Tuyết Vân
Photo credit: TORU YAMANAKA/AFP via Getty Images |
Khi năm gần
hết thì tôi cũng vừa học xong ba khóa chụp hình của hội PSCVN (Vietnamese
Photogrphic Society of California).
Bây giờ thì tôi đã quen nhiều với cái máy và biết một ít kiến thức căn bản để chụp một tấm hình. Photoshop cũng nhớ được vài kỹ thuật chỉnh sửa, nhưng sửa đẹp hay không chắc phải còn thực tập và tiếp tục học thêm.
Ngay khi còn
ngồi ghế nhà trường trung học tôi đã mơ ước một ngày mình được học bộ môn nghệ
thuật này. Tôi thường cắt những tấm ảnh về phong cảnh thiên nhiên xa xôi, những
núi rừng hùng vĩ hay sông rạch êm đềm và mơ ước một ngày mình cũng sẽ đi tới những
nơi này với chiếc máy ảnh trong tay.
Giấc mơ đó
đã trở thành hiện thực khi tôi ghi danh học lớp chụp hình đầu năm nay. Khóa đầu
tiên là thời gian tôi học làm quen với chiếc máy hình. Tôi cầm nó lên với một sự
e ngại, để nó xuống nhẹ nhàng chỉ sợ là nó rớt xuống hoặc vì một lý do nào đó
cái máy hình cứ đứng im không chịu chụp. Máy chưa
dùng tôi đã lo hỏi có chỗ nào sửa máy không.
Hình như có
bài hát nào đó có câu “đời không như là mơ”. Thực vậy, khi qua đến khóa thứ hai
là khóa tôi bỏ thì giờ để học Photoshop thì ước mơ ngày xưa trở nên mỏi mệt.
Tôi bắt đầu nghi ngờ mơ ước của mình. Có thật là tôi nhích học chụp hình không?
Có lẽ tôi chỉ thích nhìn hình đẹp thì đúng hơn.
Một lần, tôi bỏ nguyên hai ngày không nấu nướng gì cả chỉ để ôn lại những bài học qua kênh Youtube của hội. Người xưa thường nói, học phải đi đôi với hành, thật là đúng. Qua lần dùi mài kinh sử đó tôi bắt đầu thấy tự tin với việc học của mình hơn. Rồi sẽ quên đấy, nhưng ôn lại lần sau thì dễ hiểu hơn.
Vậy là tôi tiếp tục theo học khóa thứ ba. Khoá này advanced hơn nhiều với các thể loại chụp hình khác nhau. Nhưng tôi quyết định học theo với khả năng của mình. Học chưa hết thì mai mốt học lại. Người xưa chỉ bắt đầu bằng một bước chân mà cũng đã đi tới cả ngàn dặm, còn tôi bây giờ thì đã có hội hướng dẫn lẽ nào không được hai ba trăm dặm sao? Nghĩ vui như vậy để tự khuyến khích mình.
Một trong những
cái vui của chụp hình là thưởng thức những tấm ảnh đẹp của các bạn hình đưa lên
và đặc biệt là những trao đối với nhau.
Có người hỏi
ý kiến về loại máy hay ống kính. Có người xin đóng góp ý kiến cho tấm hình mình
chụp. Đa số ai cũng tỏ lòng tri ân đã được chia xẻ một tấm ảnh đẹp ở một vùng
nơi nào đó.
Một lần, tôi
đọc facebook thấy một cô gọi anh nhiếp ảnh là NAG. Lúc đầu,tôi không rõ NAG là
gì nhưng cũng hơi buồn cười. NAG, theo tiếng Anh, là một động từ, có nghĩa là
kèo nài. Sau vài lần, tôi nghiệm ra NAG chính là chữ viết tắt cho nhiếp ảnh
gia. Kể ra , đọc thấy cũng tiện và hay. Và cũng vì vậy, tôi thỉnh thoảng
dùng từ NAG thay cho từ nhiếp ảnh gia.
Cũng như với
thi ca, mùa thu được yêu chuộng đặc biệt trong nhiếp ảnh. Khi bắt đầu vào nửa
tháng Chín, nhiều người hoặc nhóm khác nhau tổ chức đi chụp hình mùa thu. Người
ta gọi là đi săn ảnh.
Ở Cali thì
có Julian, Bishop. Xa hơn nữa, có Oregon, Colorado. Hình ảnh mùa thu với suối
nước và lá vàng đã được đưa lên liên tục trên các trang nghệ thuật nhiếp ảnh
khác nhau. Tôi có cảm giác như đây là một mùa lễ hội đối với các NAG. Cây cỏ trở
mình trong mùa xuân. NAG trở mình trong mùa thu.
Tôi đặc biệt yêu thích những tấm ảnh có thêm chú thích về không gian, thời gian, hay cảm nhận của tác giả về tấm hình của mình. Và sẽ càng hay hơn nữa nếu họ thêm chú thích về chiếc máy và điều kiện (exposure triangle) đã dùng để chụp lên tấm hình đó. Người coi sẽ có thêm khái niệm về kỹ thuật chụp hình.
Những nhiếp ảnh gia người Việt mình thường có những chú thích hay đặt tên cho tấm hình bằng những cái tên rất thơ mộng. Có tấm với tựa đề Lối Thu, Những Nẻo Đường Thu, Hồ Thu, Sắc Thu, vân vân. Chỉ là, tôi không biết được lối đó, đường đó hay hồ đó ở đâu. Hình đẹp quá, mình cũng muốn biết địa điểm rõ ràng để tới thưởng ngoạn sắc thu.
Một anh người
Mỹ thì chỉ ghi tên cái máy ảnh và len đã dùng để chụp tấm hình con rùa của
mình. Hình rất đẹp. Màu sắc và đường vân trên mai rùa rõ ràng. Anh ghi, Canon
M6 mark ll lens canon 18-150mm. Một viewer khác chọc, đây là con rùa, không phải
Canon M6 mark ll lens canon 18-150mm đâu anh bạn ơi. Hai cái đó nhìn cũng hơi
giông giống thật đó. Nhiều người đã trả lời lại bằng hình emoji miệng cười toe
toét.
Họa hoằng,
thì cũng có người chia xe về kỷ niệm hay để lại triết lý riêng về cuộc sống qua
tấm hình của mình. Khi đọc những dòng chữ đó, tôi có cảm tưởng như không phải
đang coi một tấm hình mà là đến hai tấm hình đẹp. Đôi khi, tôi cũng có để lại
comment cảm ơn người chụp.
Một lần, thấy
tấm hình của anh bạn chụp ở cổng chùa khá đẹp. Chùa mới tân trang, cổng cao và
rộng rãi với hình chụp từ phía sau anh đang đi vào. Chắc bạn tôi muốn diễn tả
là anh đang đi lễ Phật. Tôi viết comment vào bằng hai câu thơ của Nguyễn Tất
Nhiên. Cổng chùa tuy rộng mở. Tà đạo khó nương thân. Tôi cẩn thận để tên tác giả
vào.
Bạn tôi chưa
kịp trả lời thì đã có vài người khác phản hồi lại. Có người không đồng ý với
hai câu thơ bởi nghĩ rằng cổng chùa không bao giờ khép kín với ai. Có người hỏi
sao tôi lại vội vàng tin rằng tà đạo khó nương thân. Trời, vui miệng một chút
mà thành ra tội vạ. Từ đó, tôi rất ít khi dám lên tiếng comment cho tấm hình
nào ngoại trừ mấy cái emoji vui vui của facebook.
Khóa học thứ ba vừa chấm dứt xong tôi đã nghĩ ngay đến việc ôn lại bài cũ và chắc là sẽ ghi tên để học lại khoá một. Bạn tôi ngạc nhiên hỏi, ủa, sao lạ vậy, học rồi mà sao còn phải học lại nữa. Rồi nhìn tôi, cô cười mỉm, bộ học để làm NAG hả. Có gì đâu, học có bao giờ hết được đâu. Học chụp hình thấy cũng vui.
Tuyết Vân
______________________________
No comments:
Post a Comment