Friday, December 30, 2022

Ta ngồi lại nghiêng đời bên tuyết trắng

  Tống Mai

              Đành thôi cành phong xưa nay đã chết
              Rồi mai kia bóng sẽ bỏ xa người
              Ta ngồi lại nghiêng đời bên tuyết trắng
              Nghe gió về vin cửa gọi đơn côi


Phỏng từ hai câu cuối của Hoài Khanh trong bài thơ “Ngồi Lại Bên Cầu”,  Đăng Khánh viết “Mắt Em Vương Giọt Sầu” và chấm dứt bản nhạc với Ta ngồi lại nghiêng đời bên tuyết trắng, nghe gió về vin cửa gọi đơn côi.

Hai câu thơ buông xuống tiếng thở dài.

Tôi có những ý nghĩ hiu hắt khi đi dưới bão tuyết sáng hôm qua nơi khu rừng thưa sau nhà. Ngôi giáo đường nhỏ cạnh vườn sau của tôi cây thánh giá trên đỉnh đã bám tuyết trắng xóa. Tôi đứng rất lâu nhìn nóc giáo đường màu xám nhạt đang từ từ đổi qua màu trắng trinh bạch. Những hạt tuyết li ti như mưa phùn biến thành những hạt bông gòn đầm đìa trên mặt hóa thân thành nước mắt.

Câu thơ của Hoài Khanh và bản nhạc của Đăng Khánh hiện ra rực rỡ trong đầu. Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá, và cô đơn đã ghi dấu trên tay, chân đã bước trên lối về hoang vắng, còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy. Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng, nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu… Đành thôi cành phong xưa nay đã chết, rồi mai kia bóng sẽ bỏ xa người. Ta ngồi lại nghiêng đời bên tuyết trắng, nghe gió về vin cửa gọi đơn côi.

Tôi có chịu nỗi sức nặng hoang vắng của những câu thơ đó không, tại sao, đó là những câu thơ đẹp nhất và gần gủi hơn bất cứ lúc nào, càng gần gủi hơn ngay giữa cái lạc lõng của mình trong cõi nhân gian đang tan nát. Tôi nghĩ đến cuốn “Thân Phận” của Hoài Khanh và chính thân phận của ông, và hiểu hơn bao giờ hết cái thất vọng của ông giữa hoang vu nhân thế.

Bất giác một lời than nhỏ trong lòng.

Cảnh tuyết đẹp dịu hiền. Tôi bàng hoàng nhìn quanh, những gì nhơ bẩn bên dưới đã được lấp đi bằng màu trắng tinh khiết dù chỉ trong phút chốc ngắn ngủi nhưng đủ để rửa sạch ưu phiền. Nhắc cho ta những gì nhơ bẩn sẽ tan đi. Giữa những nhị nguyên, em sẽ chọn cái gì, bùn đen và tuyết trắng, xấu và đẹp, tả và hữu, thân và sơ….

Bát Nhã Tâm Kinh.

Đầu óc tôi nhảy từ cái đơn côi của gió vin cửa gọi qua  ý niệm Bát Nhã trong “Nẻo Về Của Ý”.

“Giữa cái tinh sạch và cái ô uế, giữa cái đau khổ và cái sung sướng, giữa cái hiền lành và cái độc ác, mình theo cái nào? Nghe hỏi mà buồn cười, phải không Nguyên Hưng? Theo cái tinh sạch, cái sung sướng, cái hiền lành thì mình phải đập tan và tiêu diệt cái ô uế, cái đau khổ và cái độc ác. Mà tiêu diệt chúng được chăng. Nếu “cái này có là nhờ cái kia có”, thì cái trong sạch cũng do cái ô uế mà có. Tiêu diệt cái ô uế tức là tiêu diệt luôn cái trong sạch, vì lẽ “cái này không thì cái kia không”. Kết luận là nên dung dưỡng cái ô uế, cái độc ác và cái đau khổ hay sao?

Nhưng mà Nguyên Hưng ơi, tất cả các cặp đối nghịch đó chính đã là do chúng ta tạo nên bằng nhận thức của chúng ta, bằng lập trường sinh tâm lý của chúng ta. Hoan lạc và đau khổ trở nên những đại vấn đề. Nếu được như Quán Tự Tại soi thấu chân tướng thực tại, thì tất cả những đau khổ tai nạn bốc khói bay mất. “Độ nhất thiết khổ ách”. Cho nên hãy nhìn nụ cười đức Phật. Nụ cười đó trầm lặng thật, từ bi thật nhưng mà… coi thường chúng ta quá. Đó là một cách nói mà thôi bởi chính Phật đã nhờ đức Thường Bất Khinh Bồ-tát nhắn với mỗi người trong chúng ta rằng Ngài… không dám khinh chúng ta đâu, bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ thành một vị Phật.

Nguyên Hưng, sự thực nằm ở đó, em làm quen với nó đi. Chỉ có khi nào em bắt đầu thấy được giữa bùn đen kia với tuyết trắng nọ không có cái gì xấu, cái gì đẹp, chỉ khi nào em biết bắt đầu nhìn sự thật với tâm niệm không phân biệt, nghĩa là không biến kế, thì em mới có thể nếm được thế nào là tâm đại bi.

Dưới con mắt của đại bi, không có tả không có hữu, không có thù không có bạn, không có thân không có sơ. Mà đại bi không phải là vật vô tri. Đại bi là tinh lực mầu nhiệm và sáng chói.

Vì dưới con mắt của đại bi, không có cá thể riêng biệt của nhân của ngã cho nên không một hiện tượng nhân ngã nào động tới được đại bi.” (Thích Nhất Hạnh – NVCY, p. 317-319)

Quanh tôi thiên nhiên đẹp lạ lùng. Tôi có bình minh, hoàng hôn, mưa, tuyết, mây trời… và nếu đó không là hạnh phúc, thì điều gì có thể gọi là hạnh phúc?

Trong bông tuyết đang rơi
Có ba nghìn thế giới
Trong ba nghìn thế giới
Có bông tuyết đang rơi.

(Ryokan – Pháp Hoan dịch)

Tống Mai Feb 8, 2021

______________________________

No comments:

Post a Comment