Wednesday, June 29, 2022

Ngôi Nhà Trên Đường Washington

Trương Hữu - HIEN YUKEN


Mỗi lần có việc ghé ngang phố Cambridge bờ bên kia sông Charles, cách gì tôi cũng bỏ dăm mươi phút thả xe chạy dọc theo đại lộ Massachusetts, đến một ngã tư gần cuối con đường thì rẽ phải, và dừng lại trước ngôi nhà số 101 đường Washington. Ngôi nhà từng thuộc về Bob và Ellen. Tên thân mật gọi ông bà tiến sĩ Robert H. Spaethling, bạn thân một thời của gia đình. Ngôi nhà hai tầng mang phong cách victoria cổ kính đầy bóng mát mùa hè trước sân. Ngôi nhà có chủ mới nay thay đổi khá nhiều nhưng dáng kiểu vẫn còn nguyên. Cánh cửa trước vẫn bề thế luôn đóng im ỉm, và cửa sau ngang qua khoảng hàng hiên (porch) vẫn thường mở toang lối ra vào.

Nhìn qua khoảng sân rộng, tôi vẫn còn mường tượng ra được cảnh Bob và tôi đang ngồi quanh chiếc bàn sắt tròn giữa hàng hiên, chai rượu vang màu đỏ sẫm vẫn kề bên dĩa đồ nhắm mà vợ ông, bà Ellen vừa mang ra. Đó là một trong những buổi chiều muộn thứ sáu hơn hai mươi năm trước, những chiều sau khi Bob giúp tôi chỉnh sửa xong một bài luận văn tiếng anh, và bây giờ hai thầy trò chỉ còn mỗi việc cùng nhau nhấm nháp chút men và hàn huyên dăm ba câu chuyện.

Những buổi chiều thứ sáu như thế xảy ra suốt mùa hè năm đầu tiên khi tôi mới sang Mỹ. Những buổi chiều ấm áp, bình yên năm ấy làm sao tôi có thể quên. Nhớ mãi giọng nói, tiếng cười hiền lành của Bob và Ellen. Nhớ mãi lối kể thật lôi cuốn của Bob qua những câu chuyện vừa mang tính triết lý, pha lẫn là chút hóm hỉnh vui. Và đặc biệt trong đó tôi nhớ đến câu chuyện mà Bob thường lặp đi lặp lại mỗi khi ngà ngà hơi men, câu chuyện mười năm trước lần đầu ông gặp Đức, cậu em trai tôi.

-Hiền biết không, một lần tôi chợt chú ý đến Đức khi nó đang ngồi trong thư viện trường Harvard, đó là một cậu thanh niên gốc Á , vóc người nhỏ nhắn nhìn hiền lành lắm.

Nhấp thêm một ngụm rượu, Bob xoay xoay chiếc ly trong tay như thói quen rồi nói thêm:

– Hiền biết không, khoảng thời gian đó tôi đang tìm thêm tài liệu cho cuốn sách luận về cuộc đời Mozart đang viết dở, vì vậy chiều nào tôi cũng ghé qua thư viện trường Harvard, nơi tôi đang giảng dạy. Và lần nào tôi cũng thấy Đức đang ngồi nghiêm chỉnh ở đấy. Trông cậu như lọt thỏm giữa những thanh niên da trắng cao lớn và giữa những dãy kệ sách khổng lồ. Khuôn mặt Đức trông hiền lành và trẻ như một cậu học sinh trung học. Chỉ mới thoáng thấy thôi, tự dưng tôi có cảm tình ngay với Đức.

Rồi một hôm Bob tìm một chỗ ngồi gần bên và tỏ ý làm quen với chàng thanh niên ấy. Anh ta giới thiệu về mình, Đức đến từ bắc California và đang bắt đầu cho chương trình tiến sĩ nha khoa ở Harvard. Thật ngạc nhiên vì Bob cứ ngỡ cậu thanh niên với gương mặt non trẻ chắc chỉ là một sinh viên vừa mới nhập học năm đầu Harvard. Rồi ông ta tự giới thiệu mình cũng đến từ vùng Bay Area bờ tây. Chỉ là vài câu chuyện xã giao ngắn ngũi nhưng Bob thấy toát ra một cái gì đó hay hay từ chàng thanh niên mới quen. Đến giờ thư viện đóng cửa, Bob ngõ lời mời em trai tôi ghé qua nhà ông, chỉ cách một khoảng đường đi bộ.

Vậy là từ đó vợ chồng tiến sĩ Robert Spaethling biết thêm về Đức, một thiếu niên người Việt đến Mỹ theo diện tị nạn, một thuyền nhân giữa cao trào boat people từng đánh động lương tâm thế giới những năm trước. Bob và Ellen rất đổi ngạc nhiên và thán phục Đức, vì từ một thiếu niên khi đến Mỹ chỉ biết bập bẹ vài câu tiếng anh, vậy mà 10 năm sau Đức đã ngồi ngay ngắn giữa giảng đường ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới. Ông bà biết rằng, để được nhận vào học ở Harvard thì Đức đã trải qua biết bao nhiêu là kiên trì cố gắng không ngừng nghỉ suốt chừng ấy năm.

Bản thân tiến sĩ Robert Spaethling cũng chỉ ở tuổi thiếu niên khi vừa đến Mỹ. Ông đến đây từ một nước Đức tan hoang sau thế chiến thứ hai. Ông đã trải qua bậc đại học và trình luận án tiến sĩ ở Berkeley, California. Cuộc đời của ông trên đất Mỹ, để có được chỗ đứng trong xã hội như bây giờ cũng trải qua những năm tháng đầy cố gắng và quyết tâm. Thỉnh thoảng Bob hay nói đến điều trùng hợp thú vị: khi tuổi thơ em tôi trải qua nơi thành phố nhỏ bé Đà nẵng miền trung đất Việt, thì Bob cũng lớn lên ở một thành phố nhỏ Weissenstadt miền đông nước Đức. Bob nhìn thấy ở Đức em tôi là hình bóng phản ảnh tuổi trẻ của chính mình.

Từ đó với tấm chân tình của Bob và Ellen, mỗi cuối tuần em tôi lại đến với gia đình ông bà, thân giao như người nhà. Vợ chồng ông bà quý Đức, và em tôi cũng quý mến ông bà lắm. Bob và Ellen nay như là cha mẹ đỡ đầu của Đức ngoài cha mẹ ruột của mình. Trong hành trình tiến thân của Đức, từ khi lấy được mảnh bằng tiến sĩ nha khoa rồi lên bậc chuyên khoa trong ngành, rồi lúc đứng trên bục giảng dạy của Harvard đều có bóng dáng nâng đỡ tinh thần của vợ chồng tiến sĩ Robert H. Spaethling. Sau này khi em tôi lập gia đình, mẹ tôi đã mất, ba tôi từ Việt nam vì sức khỏe không sang tham dự được, thì Bob và Ellen đứng ra đại diện nhà trai cưới vợ cho em tôi. Kể ra như vậy để thấy mối quan hệ thân tình thật đặc biệt giữa Đức và ông bà Bob-Ellen.

Nhớ những lần Bob và Ellen gặp ba mẹ tôi. Biết ba mẹ buồn vì phải xa Việt nam, ông bà hay hỏi han gợi cho ba mẹ kể về quê hương mình. Dù qua thông dịch của mấy em nhưng có dịp tỏ bày như vậy ba mẹ tôi phần nào được an ủi bớt nhớ nhung.

Qua những lời tâm sự của ba mẹ, Bob và Ellen mới biết được giữa một đất nước Việt chạy dài từ nam ra bắc thì có vùng đất trù phú Quảng nam, có ngôi làng nhỏ yên bình tên Thanh Quýt. Ông bà rất thú vị khi nghe kể về con người và đời sống nơi đây. Làng Thanh Quýt có truyền thống cách mạng, người nơi đây thương dân, thương nước, tâm tính hay bênh vực cho những người yếu thế bị ức hiếp. Làng Thanh Quýt ngoài nông nghiệp cơ bản còn có ngành nghề xưa nay vang danh cả nước như nghề trồng và chế biến thuốc lá, nghề nuôi tằm dệt vải, nghề mở tiệm uốn tóc…

Bob rất thú vị khi nghe ba tôi nói thêm về một trong những đặc tính nổi bật của người Thanh Quýt là tinh thần hiếu học. Người làng Thanh Quýt chúng tôi có thể chịu được cái nghèo thiếu ăn thiếu mặc trong gia đình, nhưng cha mẹ không thể nào để cho con mình thiếu con chữ. Bởi vậy từ nơi đây đã sản sinh biết bao nhà khoa bảng tiếng tăm đất Việt, những giáo sư tiến sĩ, những kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ …là niềm tự hào của những dòng tộc trong làng.

Nghe câu chuyện về làng Thanh Quýt, Bob và Ellen hào hứng lắm. Ông bà hẹn một ngày sắp xếp đi thăm nơi ấy. Vậy mà cứ lỡ dịp và rồi không thể nào thực hiện được. Thời gian chồng chất, sức khỏe ông bà cũng như ba mẹ tôi đã không cho phép ước mơ ấy thành hiện thực. Thỉnh thoảng trong câu chuyện sau này, hai ông bà vẫn luôn nhắc đến những câu chuyện làng Thanh Quýt chúng tôi.

Sau khi về hưu được vài năm thì ông bà Robert Spaethling quyết định dọn về California, thành phố Larkspur. Nơi đây là quê nhà của Ellen, có khí hậu ấm áp hơn hẳn miền đông bắc. Họ xây nên một ngôi nhà nhỏ để an hưởng tuổi già, ngôi nhà rất đẹp nằm tĩnh lặng giữa khu vườn đầy sắc hoa cùng tiếng chim muông.

Nay thì Bob và Ellen không còn nữa. Bà Ellen mất đã hơn ba năm, còn Bob thì chỉ mới đây thôi. Xa xôi và giữa cơn dịch bệnh Corona thế kỷ không cho phép chúng tôi về Cali tiễn hai ông bà đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Đó là nỗi xót xa, áy náy quá buồn của anh chị em chúng tôi.

Chúng tôi nhớ đến Bob không chỉ với lòng tri ân mà còn có cả sự thán phục từ nhân cách của một nhà tri thức có tính thương người, giản dị và khiêm tốn. Giao tiếp với Bob ta không cảm thấy ở ông mang vóc dáng cao xa của vị tiến sĩ khoa bảng, của một giáo sư trường Harvard. Giao tiếp với Bob ta chỉ cảm nhận được một sự gần gũi để không ngại ngùng sẵn sàng chia sẻ…

Mùa hè tôi hay ghé ngang thành phố Cambridge, nơi có Harvard University, nơi có trường MIT mà nhớ đến Bob và Ellen thật nhiều. Ngôi nhà của ông bà đường Washington vẫn còn đó, dăm phút dừng xe nhìn vào ngậm ngùi nghĩ đến sao chóng qua một đời người. Hẹn lòng mình sẽ về bắc Cali một ngày thật gần, về để thắp nén nhang lên mộ chị hai tôi nơi ấy, và về lần này sẽ thêm những nhành hoa trắng tận tay mình đặt cạnh mộ của Bob và Ellen với bao nỗi tiếc thương. Chưa gì đã thấy những giọt nước mắt!

Boston, một cuối tuần tháng 6, 2022
Trương Hữu

________________________

No comments:

Post a Comment