Wednesday, May 25, 2022

Căn nhà xưa

Peace Nguyễn


Vậy là sau hơn mười năm sống trong căn nhà lớn, ở một khu sang trọng, tôi đã dứt bỏ để trở về lại căn nhà rách nát, nơi một khu bình dân - căn nhà mà sau gần ba năm đến Mỹ, vợ chồng tôi đã chắt chiu mua được.

25 năm trước, cũng vào thời gian này, cái nóng Houston như đốt cháy da thịt. Đêm đầu tiên dọn về nhà mới, không điện, không nước. Tôi bỏ anh một mình, dẫn hai con về lại căn apartment. Sáng hôm sau trở về nhà, tôi nhìn thấy anh khom mình cắt cỏ bằng chiếc kéo may của tôi, cái kéo bé tí. Dù khoảng sân cỏ không rộng lắm, nhưng vẫn làm anh mất nhiều thì giờ, kiên nhẫn để làm đẹp thảm cỏ xanh mượt mà tôi thích vô cùng khi mới bước chân vào sân nhà.

Anh yêu lắm căn nhà đầu tiên mà anh đã tạo được. Thời trai trẻ anh chỉ sống trên chiến trường, biến cố 1975 đẩy anh vào trại cải tạo” bảy năm. Ngày trở về, vì không có hộ khẩu nên anh sống đời du mục, không việc làm, không chổ ở, vợ con phải sống dựa vào gia đình. May mắn thay, chương trình nhân đạo HO đã đưa được cả gia đình sang định cư ở xứ tự do. Anh có việc làm, cần kiệm đễ mua được căn nhà nhỏ.

Căn nhà đầu tiên anh tạo dựng cũng là căn nhà sau cùng. Bởi vì chỉ hơn một năm sau, anh bỏ đời ra đi tức tưởi ở cái tuổi trên 50, chỉ hưởng được một mùa Tết 1998. Gia tài anh để là hai con còn nhỏ dại, căn nhà chỉ trả được 386 đồng và một check lương chưa kịp lảnh.

Khốn khó vô cùng, nhưng tôi quyết tâm giữ lại căn nhà, nơi nhờ tình yêu tạo dựng được. Căn nhà đầy ắp kỷ niệm, với những lần họp mặt bạn bè trong binh chủng, lè nhè say sưa tranh nhau kể lại những trận đánh oai hùng, trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị...  Căn nhà là nơi tập trung bạn bè của tôi từ phương xa , làm cánh chim họp bầy trong những lần Đại Hội Cường Để - Nữ Trung Học. Những điệu múa, hợp ca vang rền với tiếng cười giòn giã trên những khuôn mặt sáng ngời.                                                  

Vậy mà, sau hơn mười ba năm ở đó tôi ra đi - "Phu tử thì tòng tử". Con tôi ra trường, công việc ổn định, mua nhà lớn. Tôi bỏ nhà, bỏ công việc ở tuổi sáu mươi, để theo con. Làm cái đuôi của nó để sung sướng được dọn nhà, nấu ăn, trồng vườn. Tháng ngày đầu rời căn nhà cũ, tôi nhớ quay quắc, như tâm trạng những ngày đầu đến Mỹ, nhớ quê hương đến nghẹn ngào.

Gần mười hai năm cho thuê, căn nhà cũ tan nát sau mỗi lần đổi chủ. Mệt mỏi, tôi rao bán. Ba lần bán đều không thành, ngay cả khi chuẩn bị làm giấy tờ closing. Hình như căn nhà đó có cái gì đã níu giữ tôi, để tôi không bị mất nó, vì chỉ sau hơn hai năm, giá căn nhà tăng vọt. Giờ tôi trở về, dù vá víu để ở, nhưng giống như tấm áo nâu sờn rách của bà mẹ hiền gồng gách nuôi con, tấm áo vá ấy có giá tri vô vàn.

Ai làm Mẹ cũng có cùng tâm trạng là được sống bên con, được nấu ăn, chăm sóc, được cùng có bữa cơm gia đình, cùng nhau rong chơi... Để nhìn con dù 30 hay 40 tuổi, cũng đều là bé bỏng của Mẹ... Nhưng tại sao tôi chọn ra đi ? Người ta bảo "Thất thập cổ lai hy". Vì cảm thấy mình không còn khỏe nữa, nên tôi buông. Bàn tay níu con cần phải lơi lỏng dần, để con tự lo và được tự do có đời sống riêng. Phải để con bay xa, hơn là níu giữ trong vòng tay. Để một mai đến ngày nằm xuống, sự quyến luyến không trói buộc con quá nặng nề.

23/4 ngày tôi dọn về nhà cũ cũng là ngày được tin người anh quí mến trong binh chủng TQLC - Trung Tá Nguyễn văn Cảnh - vừa ra đi.Tôi ngồi lại trong căn nhà cũ với dòng nước mắt lặng lẽ. Tôi quí anh nên thường nói "Anh ơi, khi nào con em lập gia đình, anh chị làm chủ hôn cho conem nhé". Anh buồn bã trả lời "Biết có được không ? Anh lo cho sức khoẻ chị quá”. Nói vậy mà  anh đã  bỏ chị  ra đi trước. Tôi đem theo cây đàn guitar anh tặng cho chồng tôi - người nhận đã mất, người cho cũng đi rồi nhưng cái tình thì miên viễn.

Hôm nay 30/4 Ngày VNCH bị chôn vào lòng đất, và cũng là ngày lòng đất ấp ủ thân xác anh. Dẫu biết sinh tử là chuyện bình thường, nhưng cái đau chung của mọi người xa xứ là khi nằm xuống không nhìn được ngày ngọn cờ vàng phất phới trên quê hương. Nhất là nỗi đau của những người lính như anh, người đã anh hùng dự phần cắm cờ vàng trên Cổ Thành Quảng Trị.

Hai căn nhà, cũng như hai quê hương đễ lòng nặng trĩu, không biết nơi nào gọi là đi, nơi nào gọi là về ! Như thân cây vừa bứng rể để trồng vào nơi đất mới, èo uột, ủ rũ. Tôi cũng vậy, vẫn chưa thể cứng cáp và mạnh mẽ. Rồi cũng đến lúc đễ sống tốt tươi, thân cây phải tự thích hợp với vùng đất mới. Thì tôi cũng thế, sẽ đến lúc phải dứt khoát để bình yên sống nốt quảng đời ngắn ngủi còn lại.

Mỗi ngày trôi qua nhanh như thác đổ. Dù mọi vật vẫn bất biến "Núi đứng quanh năm, đất muôn đời nằm... (TCS)" - nhưng cơ thể con người mõi mòn, bệnh hoạn theo thời gian. Sự sống rút ngắn dần, còn sự sợ hãi thì kéo dài ra. Sợ Covid, sợ một cơn ho bất thường, sợ một dòng máu chảy ra nơi không đúng chỗ. Sống chỉ biết sợ, và chờ đợi chịu đựng những cơn đau trước khi được làm cánh chim bay về cuối chân trời, hay làm hạt bụi vướng vào mắt người thân để làm nhỏ lệ, tiếc thương rồi cũng chìm vào quên lãng.

Vậy nên, tôi đã tìm đến tiếng cười từ bạn bè, tìm ý hay từ sách vở, thả hồn theo những bản nhạc, ngắm bông hoa vừa nở, hay những đám mây trắng trên bầu trời xanh biếc và những vì sao lấp lánh trên bầu trời đen. Tìm đến những cái hiện hữu để cảm ơn đất trời cho tôi một ngày mới được sống an lành; và cố quên những nỗi lo cho sức khỏe, nỗi buồn cho người dân Ukraine, nỗi chán chường cho nước Mỹ hiện nay. Tôi không muốn sự lo sợ làm đám mây xám tụ trên đầu. Tôi tập chấp nhận sống thật tốt đễ đến ngày được hóa kiếp thành một ngôi sao.

Như người đã bỏ tiện nghi vật chất ở xứ văn minh để được về nằm lại trong căn chòi tranh bên cạnh dòng suối, có gió mát, có hương thơm đồng nội. Thôi thì, năm hay mười năm ngắn ngủi còn lại, tôi sẽ về với kỷ niệm xưa, để sống một nơi bình yên và hạnh phúc - Căn nhà xưa của tôi.

Ở đó có những tháng năm buồn tênh
khốn khó quyết nuôi tình duyên
đã trốn thoát qua nhiều phen

(Nguyễn Đình Toàn)

Peace Nguyễn - (Texas, 30/4/2022)


______________________________

1 comment:

  1. Chào chị Hoà.
    Bài viết xúc động quá, em đọc mà rưng rưng. Lá rụng về cội.. Tới tuổi này thật sự có nhiều việc phải sắp xếp, phải chuẩn bị và chấp nhận.. Thôi thì cứ an nhiên mà sống, mọi việc rồi cũng đến và sẽ qua..
    Thương chị/ QN

    ReplyDelete