Friday, January 6, 2023

CÂY RƠM QUÊ MẠ

Lương Thúy Anh

Có những lúc lang thang, ngang qua vài con đường làng quê của Huế, bất chợt nhìn mấy ụ rơm trong đôi ba sân nhà, mà nhớ đến nao lòng một thuở đã xa.

Cứ vào mùa gặt, rơm lại được phơi đầy sân, đầy đường xóm, đường làng, tạo nên một bức tranh làng quê tuyệt đẹp, vàng rộm màu rơm. Khi khô, màu rơm vàng óng là bắt đầu xây thành cây rơm.

Xây rơm là cả một nghệ thuật, xây cho đẹp, có nhà còn tạo dáng kết hình vừa đẹp và vui mắt. Cây rơm thường được xây bên cạnh nhà lều (nhà bếp), cạnh ảng nước.

Xây rơm còn cần có cả kỹ thuật nữa, bởi nếu xây không khéo sẽ làm cây rơm chóng đổ, hay khi mưa về, sẽ thấm ướt tận bên trong, gây mục nát sớm. Xây khéo còn là mục đích để khi cần rút, rơm sẽ không bị đổ nhào cả cây rơm.

Đầu tiên người ta chọn một đoạn tre già có đường kính cỡ từ 15 cm. Tùy theo chủ nhà ước tính cây rơm cao bao nhiêu thì để cây tre cao bấy nhiêu. Đoạn tre được chôn chặt và thẳng, sau đó xếp rơm từng lớp xung quanh cây tre, cho đến khi đã đạt được độ cao vừa ý người ta sẽ xây tròn trên nóc, lấy vải dầu cột lên ngọn tre rồi phủ lên nóc cây rơm. Người giỏi xây, cây rơm trông như một cây nấm khổng lồ, đẹp lắm.

Cây rơm xây như thế để phục vụ nhiều mục đích của người dân quê. Mùa mưa lạnh, trâu bò không đi xa ăn cỏ được thì rơm chính là nguồn thực phẩm cho chúng qua mùa.
Rơm còn dùng để lót ổ cho gà mái nằm nơi. Rơm cũng chính là tấm đệm cho súc vật trong nhà tìm chút hơi ấm khi đông về lạnh lẽo.

Rơm còn là chất đun nấu thay thế củi nữa… Riêng với tuổi thơ tôi, cây rơm là nơi để tôi và bạn bè chơi trốn tìm, “…5, 10, 15, 20 ….100, ai chạy không kịp thì chết”, vui biết mấy những ngày thơ ấu.

Những cây rơm ấy, bỗng dưng một ngày, khoảng chặng mùa mưa về, rơm bỗng ẩm ướt, các vi khuẩn bắt đầu tạo hình, người Huế mình hay gọi là mốc, và nấm rơm mọc ra từ đó. Chính những sợi men trăng trắng ấy, là chất dinh dưỡng để cho nấm hình thành và phát triển. Nấm mọc và lớn lên rất nhanh, chỉ cần từ sáng sớm đến tối, hay qua một đêm thôi, là nấm phát triển thành những cái nấm, từng chùm xúm xít bên nhau.

Mạ gọi đây là nấm đồng, và giải thích rằng là do nấm mọc lên tự nhiên chứ không cần gieo trồng chi cả. Thú vị vô cùng khi Mạ sai đi bẻ nấm, ra cạnh cây rơm, tìm cho kì hết những tai nấm đã phát triển lớn nhất, ngắt sạch, mang về cho mạ nấu cơm trưa, cơm chiều. Thú vị hơn nữa khi được ngồi cùng với Mạ trong chái bếp đơn sơ của quê nhà, mùi rơm cháy có mùi thơm đặc, thỉnh thoảng nổ lách tách vui tai. Hơi ấm của lửa rơm, hơi ấm bờ vai Mạ cận kề, làm cho đứa trẻ con là tôi lúc ấy, dường như không còn biết mùa đông Huế lạnh lẽo là gì nữa.

Nấm mạ nấu đơn sơ thôi, thế nhưng mâm cơm chiều bỗng dưng ấm áp, ngon ngọt đến lạ lùng. Rau trong sân có sẵn, Mạ ngắt mấy đọt non non, nấu canh nấm, có khi Mạ xào nấm với rau, đôi khi gặp ngày nấm ngắt được nhiều Mạ kho nấm với ớt xanh, ớt đỏ, gia vị thấm đậm trong từng chiếc nấm, ngọt chất nấm còn tươi roi rói, mặn mà vị muối, đậm đà sắc vị tâm, và cay cay nồng nồng chút ớt, tiêu… ăn cứ như chẳng muốn dừng đũa.

Chừ đây, phố Huế và nhiều nơi khác, nấm rơm không hề hiếm hoi, nhưng sao mùi vị vẫn không thể nào sánh được với những cái nấm nho nhỏ ngày xa xưa ấy.

Phải chăng một phần là nấm trồng từ men tạo nấm chứ không phải là cây nấm mọc lên tự nhiên như ngày ấy. Và phải chăng, có thể là nấm chừ không còn ngon chỉ riêng trong lòng tôi, bởi nấm bây giờ không được chế biến từ bàn tay của Mạ.

Những chiều mưa Huế rơi rơi, màn mưa trăng trắng giăng ngang trời, hơi lạnh chỉ là nhè nhẹ đầu đông, cọng dồn hình ảnh cây nấm bên đường làng quê, mùi hương, hơi ấm của Mạ như vẫn phảng phất đâu đây, và cũng đâu đây như là tiếng của Mạ…

“Chạy ra ngoài cươi rút cho Mạ thúng rơm nữa đi con, mau mau để Mạ chụm cho kịp chín cơm, còn ăn cả mà trời sắp túi rồi…”

LTA https://khungcuahep.com/

_________________________________

No comments:

Post a Comment