Tuesday, December 28, 2021

Nửa Năm Mở Cửa

 Tuyết Vân


Có lẽ không ai chờ đợi ngày mở cửa bằng các nhà hàng.
(Photo by Mario Tama/Getty Images)



Năm ngoái đại dịch, nước Mỹ bắt đầu đóng cửa vào nửa Tháng Ba. Tháng Sáu năm nay, tiểu bang Cali cho mở cửa sau khi thấy số lượng người nhiễm bệnh đang thuyên giảm.

Không còn bắt buộc phải mang mask khi đi vào trong tiệm. Nhân viên cửa tiệm cũng không đứng phía trước để canh chừng, nhắc nhở nếu ai không đeo. Ấy vậy mà, người ta vẫn cứ đeo mask. Bỏ nó ra cảm thấy một chút gì lạ lẫm và bất an. Rõ ràng là người dân chỉ mở với “chân trong, chân ngoài.”

Một vài tuần sau khi Cali mở cửa, hai hãng Virgin Galatic và Blue Origin đã đưa hai ông chủ tỷ phú của họ cùng phi đoàn bay vào khí quyển. Ông Branson, chủ nhân của chiếc Galatic, nói “thật là tuyệt diệu khi nhìn trái đất từ trên độ cao này.”

Vâng, tôi ngẫm nghĩ thì cái gì cũng vậy, nhìn ở xa lúc nào cũng đẹp hơn. Nhiều đại gia đã ghi tên để được bay vào những chuyến kế tiếp. Tôi thì không, dẫu có tiền, tôi cũng không thử đi như vậy. Qua được cái đại dịch này, tôi chỉ muốn sống một cách an toàn.

Có lẽ không ai chờ đợi ngày mở cửa bằng các nhà hàng và các tiệm nail hay tiệm uốn tóc. Hơn một năm giới hạn, nhiều tiệm đã phải đóng cửa hoặc tốn kém sửa đổi tân trang tiệm của mình cho đúng cách tiếp cận mới, giờ họ lại phải remodel lần nữa để chuẩn bị cho ngày mở cửa. Thật là oái ăm. Trước kia họ sa thải nhân viên, giờ phải đôn đáo tìm lại nhân viên cũ.

Trước kia họ sa thải nhân viên, giờ phải đôn đáo tìm lại nhân viên cũ.
(Photo by ROBYN BECK/AFP via Getty Images)


Cái khổ là sau hơn một năm nằm nhà trốn dịch, hình như người ta không còn muốn đi làm hay sao đó. Nhà hàng mở của nhưng không tìm ra được cook hay nhân viên chạy bàn, tiếp khách. Nơi nào cũng thấy để bảng cần nhân viên. Có kinh nghiệm, càng tốt. Không kinh nghiệm, chủ nhân sẵn sàng training cho. Khó là không kiếm ra nhân viên.

Thật ra trải qua gần hai năm đại dịch, một số người quyết định về hưu sớm, một số muốn làm nhưng phải là việc mà mình vốn yêu thích, một số không dám đi làm sợ lại phải lây dịch thì chết, một số nữa sợ đi làm sẽ khó trở lại xin trợ cấp nếu không may bị mất việc lại. Ai cũng biết việc xin trợ cấp vừa rồi thật vô cùng khó khăn. Đặc biệt là các trường học vẫn chưa mở lại, cả nhà trẻ vẫn còn đóng, nên các bà mẹ đành phải ở nhà với con nhỏ.

Rạp hát, rạp xi nê hân hoan chờ ngày mở của nhưng chỉ được chứa nửa số khách. Tour bus và du thuyền cũng rơi vào tình trạng chung. Văn phòng bác sĩ, nha sĩ không bắt bệnh nhân phải ngồi trong xe chờ gọi vào, nhưng khi vào vẫn phải đeo mask và ngồi cách ly. Nhà hàng được cho phép phục vụ khách ở bên trong, có điều bây giờ khách lại thích ngồi bên ngoài như các nước bên Âu hay bên Á.

Disneyland và các công viên quốc gia mở cửa và đòi hỏi phải làm reservation mới được vào. Thiên hạ đi chơi ở các công viên quốc gia như đi hội chợ.

Qua đại dịch, hình như ai cũng cảm thấy mình cần phải ráng sống hơn như chưa từng được sống. Thế là người ta bắt đầu đi du lịch. Phi trường trở nên đông khách. Xe thuê thành khan hiếm. Nếu một năm trước đây, các hãng cho thuê xe phải bán bớt xe để trang trải việc chi tiêu thì nay họ lại không đủ xe cho khách mướn. Nhiều hãng thuê xe đã phải mua lại xe cũ từ các dealer để bù vào. Do đó, dân chúng lại phải đối đầu với việc đi mua xe, xe cũ hay mới, bởi chính dealer cũng không có đủ xe để bán. Người mua phải trả trên giá thị trường mới hy vọng mua được chiếc xe. Nó như một domino sụp đổ.

Khi vừa mở cửa thì cũng là lúc con vi khuẩn biến thể Delta bắt đầu hoạt động mạnh ở các nơi khác nhau. Lúc này, ai cũng mỏi mệt và có thể lấy tự tin ở hai mũi vaccine vừa rồi nên đi đâu cũng nghe nói về một bình thường hoá mới. Nghĩa là mask vẫn đeo, giãn cách vẫn giữ, và phải chuẩn bị cho một mùa đông khi dịch cúm và Delta có thể tấn công cùng một lúc.

Mask vẫn đeo, giãn cách vẫn giữ. (Photo by MIGUEL MEDINA/AFP via Getty Images)


Mùa lễ Độc Lập, dân chúng thoải mái ra đường ăn mừng. Vài tuần lễ sau, tin tức từ các bệnh viện đưa ra số người nhiễm Delta tăng. Chính phủ và các bác sĩ lại kêu gọi dân chúng phải cẩn thận. Cứ như vậy, dịch và ta, hơn một năm vờn với nhau như mèo với chuột.

Năm ngoái Thế Vận Hội 2020 đình hoãn và năm nay được diễn ra trong sự bất đồng ý kiến khác nhau của nước Nhật, nên hay không nên tổ chức. Nhiều thí sinh vừa tới Nhật đã bị nhiễm bệnh phải bỏ thi. Thấy mà tội nghiệp cho các em quá. Nhưng cảm ơn Trời Phật, cuộc thi tài rồi cũng đã được kết thúc khá êm diệu. Lần đầu tiên thế vận hội năm này diễn vào năm khác. Hy vọng rằng lần đầu cũng là lần cuối. Cũng như nhiều năm trước, nước Mỹ đã đoạt được nhiều huy chương.

Nửa Tháng Tám, Mỹ rút quân ra khỏi A Phủ Hãn đánh dấu sự kết thúc của 20 năm tham gia cuộc chiến. Các thế hệ lớn tuổi trong cộng đồng rất bức rức và xúc động trước sự kiện nầy bởi nó khơi dậy mối thương tâm đã xảy ra cách đây hơn 40 năm. Làn sóng người ta chen lấn tìm cách ra khỏi A Phủ Hãn là hình ảnh của một Sài Gòn Tháng Tư, 1975. Biết là lịch sử lập lại, nhưng không nghĩ là nó đã lập lại gần đến như vậy. Tôi nghĩ đến những năm tháng tới đây, rồi cuộc sống người dân ở đó sẽ ra sao. Cầu mong an bình đến với họ.

Cuối Tháng Tám, niên học mới bắt đầu. Các học khu bận rộn với cách sắp xếp trường lớp, khẩu trang cho học sinh mình. Trẻ em nô nức chờ ngày khai trường, gặp lại bạn bè cũ. Phụ huynh thì nửa mừng nửa lo. Mừng vì con mình được đến trường, lo vì không biết con sẽ bị lây nhiễm hay không. Nhiều phụ huynh đòi kiện lại học khu nếu cứ bắt buộc con em họ phải mang khẩu trang. Nhiều khi tôi thấy người dân ở đây họ có quá nhiều quyền tự do. Ít thì thèm khát nhưng nhiều quá đôi khi cũng mệt. Hình như mọi việc đều có mặt trái và mặt phải của nó.

Nửa Tháng Chín, chỉ vỏn vẹn sau ba tháng mở cửa, ông Thống Đốc Newsom được qua khỏi cuộc bầu cử recall để truất phế ông. Tôi cũng mừng cho ông. Qua cơn đại dịch này rồi, tôi thật sự muốn ai cũng hạnh phúc. Chuyện đâu còn có đó. Nếu không thích, sang năm mình sẽ bầu ông khác.

Năm ngoái đại dịch, nhiều đám cưới đã phải tạm hoãn. Cháu trai tôi đã đặt tiệc ở nhà hàng rồi cuối cùng cũng phải cancel, không phải một mà là đến hai lần. Đùng một cái mở cửa, người ta đua nhau làm đám cưới. Cưới lớn, cưới nhỏ, cưới với em bé ẵm trong tay hoặc cô dâu đang có bầu. Có cặp chưa tính cưới, nhưng nhìn thấy những bi thương của đại dịch đã quyết định làm vợ chồng chia xẻ cuộc đời cho nhau. Các cặp bảo với nhau, thôi lo làm đám cưới phòng ngừa bị đóng cửa lần nữa. Rồi họ dắt nhau đi mua nhẫn. Nhưng nếu nhân viên không trở lại làm thì nhẫn cũng khó tìm mua được. Phải chi các cặp là người Việt mình thì tôi cũng có thể khuyên nên làm nhẫn cỏ cho em.

Thì đây anh đan nhẫn cỏ
Tặng em coi như bỏ ngõ
Lòng anh chắc em đã biết

(Nhẫn Cỏ Cho Em, Vinh Sử)

Bắt đầu từ nửa Tháng Sáu khi Cali mở cửa, điều mà báo chí và người dân chú ý nhất là giá cả tiêu dùng. Từ xăng, thịt cá, hay bó rau trong chợ tất cả đều tăng lên vùn vụt. Trong khi không đủ công nhân làm việc, các cửa tiệm phải nâng giá lương. Không đủ công nhân, hàng hoá chuyên chở bị chậm lại.

Năm ngoái cả thế giới tê bại vì đại dịch, hàng hoá trên toàn cầu không sản xuất được. Năm nay mở cửa, người dân bắt đầu tiêu thụ mạnh, hàng hoá chưa ra kịp để đáp ứng với người tiêu dùng. Các nhà bình luận cho rằng đây là một perfect storm, một thiên thời địa lợi nhân hòa, để sinh ra lạm phát.

Tháng Mười tới, người ta đã lo sẽ khó mua quà Giáng Sinh vì mọi thứ đều bị thiếu hụt hay chậm trễ. Mua đồ điện tử thì bị thiếu chip. Mua xe, sản xuất ra chậm, vừa thiếu công nhân, vừa thiếu chip. Mua những món đồ khác, có thể có nhưng còn đang nằm kẹt ngoài cảng.

Máy bay không đủ nhiên liệu để cất cánh. Phi công không có đủ để bay. Khi đại dịch bùng phát, các hãng máy bay đình hoãn, phi công bị nghỉ việc. Bây giờ mở cửa, phi công phải đi thực tập lại rồi mới được cho ra lái. Thành ra, cái gì cũng bị trễ nải, trì trệ. Mở cửa không giống như cái công tắc điện, muốn sáng thì bật lên là được. Trong khi đó, nhiều hành khách trở nên hung hãn thường hay nổi giận đánh nhau trên máy bay. Hậu quả của con vi khuẩn này không biết đâu mà lường.

Khi nghe tiệm Stater Bros bắt đầu nhận order tiệc gà Tây, tôi vội tới đặt như mọi năm. Vội, bởi nghe thiên hạ đoán là sợ không đủ gà bán. Tháng Mười Một là tháng của gia đình họp mặt và năm nay nhất định gia đình nào cũng đón mừng lễ Tạ Ơn. Người ta lo lắng nói với nhau, nếu có một vị bà con trong gia đình vẫn chưa chịu chích vaccine thì làm sao. Làm sao có thể nói khéo là mình không welcome họ được? Nếu đó là một gia đình người Việt mình thì không cần phải lo chuyện đó. Người mình ai cũng chích cả rồi, ngay cả đến mũi thứ ba. Đất nước ta vốn nghèo khó. Người dân tự lo, tự gánh vác nên cũng đã quen vào nền nếp như vậy.

Đầu Tháng Mười Một, nước Mỹ mở cửa cho những chuyến bay đến từ châu Âu. Ai cũng nghĩ đến một mùa lễ Tạ Ơn phải tưng bừng hơn. Thế nhưng, bốn ngày lễ chưa qua thì đã nghe tin có con vì khuẩn mới Omicron đang phát triển mạnh ở Nam Phi.

Nhiều nước đóng cửa không cho máy bay từ hướng Nam Phi vào. Làm như vậy chỉ để làm chậm lại sự gia nhập của con vi khuẩn mới nầy chứ làm sao mà chận nó được. Tưởng nó chưa tới nhưng có khi nó đã tới rồi mà mình chưa khám phá ra thôi. Ôi, một năm nay chúng ta đưa thêm người vào không gian nhưng không thể nào đưa vi khuẩn này ra khỏi trái đất được.

Omicron đang phát triển mạnh. (Photo by JUSTIN TALLIS/AFP via Getty Images)


Vừa nghĩ rằng, con vi khuẩn mới này không chừng đã tới đây thì nó tới thật rồi. Lịch sang qua ngày đầu của Tháng Mười Hai, bản tin nóng đưa lên bệnh nhân đầu tiên của vi khuẩn mới đang ở tại thành phố San Francisco. Tháng Mười Hai là tháng của lễ hội cho nhiều tôn giáo khác nhau. Cũng là tháng gia đình hay lấy vacation bởi trường học đóng cửa đến hai, ba tuần. Nhiều người phân vân không biết cái gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới. Thị trường chứng khoáng rớt từ 500 điểm xuống dưới zero. Trên nước Mỹ, vẫn còn một số đông chưa chịu chích ngừa hoặc chích mũi thứ ba. Tại sao mình lại làm khổ mình vậy trời?

Vào nửa tháng Mười Hai, nước Mỹ đã có hơn 800,000 người chết vì COVID, và con số không dừng lại ở đó. Sau sáu tháng nới lỏng, Cali bắt đầu có lệnh bắt buộc phải mang khẩu trang lại.

Nửa năm mở cửa chúng ta vẫn còn nhiều lo âu và một ít vui mừng. Từ hacker khống chế đường ống xăng hay hàng thịt, từ thiên tai như bão lụt, gió lốc bên đông và hỏa hoạn bên tây, từ kiện tụng qua lại, chích hay không chích, đeo hay không đeo, nước Mỹ của chúng ta vẫn còn nằm trong tình trạng rối bời bời như tơ quấn. Và trong khi vật giá leo thang, cái phần ngân khoản cho hạ tầng cơ sở không biết có giúp được gì không. Nhưng ít nhất, chúng ta đã có vaccine và không phải sống trong sợ hãi.

Có một điều cũng nên nhắc trong sáu tháng qua, đó là trong gia đình, bà con, hay bạn bè đã không còn cải vã giận hờn với nhau về chuyện ủng hộ cho ai, Trump hay Biden, như trước kia nữa.

Ước mong rằng, năm 2022 sẽ là một năm thực sự của một sự bình thường. Chỉ đơn giản là thế.

Tuyết Vân

____________________________

No comments:

Post a Comment