TRƯƠNG HỮU - HIEN YUKEN
Thứ sáu giữa khuya bão tuyết ập đến. Trận bão tuyết đầu mùa năm nay. Hôm qua thành phố ra thông báo tình trạng khẩn cấp, khuyến cáo mọi người hạn chế ra khỏi nhà. Vậy là có một ngày cuối tuần thong thả chỉ việc ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng, lướt web, nghe nhạc và đợi giờ cơm. Quên nữa, còn đợi thêm chuyện sau khi bão tan thì chịu khó mang ủng ra ngoài dọn dẹp những mảng tuyết giờ đây ẩm ướt nặng nề phát ngán. Ngẫm lại, cái gì cũng có hai mặt của nó. Ngắn-dài, đẹp-xấu, vui-buồn, hạnh phúc-khổ đau…
Tombe la neige. Một sáng tác nỗi tiếng của nhạc sĩ Salvatore Adamo. Nó có thêm hai phiên bản tiếng Việt “Tuyết rơi” (Phạm Duy), và tiếng Nhật “Yuki ga furu” (Kazumi Yasui). Ba phiên bản phần lời đều hay cả nhưng nếu được chọn thì tôi nghiêng về “Yuki ga furu”. Lẽ ra tôi phải chọn bản Pháp ngữ, phiên bản đầu tiên tôi được nghe khi còn rất trẻ, hay bản Việt, tiếng mẹ đẻ chứ! Nhưng không, Yuki ga furu dễ làm tôi rung động nhất. Phải chăng vì xứ sở Phù Tang là nơi lần đầu tôi thấy cảnh tuyết rơi. Và hình ảnh những con đường, góc phố, mái chùa phủ tuyết trắng xóa; hình ảnh những cô gái Nhật vận Kimono đẹp mong manh trong tuyết lất phất bay đã ở lại mãi trong tâm hồn mình. Nghe “Yuki ga furu” như nghe một thứ âm nhạc của tĩnh lặng thiền định dễ làm ta đắm chìm trong cõi riêng. Tuyết lại rơi hôm nay, và tôi lại chọn “Yuki ga furu” như một mặc định.
Buổi chiều tuyết ngưng rơi. Nhớ đến lá thư có tấm thiệp chúc mừng kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng người bạn cần gởi đi cho kịp, giờ nó vẫn còn nằm im đấy trên bàn. Chẳng đặng đừng phải khoát áo, mang khăn đội mũ ra ngoài dù thời tiết lạnh buốt. Tôi đi bộ đến thùng thư bưu điện đặt ở cuối con đường nhà mình. Phía có ngôi trường tiểu học Beebe tường gạch ngói đỏ. Con đường thường ngày chỉ mất độ 15 phút nhưng nay phải cần gấp đôi khoảng thời gian ấy.
Đến ngã tư giữa đoạn đường tôi dừng lại chờ đèn giao thông báo dành cho bộ hành băng ngang. Theo thói quen tôi ngoái đầu nhìn lại về hướng nhà mình. Và tôi thấy những dấu chân mình in hằn trên tuyết. Những dấu chân đều đặn, đi ngược lại nhỏ dần, nhỏ dần… Những dấu chân của chính mình mới đây thôi nhưng ngay thời khắc này đã thuộc về quá khứ, một thứ quá khứ quá mới mẻ. Rồi như trong cõi cảm thức của flashback, tôi sực nhớ đến những dấu chân từ lâu lắm, từ cái đêm dồn dập bàn chân mình in trên cát…
Đêm đầu tháng ba năm 1980. Đêm tôi và những người bạn băng mình chạy bán sống bán chết trên bờ biển Mỹ khê, đêm khuya chúng tôi lao nhanh đến chiếc ghe đợi đưa mình ra khơi vượt biển. Trong cái yên lặng rợn người chờ một tiếng la quát tháo, trong nỗi lo sợ chờ một tiếng súng nổ vang đe dọa, chúng tôi chuyền tay chuyển những can dầu, thùng đựng thức ăn lên ghe, rồi cùng nhau đẩy xuống biển. Tiếng máy nổ vang, chiếc ghe mong manh dài chừng 10 mét, ngang 2 mét lao đi. Ghe ra khỏi bải chưa xa lắm thì dừng lại, trong thứ ánh sáng lờ mờ của biển, ghe đón thêm hai mẹ con một chị còn rất trẻ và một anh thương phế binh mất cả hai chân. Họ được chuyển ra bằng thúng “chai”.
Sửa soạn rời đi, bỗng nghe tiếng anh chủ ghe thốt lên lo lắng, “ Chết choa! Quên can dầu nhớt trong nhà rồi”. Mọi người nhốn nháo lo sợ. Anh chủ ghe vẫn bình tỉnh nói “Năm ơi, mi theo thúng chai vô lấy can nhớt ra dùm nghe”. Anh tên Năm không ngần ngừ, nhảy xuống thúng để vào lại bờ. Khoảng thời gian chờ đợi lặng đi tưởng chừng kéo dài vô tận, chúng tôi nghe được cả tiếng thở của nhau. Lâu thật lâu mới thấy cái thúng chai trở lại, anh Năm nhanh nhẹn trèo lên ghe trên tay cầm theo can dầu máy. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Nhắm hướng đông ra khơi, ghe xa dần bờ, tiếng máy nổ ầm ì đưa chúng tôi xa dần Đà nẵng. Tôi nhìn vào bờ, ánh đèn thành phố nhỏ dần rồi mất hút. Một nỗi buồn, hơn cả một nỗi buồn vây kín, tôi biết lần đi xa này khó có ngày trở lại. Một là làm mồi cho cá biển, hai là đến một nơi chốn thật xa. Xa gia đình, bạn bè, xa quê hương. Tôi nhìn vào bờ ngóng tìm một bám víu nào đó còn lại, và trong hình dung tôi thấy mờ mờ những dấu chân của mình vừa in trên biển cát, những dấu vết cuối cùng ở lại…
Hơn 40 năm trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in cái đêm nhóm tôi ra khơi ấy. 25 người trên một chiếc ghe tí hon chạy máy Yanmar F8, mà định mệnh may mắn cũng đưa được tới bến bờ tự do. Hơn 40 năm thì dấu chân trên biển cát nào còn, nhưng sao tôi vẫn đinh ninh chúng vẫn chút ít gì sót lại đâu đấy, để một mai lỡ mình về có cớ mà tìm kiếm…
Boston, một ngày bão tuyết 2022
QN rất cám ơn anh Hiền về những bài viết sâu sắc. Đọc xong lúc nào cũng để lại trong lòng nhiều cảm xúc..
ReplyDeleteGhe anh đi năm đó là F8, còn ghe QN nhớ không lầm là F10. Ui cha, những chiếc thuyền nhỏ bé, mong manh, trôi giạt.. không bến đổ
Năm mới chúc vợ chồng bạn an iên, hạnh phúc.
Químến/ QN
Cảm ơn Ánh. Bây giờ hai từ F8, F10 vẫn còn là một nỗi ám ảnh, sợ hãi của những người vượt biển bằng ghe ngày đó! Có dịp sẽ viết tiếp phần còn lại của chuyến đi. Cũng mong đọc chuyện kể ra đi của chị em Ánh. Chúc mừng năm mới đầy niềm vui, may mắn, mọi điều như ý đến gia đình.
ReplyDeleteCám ơn Anh.
ReplyDelete