Thursday, September 9, 2021

Cảm nhận về ca khúc Chiều Cuối Tuần của Nhạc Sĩ Trúc Phương

Đông Kha

“Ai quên ai khi bàn tay trót nằm trong lòng tay rồi…”

Những buổi chiều đã đi vào trong nhiều ca khúc, thường là nhạc buồn. Từ thời tiền chiến, những ca khúc như Chiều Vàng, Chiều Tím, hoặc sau đó là Nắng Chiều, Chiều Thu Ấy, Bóng Chiều Tà… đều buồn. Không thể kể hết những ca khúc viết về những buổi chiều và nỗi buồn được nhắc đến trong đó.

Đó có thể là nỗi buồn biệt ly hoặc đưa tiễn trên sân ga trong Chiều Sân Ga, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, buổi chiều buồn của người chiến sĩ trong Chiều Hành Quân, Chiều Hoang Vắng, những chiều lẻ loi trên đường phố thành đô trong Chiều Một Mình Qua Phố, Chiều Nay Không Có Em, Đường Chiều…

Tất cả những ca khúc “chiều” đó đều đã trở thành bất tử, nhưng có một ca khúc “chiều” khác được đông đảo khán giả yêu thích hơn cả, đó là Chiều Cuối Tuần, một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Trúc Phương.

Chiều trong nhạc của Trúc Phương không buồn như những ca khúc khác, mà mang được nét mơ mộng, những rộn ràng tình nhân trên phố, dù phảng phất trong đó nỗi nhớ nhung xa cách : “Vắng anh trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn…”

Kinh đô cũng là thủ đô, nhưng cách dùng chữ kinh đô, kinh kỳ hoặc là kinh thành… của các nhạc sĩ nhạc vàng xưa đã làm cho câu hát gợi vẻ cổ phong, gợi nhớ về hình bóng người chiến sĩ tiếp nối nghìn năm xưa đi bảo vệ giang san.

Anh ơi tôi lên đường phố cũ tìm anh chiều hẹn hò

cho nhau niềm vui cuối tuần vì hơn mấy lần

vắng anh trời kinh đô nghe xao xuyến bước cô đơn

Đến hẹn ngày anh lính về lại thăm phố cũ, thăm người yêu bé nhỏ, nên nàng xúng xính điểm trang rồi thẹn thùng pha lẫn niềm hân hoan khi bước ra phố hẹn hò. Đây là dịp hiếm hoi vì không phải cuối tuần nào người trai chinh nhân cũng được về phép, được cho nhau niềm vui cuối tuần cùng với người yêu. Trong những buổi chiều vắng nhau hôm trước, người thiếu nữ đã ngại ngùng bước chân trên chốn kinh đô đông người và rợp đèn hoa mà chỉ thấy lòng cô đơn vô hạn.

Người chinh nhân quanh năm ở vùng rừng sâu núi thẳm, hoặc nơi xa xôi của chiến địa nào, có thường hay nhớ về người tình nhỏ này cùng lời thề ước mối tình chung thủy ? Nhạc sĩ Trúc Phương đã trả lời thay cho người trai nơi trận tuyến :

Ai quên ai khi bàn tay trót nằm trong lòng tay rồi
em ơi dù hai chúng mình mộng xưa khó thành,
biết nhau chiều hôm nay xin nhớ mãi về sau này

Khi bàn tay mình đã tìm đến nhau trong những chiều dạo phố, tay người nằm trong lòng tay anh rồi, thì đó cũng như là một khế ước tình yêu không cần lời diễn tả. Tình nước nặng mang, dù mai đây thời cuộc có chia rẽ hai chúng mình, dù mộng xưa có khó thành, thì cuộc tình cũng đã trở thành mãi mãi, dù chỉ một lần có nhau nhưng sẽ không bao giờ nhạt phai trong tim người, vì hình bóng kia đã in sâu vào mỗi bước đời rồi

Ghi vào đời hình bóng một người

đôi lúc chân mơ giày khua lối ngõ

tâm tư bâng khuâng nghe chiều biệt ly theo khuất nẻo người đi

Khi tôi đưa chân người tôi mến tạm xa biệt kinh thành

mong sao đừng quên mỗi lần chiều qua cuối tuần

có tôi đợi trông anh khi phố cũ vừa lên đèn

Buổi hẹn hò của đôi tình nhân trong một buổi chiều cuối tuần rồi cũng như cơn gió vụt qua nhanh, để lại những bâng khuâng, những nỗi niềm con gái khi nhìn theo bóng chinh nhân khuất nẻo. Nàng mong rằng những lần biệt kinh thành như vậy chỉ là lần “tạm rời xa”, và mong người yêu hãy biết rằng cứ mỗi chiều cuối tuần sẽ luôn có một người đứng chờ một người trở lại khi phố cũ vừa lên đèn.

Nhắc đến nhạc Trúc Phương, một điều dĩ nhiên là nhắc đến giọng ca Thanh Thúy. Cô cũng đã đóng dấu giọng hát liêu trai và thổn thức của mình trong ca khúc này.

...   ...   ...

Đông Kha

Nguồn : nhacvangbolero.com

__________________________________

No comments:

Post a Comment