Hương Đặng
Có lẽ không riêng gì mình, mà nhiều chị em ở nước ngoài thường chỉ đi chợ 1-2 lần trong tuần. Và tất nhiên mỗi lần đều mua nhiều rau củ về trữ trong nhà để chế biến cho cả tuần. Qua mấy năm "lăn lộn" trong bếp và tham khảo trên internet, mình có rút ra được một số lưu ý để bảo quản cho rau, củ và trái cây được tươi lâu hơn. Nếu để ý và chịu khó bảo quản, giữ được rau củ tươi thì sẽ chế biến thức ăn ngon hơn, đảm bảo sức khoẻ hơn và cả giảm đi những lần "tiếc nuối" vì phải vứt bỏ các loại rau quả hư, chuyển màu mà chưa kịp chế biến!
Rau, củ
1. Khoai tây
Khoai tây là một loại củ phổ biến được sử dụng để chế biến nhiều món ăn ở Mỹ. Khoai tây cũng là một loại củ có thể dự trữ được lâu hơn các loại rau củ khác. Cá nhân mình, mình thường trữ khoai tây cho các món hầm, món súp. Khoai tây không cần để tủ lạnh. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp để bảo quản khoai tây tốt là 45-50 độ F ( khoảng 7-8 độ C) và nên cất giữ khoai tây ở những nơi tối, không có ánh sáng. Nếu bạn bảo quản ở những nơi ẩm ướt và nhiệt độ ấm hơn thì khoai tây có xu hướng dễ nảy mầm và dễ hư hơn. Nếu bảo quản dúng cách, bạn có thể giữ được khoai tây đến vài tháng.2. Hành tây
Rút kinh nghiệm từ bản thân mình và đã tham khảo trên vài website uy tín là đừng bao giờ cất hành tây và các loại củ chung một chỗ. Hành tây và các loại củ (khoai tây, khoai lang) để gần nhau thì càng tạo ra môi trường để chúng nhanh hỏng hơn thôi.
Nhà mình có một kệ tủ, mình thường hay cất hành tây và khoai tây ở đó. Dù môi trường rất sạch sẽ, nhiệt độ thoáng mát, cả hành tây và khoai tây đều được cất riêng biệt trong một bọc nilông riêng nhưng ngạc nhiên là khoảng hơn một tuần sau thì khoai tây đã bắt đầu nảy mầm và hành tây thì có dấu hiệu bị bầm đi.
Rút kinh nghiệm (sau một thời gian dài "mắt tròn mắt dẹt" không hiểu tại sao) thì mình đã bảo quản riêng hành tây và khoai tây. Và cả hai loại mình đều cho vào một cái túi mở (không cột kín) hoặc một bịch lưới để hành được thoáng. Bạn cũng có thể cho hành tây vào các bọc lưới hoặc tất da rồi treo chỗ thoáng mát (tránh ánh nắng và không ẩm ướt). Bảo quản đúng cách, hành tây có thể giữ được vài tuần mà vẫn rất tươi ngon.
3. Hành lá/ ngò
Nhà mình lúc nào cũng có hành lá, bất kể là có vào mùa hành hay không. Đôi khi có mùa, hành lá khan hiếm và rất đắt, một bó nhỏ xíu có vài cọng mà 90 cents một bó. Tuy nhiên với nhiều món ăn, có hành lá thì sẽ có "duyên" và thơm ngon hơn nhiều.
Mình thì chỉ mới học được cách bảo quản hành lá gần đây và thấy hiệu quả là dù được cất giữ trong tủ lạnh cả tuần nhưng hành rất tươi. Hành lá mua về, rửa sơ (không cần bỏ rễ của hành). Sau đó cho vào một cái hủ thuỷ tinh hoặc là một cái ly cao. Cho hành vào ly (dựng đứng hành) và đổ nước vào ly sao cho nước ngập hết phần gốc hành là được. Dùng một chiếc bao ni lông bọc phần trên của đầu hành và cho cả ly hành vào tủ lạnh. Bảo quản trong tủ lạnh khoảng 1 tuần (Mình cũng dùng cách này để bảo quản ngò).
Riêng với những khi trong nhà có quá nhiều hành mà chắc là sẽ không thể dùng hết trong 1 tuần thì bạn có thể trữ tủ đông. Chỉ cần rửa sạch hành, cắt nhỏ hoặc cắt khúc tuỳ ý rồi cho vào một chai nhựa (chai nước suối sạch) rồi đậy kĩ nắp, cho vào tủ đông đá. Cách này có thể giữ hành được lâu hơn và hành vẫn còn thơm.
4. Nấm
Nấm là món ăn đầy dinh dưỡng, đặc biệt nấm cung cấp nhiều vitamin D. Mình hay mua nấm để chế biến các món xào, món nướng, thậm chí nấu cả súp và làm pasta. Ở Walmart hay bán các hộp nấm đựng trong hộp xốp nhỏ hoặc các hộp giấy và bọc giấy ni lông ở trên (Plastic Wrap). Thông thường khi mua nấm trong các hộp giấy sẵn thì bạn chỉ cần để nguyên tình trạng của hộp nấm và cất trong tủ lạnh. Thường khi đem ra chế biến và còn dư nấm thì mình vẫn cất nấp lại vào trong hộp, bọc plastic wrap lại và đục mấy lỗ nhỏ trên mặt plastic wrap cho thoáng khí rồi lại cất hộp nấm trong tủ lạnh. Cách làm này giúp nấm không bị khô và vẫn có đủ độ ẩm cần thiết để giữ nấm được lâu hơn. Tuy nhiên nấm không phải là một loại rau có thể giữ được nhiều ngày. Tốt nhất bạn nên dùng trong vòng 3-4 ngày sau khi mua.
5. Măng tây
Măng tây cũng rất phổ biến ở Mỹ. Người Mỹ thường nướng măng tây cùng các loại rau của khác và dùng kèm các loại thịt. Mình cũng từng nướng măng tây với cà rốt để ăn kèm với thịt bò nướng. Có lần mình cũng đã xào măng tây với thịt bò. Mình xào vừa đủ tới để măng còn vị giòn sần sật rất ngon. Tuy nhiên, măng tây cũng là loại rau nên dùng sớm thường chỉ 2-3 ngày sau khi mua thì măng mới còn giữ được vị tươi ngon nhất.
Muốn bảo quản măng tây tốt nhất (tất nhiên ngoài cách giữ nguyên măng tây trong các túi ni lông và "quăng" vào tủ lạnh khi lười) là cho măng tây vào một cái ly thuỷ tinh chứa ít nước, sau đó dùng khăn giấy ẩm (moist paper towel) bọc quanh thân măng tây và cho vào tủ lạnh.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bảo quản bằng cách dùng khăn giấy ẩm bọc phần gốc của măng tây rồi cho vào một chiếc bao Ziploc rồi dán chặt miệng bao và cho vào tủ lạnh. Bằng các cách này đảm bảo măng tây của bạn vẫn giữ được độ tươi tuyệt đối sau 2-3 ngày.
6. Cà chua
Suốt một thời gian, mỗi lần đi chợ về là mình quăng nguyên cả bịch cà chua vào tủ lạnh (không biết là vì chưa biết cách bảo quản hay vì lười), và nhận ra rằng, mặc dù sau cả một tuần lễ, cà chua vẫn chưa bị hư tuy nhiên cà chua không giữ được vị thơm đặc trưng và khi ăn thường có cảm giác bở và bột bột..
Mò mẫm nguyên cứu thì mình mới biết rằng cà chua là một loại quả cực kỳ khó tính và không ưa bảo quản lạnh. Các thích hợp nhất bảo quản cà chua là để cà ở nhiệt độ phòng, ở nơi thoáng mát, không có ảnh nắng mặt trời. Tuy nhiên với những quả cà đã quá chín thì tất nhiên cách tốt nhất là bảo quản trong tủ lạnh. Còn lại những quả còn xanh hoặc vừa chín đỏ thì cứ bản quản nơi thoáng mát là được.
7. Xà lách, cải và các loại rau xanh
Tủ lạnh nhà mình lúc nào cũng có sẵn các loại xà lách và rau xanh. Các loại rau xanh để nấu canh, xào còn xà lách thì ăn rau sống. Đặc biệt các giai đoạn giảm cân thì mình mua xà lách rất nhiều để ăn mỗi ngày. Cách bảo quản xà lách và các loại rau xanh đơn tốt nhất theo mình là rau mua về, rửa sạch với nưóc lạnh rồi để ráo nước. Đôi khi mình cắt sẵn rau vừa ăn hoặc để nguyên cọng, sau đó cho vào túi Ziploc sạch, cho vào đó 1-2 miếng giấy nhà bếp (paper towel), kéo kín miệng bao rồi cho vào tủ lạnh. Bằng cách này mình giữ đưọc xà lách và rau xanh tươi và giòn cả tuần, rất tiện lợi và ngon miệng.
8. Dưa leo.
Giống như cà chua, không nên cất giữ dưa leo trong tủ lạnh. Dưa leo rất "nhạy cảm" ở nhiệt độ thấp hơn 50 độ F (10 độ C). Bảo quản trong tủ lạnh chỉ làm dưa leo mau bị rỗ và phân rã nhanh. Do đó cách tốt nhất bảo quản dưa leo là để dưa ở nhiệt độ phòng, thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời.Thêm nữa khi bảo quản dưa leo, nên để xa các loại khoai tây, cà chua và chuối. Nếu phải cất dưa trong tủ lạnh thì nên dùng ngay trong vòng 1-2 ngày.
Trái cây
1. Táo
Táo là một loại quả dễ bảo quản, hơn nữa có nhiều lợi ích sức khoẻ. Do đó mình rất thường mua táo. Ở giai đoạn giảm cân, mình thường ăn một quả táo cùng một ly nước lọc lớn cho buổi sáng hoặc có thể ăn giữa buổi. Mình cũng thường cho táo vào hộp trái cây cho chồng mang theo mỗi ngày đi làm. Mình bảo quản táo cả ở nhiệt độ phòng và nhiệt độ thường. Táo không thích ánh nắng và nơi có nhiệt độ quá cao. Bạn có thể bảo quản táo ở nơi thoáng mát (thậm chí có độ ẩm một chút) hoặc có thể cho táo vào các bao ni lông có khoá kéo (Ziploc), sau đó cho một miếng giấy ẩm để lên trên mặt táo, kéo khoá bao rồi cho vào tủ lạnh.
Thêm một tip đối với việc trình bày và chế biến táo. Thông thường táo cắt ra để một lúc thì táo hay thâm tím. Riêng với bản thân mình thì ngoài ăn ngon, món ăn và các loại trái cây cũng cần đẹp mắt, nên việc táo chuyển sang thâm sau khi cắt làm mình rất bực mình. Đặc biệt mình thường cắt sẵn trái cây cho vào hộp, rồi giữ trong tủ lạnh từ buổi tối để sáng hôm sau chồng mang theo trong Lunch Box đến chỗ làm ăn trong ngày. Do đó cách làm tốt nhất để giữ táo sau khi cắt được tươi và không bị thâm là sau khi rửa sạch trái táo, mình cắt lát táo rồi cho vào một bát nước pha sẵn (1.5 cup nước + 1 muỗng cà phê muối và ít nước cốt chanh). Ngâm táo khoảng 3-4' phút rồi vớt ra để ráo. Cách làm này nhanh gọn mà vẫn giữ được táo đẹp mắt.
2. Nho
Bảo quản nho rất đơn giản. Nho mua về chỉ cần cho vào một túi giấy (Paper Bag) và cất vào tủ lạnh. Nho có thể bảo quản được 1-2 tuần.
3. Bơ
Nhà mình thích ăn trái bơ, bơ có thể dùng làm salad, sinh tố hoặc cắt đôi rồi dùng ngay không cần qua chế biến. Bơ là loại quả thích nơi thoáng mát do đó chỉ cần bảo quản ở khu vực mát mẻ, tránh ánh nắng mặt trời là được. Đối với những quả bơ quá chín thì có thể cho vào tủ lạnh và giữ được một vài ngày.
4. Chuối
Tuần nào đi chợ mình cũng mua chuối. Và tất nhiên ngày nào đi làm, chồng cũng được (phải ?!) mang theo một quả chuối trong LunchBox để ăn giữa buổi. Do đó mình thường mua cả nải chuối bự cho hai vợ chồng ăn cả tuần. Nếu mua chuối quá xanh thì không kịp dùng trong 1-2 ngày đầu tiên, nhưng nếu mua loại chín thì thường đến thứ 4 là chuối đã quá chín
Sau khi áp dụng cách mọi người thường dùng là là dùng giấy ni lông (Plastic Wrap) để bọc cuống chuối lại thì mình thấy hiệu quả nhưng cũng không được lâu bằng cách tách riêng từng quả chuối ra khỏi nải rồi dùng ni lông bọc riêng cuống cả chuối khi quả chuối đã chín. Cách này giữ chuối chín chậm hơn và mình có đủ thời gian dùng chuối. Và tất nhiên chuối là loại quả ưa thích nơi thoáng mát nên mình bảo quản ở nhiệt độ phòng và tránh ánh nắng mặt trời.
5. Dưa Hấu
Mùa hè là mùa của dưa hấu. Cứ nghĩ thời tiết nóng nực mà có một lát dưa hấu mát lạnh để dùng thì không còn gì bằng. Dưa hấu được bảo quản dựa theo tình trạng còn nguyên trái hoặc dưa đã cắt.
Nếu dưa còn nguyên cái thì giữ dưa ở nhiệt độ phòng. Thông thường nếu nhiệt độ phòng ấm áp thì dưa hấu có thể bảo quản được 1 tuần, nếu nhiệt độ mát mẻ thì dưa sẽ được giữ lâu hơn từ 10 ngày đến nửa tháng.
Đối với quả dưa đã cắt, thì phần dưa chưa ăn hết, chúng ta có thể dùng màng bọc ni lông (Plastic Wrap) để bọc lên mặt cắt của dưa và cất vào tủ lạnh. Hoặc có thể cắt bỏ phần vỏ dưa, cắt thịt dưa thành từng miếng vừa ăn rồi cho vào hộp nhựa đậy kín và cho vào tủ lạnh. Dưa hấu sau khi cắt và bảo quản trong tủ lạnh nên được dùng ngay trong 1-2 ngày. Càng để lâu dưa càng bở và mất mùi vị.
6. Chanh
Mình hay trữ chanh để làm nước chanh giải nhiệt, làm bánh, làm nước mắm và các loại nước sốt khác. Chanh có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, tuy nhiên cách này chỉ giữ chanh tươi được khoảng một tuần. Nếu cho chanh vào túi ni lông sạch và cột kín miệng bao, sau đó cho vào tủ lạnh, chanh có thể giữ được cả tháng.
7. Các loại dâu tây, mâm xôi (berries)
Mùa hè là mùa của các loại quả thuộc dòng họ berries như dâu tây, quả mâm xôi..v..v.v..Mình thường mua dâu tây để hai vợ chồng bổ sung trong phần rau và trái cây mỗi ngày. Bên cạnh đó thì mình cũng hay mua blueberry và raspberry để làm bánh. Tuy nhiên các loại trái cây thuộc "dòng họ" berries là những loại quả nhanh hư và mốc dù được mua trong tình trạng tốt và bảo quản trong tủ lạnh. Dù vậy vẫn có cách "đối phó" với dòng họ khó tính này.
Khi mua các loại quả này về, mình thường pha một bát nước ( 1 phần dấm và 3 phần nước), sau đó cho các loại quả này vào rửa sạch. Sau đó vớt ra để trái cây được ráo. Dùng giấy nhà bếp lau sạch để chắc chắn các quả được khô hoàn toàn. Sau đó cho trái cây vào một bịch ni lông có dây kéo khoá (ziploc) có lót sẵn một miếng giấy nhà bếp sạch (paper towel). Tuy nhiên, không nên kéo kín dây keó của túi ni lông, nên chừa một tí để độ ẩm thoát ra.
Dấm có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn và nấm mốc do đó bằng cách rửa và bảo quản như trên, các loại quả thuộc "dòng họ" berries sẽ được giữ lâu hơn, có khi kéo dài đến cả tuần.
Hương Đặng (http://www.bepnhaga.com/)
________________________________
No comments:
Post a Comment