Hai Le
chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ lúc sinh tiền |
Miền Tây là một xã hội đa văn hoá, vì không có cái nào có vị trí độc tôn, không có giống nào thấy mình là trung nguyên hay thượng đẳng, mọi người học cách nương với nhau mà chung sống một cách hoà bình. Nói một cách nào đó thì môi trường người miền Tây sống na ná như nước Mỹ: đa nguyên, đa văn hoá, đa quan điểm, đa chủng tộc. Chính vì vậy người nơi khác nếu không sống lâu nơi đây, trong nhứt thời sẽ khó mà hiểu tại sao người dân các đạo giáo sống lẫn lộn với nhau như nồi bánh lọt mà chẳng ghét nhau.
Miền Tây không du nhập thứ Nho giáo tầm chương trích cú chi hồ dã giả, chỉ khoái nghe mấy tuồng tích xưa đề cao nhơn nghĩa, không thịnh hành các khoa nghi tế tự rình rang của Phật giáo Bắc truyền, thích các phép màu, yêu các luân thường đạo lý dung dị.
Đầu này các ông cố Tây râu dài tới ngực nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ đi giảng "Thiên giả vạn vật chi tổ" dựng nhà thờ ở Năng Gù, Đầu Nước; nơi kia mấy ông đạo mặc áo dài nâu sờn màu rách tơi tả và vẫn toát ra vẻ tiên phong đạo cốt chèo xuồng khắp nơi ngân nga mấy câu sấm giảng; mỗi cái có một nét riêng và một lớp công chúng ái mộ riêng.
Trong bối cảnh thú vị đó, một ông đạo làm các phép lạ, chữa bịnh tật bằng nước trắng giấy vàng, lập trại ruộng khuyến nông, khuyến khích lòng yêu quê hương đất nước và thờ kính Phật, giáo lý giảng về Bửu Sơn Kỳ Hương, vũ trụ quan gói gọn ở vùng Thất Sơn, giảng về Hội Long Hoa lập lại thiên địa ở núi Cấm vào ngày sau hết, kẻ lành thì vô sự qua sông vào hội, kẻ dữ thì lọt miệng ông sấu Năm Chèo. Ngài được các đệ tử tôn xưng là "Đức Phật Thầy Tây An" hoặc "Phật Thầy".
Sau khi ngài tịch, lại có các vị đạo sư khác tự nhiên xuất hiện rao giảng những điều tương tự, mà người ta tin rằng đó là chuyển thế của ngài. Được thừa nhận một cách chánh tông là chuyển thế của Phật Thầy: có ngài Phật Trùm là một người Khmer, sau cơn bệnh ngặt chết đi sống lại thì nói rành tiếng Việt và giảng đạo, xưng là hậu thân của Phật Thầy. Có Ông Sư Vãi Bán Khoai là một ông đạo vân du vô định, có Đức Bổn Sư Ngô Lợi là vị sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng được giáo chúng tin rằng là các lần chuyển thế kế tiếp của Phật Thầy. Sau đó, có một vị tôn sư khác đã sanh ra năm 1920, trong gia đình họ Huỳnh ở làng Hoà Hảo cũng thuộc tỉnh An Giang ngày nay. Ngài được tín đồ nhìn nhận là một vị "sinh nhi tri" - vì sự hiểu biết và trí tuệ phi phàm không đến từ trường ốc mà là "tự nhiên mà biết". Vị này có nhiều danh xưng: Ông Tư Hoà Hảo, Đức Huỳnh Giáo Chủ, Đức Thầy, hoặc chỉ đơn giản là Thầy - với tất cả sự kính trọng và yêu mến của tín đồ.
Tôn chỉ của giáo phái mà Đức Thầy sáng lập kế thừa tinh thần của Bửu Sơn Kỳ Hương trước đó, học Phật tu nhân, không thờ tượng cốt, không có sư vãi, khuyến nông khuyến thiện... Nhìn chân dung của ngài còn lưu lại ngày nay, rất dễ thấy được vẻ đẹp thanh thoát và cốt cách phi phàm.
Thời điểm ngài khai đạo ở An Giang là năm 1939, giai đoạn này trở về sau cho tới khi Đệ Nhứt Cộng Hoà của tổng thống Ngô Đình Diệm được định hình năm 1955-1956, toàn vùng Nam Kỳ khi này là đất loạn lạc với rất nhiều lực lượng võ trang và quân đội cát cứ: Nhật, Pháp, Bình Xuyên, Việt Minh, bộ đội Hoà Hảo, bộ đội Cao Đài, và các lực lượng tự vệ tự phát nhỏ lẻ... Cần lưu ý, Việt Minh khi này giống như một lực lượng sứ quân tập hợp các nhóm phiến quân nhỏ lẻ và chưa hoàn toàn là lực lượng của cộng sản.
Đạo Hoà Hảo từ ngày khai đạo cũng đã có sự chuẩn bị cho sự tự vệ và thành lập trường Huấn luyện Quân sự Cái Vồn ở gần bến Bắc sang Cần Thơ.
Vì sao là đạo giáo nhưng lại có bộ đội?
Như tôi đã thưa ở phần đầu, Nam Kỳ nói chung và mấy tỉnh miền Tây nói riêng, vốn là vùng đất đa nguyên. Sự ảnh hưởng của nhà đương cục Pháp ở Đông Dương khi này cũng không còn mạnh và Nhật cũng đã nhảy vào. Một cách trần trụi thì Nam Kỳ trong giai đoạn này gần như là vô chính phủ dù trên danh nghĩa Pháp vẫn duy trì được bộ máy hành chánh và Nhật giữ vai trò quyết định.
Mỗi bên đều nỗ lực củng cố thanh thế của mình, mặt khác dân chúng phải tự vệ bằng võ trang để không bị chèn ép hoặc bị trả tư thù. Hoà Hảo là một giáo phái non trẻ, và Đức Thầy khi lập đạo cũng chỉ mười chín tuổi. Sau một năm, đạo của ngài đã có hàng trăm ngàn tín đồ với đủ thành phần từ trí thức cho tới nông dân, nguồn lực vô cùng mạnh mẽ. Quan Toàn quyền Pháp là Jean Decoux đã công bố Đức Thầy bị điên và bắt nhốt vào Nhà thương Chợ Quán, sau đó bắt ngài lưu vong sang Lào vào năm 1942. Quân Nhật đã can thiệp để ông được về nước và tạm lánh tại Sài Gòn.
Đạo Hoà Hảo tiếp tục phát triển dưới sự bảo trợ một phần của người Nhật và hình thành nên những đoàn võ trang có cả nam lẫn nữ, gọi là Nghĩa quân Cách mạng Vệ quốc. Đến năm 1945, khi Nhật bại trận và không còn khả năng bảo trợ, quân đội Hoà Hảo chính thức được thành lập.
Ngày 14 tháng Tám năm 1945, Mặt Trận Quốc-Gia Thống Nhứt thành lập tại Sài Gòn với chủ trương kháng Pháp triệt để. Phái đoàn Hoà Hảo có tham gia Mặt Trận này. Tuy nhiên, khi này nhóm Việt cộng hoạt động mạnh ở khắp nước, tiến hành thủ đoạn chánh trị đê tiện bằng cách ám sát các thủ lãnh đảng phái và đoàn thể Quốc Gia để thu gom quyền lực. Rất nhiều nhân sĩ trí thức là anh tài hiếm có của Việt Nam bị Việt cộng giết chết trong thời gian này.
Ngày 8 tháng Chín năm 1945, gần một tuần sau khi chính quyền của ông Nguyễn Sinh Cung tuyên bố thành lập ở Hà Nội, tín đồ Hoà Hảo tổ chức biểu tình phản đối tại Cần Thơ, nhưng bị đàn áp dã man bằng súng đạn bởi quân cộng sản trà trộn trong Việt Minh mà đầu đảng là ông Trần Văn Giàu. Phía Việt cộng tuyên bố sự kiện này là do quân đội Hoà Hảo tấn công trước. Tín đồ Hoà Hảo khi này một mặt cứu thương một mặt tổ chức phản kích. Hai bên đánh giáp lá cà cả bằng mã tấu và tầm vông. Nhân chứng kể lại rằng đầu người vạt xéo chất thành đống, thây người đứt tay đứt chân nằm sắp lớp, người chết hai bên vượt quá số ngàn.
Cũng sau mấy ngày này, em ruột của Đức Thầy là ông Huỳnh Thạnh Mậu, ông Trần Ngọc Hoành (con trai ông Trần Văn Soái - tư lệnh lực lượng Hoà Hảo) bị phe của ông Trần Văn Giàu bắt giam, tra tấn khủng khiếp và sau đó xử tử tại sân vận động Cần Thơ. Sau sự kiện này hai bên phát sinh hận thù bất cộng đái thiên, nhất là lực lượng võ trang nhỏ lẻ hai bên sẵn sàng giết nhau bất cứ ở đâu.
Năm 1946, đạo Hoà Hảo thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, gọi tắt là đảng Dân Xã. Đảng Dân Xã có khẩu hiệu: "Cách mạng con người; Cách mạng dân tộc; Cách mạng xã hội". Đảng Dân Xã có quân đội riêng, địa bàn hoạt động trùm hết các tỉnh miền Tây, lập trường liên kết với Bình Xuyên và Cao Đài để kháng Pháp và kháng Việt Minh và tổ chức của ông Nguyễn Sinh Cung (khi này đã lòi đuôi Việt cộng).
Năm 1947, Đức Thầy bị Việt cộng bắt và thủ tiêu một cách ghê rợn bằng cách phân thây ra bỏ nhiều nơi. Theo các tài liệu, tuy thống nhất về chuyện ngài bị Việt cộng sát hại nhưng thông tin về chỗ ngài bị sát hại khác nhau. Các tín đồ Hoà Hảo hầu như không thể chấp nhận được thông tin tàn khốc này và vẫn nuôi dưỡng niềm tin rằng ngài đã hoá phép thần thông để thoát khỏi nanh vuốt Việt cộng trong đêm bị bắt. Kể cả các vị nhân sĩ trong đạo là bác Dật Sĩ hay bác Nguyễn Văn Hầu trong cuốn Thất Sơn Mầu Nhiệm cũng tin rằng Thầy bình an vô sự và đã tạm lánh đi.
Ngày nay các tín đồ Hoà Hảo vẫn dùng từ ngữ "Đức Thầy vắng bóng" chứ không có kết luận nào cụ thể về hậu vận của ngài. Các tín đồ không chịu theo giáo hội Hoà Hảo quốc doanh vẫn cố gắng cử hành ngày lễ kỷ niệm "Đức Thầy thọ nạn" dù bị cấm cách.
Chuyện đã lâu năm, nên lớp sồn sồn có vai vế trong đạo bây giờ hầu như là con nít thời đó, không còn biết gì về mối hận xưa, lớp thì bị tôn giáo vận làm cho nhận giặc làm cha rước ông Cung về thờ cúng, lớp thì lo tu hiền hành đạo theo tôn chỉ của thầy để lại, những người kiên trung với mối đạo xưa thì nhỏ bé cô đơn...
Nhà tôi đời trước có một mối nghiệt duyên với đạo Hoà Hảo mà có khi ba tôi thấy tôi viết bài này xong ổng quýnh tôi gãy giò cũng nên. Ông nội của ba tôi là một thủ lãnh tự vệ quân ngày đó, ban đầu là gom người lại, tự võ trang bằng dao mác để mà giữ đất và đi đánh đồn Tây. Đến khi thế cuộc đại loạn, sống trong vùng Việt Minh và Hoà Hảo phân tranh, không trắng thì đen, bị cuốn vào cuộc chiến không liên quan tới mình và bị phiến quân Hoà Hảo tới bắt ông đem đi chặt đầu sau đó đạp xuống sông Hậu vì nghi ông là phe Việt Minh. Lớn lên, đi phà qua sông Hậu, nhìn lục bình trôi dạt, trong lòng buồn thương không biết thi hài tổ tiên trôi dạt nơi đâu. Nhưng nhìn về hướng Tây, không thấy núi non vùng Thất Sơn đâu, mối thù xưa cũng xa xăm mà tan theo mây...
Cách sống học Phật tu nhân, chăm lo đồng áng, siêng năng làm việc phước thiện của các tín đồ Hoà Hảo ngày nay có lẽ vẫn là minh chứng sống động nhất cho giá trị của giáo lý mà Đức Thầy đã truyền lại.
Hai Lê / https://www.facebook.com/profile.php?id=100010082284940
_______________________________
No comments:
Post a Comment