Huy Phương
“Em yếu đuối thèm bờ vai để
khóc
Mà anh thì biền biệt ở nơi
xa... ”
Mẹ nói với tôi : “Bộ phận quan trọng nhất trên cơ thể chính là đôi vai. Nó quan trọng vì nó để cho những người bạn hay người thân của chúng ta gục lên khi họ muốn khóc. Trong cuộc sống, ai cũng cần một bờ vai để tựa lên đó mà khóc mỗi khi chúng ta buồn rầu, khổ đau hay thất vọng. Mẹ hy vọng con cũng có những bờ vai như thế để tựa lên những khi con cần”. Tôi đọc được những dòng này trong một trang internet và muốn ghi lại ở đây để chúng ta cùng đọc.
Vì sao đó không là một vòng tay để ôm ấp, một đôi môi để cười, hay là một đôi mắt trìu mến. Bây giờ tôi mới biết vì sao lại là một bờ vai mà không là gì khác !
Năm đó là một năm đầy tuyệt vọng khổ đau nhất của Arnold, người bạn cùng sở làm với chúng tôi. Anh có một đứa con trai lên bốn tuổi bị bệnh chậm phát triển. Một ngày nọ khi vợ anh phải xa nhà về thăm mẹ, anh chăm sóc đứa con trai, và trong một bữa ăn, vì lơ đãng nói chuyện điện thoại với một người bạn, anh để cậu con trai mắc nghẹn, khi biết ra thì không còn cách gì cứu kịp. Vì cái chết của đứa con, hạnh phúc của vợ chồng anh gần như tan vỡ. Arnold trở thành một người khổ đau, trầm cảm, cáu kỉnh, bất bình thường, xa lánh mọi người, vì vậy bạn đồng nghiệp của anh khôrng ai dám đến gần để hỏi han tâm sự cùng anh.
Cuối tháng 6 năm ấy là Sinh Nhật của Arnold, chúng tôi thu xếp với nhau để dành cho anh một surprise party. Khi anh bước vào căn phòng trang trí đầy màu sắc với những banner, bong bóng và hoa chúc mừng, chúng tôi vây quanh anh và cùng hát khúc ca Mừng Sinh Nhật. Arnold đứng sững một lúc, rồi bật khóc nức nở như một đứa trẻ thơ.
Thì ra trên cuộc đời này, anh tưởng mình là một người đơn độc, nhưng vẫn có những người quan tâm, nghĩ đến và thương yêu anh. Sau ngày đó, Arnold trở thành một con người khác, vui vẻ, tự tin, hoạt bác và trở lại cuộc sống bình thường. Tình yêu thương của những người chung quanh đã vực anh dậy, như những dòng nước mát đã tưới cho những bông hoa khô héo.
Nhiều năm trước đây, người ta đã tìm thấy người thi sĩ ấy nằm chết trong chiếc xe của ông đậu tại sân một ngôi chùa, trong xe còn còn mộc cái car-seat đã cũ. Nếu tối hôm trước, cửa chùa mở rộng cho anh một chỗ ngủ, nếu hôm qua có một người bạn gặp gỡ thăm hỏi và chia sẻ nỗi buồn của anh, thì có lẽ câu chuyện đã đổi khác. Không có vợ con, trong khổ đau, tuyệt vọng, nếu anh còn một người bạn, một người thương, một người chịu khó lắng tai nghe anh, một cánh cửa mở ra, một vòng tay ấm áp đợi anh về, nói rõ ra, một bờ vai để cho anh dựa vào đó mà khóc cho vơi đi những nỗi muộn phiền, thì đâu đến nỗi.
Tại Nhật, Hoa Kỳ và Nam Hàn, nhiều học sinh thường luôn phải chịu sức ép nặng nề từ những vụ bắt nạt tại nhà trường, gây những tổn thương tâm lý nghiêm trọng rồi đưa các em đến chỗ tự sát; như em Brandon, một học sinh ở Oklahoma, đã bị bạn bè to khỏe hơn chế diễu, bắt nạt, khiến em cảm thấy nhà trường là một địa ngục nên đã tự sát bằng súng. Cha mẹ có bao giờ quan tâm lắng nghe, an ủi và giải quyết những lo lắng ưu tư của con mình, đã ngồi xuống như một người bạn, nghe con giải bày tâm sự, từ những chuyện học hành, giao tiếp cho đến tình cảm chưa ? Là người mẹ, có bao giờ bạn ngồi gần lại với con gái, nghe con tỉ tê những chuyện ở trường, những chuyện vui, chuyện buồn, kể cả chuyện vấp ngã, thất vọng.Nhiều bậc cha mẹ lo làm giàu, nghĩ rằng mình đã lo cho con vào trường tốt, cho con phòng ốc tiện nghi, xe đẹp là đã đủ. Những thắc mắc, va chạm, yếu đuối, lầm lỡ của con họ không hề biết, thậm chí còn đẩy con vào những quyết định độc đoán, ích kỷ và lỗi thời của mình, cuối cùng kết quả là cái chết thảm khốc của con trẻ cô đơn, thất vọng. Nhiều nhà tâm lý học đã cho rằng trước khi quyết định từ bỏ cõi đời, con người đã lâm vào trạng thái buồn phiền, thất vọng vì một điều gì đó mà không tìm được ai chia sẻ cho vơi bớt nỗi buồn. Họ không có người an ủi, khuyến khích và giúp đỡ mình tìm lại nguồn vui sống. Họ cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng.
Trong một xã hội mà nhu cầu vật chất ngày càng tăng, con người phải làm việc tất bật không có thì giờ để gần gũi, chia sẻ, cảm nhận và thương yêu người khác; trong khi đó, trái tim lại luôn luôn cần một nhịp đập cảm thông. Con người luôn luôn cần sự hiện diện của người thân, cần nghe những lời ngọt ngào, sự khuyến khích ân cần. Khi nhu cầu muôn thuở này không được đáp ứng, người ta thấy trống rỗng, hụt hẫng, nhiều khi không chịu đựng nổi.
Nhiều vị cao niên không đau ốm gì quan trọng nhưng thích đi bác sĩ để có thể than vãn đau chỗ này, mệt mỏi chỗ kia. Nhiều phụ nữ đến phòng mạch bác sĩ để tâm sự chuyện gia đình, chồng con cho đỡ ấm ức, mà con cái, bạn bè không ai có thời giờ và kiên nhẫn để ngồi nghe. Những lúc đó, bác sĩ tìm bệnh thì ít mà nghe quý bà nói thì nhiều. Cuối cùng người bác sĩ đã biết lắng nghe các bà, chính là người bác sĩ giỏi được các bà khen. Không cần tìm đến bác sĩ tâm lý, ai biết nghe, biết khuyên giải, đó là bác sĩ tâm lý.
Còn ai là người thích đi coi bói, phải chăng đó là những người
đang có chuyện thắc mắc, buồn phiền, cho nên khi đến thầy, chưa bấm
độn, lấy lá số, thầy đã rõ hết gia đạo, tâm tư của người đối diện
rồi. Khi thầy đã biết hết chuyện nhà, chuyện buồn vui, nhìn rõ gan
ruột của khách rồi thì làm cho khách tin không phải là chuyện khó.
Rút cuộc thì bác sĩ, thầy bói đều là những “bờ vai” cho những
người yếu đuối nương tựa.
Một lời thăm hỏi một người bạn lâu ngày không gặp, một tấm thiệp cuối năm, một cái bắt tay thân tình, một nụ cười ấm áp có thể làm thay đổi cuộc sống của một người, và bản thân của chúng ta cũng cần như vậy. Nhiều người đã cho chúng ta một bóng mát, một chỗ nương tựa, nhưng có khi nào chúng ta đã là bóng mát, là chỗ nương tựa cho ai chưa ?
Huy Phương
No comments:
Post a Comment