Hương Đặng
http://www.bepnhaga.com/ |
Thành phố mình ở khá ít người Việt nên những ngày Tết Nguyên Đán không có chương trình hay lễ hội gì. Vẫn là những người trong nhà ghé thăm nhau, hỏi han, chúc Tết. Năm nay dù vẫn bận rộn với hai "thành viên nhí" và dẫu 2 con còn nhỏ chưa cảm nhận được gì, nhưng mình vẫn chuẩn bị trong nhà đủ đầy một vài loại bánh mứt, một số món thịt ngon, dưa mắm và vài món "nhậu" ngon cho ông xã nhâm nhi dù anh chẳng mấy khi uống hết lon bia. Mấy năm trước lúc về Việt Nam, mình thấy các Dì trong nhà hay làm món Bắp Bò. Thịt bò đã ngon, mà phần bắp hoa chuối lại có chút gân giòn giòn, sật sật nên ăn thú vị vô cùng mà không có cảm giác ngấy. Bắp bò được luộc chín mềm cùng ít gia vị nên rất thơm, sau đó lại được ngâm trong hỗn hợp mắm, đường và dấm nên bò ngấm cả vị mặn ngọt và chút chua chua rất ư là hấp dẫn. Bây giờ thì mình chia sẻ cách làm với mọi người nhé!
Nguyên Liệu:
- 1/2 ký bắp bò.
- 2 cánh hoa hồi, 1 thanh quế nhỏ, 1 thảo quả đập sơ, 2 lát gừng nhỏ.
- 1 muỗng cà phê rượu nấu ăn (hoặc dấm)
- vài quả ớt rửa sạch để ráo, 4-5 tép tỏi lớn lột vỏ và cắt lát.
- 1/2 muỗng cà phê tiêu nguyên hột.
Hỗn hợp mắm ngâm bò:
230 ml nước mắm, 200 grams đường, 80 ml dấm, 150 ml nước lọc.
Lưu ý: định lượng của hỗn hợp mắm ngâm bò có thể điều chỉnh theo khẩu vị cũng như tuỳ vào độ mặn của mắm và độ chua của dấm. Theo kinh nghiệm bản thân thì dấm mình mua tại Mỹ khá chua so với dấm mình hay nấu ăn lúc còn ở Việt Nam. Do đó các bạn có thể pha hỗn hợp trên rồi nêm nếm lại cho vừa miệng, sao cho có đủ độ mặn ngọt và chút chua nhé! Hơn nữa, lượng hỗn hợp mắm ngâm bò nhiều hay ít cũng tuỳ thuộc vào thể tích lọ đựng nên các bạn có thể điều chỉnh với tỉ lệ tương tự sao cho phù hợp.
- 1 lọ thuỷ tinh hoặc hủ nhựa sạch, đã trụng hoặc tráng sạch với nước sôi và phải để khô ráo hoàn toàn.
Cách Làm:
1. Lạng bớt phần mỡ quanh bắp bò. Phần bắp bò thường có lớp mỡ nhầy nhầy bao quanh nên các bạn lưu ý dùng dao bỏ bớt phần mỡ này, sơ chế bắp bò sạch sẽ trước khi ngâm cũng giúp nước ngâm được trong và không đóng mỡ, đồng thời bắp cũng thơm ngon hơn.
Rửa sạch bắp bò. Cho bắp bò vào nồi cùng hoa hồi, quế, thảo quả, gừng và rượu nấu ăn (hoặc dấm). Cho nước ngập bắp bò. Đun sôi nồi bắp bò với lửa lớn, sau đó hạ lửa vừa - nhỏ, đậy nắp nồi và đun đến khi bắp bò chín. Bắp bò chín là khi dùng đũa chích vào bắp, đũa xuyên qua bắp và khi rút đũa ra không có nước đỏ hồng chảy ra. Các bạn cũng có thể dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian.
2. Khi bắp bò đã chín, vớt bắp bò vào thau nước đá lạnh để bắp bò nguội mà không thâm bên ngoài. Khi bắp nguội thì vớt bắp ra, để bắp bò khô ráo hoàn toàn. Đối với những bắp bò lớn, các bạn có thể cắt đôi theo chiều dọc (tuỳ ý).
3. Cho tất cả các nguyên liệu trong phần "hỗn hợp mắm ngâm bò" vào nồi, dùng muỗng khuấy đều cho đường tan. Lúc này các bạn có thể nêm nếm sơ để điều chỉnh độ chua ngọt mặn theo khẩu vị. Cho nồi nước mắm lên bếp, đun với lửa vừa cho đến khi hỗn hợp sôi thì tắt bếp. Nhắc nồi ra khỏi bếp và để hỗn hợp nước mắm nguội hoàn toàn.
Hỗn hợp nước mắm |
Luộc thịt |
4. Bắp bò và hỗn hợp nước mắm phải nguội hoàn toàn trước khi cho vào lọ. Cho bắp bò vào lọ, đổ hỗn hợp mắm ngập bò. Cho ớt, tỏi và tiêu hột vào lọ. Dùng nang tre chèn lên trên sao cho bắp bò phải chìm trong hỗn hợp mắm hoàn toàn. Nếu bắp bò nổi lên khỏi mặt nước thì sẽ hỏng. Đậy kín lọ. Ngâm lọ bắp bò khoảng 5 ngày ở nhiệt độ phòng là có thể dùng được.
Khi ăn chỉ cần vớt bắp bò ra và thái lát vừa ăn. Chị em có thể dọn đĩa bắp bò ngâm mắm thơm ngon này để anh xã "lai rai" cùng bạn bè khi khách đến thăm nhà. Hoặc trong các bữa ăn ngày Tết, bắp bò được cuộn cùng rau và bánh tráng cũng rất hấp dẫn.
Phần bắp bò đã dùng được nhưng chưa sử dụng hết thì nên được bảo quản trong tủ lạnh. Nếu ngâm bắp bò trong hỗn hợp mắm lâu ngày sẽ khiến bắp bò bị cứng!
Chúc các bạn thành công và có món ăn thơm ngon để mời gia đình, bạn bè trong những ngày Tết Nguyên Đán đầy ý nghĩa sắp đến nhé!
https://www.facebook.com/bepnhaga
______________________________
No comments:
Post a Comment