Tuesday, September 20, 2022

Phương pháp để giảm giữ nước trong cơ thể


Nước chiếm khoảng 60% trọng lượng cơ thể và đóng vai trò chính trong tất cả mọi hoạt động sống của con người. Việc mất nước rõ ràng không tốt, tuy nhiên việc giữ nước trong cơ thể quá mức cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

1. Tình trạng thừa nước trong cơ thể

Dư thừa nước (hay còn được gọi là phù) là tình trạng cơ thể tích trữ nhiều nước hơn so với nhu cầu khiến cơ thể không thể hấp thụ hết và cũng không kịp bài tiết ra bên ngoài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, có thể kể đến như:

  • Di chuyển bằng máy bay: Sự thay đổi áp suất trong máy bay cộng với việc phải ngồi một chỗ trong khoảng thời gian dài có thể khiến cơ thể bạn gặp tình trạng trữ nước.
  • Đứng hoặc ngồi quá lâu: Khiến máu dồn xuống phần chi dưới, nước tích tụ và gây phù.
  • Rối loạn hormone: Chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng dư thừa nước.
  • Ăn hoặc uống quá nhiều thực phẩm chứa Natri: Ăn nhiều muối hoặc uống nhiều nước ngọt đều có thể khiến nồng độ natri trong cơ thể tăng cao gây hiện tượng thừa nước.
  • Sử dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ là giữ nước như các loại thuốc giảm đau hay thuốc chống trầm cảm...
  • Các vấn đề về tim mạch khiến máu không thể lưu thông một cách bình thường dẫn đến tình trạng ứ nước ở một số cơ quan trong cơ thể.
  • Bà mẹ mang thai: Sự thay đổi cân nặng có thể khiến phần chân giữ nước (phù chân khi mang thai) nếu không di chuyển thường xuyên

Một số triệu chứng điển hình của việc thừa nước trong cơ thể:

  • Đầy hơi, chướng bụng, có thể kèm khó thở
  • Có hiện tượng sưng chân, đặc biệt là bàn chân và mắt cá chân
  • Biểu hiện phù nề ở mặt và hông
  • Sưng khớp hoặc thậm chí là cứng khớp do áp lực của nước.
  • Cân nặng thay đổi thất thường
  • Dùng tay ấn thấy xuất hiện vết lõm và để lại lâu trên da.
  • Tăng nhịp tim: Tình trạng giữ nước khiến tim phải tăng cường độ làm việc để có thể bơm máu đến các bộ phận khác của cơ thể.

2. Các cách đơn giản giảm tích nước trong cơ thể

    Phần lớn các trường hợp tích trữ nước trong cơ thể không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên với một số người, sự xuất hiện tích trữ nước một cách đột ngột có thể là dấu hiệu giúp sớm phát hiện ra những bệnh lý nguy hiểm như suy thận hoặc suy tim.

    Trong trường hợp xuất hiện các biểu hiện của tích nước nhưng không đi kèm theo bất kỳ bệnh nào thì bạn có thể giảm sự tích tụ của nước trong cơ thể bằng một số cách sau:
    *  Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi, qua đó giúp giảm lượng nước dư thừa trong cơ thể. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý bổ sung nước trong quá trình tập để tránh tình trạng mất nước.
    *  Ngủ đủ giấc: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc ngủ đủ giấc quan trọng không kém chế độ ăn cũng như tập thể dục. Giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh giao cảm ở thận trong việc điều hòa và cân bằng nước cũng như các ion, do đó giúp giảm tình trạng trữ nước trong cơ thể.
    *  Hạn chế rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi: Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng xấu đến các loại hormone làm nhiệm vụ giữ cân bằng nước trong cơ thể.
    *  Bổ sung các chất điện giải: Magie và Kali đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa cân bằng nước. Giữ nồng độ các chất điện giải ở mức độ thích hợp giúp đảm bảo quá trình cân bằng nước trong cơ thể diễn ra được bình thường
    *  Cân bằng lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày: Natri từ muối ăn là một trong những chất điện giải có nồng độ cao nhất trong cơ thể. Cùng với magie và kali đảm bảo quá trình cân bằng nước. Thừa hoặc thiếu natri đều có thể phá vỡ sự cân bằng đó dẫn đến tình trạng tích tụ nước.
    *  Sử dụng thực phẩm chiết xuất từ cây bồ công anh : Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bồ công anh có tác dụng kích thích thận tăng bài tiết nước tiểu, muối và natri.
    *  Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: Một số thực phẩm giàu kali như rau xanh, đậu, chuối, bơ, cà chua, sữa và các thực phẩm từ sữa khác có thể giúp cơ thể bổ sung kali, cân bằng với nồng độ natri kích thích thận tăng bài tiết nước tiểu, giảm tình trạng trữ nước. Ngoài ra các thực phẩm giàu magie cũng đã được chứng minh có tác dụng tương tự kali trong việc đảm bảo cân bằng lượng nước cho cơ thể.
    *  Sử dụng cà phê có thể giúp giảm lượng nước trong cơ thể. Cà phê hay các loại đồ uống có chứa caffeine có tác dụng kích thích cơ thể bài tiết nước tiểu.
    *  Thay đổi những thói quen hàng ngày: Đầu tiên là giảm hàm lượng muối có trong thực phẩm hàng ngày, tránh ngồi một chỗ quá lâu, sử dụng các loại thuốc có tác dụng phụ trữ nước theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, hạn chế sử dụng rượu, các chất kích thích và nước ngọt.
Tình trạng giữ nước trong cơ thể có thể không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng có thể là sự cảnh báo về những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh thận hoặc bệnh tim mạch. Do vậy, việc vận dụng được những phương thức đơn giản để giảm tình trạng giữ nước là cần thiết và quan trọng nhằm cân bằng lượng nước trong cơ thể, giúp ổn định các chức năng cơ bản của các cơ quan.

Nguồn tham khảo: healthline.com

____________________________________

No comments:

Post a Comment