Phạm Lê Huy
… Chừng nửa tháng qua, trong hãng chúng tôi, anh chị em người Hoa người Việt mình chộn rộn lắm, cứ ngong ngóng cái Tết gần kề. Bao nhiêu chuyện Tết Nhứt từ năm xửa năm xưa nay như được dịp tuôn ra ào ào, rôm rả vui tai lắm. Có đủ thứ chuyện để "nhìu chiện" lắm. “Nhìu chiện” một cách say sưa, nghe ấm lòng vô cùng.
Nào là chuyện mua sắm áo quần đẹp cho sấp nhỏ để chúng đi khoe chòm xóm. Mình là bậc cha mẹ thấy con cái nó vui mình cũng vui theo, nhất là khỏi phải tủi hổ với hàng xóm vì mình "hẻo" quá. Gia cảnh mình lỡ có thiếu hụt thì chớ có cho ai hay ai biết. Cũng đừng cho con cái biết làm chi, chúng buồn chúng tủi tội nghiệp.
Nào là chuyện sắm sửa bánh mứt, bánh in bánh tét bánh chưng... , bông hoa nữa, cho xôm tụ. Đánh bóng bộ lư và cặp đèn thờ bằng đồng tới mức soi mặt được mới thôi. Để rồi Tết đến, ông bà trên trước và thân nhân đã khuất về chơi với con cháu khỏi phải buồn lòng vì thấy gia cảnh mình... không "đến nỗi nào". À, còn phải dựng cây nêu treo lá phướng ngoài sân nữa.
Nhà ai có vườn tược thì lo chăm chút mấy chậu bông cho rực rỡ tươi tắn. Đầu năm mới mà rực rỡ tươi tắn thì suốt năm mọi sự mới được hanh thông, ăn nên làm ra, gia đạo êm ấm vô cùng. Nào là chuyện cúng Ông Táo, phải nhớ "lo lót" sao cho vừa ý ổng mới được việc mình nếu lỡ năm qua mình có chuyện gì "không phải" thì ổng lơ cho, không "mét" Ngọc Hoàng làm chi, vì ổng đã "ngậm" của mình.
Rồi ra nghiã trang sửa sang, quét vôi nhổ cỏ, làm sáng sủa lại mộ phần thân nhân đã khuất. Chiều ba-mươi thì cúng rước ông bà về vui chơi với mình ba bữa Tết cho vui nhà ấm cửa. Đêm giao thừa thì đốt pháo tưng bừng. Đủ loại pháo - pháo tre, pháo điển, pháo bông, pháo chà, pháo chuột, pháo xì, pháo xẹt, pháo thăng thiên... Đó là nói về những năm thanh bình thôi. Chớ đến những năm chiến tranh ác liệt, súng ống hai bên đì đùng "cắc bùm" nhau từ thôn quê đến thành thị, khắp hang cùng ngõ hẻm thì xin miễn đốt pháo vì có ai phân biệt được tiếng súng với tiếng pháo đâu. Thì cái "cú Mậu Thân 1968" đó, làm sao mà quên được !
Sáng Mồng Một thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ để được lì xì mà lấy hên đầu năm.
Nhớ lâu lắm rồi, thuở thanh bình hồi còn ở bên
nhà thì "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai trồng đậu, tháng Ba trồng
cà... ". Dòng họ ông bà nội ngoại ba má và anh chị em tôi là vậy, con nhà
nông chính cống mà.
Trong nỗi hoài niệm thật nồng nàn này, tôi nhớ lại bao điều rất thân thương từ khi tôi còn là cậu bé tóc húi cua đá banh bằng nùi giẻ, quanh quẩn trong sân trước vườn sau, lúc thúc bên chân ba má tôi một cách vô tích sự... mà đến giờ chúng vẫn còn đậm nét trong tâm khảm tôi đó.
Nhớ tới ông Ngoại tôi, ông là một nông dân vạm
vỡ chất phác. Một chiều cuối năm, ông vác cái câu liêm cắt lúa giống như mảnh
trăng non hình lưỡi liềm có cái cán dài, với vài động tác thuần thục và chính
xác ông phát tém thật gọn gàng thẳng thuốm cái mái nhà của cổng phía sân trước
được bắt lượn công phu từ mấy lọn chè duối săn chắc; từ đó tỏa ngang qua hai
bên là hàng rào quanh sân cũng bằng mấy lọn chè duối xanh um tươi mát, trông
đẹp mắt làm sao.
Hồi nhỏ vào những buổi trưa Hè, anh em tôi thường ngồi chơi hoặc mắc võng ngủ trưa tại "nhà ngõ" này, đến chạng vạng tối thì đóng ngõ lại bằng hai cánh cổng có gắn bánh xe gỗ, rồi khóa ngang cổng bằng cây gỗ săng to bằng trái chân.
Hiện giờ cái "nhà ngõ" ấy vẫn còn đấy, các anh tôi (con của cậu tôi) đang ở và chăm sóc ngôi từ đường phía Ngoại tôi. Các anh còn ươm trồng Hoa Mai Tết. Được biết huyện An Nhơn đang nổi tiếng về Mai Tết ở miền Trung.
Má tôi kể, hồi đó làng tôi bị một tên trộm "tài danh" từ tỉnh bên cạnh đến "kiếm chác". Trộm "tài danh" là một loại trộm võ nghệ cao cường, nhảy chuyền từ nóc nhà này qua nóc nhà kia mau lẹ nhẹ nhàng như mèo. Ấy vậy mà Ngoại tôi đã tính kế lập mưu bắt gọn nó bỏ vô bao bố vác lên nạp cho làng xã sau gần mười hiệp tỉ thí với nó. Từ đó làng tôi yên ổn, tiếng tăm Ngoại tôi bắt gọn tên trộm "tài danh" đó nổi như cồn.
Tôi cũng nhớ tới ông Nội tôi, ông là một thị dân lanh lợi, nói năng hoạt bát nho nhã. Cứ mỗi Mồng Bốn Mồng Năm Tết là ông đi làm trọng tài cho những cuộc tranh tài đánh cờ tướng bằng người thật. Ông ngồi trên chòi cao trông xuống sân cờ tướng rộng lớn được kẽ bằng những lằn vôi trắng. Quan quân hai phe Tướng Sĩ đều mặc quân phục cổ xưa, trước ngực và sau lưng có mang tên quân cờ, tay cầm gươm giáo. Hai kỳ thủ cũng ngồi trên hai cái chòi cao đối diện nhau mà điều binh khiển tướng bằng những câu thơ Hán Nôm nghe rất dõng dạc hùng hồn. Quân sĩ hai bên cứ múa võ tỉ thí với nhau theo lệnh của "chủ soái" mình. Tôi mê đi coi đánh cờ người đến quên cả ăn quên cả việc.
Lại cũng nhớ tới dì Út của tôi. Hồi đó, đến
tám chín tuổi, tôi mới biết là mình có cái răng khểnh, tức là cái răng chó đó.
Tôi biết được là nhờ dì tôi cứ khen lấy khen để :
- Cái thằng Cu Cùi của dì có cái răng khểnh
"ăn tiền" lắm đó! Cùi cứ cười wài đi cho dì ngắm nghen, dì thích lắm
! Mai sau lớn lên cái răng khểnh của Cùi sẽ làm... chết nhiều em lắm đó nghen !
Tôi lắng tai cu nghe, rồi tròn mắt hỏi dì :
- Ủa sao lạ dzị... Mắc mớ gì cái răng đó nó
làm chết nhiều em, mà nhiều em là gì, hả dì ?
Dì ký nựng đầu tôi một cái cốc :
- Để năm bảy năm nữa mới biết, con !
Tôi thở dài vì cái thắc mắc của mình chưa được
dì giải thích ngay.
Nhưng tôi không còn cơ hội để chờ đến năm bảy năm nữa; vì năm sau, nghe lời ai không biết, má tôi nói nếu cứ để cái răng đó thêm vài năm nữa nó sẽ mọc dài ra rồi đâm lủng cái môi, giống như mấy người bị sứt môi đó, xấu lắm ! Rồi má mướn ông Năm Lượm hành nghề nhổ răng dạo nhổ phắt cái răng khểnh đó đi. Ổng mát tay lắm, nhổ êm ru bà rù. Tôi mới nhắm mắt hả miệng là cái răng khểnh đó đã theo cái kềm của ổng mà chia tay mấy cái răng kia rồi, chẳng đau đớn gì hết. Tôi có biết gì đâu, chỉ hơi tiêng tiếc thôi - "Sao má hổng chịu chờ sau năm bảy năm nữa mà nhổ cũng được ?". Còn dì Út thì cứ tiếc hùi hụi. Chú Xuân thợ chụp hình cạnh nhà cứ lẻo đẻo theo sau làm... "cái đuôi" của dì, cũng hùa theo mà tiếc giùm cho tôi.
Ôi thôi, kể ra thì dài dòng văn tự lắm. Nói sao cho hết, nói sao cho vừa nỗi nhớ, nhớ da nhớ diết của mình về Quê Cha Đất Tổ mà hàng triệu người Việt mình đã đứt ruột ra đi, lòng đau nhứ cắt trên ba-mươi năm rồi.
Nhớ lại cái Tết đầu tiên xa xứ cách đây mười mấy năm, vợ chồng tôi đã khóc, khóc âm thầm khi hai đứa con đã đi ngủ sớm trong đêm giao thừa. Tụi nó có biết đón giao thừa là cái gì đâu. Gia đình tôi lại ở xa khu có đông người Việt nên chẳng thấy cái không khí Tết đâu cả.
Phạm Lê Huy
(trích Tết Ta Trong Hãng Mỹ / Việt Báo Online, Feb. 20/02/2007)
___________________________________
No comments:
Post a Comment