TRƯƠNG HỮU - HIEN YUKEN
Trong một cuộc chiến, thông thường giữa hai phe sẽ có bên yếu-bên mạnh, người tấn công thì kẻ phải phòng thủ. Và cuối cuộc chiến có người thua kẻ thắng. Chính nghĩa ở phe nào còn tùy theo cách nhìn, cách dẫn giải và thời điểm lịch sử khi nhắc lại.
Đầu tháng ba, chính phủ Nga xua quân xâm lăng Ukraine, cuộc chiến không tương quan sức mạnh tưởng chừng chỉ kéo dài vài ngày như phe tấn công tiên đoán, vậy mà nay hơn một tháng vẫn chưa ngả ngủ.
Chưa biết chiến tranh sẽ kết thúc bằng cách nào, nhưng tang thương, đổ nát và cảnh hơn 4 triệu người tỵ nạn hoảng sợ chạy trốn quân Nga đánh động lương tâm thế giới.
Tháng ba Ukraine làm nhớ đến một tháng ba khác, Việt nam năm 1975. Tháng ba năm ấy bộ đội miền bắc dốc toàn lực tấn công miền nam. Cao nguyên trung phần Kontum, Ban mê Thuột…, rồi những tỉnh phía bắc Quảng trị, Huế, Đà nẵng … lần lượt thất thủ. Cuối tháng tư toàn bộ miền nam rơi vào tay phe tấn công miền bắc. Tháng tư làn sóng người chạy trốn chế độ cộng sản đầu tiên được biết đến khi Sài gòn thất thủ. Rồi đến những năm sau, và có lẽ đến tận bây giờ làn sóng người mang tên tỵ nạn ấy vẫn đang còn tiếp diễn, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Người Ukraine sang ẩn náu ở Ba Lan, Hungary, Đức…chỉ để trốn chạy cuộc chiến xâm lược của Nga. Cũng như những dân tộc khác vì hoàn cảnh phải bỏ nước ra đi, họ hứa với lòng mình sẽ trở về quê hương một ngày thật gần. Người Ukraine hôm nay, hay người Việt mình hơn 40 năm về trước cũng vậy. Nhưng với tình hình bây giờ, ước mong của người Ukraine có vẻ gần gũi với hiện thực hơn, quân đội Ukraine ngày một chiếm ưu thế trên chiến trường, thủ đô Kiev đã được lấy lại, một số người dân lục đục trở về. Vả lại, người tỵ nạn Ukraine chỉ chạy bằng đường bộ sang những quốc gia lân cận, thì đường về sau này cũng không quá xa xôi. Còn Việt nam mình “một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là mất lối quay về”. Quê hương miền nam không còn, đất nước cách một đại dương xa thẳm. Làm người tỵ nạn ai không buồn, không khổ, nhưng so sánh thì tháng ba tỵ nạn Ukraine không tuyệt vọng bằng tháng ba, tháng thư tỵ nạn Việt mình ngày ra đi năm ấy…
Hôm qua, đọc một bản tin nói về ý tưởng làm cách nào con người sống đời vĩnh cửu của tỉ phú Elon Mush. Ông ta cho rằng với sự phát triển vượt bật của khoa học máy tính, nhất là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta có thể tải (dowwnload) toàn bộ não bộ của con người và lưu (upload) vào não bộ của một con robot. Như vậy dù thân xác chúng ta có biến mất thì những suy nghĩ và ký ức của chúng ta vẫn còn tồn tại và tiếp tục sống. Con người sẽ sống đời vĩnh hằng với kỷ thuật sao chép dữ liệu não nộ tiên tiến trên.
Có ý tưởng xuất chúng và hơi điên rồ như vậy nhưng Elon Mush lại nói thêm, “Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên sống một đời sống quá dài như vậy. Vì loài người sẽ mắc kẹt trong những ý tưởng bảo thủ cũ kỷ và không thể phát triển được”.
Vâng, làm sao chúng ta có thể sống đời thanh thản được khi có quá nhiều ký ức. Những tầng tầng lớp lớp của chúng thay nhau xuất hiện trong tâm trí, mỗi một giây, mỗi một phút hay cả mỗi một đơn vị nhỏ nhất của thời gian. Một đời sống tồn tại những trùng trùng bóp nghẽn bởi ký ức. Chúng ta sẽ mắc nghẹn mất…
Tháng tư là thời điểm đẹp nhất trong năm. Tiết trời đã ấm áp, hoa muôn loài nở rộ. Tháng tư Ukraine mùa xuân đang về, tuyết giá không còn là nỗi lo. Và hy vọng tháng tư hiện đến còn mang theo niềm tin chiến tranh sẽ chấm dứt sớm, để người dân Ukraine lũ lượt quay trở lại quê hương.
Còn tháng tư của người Việt tỵ nạn chúng ta hôm nay, sao đường về vẫn mờ mịt quá! Trở ngại vì chế độ chính trị đương thời, trở ngại vì không gian cách trở, vì thời gian kéo dài bao nhiêu năm, nhưng có lẽ trở ngại chính là ký ức của chúng ta vẫn còn lưu giữ lại những quá khứ kinh hoàng, trong chiến tranh, trên con đường vượt thoát. Theo Elon Mush, chúng ta sẽ sống đời vĩnh cửu khi toàn bộ não bộ và ký ức được lưu giữ mãi. Tuy nhiên, không cần kỷ thuật điện toán hiện đại thì có những ký ức hằn quá sâu để con người tự động lưu giữ đâu đó, mãi mãi không xóa nhòa được. Đó là những nỗi đau tang thương cứ tồn tại theo thời gian, dù trong đời sống này, hay cả kiếp sau nếu nó thực sự hiện hữu.
Boston, đầu tháng tư năm 2022
Viết cho những người vì hoàn cảnh bỏ nước ra đi
__________________________
Cảm ơn admin chia sẻ giúp nhé!
ReplyDeleteCám ơn tác giả về một bài viết hay. Cuộc đời luôn có những ngã rẽ của định mệnh. Người tha hương luôn mang ước mơ cháy bỏng được trở về .. nhưng ngày ấy còn xa lắm!
ReplyDeleteMến / Thuý Nguyễn
Cảm ơn Thúy Nguyễn đồng cảm!
Delete