Quân Nguyễn
trong một buổi picnic ở Great Falls / Virginia
Tui đặt chân đến xứ Mỹ với số vốn Anh ngữ mà lúc đầu tui nghĩ là tương đối xài được chút đỉnh, nhờ có thời gian làm việc cho một công ty Mỹ ở Sài Gòn. Tới chừng qua Mỹ tui mới té ngữa, thì ra mình nói, Mỹ không hiểu gì hết, mà Mỹ nói mình cũng không hiểu gì luôn. Chỉ một chuyện nhỏ là vào tiệm cà phê Starbucks mua ly cà phê đen uống, tui nói “black coffee please!”, họ không hiểu tui muốn uống gì. Nói mấy lần họ cũng không hiểu, tui đành phải dùng...tay chỉ (đúng ra phải gọi là regular coffee).
Chưa đâu, sau đó họ hỏi tui “You want a room?”, tui ngẩn người ra không hiểu gì hết, cứ tưởng là họ hỏi mình có muốn …mướn phòng không? Tui đành phải lắc đầu nói “No”. Sau này tui mới hiểu thực ra họ hỏi mình có muốn chừa lại một khoảng trống trong ly để chế sữa vào không, nếu không, họ sẽ rót đầy ly cà phê (room ở đây nghĩa là một khoảng trống chứ không phải là phòng). Thì ra trước giờ mình phát âm sai, nên khi nghe phát âm đúng thì không hiểu gì hết, chưa kể các cháu sinh viên Mỹ làm trong tiệm Starbucks nói nhanh như gió nữa. Thấy khổ chưa!Tui quyết định phải vào lớp học Anh ngữ chứ kiểu này thì nói chuyện sẽ rất...mỏi tay. May mắn gần nhà tui có một nhà thờ Mỹ đang mở lớp dạy Anh ngữ buổi tối miễn phí dành cho người nhập cư. Tui liền ghi danh vào lớp học này. Thủ tục hết sức đơn giản, chỉ cần ghi tên họ, địa chỉ và số điện thoại là có thể vào lớp liền.
Nói là dạy thiện nguyện và học miễn phí nhưng lớp học được tổ chức rất chu đáo, có màn hình, máy chiếu (projector) đầy đủ như một lớp học thiệt thụ. Thầy cô dạy ở đây đều là người Mỹ trắng đã về hưu, họ đến nhà thờ dạy tiếng Anh thiện nguyện mỗi tuần 2 buổi, do đó khi học ở đây, sẽ nghe được phát âm đúng giọng Mỹ 100%. Mỗi buổi học kéo dài 2 tiếng, học 1 tiếng được nghỉ giải lao 15 phút. Người ta còn chuẩn bị sẳn bánh ngọt, kem, cà phê, trà cho học sinh dùng miễn phí trong lúc giải lao nữa. Lớp học kết thúc sau 3 tháng, nếu muốn học tiếp, khỏi cần phải ghi danh, cứ tự động vào lớp ngồi học tiếp. Tui biết có một chị người Đại Hàn đã học ở nhà thờ này 5 năm mà vẫn còn học. Không những họ dạy tiếng Anh, mà còn lồng vào nhiều thứ khác như văn hoá, phong tục, cách viết một cái resumé (lý lịch tóm tắt) sao cho hay, cách phỏng vấn xin việc làm sao cho dễ đậu, luật giao thông, cách học thi lấy bằng lái xe, cách học thi lấy quốc tịch Mỹ...cho người mới nhập cư dễ hoà nhập với cuộc sống mới.
Tui được vào học lớp cao nhứt trong nhà thờ này sau khi vượt qua một bài test xếp lớp. Lớp này chủ yếu là đọc những tin tức trên báo và cùng nhau đàm thoại xung quanh mẩu tin đó. Thầy dạy lớp tui là một người Mỹ đã từng làm việc trong Ngũ Giác Đài (Bộ Quốc Phòng), nay đã về hưu. Thầy tên là Ted, đã 70 tuổi. Trong thời gian học với thầy Ted, tôi cảm nhận được lòng nhiệt thành và sự tận tụy của thầy đối với các học trò của mình, thầy sửa từng cách phát âm, từng câu nói chưa đúng văn phạm một cách rất thân thiện, không làm cho học trò cảm thấy mắc cỡ hoặc e ngại.
Những ngày cuối tuần vào mùa hè, thầy Ted còn tổ chức cho học trò những buổi picnic ngoài trời ở những nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp trong vùng để thực hành tiếng Anh và biết thêm những từ mới về cây cỏ, thú vật, côn trùng...Học sinh nào chưa có xe, thầy đến nhà đón từng người. Mỗi lần đi picnic, thầy còn chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thức uống cho cả lớp. Món mà thầy hay nấu ở nhà để mang theo là thịt con deer (nai) hầm ăn với bánh mì sandwich, vì thầy thích săn bắn và có giấy phép đi săn (ở xứ Mỹ giấy phép “con” nhiều hơn ở xứ mình nhen bà con).
Thầy Ted kể vào năm 1981, lúc đó thầy còn độc thân, thầy đã cưu mang một gia đình 4 người thuyền nhân Việt Nam, gồm hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ khoảng 5, 6 tuổi lúc họ mới chân ướt chân ráo tới đất Mỹ. Thầy đã mang gia đình này về nhà nuôi ăn, nuôi ở, dạy tiếng Anh, tìm trường học cho 2 đứa con nhỏ và tìm việc làm cho hai vợ chồng họ để giúp cho họ có thể nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống mới nơi xứ lạ. Hai đứa con trai nhỏ của gia đình thuyền nhân đó đã ăn học hành thành tài, hiện đang làm bác sĩ tại Mỹ. Họ trở thành những người bạn thân thiết với thầy Ted trong suốt mấy chục năm qua.
Cuộc sống của đa số người Mỹ là thích làm việc, tất nhiên họ cũng thích du ngoạn hưởng thụ sau một thời gian làm việc cật lực. Dù làm công ăn lương hay làm thiện nguyện không lương, họ vẫn làm hết mình với công việc được giao. Như thầy Ted đã nói, hạnh phúc của ông chính là nhìn thấy những người nhập cư đến Mỹ đều có công ăn việc làm ổn định, tự tin hơn khi đối diện với hàng rào ngôn ngữ.
Việc dạy Anh ngữ thiện nguyện, xét về mặt xã hội, nó giúp cho người nhập cư có thể giao tiếp và tìm được công ăn việc làm dễ dàng hơn. Xét về mặt kinh tế, nó sẽ làm cho nước Mỹ giàu có hơn, vì khi người nhập cư có việc làm, họ sẽ đóng thuế cho chính phủ, đồng thời chính phủ sẽ giảm bớt gánh nặng trợ cấp xã hội cho người nhập cư. Rõ ràng, việc làm thiện nguyện này rất có ích cho quốc gia.
Người
Mỹ thể hiện lòng yêu nước của họ qua những việc làm rất thiết thực, rất cụ thể
và cũng không cần phải lớn lao. Họ cũng không cần phải hô khẩu hiệu “yêu tổ
quốc, yêu đồng bào” như ở xứ ta. Hạnh phúc của họ là giúp cho người khác tìm
thấy hạnh phúc và giúp cho đất nước họ phồn vinh hơn. Họ thực tế chứ không phải
thực dụng.
Quân Nguyễn
No comments:
Post a Comment