay tim đèn, thêm dầu…
Những ngày Tết, mấy chiếc đèn hột vịt như được
khoác lên mình chiếc áo mới. Có khi anh trai tôi còn bày đặt mua mấy bóng đèn hột
vịt đã được sơn màu xanh, đỏ để ánh sáng có nhiều màu sắc lấp lánh.
Bây giờ, điện
hầu như đã phủ sóng khắp nơi, hiếm nhà nào còn dùng đèn hột vịt. Bữa nào cúp điện,
người ta dùng máy phát điện hoặc những chiếc đèn măng-xông đã được tích điện từ
trước. Thế nhưng, không hiểu sao khi nhìn chiếc đèn kiểu (dùng để trưng bày cho
đẹp hoặc cũng có thể dùng bằng cách cắm nến vào), tôi vẫn có cảm giác nhớ nhung
chiếc đèn hột vịt thời đó. Dưới ánh đèn, bữa cơm gia đình trở nên ấm áp và gần
gũi hơn. Chiếc đèn hột vịt, với tôi, cũng được xếp vào những vật dụng thân
thương của một thời thơ bé.
Huyền Nga
No comments:
Post a Comment