Nhà thơ Kim Tuấn và thủ bút của ông. (Hình: tài liệu dutule.com) |
Trước khi mất mấy năm, khi tôi còn làm ở báo Thanh Niên, thỉnh thoảng Kim Tuấn ghé tòa soạn gửi bài, hoặc chỉ ghé rủ tôi ra quán cà phê ngồi ôn lại chuyện anh em văn nghệ cũ. Tôi nhớ hình như năm 1996 hay 1997, anh mới đi du lịch Yên Tử, Hạ Long về có viết một bút ký khá hay gửi tôi đăng trên Thanh Niên Chủ Nhật. Trong bút ký khá sinh động, anh kể chuyến đi “du lịch chui” sang thị trấn Đông Hưng bên kia biên giới Trung quốc có nhiều chi tiết khá thú vị…
Tôi quen Kim Tuấn cuối năm 1972 khi gặp anh tại nhà Du Tử Lê. Anh mới từ Pleiku về Sài Gòn nhờ anh Lê lo in giúp anh một tuyển tập thơ, vì anh Lê bấy giờ đang chủ trương một nhà xuất bản và quen biết nhiều nhà in. Đó là tuyển tập “Thơ Kim Tuấn 1962-1972”. Có lẽ anh Lê bận quá nên tập thơ mãi hơn một năm sau mới ra đời.
Nhà anh Lê khá chật chội (thật ra đó chỉ là một căn phòng rộng chừng vài chục mét vuông trong một biệt thự ở cư xá Bưu điện mà thi sĩ thuê ở tạm chờ mua nhà ở làng báo chí Thủ Đức), lại thường có khách ghé thăm, nên anh Lê rủ Kim Tuấn và tôi qua quán cà phê gần nhà để trao đổi công việc. Bàn xong chuyện in tập thơ cho Kim Tuấn là tới giờ anh phải đi làm. Du Tử Lê giới thiệu tôi với Kim Tuấn rất trân trọng. Anh nhắc tôi tặng Kim Tuấn tập thơ tôi mới in. Anh Lê xin lỗi vì đầu giờ phải vào Cục Tâm Lý Chiến họp, có sếp lớn tham dự nên không thể vắng mặt.
Kim Tuấn dáng người thấp đậm, da dẻ hồng hào, nói chuyện nhỏ nhẹ, từ tốn, rất dễ gây cảm tình với người đối thoại. Anh lướt qua tập thơ “Những nụ tình xanh” tôi vừa tặng anh. Anh khen Nguyên Sa đúng là thi sĩ, viết lời tựa cho tập thơ tôi hay như một bài thơ. Anh nhờ tôi thường xuyên nhắc Du Tử Lê lo in giúp tập thơ cho anh, vì biết anh Lê khá bận rộn công việc thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong, lại phải lo “cày” trả nợ nhà xuất bản các bản thảo sách chưa in nhưng đã tạm ứng! Đó là chưa kể chàng thi sĩ rất đỗi đào hoa, mất rất nhiều thời giờ cho các nàng thơ! Tuy mới gặp nhưng anh em nói chuyện khá tâm đắc. Thấy đã muộn, tôi đề nghị chở Kim Tuấn về. Anh bảo tôi chở anh về nhà bố mẹ anh trên đường Phát Diệm (nay là Trần Đình Xu). Kim Tuấn rất ngại chạy xe, khi nào về Sài Gòn anh nhờ bạn bè chở hoặc đi taxi hay xe ôm.
Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Khuê, sinh năm 1938 tại Hà Tĩnh, lớn lên ở Sài Gòn nhưng sống và làm việc hơn 15 năm ở Pleiku. Sau 1975 anh mới trở lại Sài Gòn sinh sống. Anh là hậu duệ đời thứ năm của Tùng Thiện Vương. Anh là thông dịch viên thuộc Quân đoàn II và là phóng viên chiến trường. Khi Kim Tuấn viết tin chiến trường cho nhật báo Tiền Tuyến, anh ký bút hiệu Vĩnh Khuê. Vợ anh – chị Hồ Thị Mộng Sương là em gái nhà thơ Hồ Đình Phương, người chuyên viết lời cho các ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ.
Sau biến cố 30.4.1975, anh chị chia tay. Chị Sương đi Pháp, còn Kim Tuấn về Sài Gòn lấy vợ khác, sinh được hai con trai. Anh chuyển qua làm việc trong ngành giáo dục. Năm 1977, Kim Tuấn làm hiệu trưởng trường Thăng Long ở quận 4. Đây là ngôi trường dạy nghề và tiếng Anh cho trẻ em mồ côi, nghèo, lang thang… do người Anh tài trợ. Anh vừa làm hiệu trưởng vừa dạy tiếng Anh cho đến khi anh mất ngay đêm trung thu năm 2003.
Ra Vũng Tàu thay vì thuê khách sạn trước rồi đi ăn sau, chúng tôi không ai có kinh nghiệm nên tới nơi là đi ăn uống, lai rai bia bọt xong, đến gần 9 giờ mới đi tìm thuê khách sạn. Cuối tuần nên khách sạn đầy kín không còn phòng trống. Tôi gợi ý: Trời nóng quá. Hay là bọn mình chạy xe ra Bãi Trước đậu bên hàng cây bàng ngủ bụi đời qua đêm trên xe… cho mát! Cả ba người đồng ý. Đậu xe dưới gốc bàng bên bờ biển, rồi kéo nhau đi bộ lang thang dọc biển.
Hùng – tên chàng phóng viên chiến trường của nhật báo Tiền Tuyến thường trú Pleiku nên chơi khá thân với anh Kim Tuấn. Anh chàng rất ái mộ thơ và ngưỡng mộ thi sĩ Du Tử Lê, anh đi cặp kè với thi sĩ, kể về những trận đánh ở vùng ngả ba biên giới Việt – Miên – Lào. Giọng anh vang trong gió biển lồng lộng, còn Du Tử Lê chỉ lẳng lặng đi! Mà nếu anh Lê có nói thì giọng nhỏ nhẹ của anh chắc cũng tan trong tiếng gió ào ào chen lẫn tiếng sóng! Kim Tuấn và tôi đi phía sau, cũng chỉ có tôi nói. Đó là kỷ niệm khó quên một đêm ngủ ngồi ở “khách sạn di động”. Kim Tuấn và bạn anh ngồi hai ghế trước, còn Du Tử Lê và tôi ngồi ở băng ghế sau. Mọi người ngủ gà ngủ gật chờ sáng. Xe La Dalat gần giống xe Jeep, trống tư bề, gió từ biển thổi lạnh buốt. Càng về khuya gió càng mạnh thổi tung sóng lên gần tới chiếc xe “phòng ngủ di động.” Hùng phải chạy xe qua bên kia đường núp sau một vách tường cao của một biệt thự để tránh gió, chúng tôi mới có thể chợp mắt được vài tiếng, chờ đón bình minh trên biển vắng tuyệt đẹp!
Hình download từ trên mạng. |
Kim Tuấn có lẽ là nhà thơ có nhiều thơ được phổ nhạc nhất – chỉ tính ở miền Nam trước 1975. Theo thống kê chưa chính thức thì Kim Tuấn có hơn 20 bài thơ được phổ nhạc. Nổi tiếng và được người yêu nhạc nhiều thế hệ yêu thích nhất là các ca khúc phổ thơ anh: “Anh Cho Em Mùa Xuân” do Nguyễn Hiền phổ từ bài “Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân” trích trong tập “Ngàn Thương” in chung với Định Giang năm 1961; “Những Bước Chân Âm Thầm” do Y Vân phổ từ bài “Kỷ Niệm” và “Khi Tôi Về” do Phạm Duy phổ từ bài “Những điều ghi được trong giấc ngủ.” Theo tôi, bài “Anh Cho Em Mùa Xuân” cùng ca khúc “Xuân và Tuổi Trẻ” của La Hối và“ Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương là ba ca khúc viết về mùa Xuân hay nhất.
Hình download từ trên mạng. |
Đặc biệt ca khúc “Những bước chân âm thầm” được nhiều thế hệ người yêu nhạc thích thú. Nhưng đến nay vẫn còn vài câu, từ trong ca khúc này khiến nhiều người tò mò, thắc mắc! Trong bài hát có nhắc đến TUYẾT. Nhưng ở phố núi Pleiku – nơi tác giả bài thơ sống và viết bấy giờ thuộc cao nguyên Trung phần – nay gọi là Tây nguyên – làm sao có tuyết? (trong bản nhạc tờ rời in đầu tiên có câu “Hoa VÒNG rừng tuyết trắng”. Nhiều ca sĩ lại hát là “Hoa VÔNG rừng tuyết trắng”. Một lần ngồi cà phê với anh khi anh về Sài Gòn, tôi nêu thắc mắc về “TUYẾT ở Pleiku” và hoa VÒNG hay hoa VÔNG rừng tuyết trắng??? Kim Tuấn giải thích: khoảng năm 1959 – 1960, khi anh mới lên Pleiku sống và làm việc thì nơi này chỉ là một thị xã nhỏ dân cư thưa thớt, đất đỏ bụi mù, chung quanh là rừng xanh. Đặc biệt rừng cây gòn gần như nuốt chững những rặng thông già.
No comments:
Post a Comment