Thursday, September 9, 2021

Những ngôi sao thế giới dính vết nhơ để đời vì ăn chặn tiền quyên góp từ thiện

"Mục đích hình thành quỹ từ thiện có thể thực sự trong sáng, nhưng chúng cũng vô tình trở thành công cụ quảng bá hình ảnh cho người nổi tiếng cùng những mục đích khác", giáo sư Lenkowsky cho biết.


Theo tờ New York Post (NYP), rất nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng trên thế giới mượn danh quyên góp hay làm từ thiện để trốn thuế hoặc trục lợi cá nhân.

Sau cuộc khảo sát điều tra với nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực âm nhạc, thể thao, truyền hình…NYP kết luận rất nhiều người chỉ thực sự làm từ thiện một phần nhỏ trong tổng số tiền kêu gọi được.

Trong khi việc quyên góp từ thiện bằng tiền túi vẫn gây tranh cãi về động cơ trốn thuế thì việc kêu gọi làm từ thiện của các ngôi sao nổi tiếng cũng thu hút sự quan tâm của công chúng về tính minh bạch.

Từ thiện… cho bản thân?

Tờ NYP cho biết tổ chức từ thiện Luz Foundation của siêu mẫu nổi tiếng Brazil Gisele Bundchen lập nên cùng chồng Tom Brady đã chi 36.455 USD vào năm 2018. Thế nhưng khoảng 22.000 USD trong số đó là để tài trợ cho đêm gala kêu gọi từ thiện của cặp đôi này tại New York. Phần lớn số tiền này là do cặp vợ chồng kêu gọi được.

Tương tự, tổ chức từ thiện Shawn Carter Scholarship Fund được xây dựng bởi nghệ sĩ hip hop Jay Z cũng gặp tai tiếng. Năm 2017, quỹ này kêu gọi được 742.118 USD nhưng số tiền làm từ thiện lại chẳng đủ tiền mua sách học cho các bé học sinh như quỹ đã từng tuyên bố.

Năm 2020, quỹ này tổ chức một buổi kêu gọi quyên góp tại Florida bao gồm những trận đánh bài poker giữa người nổi tiếng và theo Jay Z, họ thu được tới 6 triệu USD từ sự kiện này.

Tờ NYP đã liên tục gọi điện cũng như email cho các quỹ từ thiện hay người đại diện của những nghệ sĩ mà họ điều tra nhưng hầu như chẳng có ai phản hồi. Những cái tên còn rất dài như vụ Amber Heard mạnh miệng tuyên bố quyên góp 7 triệu USD năm 2016 nhưng rồi chả thấy tiền đâu.

Trên thực tế, việc các nghệ sĩ và người nổi tiếng không minh bạch tiền từ thiện chẳng phải vấn đề mới. Vào năm 2010, ngôi sao ca nhạc Kanye West bị vướng vào bê bối từ thiện khi các cuộc điều tra cho thấy quỹ Kanye West Foundation của anh đã chi hơn nửa triệu USD nhưng phần lớn lại dùng để trả lương nhân viên thay vì làm công tác thiện nguyện.

Báo cáo của IRS cho thấy quỹ của Kanye West đã chi tổng cộng 572.383 USD vào năm 2010 nhưng hầu như chẳng có xu nào được dùng cho từ thiện. Phần lớn số tiền là để trả lương nhân viên cùng các chi phí khác.

Năm 2009, quỹ của Kanye cũng chi đến 553.826 USD nhưng chỉ có 583 USD là được dùng cho làm từ thiện.

Phần lớn chi phí của quỹ Kanye được dùng cho các mục đích như tư vấn chuyên gia, hội thảo, du lịch cùng nhưng “chi phí khác”.

“IRS khá quan tâm đến những chi phí đó. Nhìn thì có vẻ như quỹ của Kanye có một văn phòng khá lớn nên cần nhiều tiền quyên góp để chi tiêu đến vậy”, Cựu giám đốc Marc Owens của IRS và hiện đang là luật sư ở Washington mỉa mai.

Xin được nhắc là theo khuyến cáo của tổ chức phi chính phủ Charity Navigator, các quỹ từ thiện không nên chi quá 15% số tiền quyên góp được cho chi phí quản lý và tiền lương.

Liên đoàn quỹ từ thiện quốc tế (WGA) cũng khuyến nghị các quỹ nên chi ít nhất 65% tiền kêu gọi được cho các hoạt động thiện nguyện như tôn chỉ của họ đã đề ra.

Tại Phương Tây, những quỹ từ thiện hay các chương trình quyên góp thiện nguyện thường nhận được sự ưu đãi về thuế của chính phủ và không thực sự có một cơ quan nào đứng ra kiểm soát.

Điều này đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ và người nổi tiếng có thể lợi dụng tiền quyên góp để trốn thuế hoặc tư lợi cho bản thân một cách hợp lệ theo những chi phí gọi là “tư vấn chuyên gia” hay “chi phí khác”.

Mua danh chuộc tiếng?

Theo tạp chí Forbes, việc từ thiện của người nổi tiếng không hề trong sạch như vẻ ngoài hào nhoáng của nó. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Forbes, Phó chủ tịch Stephanie Sandler của Give Back Fund (GBF), một hãng tư vấn chuyên giúp người nổi tiếng xây dựng các quỹ từ thiện đã tiết lộ những bí mật động trời về mảng “béo bở” này.

Việc các quỹ từ thiện sử dụng tiền quyên góp được để thanh toán cho chi phí của người nổi tiếng chẳng hề hiếm. Rất nhiều trường hợp chi phí tiền lương và “tư vấn chuyên gia” của tổ chức từ thiện bị phanh phui nhưng chẳng ai bị bắt cũng như phải giải trình gì.

Đồng quan điểm, giáo sư Leslie Lenkowsky của trường đại học Indiana University nhận định về cơ bản các nghệ sĩ thưởng tạo quỹ từ thiện để đơn giản hóa hoạt động thiện nguyên do họ không tin tưởng khi giao tiền cho người khác.

Thế nhưng trớ trêu thay, chính việc tự thành lập các quỹ từ thiện lại trở thành công cụ để người nổi tiếng quảng bá hình ảnh bản thân cũng như bòn rút tiền từ công chúng.

“Mục đích hình thành quỹ từ thiện có thể thực sự trong sáng, nhưng chúng cũng vô tình trở thành công cụ quảng bá hình ảnh cho người nổi tiếng cùng những mục đích khác”, giáo sư Lenkowsky cho biết.

Bà Sandler của GBF thậm chí mỉa mai rằng nhiều người nổi tiếng đi làm từ thiện mà chẳng dùng đồng nào của chính bản thân họ mà vẫn quảng bá được hình ảnh. Họ tổ chức những bữa kêu gọi, những buổi tiệc tùng hay dạ hội từ tiền quyên góp để rồi dùng chính số tiền đó cho những mục đích không minh bạch.

“Người nổi tiếng có thể quảng bá hình ảnh bằng từ thiện mà chẳng cần bỏ tiền túi của họ ra. Chúng tôi cho rằng đây là một dạng của lừa đảo công chúng”, bà Sandler nhấn mạnh.

Với lý do đó, hãng tư vấn GBF của bà Sandler luôn khuyến khích người nổi tiếng mở quỹ từ thiện bằng tiền túi của mình thay vì đi kêu gọi quyên góp.

*Nguồn: New York Post, Forbes

____________________________

No comments:

Post a Comment