Rau muống khô là loại cây dễ trồng nhất hành tinh, bởi cây rau này có thể trồng thủy canh, địa canh, trồng mùa mưa hay mùa nắng đều được. Và nói về độ ngọt, có lẽ rau muống khô cũng khá hơn rau muống nước, nói về độ an toàn, rau muống khô cũng an toàn hơn, đỡ lo các loại ký sinh nếu trồng tốt. Và, hình như hạt rau muống khô cũng rất dễ tìm mua. Riêng món gỏi rau muống, chỉ có thể chế biến bằng rau muống khô mới đạt được độ ngon khó quên.
Nói tới rau muống khô, chắc chắn người ta nhắc tới gu ăn của người miền Trung và người miền Nam. Người miền Bắc thích rau muống nước, rau được trồng ở các ao chuôm, cùng với bèo tây để nuôi lợn, nuôi cá và nuôi người. Đáng sợ hơn là một số gia đình nông dân ngoài Bắc như Thanh Hóa, Thái Bình, ngoại ô Hà Nội lại kết hợp mô hình cầu nổi của miệt Tây Nam Bộ lên ao rau muống để nuôi cá. Và đương nhiên rau muống họ vẫn hái để bán, để ăn bình thường. Người miền Trung và miền Nam thì không quen gu này, nên rau muống khô vẫn là số một.
Nhắc tới rau muống khô, tôi lại nhớ đến cái thời đi “giang hồ” cùng anh em văn nghệ Sài Gòn, vào những năm đầu thế kỉ 21. Hình như vào năm 2003, hồi đó văn nghệ Sài Gòn khá là náo động sau vụ nhóm thơ Mở Miệng cho xuất bản tập Khoan Cắt Bê Tông với những bài thơ mang tính phản biện xã hội mà trước đó không ai dám viết. Vậy là Bùi Chát và Lý Đợi phải rời phòng trọ, tứ tán, bởi thời đó an ninh không giống như bây giờ, mọi thứ rất lộn xộn, công an khu vực có thể tới xét hỏi về văn hóa, miệng đầy gan thép và đương nhiên có thể dùng vũ lực…
Tôi chơi với nhóm bạn này, ở cùng phòng có một họa sĩ nấu ăn cực ngon, bởi anh gốc gác dân đầu bếp ở Vũng Tàu, từng mở nhà hàng, từng trải qua nhiều thăng trầm, cuối cùng chuyển sang đời nghệ sĩ lang bạt rày đây mai đó… Thấy tình hình anh em khó khăn quá, anh họa sĩ mới mua một ít thùng xốp, mua hạt rau muống về trồng trước cửa phòng trọ, giá thể thì cào lá cây mục và một ít đất bụi đường, vậy là trồng. Trong vòng nửa tháng đã thấy rau muống lên xanh, chừng hai mươi ngày thì có thể hái vào ăn.
Thay vì luộc hay xào tỏi, anh chọn món “một công đôi việc,” tức vừa có nước canh để đưa cơm, vừa có món ngon. Mà món ngon ở đây cực kỳ đơn giản. Cho một chút xíu muối vào nồi nước sôi, đun sôi và cho rau muống đã lặt, rửa vào luộc chín, mở nắp vung để bảo đảm rau chín không bị thâm, luôn giữ màu xanh, đặc biệt có một chút muối bột khiến cho rau có màu xanh rất đẹp khi chín, mà lại an toàn. Thường thì một bó rau nên cho chừng nửa muỗng cà phê muối bột.
Luộc xong thì vớt rau ra dĩa, đợi ráo nước và nguội, riêng nước luộc rau thì cho ra bát để nguội. Trong lúc đợi rau muống luộc nguội đi thì lột một ít tỏi, chừng một củ, đập dập, phi dầu phụng và cho tỏi vào, phi hơi thơm thì tắt bếp, đừng để tỏi vàng, vì khi tắt bếp xong, tỏi tiếp tục chín, nếu vàng sẽ thành cháy, chín thơm sẽ thành vàng rộm. Trong thời gian đợi dầu phi nguội thì giã một chén nước mắm chanh đường tỏi ớt, để đó. Khi dầu nguội, cho vào dĩa rau muống, trộn đều, nhẹ tay, sau đó cho nước mắm chua cay ngọt vào, nếu có đậu phụng rang giã dập thì cho thêm một ít, trộn đều. Coi như đã có một dĩa gỏi rau muống hấp dẫn.
Phần nước luộc rau, đợi nguội hẳn, vắt một lát chanh vào, khuấy đều, nhẹ tay, nước chuyển sang màu trong veo, cộng với chút vị mặn trong nước nữa, coi như không cần nêm nếm thêm gì.
Món gỏi rau muống chỉ phù hợp với rau muống khô, nếu làm bằng rau muống nước thì không ngọt bằng. Mâm cơm sẽ đầy đủ hơn nếu có vài trứng vịt hoặc trứng gà luộc dầm nước mắm. Nhưng nếu không có cũng không sao, thời buổi dịch giã, có cọng rau để ăn là quí lắm rồi! Với tôi là vậy, đương nhiên với quí vị sẽ khác!
Kính chúc quí vị có bữa cơm ngon miệng với món dân dã này!
No comments:
Post a Comment