Wednesday, November 17, 2021

Vietnamese Hiking Community

Tuyết Vân

Một ngày vui chơi lành mạnh của “Vietnamese Hiking Community.”
(Hình: Lisa Trần cung cấp)

Quận Cam có nhóm bạn hiking tên gọi là Vietnames Hiking Community mà thường gọi chung là VHC. San Jose, San Diego, San Francisco hay Houston cũng có VHC. Seatle, Oregon, Arizona, Colorado, Boston, Atlanta... tất cả các các nơi đều có. VHC là một hiện tượng. Các bạn kết nối nhau qua Facebook Vietnames Hiking Community để chia xẻ niềm đam mê của hiking. Rồi từng mỗi địa phương của mình, các bạn tổ chức đi với nhau, hoặc cũng có thể xuyên qua tiểu bang.

Tôi vào nhóm VHC đã nửa năm. Lúc đầu thì đi được 2 miles, sau đó 3 miles, rồi 5 miles. Bây giờ đã đi được 10 miles với một độ dốc tương đối. Chân cũng đã cứng hơn nhưng đá cứ còn cứng mãi. Vì vậy, tuần nào hai chúng tôi cũng theo các bạn đi hiking ở các khu vực gần nhà.  

Tháng Bảy vừa rồi, báo Người Việt có một bài viết về VHC. Xin chia xẻ dưới đây cùng các bạn đọc. Thêm vào đó xin giới thiệu một ít hình kỷ niệm đã chụp trong các cuộc hiking năm nay.

Và cuối cùng bài thơ Hẹn của Đức Trí Quế Anh, một bài thơ đầy hương vị Thiền, một sự đồng cảm giữa thiên nhiên và con người mà chỉ khi ta đến với thiên nhiên mới cảm nhận được.

HẸN

Ta đi tìm ngõ rừng sâu

Tìm thơ trên đá, tìm màu thiên thu

Bao giờ gió hết vi vu

Trăng quên điệp khúc tỏ lu luân thường

Mở lòng đếm những lụy, vương

Hẹn nhau hạnh ngộ, cuối đường nắng phai...

(Đức Trí Quế Anh)

"Hiking, vui mà khỏe," đang được nhiều người Việt ở Little Saigon ưa thích

(Đằng-Giao/Người Việt)
ANAHEIM, California (NV) – Hội viên nhóm “Vietnamese Hiking Community,” thành lập thành lập cách nay hơn hai năm, đang gia tăng một cách nhanh chóng. Trong hai tháng gần đây, cứ mỗi hai tuần là nhóm có thêm 1,000 hội viên mới, theo cô Lisa Trần, sáng lập viên “Vietnamese Hiking Community.”

Trong một chuyến đi tới Bridge to Nowhere

Đến giờ, nhóm có khoảng 9,900 thành viên, tất cả đều say mê dã ngoại (leo núi hay vào rừng, xuống biển), hay “hiking,” để ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ và tận hưởng không khí trong lành. Nhóm cũng được nhắc đến với cái tên ngắn hơn là “VHC.” 

Thú vui gia đình cho cả hội 

Là hội trưởng “Vietnamese Hiking Community,” Lisa Trần cho biết cô mê dã ngoại từ hồi còn bé. 

“Tất cả những kỷ niệm ấu thơ của chị em tôi đều gắn liền với chuyện đi bộ rất xa đến địa điểm ‘picnic’ và cho đến giờ, mỗi khi đi nghỉ mát, chúng tôi đều đi ‘hiking’ hết,” cô kể. “’Hiking’ đã là một phần đời của tôi rồi.”


Trèo non, lội bể

Trong sở làm, cô Lisa tổ chức một nhóm có chung sở thích và thường xuyên đi dã ngoại. Ngoài ra, cô còn tham gia một nhóm tên “Meetup,” cũng là đi dã ngoại. 

Cô kể: “Lúc đầu, ông xã tôi cùng tham gia nhưng sau anh ấy chán dần vì không hợp nói chuyện với những bạn tôi, toàn người ngoại quốc. Mà tôi cũng không muốn vui một mình. Vì vậy, tôi nghĩ đến việc thành lập một nhóm bạn toàn người gốc Việt.” 

Có lẽ vì muốn có một không khí gia đình với cộng đồng nên cô Lisa đối xử với mọi người như người nhà.


Băng rừng, vượt suối.

Tất cả mọi hội viên đã có dịp đi dã ngoại với cô đều quý mến người khởi xướng và sáng lập viên này.
Mọi người cùng đồng ý rằng cô Lisa luôn quan tâm đến người đi ở phía sau. 

“Cố ấy không bao giờ lơ là những người đồng hành. Cô hỏi han, ân cần động viên và khuyến khích từng người và nhắc nhở rằng ai đi trước thì phải chờ. Đó là tình đồng đội.” Cô Lynn Nguyễn, ở Fountain Valley, một thành viên của nhóm, cho hay. 

Cơ hội gặp bạn mới ít tốn kém nhất. 

Có nhóm “Vietnamese Hiking Community” rồi, chồng cô Lisa Trần luôn tham dự và rất vui khi có thêm nhiều bạn mới.

Cô tiếp: “Chúng tôi có hội viên ở khắp nước Mỹ và khắp thế giới nên đến đâu, ai cũng có thể liên lạc với người địa phương và có thêm bạn mới, ai cũng rất thân thiện.” 


Hiking mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội

Mấy đèo cũng qua

Để trở thành hội viên nhóm “Vietnamese Hiking Comminity” rất dễ dàng. “Chỉ cần vô Facebook, tìm nhóm của chúng tôi và ghi danh miễn phí. Khi bắt đầu ‘join,’ mỗi người chỉ trả lời câu hỏi là tại sao muốn gia nhập nhóm, vậy thôi,” cô Lisa nói. 

Cô nói một cách nghiêm túc: “Nhóm chỉ có hai điều kiện rõ ràng là phải hòa nhã và tôn trọng mọi người và không quảng cáo, chỉ vậy thôi.” 

Về chi phí cho dụng cụ, cô nói: “’Hiking’ là môn thể dục ít tốn kém nhất. Khi mới bắt đầu chỉ cần một đôi giày, một ba lô đựng nước và thức ăn và một cái nón là đủ rồi.” 

Dần dần, khi đi xa hơn, hội viên có thể chọn mua giày có gai bám đất, mỗi đôi khoảng từ $100 đến $200. “Đi núi, tôi đề nghị nên có một cặp ‘trekking poles’ giá từ $30 đến $150 cho an toàn. Đến khi ‘hiking’ lâu đủ, người ta sẽ biết mình cần thêm gì.”

 

Thi sĩ yêu mùa thu. Hikers cũng yêu mùa thu.

Cô Vivian Nguyễn, cư dân Westminster, nói: “Đi ‘hiking’ là môn thể thao ít tốn kém nhất mà ngoài việc rèn luyện sức khỏe còn có những thú vui khác là tìm được thú vui lành mạnh làm mình thấy yêu đời phơi phới.” 

Chưa hết, nhờ cùng nhau vận động trong thiên nhiên, người ta dễ có tinh thần đoàn kết, nhường nhịn và chia sẻ cho nhau. 

“Đó chính là niềm vui tinh thần tôi có được khi khi ‘hiking’ với ‘VHC.’ Cô Lisa Trần là một ‘leader’ giỏi nên cô luôn khuyến khích những diều này,” cô Vivian nói. 

Mỗi mùa sẽ có đòi hỏi riêng, như mùa Hè thì nên có kem chống nắng, mùa Đông thì nên có quần áo ấm, chỉ đơn giản vậy thôi. 

Niềm vui của nhiều người 

Với cô Lisa, dã ngoại là cách tốt nhất, vui nhất và lành mạnh nhất để gia đình giải trí bên nhau.


Girls just want to have fun. 

That's all they really want

Gia đình chị em của cô thường cùng gia đình cô đi dã ngoại. Mỗi khi đông đủ ba, bốn gia đình là hai con trai tôi, một đứa 21 tuổi và một đứa 17 tuổi đều đi cùng,” cô nói. “Mỗi năm, chúng tôi đi với nhau chừng năm lần.” 

Nhưng với hội viên nhóm “Vietnamese Hiking Community” thì ngày nào cũng có những cuộc dã ngoại, gần nhất là trong công viên Mile Square Regional Park và xa hơn là quanh Orange County, xa hơn nữa thì tùy người tổ chức. 

“Cứ vào nhóm là sẽ thấy ‘post’ nhan nhản. Hoặc hội viên có thể tự chọn một địa điểm rồi rủ người khác cùng đi với mình,” cô Lisa đề nghị. 

Mới gia nhập hội, hội viên sẽ được cô Lisa xếp loại theo khả năng đi xa và lên độ cao. 

Cô nói: “Cấp thứ nhất, đi được bốn dặm với độ cao là 1,000 ft. Cấp vừa vừa đi chừng năm đến chín dặm với độ cao là 2,000 ft và cấp thứ ba, cấp ‘advanced’ đi từ 10 dặm trở lên với độ cao là 3,000 ft hoặc hơn.” 

Nghe thì tưởng là khó lắm chứ tất cả chỉ là thói quen thôi. “Nhóm có hội viên ở mọi lứa tuồi, từ 14, 15 tuổi trở lên, tới ngoài 70. Có một cô ở San Jose đã 71 tuổi mà ở cấp thứ ba một cách dễ dàng,” cô Lisa nói.

 

Hình chụp với tấm "bằng chứng chỉ" đã lên tới đỉnh

Một khi đã quen dã ngoại rồi, rất nhiều người trong nhóm trở nên “ghiền”! 

Ở tuổi 70, ông Quyền và vợ, 65 tuổi phải đi hàng ngày. “Tôi cho rằng cái ‘bí mật’ để người ta có thể ‘hiking’ lâu bền là cả hai vợ chồng cùng tham dự. Vợ chồng tôi không nghỉ ngày nào. Ít nhất cũng phải đi chừng 2 tiếng rưỡi,” ông nói. 

Dã ngoại, văn hóa và gia đình. 

Ngoài chuyện rèn luyện thân thể, nhóm “Vietnamese Hiking Community” còn cổ võ việc bảo vệ văn hóa Việt nữa. 

Cô Lisa cho biết cô rất thích tổ chức chụp hình trong những trang phục cổ truyền Việt Nam như áo dài, áo bà ba, nón lá… 

“Chúng tôi mặc những bộ quần áo cổ truyền tại những địa điểm không người mẫu nào đến được, như đỉnh núi đầy tuyết, những hồ nước đông đá hay ngững mỏm đá đầy sóng biển. Mục đích để đẩy mạnh văn hóa Việt Nam mà chúng tôi gọi là ‘#ViệtPride,’ niềm tự hào Việt Nam.”

 

Áo dài trên đỉnh

Mây trời và tà áo em


Mount Whitney, ngọn núi cao nhất nước Mỹ


Yêu nhau trên núi


       Có phải em mang trên áo bay. Hai phần gió thổi, một phần mây?

ViệtPride, niềm tự hào Việt Nam 

Đi dã ngoại thường đi kèm với “pinic” nên luôn dính liền đến thức ăn. 

Cô Lisa thường tính toán để đến trưa thỉ cả nhóm cùng nghỉ ngơi, ăn uống với nhau. Cô nói: “Ai thích gì thì đem món ấy. Tôi thích nhất là bánh mì thịt.” 

Có những lần cắm trại buổi tối thì các cô đem theo bún bò Huế hay phở rồi hâm lên ăn với nhau. “Còn gì ‘Việt Nam’ hơn vậy chứ,” cô cười. 

Nhiều năm dã ngoại, cô Lisa nhận thấy rằng vợ chồng cô và nhiều cặp vợ chồng khác cùng cảm thấy gắn bó với nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn và dễ thông cảm cho nhau hơn. “Tôi nghĩ mỗi cuộc ‘hiking’ là một cuộc phiêu lưu mà phiêu lưu làm người ta gần nhau,” cô Lisa kết luận. 

Ông Quyền sẵn sàng làm nhân chứng cho câu nói này. Vợ chồng ông cùng con cái vẫn cùng nhau dã ngoại khi có dịp tề tựu. 

Ông Sơn Hồ, ở Fullerton, cũng góp chuyện: “Lúc trước tôi chơi tennis mỗi cuối tuần. Nhưng như vậy thì không gặp bà xã. Sau khi tôi đi dã ngoại với bà xã, chúng tôi có nhiều dịp nói chuyện với nhau, chia sẻ với nhau nhiều hơn trước.” 

Cũng để cho bản thân mình nữa

 

We do not remember days, we remember moments

Với cô Lisa Trương, cư dân La Mirada, dã ngoại là một cách tốt nhất để mình tự thắng bản thân mình và cũng là cách thiền định hữu hiệu. 

Cô nói: “Vừa đi vừa thiền hay đến đích rồi thiền, cách nào cũng chỉ để cho mình tĩnh tâm, tìm lại chính mình.” 

Ngoài kích thích tim mạch, vận động bắp thịt toàn thân, chống loãng xương, một yếu tố đặc biệt chỉ mình cô Lynn đề cập về lợi ích của việc đi dã ngoại là kích thích óc sáng tạo.

Cô giải thích: “Tôi nghĩ rằng không khí trong lành giúp chúng ta tỉnh táo, ‘giảm stress’ và dễ sáng tạo hơn.” 

Trong một cuộc dã ngoại, đứng giữa thiên nhiên hùng vĩ, cô ngẫu hứng viết: “Vạt nắng chiều loay hoay đầu ngọn núi/Mây hững hờ nhòa nhạt khuất hàng thông/Thác nước xẻ cây xanh, rừng hờn dỗi/Xiết chặt tim côi, cuồn cuộn giữa dòng.” 

 

Đằng-Giao/Người Việt

__________________________________

No comments:

Post a Comment