Phạm Thiên Thu
Trinh Vương thương nhớ,
Có lẽ Trinh Vương đang thắc mắc tại sao mình lại “Khai Bút Đầu Năm” bằng bài “The Auld Lang Syne”, nghe có vẻ không hơp lý chút nào phải không? Thật ra, bài này phải được dành cho “Giao Thừa Dương Lịch” thì đúng hơn, vì đây là bài hát có xuất xứ từ Scotland, vùng đất của những huyền thoại, và của những lâu đài cổ kính ở tận “ Lục Địa Già Châu Âu”, bài hát dựa trên bài thơ cùng tên của Thi Sĩ Robert Burn, sáng tác vào năm 1788 . . . Bài hát có thể dịch sang tiếng Việt cùng một ý nhưng lại thành hai câu khác nhau chút xíu: “ Những Ngày Xa Xưa” hoặc “ Đã Lâu lắm Rồi”, nhưng mình lại thích “Những Ngày Xa Xưa” hơn, bởi khi nhắc đến những ngày xa xưa ấy, dường như trong mỗi chúng ta ai cũng có vô vàn kỷ niệm để nhớ thương và muốn nhớ tới . . . Và bài hát này tuy có xuất xứ từ tận trời Âu, nhưng dường như lại rất quen thuộc với nhiều người ở cùng lứa tuổi của chúng mình, vì ngày xưa trong các rạp Ciné, hay các rạp Cải Lương, sân khấu kịch, thậm chí ở các vũ trường, mỗi khi chấm dứt chương trình đều trổi lên bản nhạc này,và cả những lần chuẩn bị chia tay sau khi cắm trại, những nhóm sinh hoạt thường nắm tay nhau xoay vòng tròn và hát bài The Auld Lang Syne, phiên bản Tiếng Việt “ Giờ đây anh em chúng ta, cùng nhau sắp cùng bùi ngùi xa cách, cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày mình lại gặp nhau . . . ”, và dường như rất nhiều người ở vào lứa tuổi chúng mình không ai là không thuộc câu hát theo điệu nhạc này nhưng được “Chế ”lời như sau : “ Ò e Robert đánh đu, Tarzan nhảy dù, Zoro bắn súng, chết cha con ma nhào dzô, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi . . .” Chứ không hề biết đến ý nghĩa của bài hát là nhắc nhở đến tình bằng hữu cố tri, và cùng nhau tưởng nhớ lại những ngày tháng đã trải qua trong cuộc đời . . . Tuy nhiên tiếng kèn Saxo của bản nhạc này lại cũng gợi cho lòng chúng ta một nỗi bâng khuâng tiếc nuối nhẹ nhàng trong lòng, và cả những nỗi buồn kiểu như : “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” của một thời mới lớn, dù bây giờ tóc đã pha màu sương tuyết, và những nỗi buồn đều có nguyên nhân và chúng ta cũng đều hiểu tại sao và từ đâu, dẫu cho nhiều lúc phải giả vờ như không biết. ..
Trinh Vương thương nhớ,
Có vẻ như những ngày cuối năm dương lịch này thời tiết khá là khắc nghiệt đối với những quốc gia phương tây và kéo dài sang cả những ngày đầu của năm mới thì phải, ví dụ như những cơn bão tuyết khiến phải hủy bỏ cả ngàn chuyến bay ở bên Bờ Đông của xứ sở Cờ Hoa này . .. Riêng Cali năm nay lương mưa những ngày cuối, và đầu năm dường như nhiều hơn . . . Mặc dù Mưa đối với miền Nam Cali là điều đáng mừng, vì Nam Cali thường bị hạn hán kéo dài, có nhiều người từ Việt Nam sang đây nhiều năm liền nhưng chưa bao giờ được biết, chưa bao giờ được hưởng không khí mưa Cali như thế nào. Mưa Cali gợi cho mình nhớ về những cơn mưa mùa hạ của Sài Gòn, như một câu hát của nhạc sị Ngọc Lễ “ … Sài Gòn chợt mưa chợt mưa, nhớ em bao nhiêu cho vừa . . .”, nhưng thật ra, những cơn mưa Cali trong những ngày cuối và đầu năm nay lại giống như những cơn mưa của Miền Trung hơn, nói đúng ra là những cơn mưa của thành phố biển thân thương Qui Nhơn xưa của chúng mình, những cơn mưa của kỷ niệm thời con gái đã quá xa xôi, những cơn đã đi qua đời chúng mình hơn nửa thế kỷ, nhưng dường như nó vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong ký ức không chỉ của riêng mình mà còn đối với rất nhiều người, những cơn mưa dầm trắng trời thương nhớ, mưa mà những người từng ở Qui Nhơn thường hay nói “Mưa Thúi Đất”. Những ngày mưa này khi lái xe ở lane phía trong, những vũng nước đọng khiến mình nhớ quá những vũng nước mưa trên con đường Lê Lợi, góc đường Phan Bội Châu, đối diện với quán cafe quen thuộc của chúng mình ngày xưa “Cafe Dung”, những buổi chiều tan học, dù trời mưa cũng ráng ghé vào sạp báo góc đường ôm vội tờ Văn Nghệ Tiền Phong, hay tờ Phổ Thông, hoặc Kiến Thức Ngày Nay bỏ vào cặp để tối về “ nghiền ngẫm” trước khi chìm vào giấc ngủ sau một ngày chăm chú vào những bài hình học, đại số, lý hóa … trên lớp.
Trinh Vương thương nhớ
Không hiểu sao những ngày cuối năm nay mình cứ thấy trong lòng như có điều gì đó không được vui thì phải, nghĩ mãi mà không ra, chẳng lẽ sống đến tuổi này rồi mà lại còn “ Tôi Buồn Không Hiểu vì Sao Tôi Buồn “ như thời mới lớn . .. Nhưng bất chợt nửa đêm về sáng khi cơn ho khiến mình thức giấc giữa khuya, cơn ho khiến giấc mơ bỗng dưng dang dở mình mới chợt nhận ra nỗi buồn đang gậm nhấm mình vào những ngày cuối năm nay từ đâu mà có . .. Thì ra nỗi buồn đến từ những giấc mơ nhớ về quá khứ, giấc mơ trong đó có hình ảnh của Ba Má, của bạn bè, của những ngày nôn nao chờ Tết để được nhận tiền lì xì của những ngày Tết xa xưa. . . Giấc mơ của những ngày êm ấm cũ, giấc mơ với mùi bếp củi bên nồi bánh chưng gói bằng lá Dong, giấc mơ với tiếng xèo xèo của bếp lửa khi nước từ nồi bánh sôi trào ra, nước sôi ngấm mùi đậu xanh, cùng với thịt ba rọi ướp tiêu hành, cùng với nếp trộn lá dứa và mùi lá Dong pha lẫn Mùi Của Tết thơm đến lạ kỳ, và rồi mùi mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, và cả mứt me, mứt tắc như đang quyện vào trong giấc ngủ khiến mình nhớ những ngày xưa còn bé quá đỗi . . . Giấc mơ trải dài qua thời con gái, qua những tháng năm chiến tranh với những bài hát Xuân mang đầy nhung nhớ như : “Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người, chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhớ . . .” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông , và chỉ một câu hát đó thôi cũng gợi cho mình cả một trời thương nhớ chứ chưa cần nhắc đến những tác phẩm của những nhạc sĩ khác, những câu hát luôn mang đến những khát vọng của ngày xum họp, của những ước mơ rất đơn sơ như một câu hát mình cũng rất thích, và thường nghêu ngao nhưng lại không nhớ tác giả cũng như tựa đề : “Ước gì giờ này anh đang ôm em xuân về ngoài kia, mối tình bình yên đôi ta không lo lắng gì chia lìa, thế mà người tình phải đi, thế mà cuộc tình tan vỡ . . .” Và rồi chiến tranh hiện diện bằng những trái hỏa châu chiếu sáng đêm đêm, và tiếng đạn pháo từ xa vọng về thành phố cũng đã không còn nữa, nhưng dường như cuộc chia ly mới còn tàn khốc và đẫm nước mắt và tan nát lòng người hơn vẫn ẩn hiện rình rập phía sau những ngọn đèn lấp lánh, những tiếng nhạc xập xình . . .
Trinh Vương thương nhớ,
Năm nay mình cũng chợt nhận ra tại sao nỗi buồn đeo bám mình khi nhớ đến bài thơ “Khóc Bạn” của Nguyễn Khuyến viết cho bạn mình là Dương Khuê :
“ Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua” và
“Câu thơ viết đắn đo không viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa”
Quả thật năm nay mình đã mất đi hai người bạn, hai người anh tri kỷ thì đúng hơn, có vẻ như sống càng lâu thì lại càng buồn nhiều vì những người thân thương cứ dần lìa xa ta thì phải, sự ra đi của những người bạn khiến mình lại chạnh lòng buồn cho thế hệ chúng mình, cho đất nước quê hương, cho những người còn đang vất vả nơi quê nhà và cả những người tha hương như chúng mình, cuộc sống chắc là không đến nỗi nào nhưng nỗi lòng ai biết ra sao nhỉ . . . Và cứ mỗi lần tết đến, những lo toan cho gia đình khiến mình không thể không nhớ đến những người còn đang vất vả chạy từng bữa ăn cho đàn con thơ, và nhất là những người anh, người chú, người bác đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, nhưng giờ này vẫn còn phải vất vả không chỉ vật chất, mà còn đau những nỗi đau kéo dài gần nửa thế kỷ đi qua trong đời mà không biết có ai cảm thông hay thấu hiểu hay chăng. . . Thật ra thì cảnh đời khổ ải dường như không vắng mặt ở nơi đâu, ngay chính ngay nơi xứ sở mà nhiều người mơ ước này cũng không thiếu gì những cảnh đời bất hạnh, khi lái xe qua những góc đường trong những ngày giá rét cuối năm nay, những ngày mưa bão lụt lội này không thể nào không thương những người được gọi là Homeless, bởi đâu chỉ là những người dân sống bất hợp pháp (Còn gọi là dân lậu) mà trong đó còn không ít những người dân bản xứ và cả người anh em gốc Việt chúng mình . . . Nhiều đêm mưa như những cơn mưa cuối năm nay, và những ngày trời hanh khô nhưng vẫn giá buốt thì không thể không chạnh lòng nhớ đến nhưng kẻ không nhà. . .
Trinh Vương thương nhớ,
Hôm chủ nhật vừa qua LTQN chúng mình tổ chức Tất Niên, mọi người hát mừng, khiêu vũ, mình thấy vui và cũng thấy buồn, vì chúng mình, những người trẻ nhất dường như cũng đã “ sáu bó” trở lên rồi, không hiểu rồi đây vài năm nữa, khi thế hệ chúng mình không còn rồi con cháu chúng mình có còn giữ được những phong tục ngày Tết Cổ Truyền, còn hát những bài hát tiếng Việt như Ly Rượu Mừng . . . bởi mình được nghe ngay tại quê hương mình những tập tục ngày Tết cũng dường như đang bị mất dần, thay vào đó là những du nhập lai căng từ nơi nào đó. . . Rồi lại nghe tin tức từ Canada, có người từng là thuyền nhân đứng ra tổ chức hội chợ tết mà lại cấm người Việt mang cờ Vàng vào hội chợ, thậm chí còn gọi cả police tới, quả là những người này quá kém hiểu biết, Cờ Vàng là cờ Quốc Gia, cờ của Nước Việt Nam, chứ không phải là cờ riêng của một tổ chức hay đảng phái nào mà giờ đây đang bị lập lờ đáng lận con đen thành cờ Nước, và người ta có quyền treo cờ, hay mang huy hiệu lá cờ trên ngực, trên mũ hay thậm chí mặc áo, hay quàng khăn mang màu cờ của Đất Nước nào người ta yêu quý, hay treo trên gian hàng để xác định gian hàng đó thuộc về, hay đại diện cho Quê Hương của họ, rồi mình cũng lại buồn khi đọc tin tức nói về Miền bắc rộn ràng đón tết, miền Nam thì dường như trầm lắng . . . Sao lại vẫn như còn đang hiện diện hai quốc gia trên một quê hương mình vậy nhỉ. Chẳng lẽ Sài Gòn của tôi đã chết theo với những kỷ niệm rồi sao ? Buồn quá, lại Một Năm Con Mèo, mà lại là Quý Mão nữa chứ, liệu có tín hiệu gì vui trong tương lai không, cái năm con mèo oan nghiệt năm xưa, dường như vẫn luôn ám ảnh mình . . .
Thôi buồn quá, chẳng muốn viết nữa đâu Trinh Vương, kẻo mọi người lại trách sao đầu năm mà chỉ nói toàn những chuyện không vui.
Thôi nha Trinh Vương, mình chúc tất cả mọi người, thầy cô anh em, bằng hữu một năm mới bình an, mạnh khỏe và an nhiên tự tại nhé
Phạm Thiên Thu
_________________________________
No comments:
Post a Comment