Các viên thuốc kháng virus chống COVID-19 của hãng dược Pfizer trong quy trình sản xuất ngày 16/11. |
Hai tập đoàn dược phẩm của Mỹ, Pfizer và MSD, đã đồng ý nhượng quyền sản xuất thuốc viên điều trị COVID-19 cho các công ty của Việt Nam, theo Bộ Y tế.
Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế cho biết trong một thông báo rằng các tập đoàn dược đã gửi thư chấp thuận cho Cục về việc sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir và Paxlovid.
Pfizer, hãng dược hiện đang sản xuất vaccine chống COVID-19 theo công nghệ mRNA, tuần trước cho biết họ sẽ cho phép các nhà sản xuất cung cấp thuốc kháng virus corona thử nghiệm của họ cho 95 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thông qua một thoả thuận nhượng quyền tự nguyện sản xuất tại các nước này với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc Medicines Patent Pool (MPP).
Theo thông báo đưa ra hôm 26/11, Bộ Y tế nói rằng Tập đoàn dược phẩm MSD, còn được biết là Merck & Co Inc, trước đó trong tháng đã ký thoả thuận với MPP. Theo đó các cơ sở sản xuất muốn được nhượng quyền tự nguyện để sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir sẽ nộp hồ sơ tới tổ chức này.
Cục Quản lý Dược cũng cho biết rằng họ đã thông báo tới Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, để các cơ sở sản xuất thuốc thành viên có nhu cầu trở thành đối tác nhượng quyền tự nguyện sản xuất thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid của Pfizer có thể nộp hồ sơ.
Bộ Y tế cho biết hiện có 5 công ty dược của Việt Nam nộp hồ sơ sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir. Nhưng do thuốc này chưa được cấp phép lưu hành trong nước, Bộ này đang xem xét để trình Chính phủ chấp thuận cho cấp phép trong tình huống phòng chống dịch khẩn cấp, với một số điều khoản về hồ sơ được rút gọn.
Thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế dùng để điều trị thí điểm có kiểm soát F0 (nguồn lây nhiễm gốc) và tại nhà có triệu chứng nhẹ. TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng thuốc này cho điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà. Theo Bộ này, kết quả của chương trình thí điểm điều trị bằng loại thuốc này tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc “có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt” về giảm tải lượng virus lây lan cũng như rút ngắn thời gian điều trị.
Các ca nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh chóng trở lại lên hơn 10.000 sau một thời gian tiến hành tiêm chủng “thần tốc” với nguồn vaccine từ các nước trợ giúp thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, và bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại. Việt Nam đến nay ghi nhận hơn 1,1 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 24.000 ca tử vong. Hơn 47% trong tổng số khoảng 98 triệu dân Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine chống virus corona.
Việt Nam cũng đang vận động quốc tế để trở thành trung tâm sản xuất vaccine chống COVID trong khu vực. Đề xuất này của Việt Nam được Tổ chứ Y tế thế giới ủng hộ trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hôm 28/11 tại Geneva ở Thuỵ Sỹ, theo Bộ Y tế.
Ông Phúc, trong buổi gặp với Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, bày tỏ mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine mRNA và là nơi sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo Bộ Y tế, tổng giám đốc WHO ủng hộ ý tưởng này và nói sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vaccine do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệp toàn cầu của WHO.
Cũng trong buổi gặp này, ông Phúc tuyên bố Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho chương trình COVAX, nâng tổng mức đóng góp của Việt Nam lên 1 triệu USD. Mỹ, thông qua cơ chế này, đã cung cấp miễn phí cho Việt Nam gần 20 triệu liều vaccine chống COVID-19.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/
__________________________________
No comments:
Post a Comment