Ở Mục Góc nhìn - Y tế & sức khỏe trên VNEXPRESS. Bác sĩ, Tiến sĩ Y học Quan Thế Dân Đã có những bài viết đầy nhân bản. QN11 xin phép chuyển tải đến độc giả QN11 với hy vọng giúp mọi người hiểu biết thêm về đại dịch covid 19, đã và đang lấy đi rất nhiều sinh mạng chung quanh mình. Xin cám ơn Bác sĩ / QN11
Lần đầu tiên bước chân vào buồng bệnh “tầng ba”, tôi choáng ngợp trước quy mô của đại dịch.
Bệnh nhân nằm la liệt, khó thở đủ các mức độ. Trong các thể loại cấp cứu, suy hô hấp phải khẩn trương nhất, dễ chết nhất. Nhân viên y tế vô cùng thiếu, quay như chong chóng.
Nhớ hôm huấn luyện đoàn tình nguyện ở Hà Nội trước khi lên đường vào Bình Dương chống dịch, giảng viên hỏi: các anh chị ai hỏi thêm gì không? Tôi giơ tay: "Ngoài phác đồ điều trị, tôi có thể triển khai chăm sóc bệnh nhân như vỗ lưng, cho ăn uống được không?"
Thật lạ, câu hỏi gần như ai chẳng biết trước câu trả lời lại làm giảng viên bối rối. Anh vốn là người ra vào vùng dịch nhiều lần, vậy mà đắn đo: "Vâng, nếu anh làm được thì giúp ích cho bệnh nhân nhiều lắm".
Lúc đứng trong buồng bệnh ở Bình Dương, tôi mới hiểu tại sao anh lại ngần ngừ khi nói về việc chăm sóc bệnh nhân Covid.
Nhân viên y tế quá thiếu, nhất là điều dưỡng - người trực tiếp chăm sóc. Nếu bác sĩ hiện nay đã làm 200% công suất thì các em điều dưỡng đang làm 300% sức lực, không biết sẽ gục ngã lúc nào.
Để hỗ trợ nhau, khám bệnh xong, bác sĩ chúng tôi làm luôn công việc chăm sóc bệnh nhân, thay bỉm, cho ăn, cho uống nước. Các việc đó trước kia không có gì khó, nhưng với Covid lại khác.
Như việc cho ăn, bệnh nhân Covid thở gấp suốt ngày, phải gắng sức rất nhiều nên mệt và càng không có sức để hô hấp dẫn đến khó thở hơn. Vòng xoáy này đẩy dần bệnh nhân đến chỗ suy hô hấp không hồi phục rồi tử vong. Chưa ai thống kê được có bao nhiêu người chết vì bão cytokin, bao nhiêu người chết vì suy kiệt. Chịu, không thể biết. Đại dịch mà.
Bác sĩ Phạm Minh Dân cùng khoa cho tôi thấy ví dụ rất cụ thể. Bệnh nhân của anh oxy máu đang 85, được cho ăn xong, oxy lên ngay 92. Thật là vi diệu. Tuy nhiên, cho người đang thở mặt nạ oxy ăn không khác gì trò ú tim với Covid.
Tôi bảo bệnh nhân: "Nào, ăn nhé". Người bệnh gật đầu. Tôi nhanh tay nhấc mặt nạ ra, đưa thật nhanh một thìa cháo. Người bệnh há mồm đón thìa cháo xong, tôi rút vội thìa ra, ụp mặt nạ oxy xuống ngay cho bệnh nhân, "thở tiếp đi". Làm chậm một tý là oxy máu tụt re. Phút sau: "Nuốt hết chưa, lại ăn tiếp nhé?".
Ngày đầu chưa có kinh nghiệm, chúng tôi đỡ bệnh nhân dậy, gỡ mặt nạ oxy ra "ăn cho nó đàng hoàng". Chưa "đàng hoàng" được vài thìa, họ đã lăn ra suy hô hấp dữ dội. Tôi gần 40 năm trong nghề mà bây giờ mới lần đầu gặp dạng khó thở dữ dội đến thế. Đấy là với những người bệnh vừa phải. Còn nặng hơn, chúng tôi phải đặt ống dạ dày để bơm sữa nuôi ăn. Nặng nhất thì đặt ven truyền dung dịch dinh dưỡng. Song, mùa dịch này tìm được dung dịch nuôi dưỡng qua tĩnh mạch rất khó.
Uống nước thì sao? Bệnh nhân khó thở, thở gấp suốt ngày, cùng với thở oxy dòng cao, mất nước rất dữ. Có người "khô" lại, máu cô đặc, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Người bệnh tất cả đều rất khát.
Ai còn khỏe tự uống được, và uống rất nhiều nước. Tuy nhiên, đang bận thở oxy thế này, uống nước còn khó hơn ăn, nhiều người môi khô nứt nẻ nhưng vướng mặt nạ oxy không uống được, nước đổ tung tóe mà không vào mồm. Dùng ống hút cắm vào cốc hút lên thì được, song lấy đâu ra ai phục vụ.
Các em điều dưỡng đã nghĩ ra cách cắt dây truyền dịch, cắm vào chai nước để người bệnh ngậm mút. Cách này khá hiệu quả nhưng chai nước nhiều khi đổ chảy ướt giường. Chúng tôi nghĩ đến bình nước của người chơi thể thao, có vòi hút, để cạnh cho bệnh nhân tự hút. Bình lại kín khít, tha hồ lăn trên giường mà không sợ đổ, thậm chí pha sẵn C sủi cho bệnh nhân uống tăng lực hoặc uống sữa. Tôi nghĩ đến bình uống nước của vận động viên đua xe đạp, có ống dẫn dài, luồn qua mặt nạ oxy cho bệnh nhân mút. Nếu có ai gửi tặng, chúng tôi sẽ thử ngay, hàng nghìn bệnh nhân đang chờ.
Tùy từng góc nhìn, nếu bạn chống Covid ở cộng đồng, chỉ tiếp xúc với người thể nhẹ, bạn thấy cuộc chiến này chỉ như cuộc dạo chơi. Bạn có thể cho rằng bài viết của tôi quá u ám hay cố tình bôi đen hiện thực. Nhưng tôi làm ở chóp nhọn của dịch bệnh, chỉ chiếm 5% số bệnh nhân, toàn người bệnh nặng, và khoảng một nửa bị tử vong. Nên trong mắt tôi, đại dịch này đầy chết chóc.
Người bệnh của chúng tôi cũng hiểu thế. Họ nhìn thấy các giường xung quanh cứ lần lượt ra đi. Nhiều người hoảng loạn. Có người cứ nằm khóc: "Bác sĩ ơi, cho tôi về, tôi không chữa nữa đâu, cho tôi về để tôi nhìn con tôi lần cuối". Có thanh niên nói: "Bác ơi, bác cố cứu tôi nhé, tôi còn con nhỏ, vợ tôi mới mất hôm trước rồi". Chúng tôi nước mắt lăn dài, cố tỏ ra vẻ gắt gỏng: "Chết thế nào được, nằm yên thở đều đi rồi sẽ khỏe". Những lời nói dối lúc này còn hiệu quả hơn thuốc. Vì bệnh nhân hốt hoảng sẽ thở nhanh hơn, đòi hỏi nhiều oxy hơn, sẽ quá sức chịu đựng của lá phổi đang tan nát.
An ủi bệnh nhân cũng tốt không kém gì oxy và thuốc. Cùng với nỗ lực điều trị, nếu chăm sóc tốt chúng ta sẽ dìu bệnh nhân qua những ngày cam go nhất và cứu được họ.
Còn về phía nhân viên y tế thì sao? Tôi biết họ chẳng mấy ai thích tự nói về mình, dễ mang tiếng kể công. Tôi biết nhiều đoàn trước khi vào vùng dịch được dặn "không đưa tin gì nhé".
Khi thông báo lấy người tình nguyện đi chống dịch, nhiều thanh niên ở bệnh viện tôi xung phong, trong đó có Tuấn Anh, bác sĩ trẻ đang học hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuấn Anh xung phong trong khi chưa tiêm mũi vaccine nào. Trong đoàn còn nhiều người như vậy, họ vẫn đi. Các trưởng đoàn đều là tướng lĩnh thực chiến, và họ chỉ từ 30 - 40 tuổi, vững chuyên môn.
Những người trẻ tuổi từ phía Bắc tiếp tục vào miền Nam sau chúng tôi. Có những bạn sốc nặng mấy ngày đầu. Sau khi vào buồng bệnh ra, nhiều bạn nữ ngồi thất thần, chắc không ngờ tình hình bệnh tật khốc liệt đến thế. Nhiều bạn còn thêm quá tải về sức chịu đựng của con người, mệt, mất nước, đuối sức và ám ảnh bệnh tật.
"Không sao, mấy ngày đầu chưa quen, mệt thì cứ nghỉ", chúng tôi bảo thế. Không ai nỡ nghỉ, vì nghỉ thì phần việc của mình lại chất lên vai người khác. Rồi rất nhanh, tôi lại nghe thấy tiếng cười đùa trêu chọc nhau xen lẫn ồn ào đủ mọi cung bậc của khoa phòng thời chiến.
Căn bệnh bí ẩn đang thách đố Y học cả thế giới. Với Việt Nam, nó lại càng thách thức. Những nhân viên y tế trẻ đang làm những gì tốt nhất cho người bệnh. Tỷ lệ tử vong ở Bình Dương đang ở mức thấp, một phần thưởng cho nỗ lực của họ.
Tuần trước, người của báo liên hệ tôi để phỏng vấn. Tôi không muốn báo đưa bài kiểu như "Một bác sĩ già đi chống dịch". Và rằng có một sự thật vô cùng lớn mà mọi người cần biết: Cuộc chiến này đang nằm trong tay những nhân viên y tế trẻ của nước mình.
BS Quan Thế Dân / VNEpress
_____________________________________
No comments:
Post a Comment