Hien Yuken
Buổi sáng 11 tháng 9 năm 2001. Hai chiếc máy bay khủng bố đâm vào tòa nhà Trung tâm thương mại Thế giới (WTC) làm nó sụp đổ hoàn toàn và nuốt chửng gần 3000 sinh mạng. Từ ngày đó đến nay đã 20 năm trôi qua, nhưng ký ức những người chứng kiến ngay tại chổ và qua màn ảnh truyền hình vẫn còn đó là nỗi kinh hoàng ám ảnh. Trong lửa khói, trong bụi mù, trong hỗn loạn gào thét và trong nỗi ngơ ngác sửng sờ họ không tin vào mắt mình đó là sự thật. Sự sụp đổ của biểu tượng cho nền kinh tế thịnh vượng bật nhất thế giới diễn ra cứ như trong một cuốn phim hành động, nhưng đau đớn thay sự tan biến của những con người buổi sáng đó không như trong phim, khi họ chẳng bao giờ trở về với gia đình, với chúng ta!
“America is under attack!”, ngày 11 tháng 9, 2001. Vào thời điểm đó thì bạn đang làm gì? Chắc hẳn rằng bạn cũng như tôi khó có thể nào quên đi được. Bao năm rồi sự kiện chấn động ấy vẫn mãi ám ảnh. Riêng tôi, ngày đó vừa đến Mỹ được hơn một năm và đang trở lại đại học. Thật tình cờ, hôm đó tôi lại có kỳ thi cuối khóa mùa hè cho môn lịch sử Hoa kỳ ở lớp đêm. Sáng hôm đó tôi vào thư viện trường thật sớm với dự định “ngồi đồng” cả ngày ôn thi. Cặm cụi ôn bài suốt nên tôi đâu biết tình hình khủng bố đang tấn công nước Mỹ. 7 giờ tối qua lại lớp học thì thấy khung cảnh vắng hoe, người bảo vệ trường đang chuẩn bị đóng cửa chính. Bất ngờ quá nên tôi hỏi thì ông ta trả lời với giọng như gắt gỏng, “ Anh không biết gì à, tòa nhà WTC ở New york bị sụp rồi”. Nói xong ông ta bỏ đi, tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì cho rõ lắm. Trên đường lái xe về xa lộ vắng ngắt, hai bên đường toàn xe cảnh sát gác mở đèn khẩn cấp nhấp nháy. Tôi hoang mang tột cùng!
Về đến nhà, vợ con và em trai tôi đang căng thẳng dán mắt vào màn ảnh truyền hình. Hỏi chuyện tôi mới biết rõ những gì xảy ra trong lúc tôi ngồi thư viện. Nhìn trên màn ảnh nhỏ tôi thật sự choáng váng. Hơn cả những hình ảnh tàn phá, chết chóc của chiến tranh mà tôi từng chứng kiến. Chiến tranh với tôi ngày xưa thường chỉ là những tiếng nổ của đạn bom dội về thành phố, thỉnh thoảng là những đám tang của lính trong tiếng khóc than của người thân. Nhưng cảnh tượng tôi đang chứng kiến qua màn ảnh nhỏ là sự sụp đổ của cả một thành phố, bụi khói ngập trời, và khủng khiếp nhất là vài đoạn phim chiếu cảnh những thân người chới với bay từ trên cao xuống, họ đang bay khỏi cõi đời. Cả đêm hôm đó và những ngày sau tôi như sống giữa ác mộng, tôi mất ngủ phờ phạc…
Đã hai mươi năm trôi qua kể từ sự kiện khủng khiếp ấy, những đứa bé sinh ra trong cái ngày oan khiên đó nay đã ở tuổi trường thành. Một phần ba dân số Hoa kỳ độ tuổi hai mươi ngày nay khi xem một đoạn phim, đọc một cuốn sách nói về ngày 9-11 chỉ để hiểu biết thêm về một thời điểm đặc biệt trong chuổi dài lịch sử của đất nước họ. Nhưng thế hệ của những người lớn hơn thì 9-11 đã để lại cho họ một vết sẹo quá lớn từ chấn thương tâm lý. Lịch sử có thể mãi dịch chuyển từ quá khứ này đến quá khứ khác để đôi khi sai lạc đi chút ít, nhưng vết sẹo thì mãi mãi vẫn in hằn để lâu lâu tấy lên nỗi nhức nhối. Hôm nay tháng 9 ngày 11, hai mươi năm lại trở về…
Tháng 4 năm 2001, tôi đưa cô cháu gái từ Nhật sang đi tham quan World Trade Center. Đó là lần cuối tôi được nhìn thấy tòa nhà tháp đôi WTC. Hôm đó tôi đã đứng dưới ngước cổ nhìn tòa tháp đôi Twin Towers sang trọng, cao chót vót mà không biết rắng đó lần cuối tôi được thấy trước khi nó tan biến.
Tháng 4, 2017 hơn 15 năm sau tôi mới trở lại tham quan thành phố New york và đến địa điểm có WTC cũ. Năm xưa thật hào hứng bao nhiêu trước vẻ hào nhoáng của nó, nhưng lần này lòng tôi chùng buồn. Trước mặt tôi chỉ còn là hai hồ nước đúng ngay nơi Tháp Bắc và Tháp Nam của tòa tháp đôi cũ. Thác nước chảy xuống trung tâm đáy hồ như biểu tượng cho những mất mát chảy mãi không nguôi. Tên của từng nạn nhân được khắc trên những phiến đồng trên thành hồ, 2.983 cái tên không được xếp theo vần mẫu tự mà theo mối quan hệ đặc biệt giữa họ. Tôi nhìn xuống dòng nước chảy róc rách. Tiếng rầm rì của dòng thác nước đều đều chảy dưới sâu thẳm ấy nghe như vọng lại một nỗi buồn. Tôi lại nghe những âm thanh gào thét điên loạn quanh đây, tôi lại thấy hình ảnh người đàn ông mà giới truyền thông gọi là “Falling man” rơi xuống, rơi ngay trước mặt mình, dưới đáy của dòng thác róc rách. Câu hỏi ám ảnh năm xưa nay lại trở về, trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, người đàn ông chưa bao giờ chúng ta biết rõ danh tánh ấy đang nghĩ đến điều gì, đang nghĩ đến ai, và ông có sợ hãi không!
Sáng thứ bảy, 11/09/2021
No comments:
Post a Comment