Tác giả: Vũ Ngọc Giao, đăng trên Người Việt, January 21, 2023
Cha tôi kể rằng, năm lên sáu tuổi, chú tôi vẫn là một đứa bé xinh xắn và khỏe mạnh, chú tôi được ông bà nội tôi cưng chiều lắm. Thời của bà nội tôi, phụ nữ khi sinh con không đến bệnh viện như bây giờ, họ sinh tại nhà. Khi người phụ nữ trở dạ, một bà mụ đến đỡ đẻ, bà sẽ lấy cái cật tre hoặc con dao xếp để cắt dây rốn cho đứa bé. Bà nội tôi cũng vậy, lần lượt sinh các bác, các chú và cha tôi đều tại nhà.
Năm đó chú tôi lên sáu tuổi, một người đàn ông đến chơi nhà, thấy chú tôi nghịch ngợm, người đó lấy con dao xếp, loại dao giống dao của bà mụ đỡ đẻ mà chú tôi từng thấy, dọa sẽ mổ bụng chú tôi ra.
Chú tôi hoảng sợ chui vào gầm giường và nằm yên ở đó. Đến chập tối người đó ra về, cả nhà không thấy chú đâu, vội vã đi tìm, mọi người quên mất rằng chú vẫn nấp dưới gầm giường. Khi ông bà tôi sực nhớ kéo chú ra, lúc này chú vẫn còn thất thần vì hoảng sợ. Từ ngày đó, chú tôi không còn là một đứa trẻ bình thường nữa, chú tôi trở nên điên dại.
Các bác, các chú tôi lớn lên lần lượt lập gia đình, chú tôi vẫn ở với ông bà. Mỗi khi về quê, tôi đã quen với sự có mặt của chú trong căn nhà nhỏ.
Chú tôi điên nhưng lành lắm, chú vẫn giúp đỡ ông bà tôi việc ngoài đồng. Mỗi sáng, chú dậy thật sớm lùa bò ra đồng, chú biết lùa bò lên những đồi cao có thật nhiều cỏ non, biết xua, không cho bò ăn lúa ở đồng. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh chú tôi vào mỗi buổi chiều hoàng hôn, lùa bò trở về, cái dáng gầy gò liêu xiêu trên cánh đồng, nhỏ bé và cô độc, nhìn thật thương. Hình ảnh đó đã ăn sâu vào ký ức tôi.
Chú tôi được ông bà nội tôi cưng chiều lắm. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images) |
Thời gian trôi qua… Đôi chân gầy như que củi, bàn chân trần quanh năm không bao giờ biết đến đôi dép của chú tôi… Đã 60 năm, từ khi chú tôi còn là cậu bé chăn bò, giờ đây chú đã là một người đàn ông bước sang tuổi bảy mươi.
Mấy mươi năm qua, ký ức tôi vẫn in đậm cái dáng gầy gầy cao cao, liêu xiêu đi trên cánh đồng vào mỗi chiều trở về… Thứ đồ chơi duy nhất của chú tôi là cái kèn lá, chú tự cuốn như một con sâu. Khi việc ông tôi giao đã xong, chú ra sau hè ngắt một chiếc lá rồi vấn nó thành một cái kèn, đưa lên miệng thổi tu tu. Nghe tiếng ông bà tôi gọi, chú lại giắt nó vào tai cất đi. Chỉ còn một mình, chú lại lấy nó ra, tỉ mẩn chơi. Một cuộc đời gần 60 năm như thế, chiếc kèn lá đã theo chú tôi đi trên những cánh đồng, theo chú tôi vào giấc ngủ, theo chú tôi trong những tháng ngày cô độc.
Ông tôi rồi cũng theo bà tôi lên đồi cao, ngủ yên ở đó, để lại chú tôi một mình một bóng lủi thủi sớm hôm. Ngày hai lần, cô tôi mang cơm vào cho chú tôi ăn. Mỗi khi về quê, tôi chạy vào vườn thăm chú, nhìn thấy chú ăn tôi lại quay mặt đi nơi khác vì thương.
Những năm sau này, bước qua tuổi sáu mươi, chú tôi không còn vấn kèn lá nữa. Trong căn nhà nhỏ, mỗi khi tôi về, chỉ còn lại một mình chú trên mảnh vườn bỏ hoang của ông bà. Chú ngước nhìn tôi bằng đôi mắt ngây dại, không còn trong như ngày còn trẻ. Trò chơi giờ đây của chú là ngồi lặng lẽ đếm những con kiến đi qua trước mặt, thì thầm những lời mà có lẽ chỉ có chú tôi mới hiểu.
Đôi khi, ông bà nội cũng về trong giấc mơ tôi. Lần nào tôi cũng thấy ông nhìn chú tôi, lặng lẽ khóc. Hình ảnh chú tôi cô độc trong căn nhà nhỏ, ngồi đếm đàn kiến đi qua, đập những con muỗi trong vô thức… đến tôi cũng còn đau. Sau những cơn mơ như thế, tỉnh dậy tôi lại nhớ đến ông tôi. Có lẽ linh hồn ông vẫn lẩn quất bên chú tôi, chẳng nỡ nào rời đi.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh chú tôi vào mỗi buổi chiều hoàng hôn, lùa bò trở về, cái dáng gầy gò liêu xiêu. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images) |
Gần đây, tôi lại có dịp về thăm quê. Bao giờ cũng vậy, trình diện các bác, các cô xong tôi chạy vào khu vườn bỏ hoang của ông bà tôi, nơi đó chú tôi đang sống một mình. Mỗi ngày đến giờ cơm, cô tôi lại mang vào cho chú tôi một bát để ăn. Nhìn chú, tôi chợt giật mình, chú già nua và tiều tụy đi nhiều. Trên đôi chân gầy gò chằng chịt những nốt lấm tấm đỏ vì muỗi đốt, mà những người thương mới thấy đau. Còn chú tôi, có lẽ đã không còn cảm giác từ rất lâu rồi.
Tôi nhìn vào mắt chú tôi thật lâu, bỗng dưng tôi sợ mai này tôi không còn được nhìn thấy nữa. Bác tôi kể lại, dạo này chú tôi hay đi xa. Hôm rồi, bác tìm thấy chú tôi ngồi một mình trong đêm mưa trên bờ mương, dưới kia nước cuồn cuộn chảy. Tôi thích nhìn vào đôi mắt người điên, vì nó ngây dại, hoặc là rất thiết tha, chú tôi thuộc dạng thứ hai.
Dù rất lâu tôi mới trở về thăm, nhưng khi vừa đến ngõ, chú đã nhận ra ngay, dù tôi thay đổi rất nhiều, không như ngày còn bé. Chú ngước nhìn tôi, không biết nói gì nhưng đôi mắt thật thiết tha, đôi mắt nói rằng, trước mặt chú là người thân, là cháu, là ruột rà máu mủ… Tôi lại gần chú như ngày xưa, nhưng theo thói quen chú lại lùi dần vào góc tối trong nhà để tránh.
Mỗi khi lòng chênh chao tôi lại về quê. Trong khu vườn bỏ hoang, tôi như thấy nụ cười của ông tôi còn phảng phất đâu đây, nghe như đâu đó tiếng sụt sùi của bà nội khi thấy cha con tôi trở về. Nơi đó, cha tôi được sinh ra, lớn lên rồi đi xa. Nơi đó có chú tôi, người chú cô độc mà tôi thương, người có số phận hẩm hiu nhất giòng họ tôi.
Nơi đó có một phần tuổi thơ tôi…
Tuyết Vân re-post
_______________________________
No comments:
Post a Comment